
Những ngày giãn cách xã hội, mình quyết định mua một nồi cơm điện mini để nấu cơm ở nhà, thay vì dùng ké chiếc nồi lớn của chủ nhà cũng khá bất tiện. Trước đó, một chị bạn mình đã đăng một status để khảo sát về nồi cơm điện mini từ những người quen, và có rất nhiều đề xuất được đưa ra, cuối cùng mình lại chọn chiếc nồi Philips vào vòng chung kết, trong khi chị mua chiếc nồi còn lại của Hàn Quốc.
So với loại nồi cơm điện mini thông thường, chiếc nồi mình mua có giá đắt gấp đôi với bảng điều khiển cảm ứng, 5 kiểu nấu khác nhau,… Những tưởng một chiếc nồi hiện đại như vậy sẽ làm mình hài lòng, nhưng thực tế thì ngược lại. Vì quá hiện đại nên phích cắm điện là loại phích ba chấu chuẩn quốc tế, thay vì phích hai chấu thông thường, nên mình không thể cắm vào được bất kỳ ổ điện nào trong nhà, và phải tốn thêm tiền mua cục chuyển đổi phích. Và mình chợt nhận ra một sai lầm ngớ ngẩn nữa là, nồi cơm điện thì chỉ cần để nấu cơm và giữ ấm cơm thôi mà, chỉ cần một nút bấm đơn giản là được – đâu cần tới 6 nút bấm trên màn hình cảm ứng để làm gì?
Đôi lúc hiện đại quá thì “hại điện”, càng có nhiều lựa chọn và tính năng, chúng ta lại cảm thấy giá trị mình nhận được càng ít. Nghịch lý này không chỉ ứng với chiếc nồi cơm điện mình mua mà còn trên nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.
Trước đây khi đăng ký tài khoản Netflix, mình từng hủy gói đăng ký trên ba lần vì thực tế là mình không coi quá nhiều phim, nhưng mỗi tháng vẫn phải trả phí subscription. Lý do mình đăng ký trở lại thường là có một series gì đó mới ra chỉ có trên Netflix mà mình muốn xem. Bước vào Netflix quả thực như bước vào thiên đường giải trí cho dân mê điện ảnh, bạn có thể xem từ phim lẻ tới phim bộ, phim tài liệu, phim hoạt hình; từ phim Mỹ, phim Hàn, phim Thái cho tới cả phim Việt Nam từng chiếu rạp. Lần đầu tiên mình đăng ký Netflix cách đây nhiều năm là khi nghe tin Netflix mua lại trọn bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli. Là một tín đồ của Ghibli nên nghe tin này mình háo hức vô cùng, vì được xem đủ bộ mà còn chất lượng hình ảnh cực cao thì còn gì thích bằng.
Nhưng thực tế là, kể từ khi đăng ký Netflix cho tới gần 4 năm sau đó, mình chưa bao giờ xem được một bộ phim Ghibli nào trọn vẹn. Có lẽ vì hầu hết phim mình đều đã từng xem trước đây nên không có nhu cầu xem lại khi đã biết trước nội dung – cảm giác háo hức không còn như ngày bé, dù cho chất lượng hình ảnh và âm thanh cao hơn rất nhiều lần so với các bản phim lậu hay DVD mình từng xem. Có ngược ngạo hay không khi một thời mình từng ước ao có một nơi như Netflix để mình xem phim Ghibli thỏa thích, để rồi khi có một nền tảng như vậy tồn tại thật, mình lại không còn hứng thú và thời gian để xem.

Không chỉ trong chuyện xem phim mà đọc sách cũng vậy. Có bao giờ bạn đọc lại một cuốn sách lần thứ hai sau một khoảng thời gian, chỉ vì nó quá hay và đơn giản là bạn muốn đọc lại để hiểu thêm một tầng nghĩa nào khác của cuốn sách? Dù là một mọt sách chính hiệu, nhưng thú thật là trong chục năm gần đây, mình chưa bao giờ đọc lại một cuốn sách lần thứ hai, ngay cả khi nó là cuốn siêu siêu hay với mình. Lý do đơn giản là vì: Tại sao mình phải đọc lại một cuốn sách đã đọc – trong khi có hàng tá cuốn sách mới hấp dẫn mình chưa đọc? Câu hỏi này cũng phản ánh thực trạng mua và đọc sách của mình – trên thực tế số sách mới hay, hấp dẫn, được mình tuyển chọn kỹ càng lên tới con số hàng chục và hàng trăm cuốn mình mua về để đó chưa đọc, nên khả dĩ chuyện đọc lại một cuốn sách cũ không bao giờ nằm trong danh sách việc cần làm của mình.
Nhưng có đôi lúc, mình rơi vào một loại phức cảm khá kỳ lạ, đó là khi mình đang nằm đọc sách, bên cạnh là gần chục cuốn sách mình đang đọc luân phiên – cuốn nào đề tài cũng hay, nội dung cũng hấp dẫn, mở ra cả bầu trời kiến thức với mình, nhưng sâu thẳm bên trong, mình lại có cảm giác thừa mứa và bị ngộp kiến thức. Cảm giác giống như bạn nhồi nhét quá nhiều thông tin vào đầu cùng một lúc, nên khiến cho bạn bị quá tải thông tin.
Gần đây mình mới để ý một hiện tượng kỳ lạ xảy ra với bản thân, đó là khả năng tưởng tượng của mình bị sụt giảm nghiêm trọng, có thể nói như bị trơ ra, bị vô hiệu hóa. Mình nhớ những lúc còn nhỏ, mỗi khi nằm đọc một cuốn sách hay nghe một bản nhạc, trong tâm trí mình tưởng tượng đủ thứ chuyện, mình hoàn toàn nhập tâm vào thế giới tưởng tượng đó như một linh hồn trôi dạt tới miền Cực Lạc của tâm trí. Nhưng ở hiện tại, vẫn là nằm đọc một cuốn sách hay nghe một bản nhạc, tâm trí mình giờ như một con diều bị ai đó cột dây, chỉ bay lên được một quãng ngắn trong những câu từ hay lời nhạc, mà không bay vút lên được tận bầu trời.

