Có đôi lúc bị mắc kẹt trong những khối bê tông cao tầng, nhìn ra bầu trời thấy mảng xanh thì ít mà mảng xám thì nhiều, mình lại nhớ tới những ngày cả mình và thế giới này còn xanh.
Mình nhớ những ngôi nhà ba gian mái ngói dưới quê, mỗi đêm mưa nằm nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái ngói, trên chái nhà văng vẳng tiếng mèo kêu đêm cùng tiếng dế tiếng ếch nhái đồng vọng từ ngoài đồng.
Mình nhớ những khoảnh sân đất trước nhà phủ đầy cây và hoa, mỗi mùa mưa xuống là đất lại lầy lội đầy bùn và nước đọng thành từng vũng lớn, lũ vịt có thể kéo nhau ra bơi bì bõm ở chiếc ao trời mới tạo sau một trận mưa to.
Mình nhớ mảnh vườn um tùm sau nhà, nào cây vú sữa, cây chùm quân, cây mận, cây mãng cầu, cây chùm ruột, cây thị, cây dừa, rồi giàn mướp phủ che chuồng vịt luôn trổ hoa vàng mấy độ mà lũ ong bướm suốt ngày vo ve trên giàn.
Mình nhớ những bờ rào trồng toàn hoa dâm bụt, hoa lồng đèn, đi khắp làng trên xóm dưới nhà nào cũng có hàng rào dâm bụt, hoa đỏ rực luôn nở quanh năm suốt tháng, cũng là nơi tụi con nít thường hay ẩn nấp mỗi khi chơi trốn tìm.
Mình nhớ những ngày dang nắng ngoài đồng đi câu cá, hay lội ruộng bắt cua bắt ốc sau những ngày mưa tầm tã, mấy chú cá con được bỏ vô lon sữa bò rồi xách đi lon ton khắp xóm. Mình nhớ những ruộng đồng gò bãi trải dài tới tận cuối chân trời, đi trên cánh đồng như lạc giữa một miền xanh miên viễn không thấy lối về, mà những mùa gặt lúa chín như ai dát vàng cả một góc trời.

Mình nhớ những cơn mưa mùa hạ, nước chảy róc rách khắp các con mương, lũ cá lòng tong và nòng nọc bắt đầu sinh sôi nảy nở. Lũ trẻ có thể ngồi cả ngày bên bờ ruộng không biết chán chỉ để ngắm tụi nòng nọc bơi. Mình nhớ những ngày cả đám con nít trong xóm kéo nhau đi tắm mưa rồi trượt chân té xuống vũng sình, xong ù té chạy tới những mái nhà có máng xối nước mưa đang tuôn ra ào ào.
Mình nhớ những đêm trăng rằm, mọi người trong xóm đều ngồi chơi trước hiên nhà, ngước lên trời thấy trăng tròn vành vạnh và bầu trời đầy sao, ánh đèn dầu tù mù ở quê chưa bao giờ sánh được với ánh trăng rằm.
Mình, đã sống qua mười tám năm như thế, khi lớn lên từ một chốn thôn dã trong sự bảo bọc của thế giới tự nhiên. Để rồi mười năm sau đó, mình luôn sống chật vật khổ sở như một cái cây bị bứng khỏi cánh rừng, để trồng vào một chậu cây kiểng nơi phố thị phồn hoa.
Theo tác giả Johann Hari của cuốn sách Lost Connection, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm và lo âu ở người trưởng thành là sự mất kết nối với thiên nhiên. Khi đọc tới nguyên nhân này, mình gần như vỡ lẽ ra khi lý giải được sự bức bối khó chịu của mình suốt quãng thời gian trưởng thành khi bị ngắt kết nối khỏi thiên nhiên.
Để hiểu tại sao chúng ta cảm thấy khỏe mạnh hơn trong những cảnh quan thiên nhiên, bạn phải bắt đầu với một điều thực sự cơ bản: “Chúng ta là động vật, nhưng chúng ta cứ quên chuyện đó đi”, và nếu là động vật thì “thứ này được tạo ra để di chuyển”, cô chỉ tay vào người mình.
Cô nói, khi chúng ta tìm kiếm giải pháp cho những cảm xúc tồi tệ của mình, chúng ta cố gắng tìm kiếm nó trong ngôn ngữ, và trong những biểu tượng mà chúng ta đã tạo ra với tư cách một loài. Nhưng những biểu tượng này, so với chiều dài lịch sử, thì chỉ mới xuất hiện rất gần đây.
“Chúng ta đã là động vật không xương sống gần năm trăm triệu năm. Chúng ta đã là động vật có vú trong khoảng hai trăm năm mươi cho tới ba trăm triệu năm. Chúng ta đã là động vật linh trưởng trong sáu mươi lăm triệu năm… Chúng ta đã từng là những động vật di chuyển lâu hơn là những động vật biết nói và biết truyền đạt các khái niệm”.
(Bản dịch của Saigon Books)
Đã có nhiều khoảng thời gian, mình miệt mài đi kiếm tìm bóng dáng của thiên nhiên trong đời sống đô thị. Mình tìm đọc những cuốn sách viết về thế giới tự nhiên, đời sống của động vật và thực vật – tất cả những cuốn sách được xuất bản trên thị trường. Mình tìm xem hàng loạt series phim tài liệu của Sir David Attenborough về hành tinh của chúng ta và thế giới động vật. Mình tìm đến những bộ phim đặc tả khung cảnh thiên nhiên thanh bình chốn làng quê, cả Việt Nam và nước ngoài. Tất cả mọi thứ, cũng chỉ để khỏa lấp phần nào nỗi nhớ thiên nhiên luôn không ngừng dậy sóng bên trong mình.

