“Nếu ngôi nhà có một trái tim, thì nó phải nằm trong gian bếp của mẹ.”
Ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Hà thành nói riêng là chủ đề luôn hấp dẫn mình muôn thuở. Hôm rồi dạo nhà sách Cá Chép chơi, vô tình nhìn thấy quyển sách có cái bìa dễ thương và hồn hậu quá – “Bếp ấm của mẹ”. Cầm lên đọc giới thiệu như bắt được vàng vì trúng chủ đề ẩm thực mình yêu thích.

“Bếp ấm của mẹ” là quyển hồi ký của nữ quay phim truyện đầu tiên và duy nhất của Điện ảnh nhà nước về những năm tháng ấu thơ tươi đẹp của người con gái phố Hiến và Kẻ Chợ (những tỉnh lỵ trọng yếu của vùng Bắc Bộ) ở giai đoạn tiền chiến cùng những biến thiên khốc liệt của thời cuộc qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Gọi là bếp ấm của mẹ, nhưng mẹ của bà Thảo đã mất từ sớm sau 2 tháng kể từ khi bố bà qua đời vì bạo bệnh. Lúc đấy Bé (tên gọi ở nhà của bà Thảo) chỉ mới còn nhỏ xíu, cùng bốn anh chị em về sống với gia đình bác Tam (chị gái ruột của bố bà). Ấy vậy, bếp ấm trong ký ức tuổi thơ của Bé lại là căn nhà đầy ắp tình thương của gia đình bác Tam và các anh chị em sống đùm bọc với nhau.

Nhà của bác Tam rộn ràng nhất là mỗi dịp có khách đến chơi thăm, chị Cả – con dâu của bác Tam lại có dịp tỉa tót bày biện cỗ bàn để đãi khách, và Bé lại được vào bếp xem chị nấu ăn. Với Bé, gian bếp luôn là một không gian rất thiêng liêng, và Bé yêu từng món ăn đậm hồn dân tộc của các chị các bác nấu, đến nỗi đến trung học Bé chỉ muốn vào trường nữ học Trưng Vương để học nữ công gia chánh. Trong “Bếp ấm của mẹ”, độc giả sẽ được quay lại thập niên 50 của những nếp nhà nền nếp gia phong đất kinh kì, với những món ăn một thời quá vãng được tái hiện qua hồi ức của Bé như bún thang, cuốn ngỏ, gà tần sen nấm, ốc hấp lá gừng, hay các loại bánh trái mùa xưa như oản, bánh Tô Châu, bánh củ cải, bánh bẻ, kẹo lạc và bánh chả, bánh mặt trăng, bánh su sê…

Mỗi một món ăn là một đoạn hồi ức về những ngày xa xưa ấy ở nhà bác Tam, được chắp nối lại nhờ quyển sổ công thức mà bác Tam và chị Cả truyền lại cho mấy dì nhà Vú em để làm cỗ làng cỗ họ dưới quê. Sau chiến trận, nhà cửa tan hoang, may mà quyển sổ vẫn còn nguyên vẹn nên Bé mới xin dì Mận, dì Hạnh lại để giữ gìn công thức gia truyền của gia đình.

Tháng ngày tươi đẹp của Bé rồi cũng qua đi khi chiến tranh đến, giặc Pháp càn quét xóm làng. Gia đình bác Tam và bác Ký của Bé buộc phải ly tán, bé cũng phải theo chị Bống cùng anh Phê, anh Còm ra vùng tự do Thanh Hóa để tiếp tục việc học. Những mâm cỗ cầu kì và tập tục truyền thống của gia đình bác Tam rồi cũng mai một theo thời cuộc khi điều kiện kinh tế và xã hội đương thời không cho phép những kiểu cách tiểu tư sản. Thậm chí, bác Tam, bác Ký của Bé còn bị chính quyền quy vào tầng lớp bóc lột, địa chủ cường hào. Anh cả Ân của Bé từ lúc niên thiếu đã sống xa gia đình và đi theo con đường cách mạng nên không có mối lấy liên kết với gia đình người bác của mình. Trong mắt anh, mấy chị em của Bé không nên dính líu đến gia đình bác Tam càng nhiều thì càng tốt cho lý lịch, phải tự lực cánh sinh và không được dựa dẫm vào ai.
Thời buổi kinh tế thị trường, tấc đất tấc vàng, miếng ăn ké cũng là miếng nhục, nhịp sống vui vẻ nhà bác Tam không còn vui được bao lâu thì chị Hiến con gái bác lại bắt đầu trở nên cáu kỉnh, khó chịu, chị đổ thừa cho Bé ăn bớt quả cam, quả quýt chị làm hàng để bán, tới nỗi Bé đang ngủ với bác Tam cũng bị chị cấu dậy và đổ thừa đã ăn cắp tiền của chị khiến bác Tam phải bật lên nức nở: “Một là chị giết tôi đi, hai là chị đi chỗ khác mà ở, chị định vu oan giá họa gì?” Đọc đến đoạn này, mình không khỏi kiềm lòng mà rơi nước mắt vì thương cho hoàn cảnh của Bé ở lúc đó, cũng như phẫn uất thay cho người mẹ là bác Tam khi có cô con gái như vậy. Mà trách ai, ai trách, bây giờ trách ai khi thời cuộc khiến nhân cách con người ta cũng thay đổi.

Chặng đường phía sau của quyển sách là mảng hồi ức vụn khi Bé lựa chọn ra ở riêng để chị Hiến không còn có cớ cau có với bé, để gia đình bác Tam cũng đỡ thêm gánh nặng. Bé trưởng thành và theo học lớp phiên dịch tiếng Trung, sau này làm thông dịch viên ở công trường gang thép, và rồi trở thành nữ quay phim truyện đầu tiên ở Việt Nam nhờ suất học bổng sang Trung Quốc du học về quay phim. Nữ quay phim Đỗ Phương Thảo cũng là người quay phim cho sự kiện “Tang lễ Bác Hồ” năm 1969.
Và mãi đến bây giờ trong căn nhà 39A Lý Quốc Sư (Hà Nội), cô Bé ngày nào đã trở thành một bà lão sống cùng cậu con trai là họa sĩ Lê Thiết Cương ở một gallery nhỏ, chưa bao giờ ngừng tất bật trong gian bếp ấm hơi khói để chuẩn bị những bữa cơm ngon cho con trai đãi khách đến chơi nhà. Xin kết lại bằng lời bình của nhà báo Vũ Thủy: “…bà Thảo vừa như một tín đồ nâng niu gìn giữ vừa như một hiện thân của quá khứ, của những tầng lớp văn hóa tiếp biến qua nhiều thế hệ.”