Bạn có thể trồng một vài chậu cây xanh trong nhà, bạn có thể mua vài postcard hay tranh ảnh về thiên nhiên treo trong nhà, bạn có thể đọc – nghe – xem về thế giới tự nhiên, nhưng bấy nhiêu đó thôi thì không đủ, chúng chỉ là vài giọt nước nhỏ rơi xuống một mặt hồ đã cạn nước đến cằn cỗi.
Hồi mới chuyển trọ từ thời sinh viên, mình chuyển đến sống trong một chung cư ở con hẻm nhỏ, bao quanh là rất nhiều vườn nhà và cây cối như một vùng nông thôn lọt thỏm giữa thành phố. Nhưng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt chỉ trong vòng 5 năm, quang cảnh thiên nhiên nhiên mình từng thấy mỗi ngày trước đây đã chết hoàn toàn. Con đường đất được đổ nhựa, căn nhà vườn được xẻ lô chia đất và mọc lên những căn nhà bê tông, mảnh vườn hoang kéo dài cả con hẻm trở thành một đại siêu thị hoành tráng. Có rất nhiều cái cây đã ngã xuống, nhường chỗ cho sự đô thị hóa mọc lên và giết chết tất cả những gì thuộc về thiên nhiên. Từ dạo ấy, đôi lúc trở về nơi mình trọ mỗi ngày, mình lại cảm thấy lạc lõng khi nó không còn là nơi mình thích trước đây nữa. Nhưng chuyển đến chỗ nào cũng thế, khi thành phố rồi cũng sẽ mất dần những mảng xanh.

Trong series Anne With An E mình xem gần đây, có một tình huống khá thú vị khi trong ngày diễn ra hội chợ thường niên của đảo Edward, Anne gặp hết chuyện buồn này đến chuyện buồn khác – từ chiếc bánh làm theo công thức của Mary quá cố thất bại thảm hại, tới căn bệnh cảm cúm, rồi tới cậu trai Gilbert mà Anne thầm thương trộm nhớ đang tay trong tay với một cô gái xinh đẹp khác.
Thế giới bên trong Anne dường như sụp đổ, và cô bé chui ra phía sau một chiếc xe ngồi buồn bã thẫn thờ. Nhưng sau đó, khi ba mẹ nuôi kéo Anne đi khinh khí cầu để thay đổi tâm trạng, lần đầu tiên trong đời Anne được chứng kiến toàn cảnh đảo Edward từ trên cao. Anne phóng tầm mắt ra xa khắp hòn đảo, nhìn thấy bạt ngàn cây rừng, mây trời và phía xa là biển rộng, ngay bên dưới mỗi người chỉ còn như một dấu chấm nhỏ. Đột nhiên Anne chợt nhận ra, những rắc rối mình gặp phải bé xíu trước sự vĩ đại của mẹ thiên nhiên, chúng chẳng là gì cả và mình không nên quá bận tâm về chúng nữa.
Ý niệm này của Anne phần nào giống với kết luận của tác giả Johann Hari trong cuốn Lost Connections, rằng khi đối mặt với thế giới tự nhiên, bạn sẽ có cảm giác rằng chính bạn và những mối bận tâm lo lắng của bạn hết sức nhỏ bé, còn thế giới này thì quá rộng lớn. Khi chuyển đổi góc nhìn trong khung cảnh thiên nhiên ấy, vấn đề của bạn đột nhiên sẽ được thu nhỏ lại như khi zoom out trên chiếc ống nhòm, và bạn sẽ thấy nó không còn thực sự là vấn đề nữa, và bạn sẽ thấy mình không còn cô độc trong sự bảo bọc của mẹ thiên nhiên. Bản ngã của bạn lúc đó đã hòa tan vào thế giới tự nhiên.

Đọc đến đoạn này, mình chợt nhớ đến những trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên trước đây. Khi mình đứng trên đỉnh núi Tà Cú ở quê, nhìn xuống bao quát cả một vùng không gian rộng lớn của tỉnh và phía xa là màu xanh của biển, mình mới thấy được thiên nhiên hùng vĩ như thế nào. Khi đứng trên một resort ở đỉnh núi Sam, nhìn xuống vùng đồng bằng châu thổ, mình thấy bạt ngàn những cánh đồng xanh mướt chạy xa tít tắp đến tận chân trời và những đàn cò trắng bay thẳng cánh. Khi ngồi thuyền chạy trong rừng tràm Trà Sư, mình chạm tay vào mặt nước và lướt đi như một cơn gió giữa những vạt bèo trôi và vòm rừng trên đỉnh đầu. Không gian rộng lớn của thiên nhiên chưa bao giờ thôi làm mình nức lòng.

Và rồi mình lại nhớ đến những ngày còn nhỏ, khi mình chân trần chạy trên cánh đồng sau mùa gặt để thả diều, mình nghe thấy mùi khói đốt đồng từ phía xa, mùi hạt điều nướng trong đống tro, mùi càng cua ngai ngái vùi tro đập ra ăn thơm phưng phức. Mình nhớ đến những ngày chạy trên bờ ruộng trong một chiều gió lộng, chỉ có mình lọt thỏm giữa cánh đồng xanh diệu vợi, và bao quanh mình là ruộng lúa và gió trời, với mây trên đỉnh đầu và bùn đất dưới chân.
Và mình lại thấy nhớ…
2 bình luận
Đọc đoạn hồi tưởng lại ngày xưa của anh ở đầu bài viết, đầu em chợt nghĩ ngay đến bài hát Quê hương tuổi thơ tôi của Mỹ Tâm.
“Tôi yêu quê tôi, xanh xanh luỹ tre
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi
Đường lang quanh co, sông thu êm đềm
Thả diều đá bóng, nắng cháy giữa đồng
Biển trời mênh mông, tôi bay ngày ấy
Tiếng tu hú gọi, thấy nhớ biết bao
Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa
Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè
Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường
Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy
Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Những câu chuyện cổ mẹ kể năm nào”
Đúng là người mà ta nhớ nhất lại là ta của ngày xưa anh nhỉ!
Tôi nhớ tôi của ngày xưa quá thôi <3