Sau nhiều ngày nhiều đêm trăn trở truy tìm nguyên nhân, mình cũng tìm thấy lời giải đáp qua cách mình input (nạp) thông tin. Thế giới mình sống trước đây, ở thời mà Internet chưa phát triển, các nguồn thông tin khan hiếm hơn bây giờ rất rất nhiều. Bạn muốn tra cứu thông tin gì đó thì phải lên thư viện hoặc sử dụng máy tính của thư viện, thời đó không phải nhà nào cũng có máy tính để bàn có kết nối Internet. Những tài liệu như sách báo, tạp chí thuộc loại của hiếm, một đứa khát đọc như mình phải nhặt từng mẩu báo cũ gói hàng của nhà mình để đọc ngấu nghiến từng mẩu thông tin. Và một đứa nhỏ thì làm gì có tiền mua sách, khi nó phải để dành tiền ăn sáng rất nhiều tuần mới mua được một cuốn truyện hay cuốn sách, nên số lượng đầu sách hay đầu phim mình đọc, xem ít hơn bây giờ rất nhiều.
Trong một thế giới khó khăn và thiếu thốn như vậy, trí tưởng tượng của một đứa nhỏ được dịp phát huy ở công suất tối đa, và với những đứa trẻ hướng nội thì đó là cả một bầu trời bao la. Nhưng trong thế giới hiện đại, các nguồn thông tin lại trở nên quá thừa mứa, mỗi ngày bạn nạp vào đầu hàng tá thông tin “rác” trên mạng – từ những trang tin lá cải, status Facebook khoe khoang bản thân, fake news đến các đoạn clip ngắn trên Youtube, Instagram, Tiktok,… Một người trưởng thành, đi làm bây giờ có thể dễ dàng mua sách, tải ebook, truy cập Internet vào vô số kho dữ liệu, thông tin trên mạng.
Bạn còn nhớ số ebook bạn từng tải xuống chứ? Chắc hẳn là giống mình, tải hàng trăm ebook, rồi để đó, không biết khi nào đọc tới – đơn giản là vì còn quá nhiều thứ khác chưa đọc. Hay hàng chục bộ phim bạn lưu lại, hàng tá đường link bạn bookmark rồi tự nhủ khi nào rảnh sẽ xem – mà cái rảnh đó là không biết khi nào.
Sống trong một thế giới thừa mứa thông tin và có quá nhiều lựa chọn, dường như chúng ta lại càng có ít không gian và thời gian dành cho bản thân hơn, để được đọc, được xem, được nghe, được nhìn thật sự – chứ không phải nạp vào tất cả những thứ đó chỉ vì hội chứng FOMO, sợ bị bỏ lỡ điều gì đó hay ho thú vị.

Có một lần mình cùng một người bạn đi xem kịch nói ở sân khấu kịch Phú Nhuận, Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên mình trải nghiệm xem kịch nói sau khi nghe nhiều bạn review khen hay. Mặc dù bài trí sân khấu rất tốt, diễn viên diễn rất hay, nhưng mình nhận ra là mình không thể nào tập trung xem được vở kịch một cách trọn vẹn, trong chánh niệm. Trên đường về, mình cứ mãi suy ngẫm về trải nghiệm đó, tại sao lại như vậy? Hóa ra, sau một thời gian nuông chiều bản thân với những video clip ngắn trên Youtube, Facebook Watch, với những bộ phim online mà xem tới khúc nào chán thì tua qua cho nhanh, mình đã quen là người kiểm soát nhịp điệu của những thứ xung quanh. Lẽ vậy nên khi bước vào rạp xem kịch, mình rơi vào thế bị động, không thể tua nhanh qua những đoạn chán, cũng không thể tua lại những đoạn hay, và phức cảm đó làm mình bức bối tới khó chịu.
Hôm nay, mình đọc được một câu hỏi trong một group đọc sách, một em nọ chia sẻ rằng không hiểu sao em ngày càng mất tập trung khi đọc sách, và không thể nào tập trung đọc được một cuốn sách, ngay cả khi nó rất hay. Câu hỏi của em tuy nhỏ mà lớn, nó không đơn thuần là bí quyết đọc sách tập trung nữa, mà đã là nan đề của thời đại khi chúng ta dần trở thành nạn nhân của lối sống nhanh, sống vội thời kỹ thuật số. Với một vài cú chạm là có thể đọc được những thông tin hay ho thú vị và ta có thể dễ dàng lướt qua những những thông tin khô khan chán òm – điều gì khiến bạn đủ kiên nhẫn đọc một cuốn sách trung bình 200-300 trang, tương đương 70.000-100.000 chữ?
Khi nhận ra bản chất của tất cả những điều này sau một quá trình tìm kiếm, mình đã giật mình thảng thốt vì lối sống “tha hóa” của chính mình và những người xung quanh. Chao ôi, chúng ta đã sống ra sao để trở thành những con người thiếu kiên nhẫn và mất tập trung đến vậy? Và kể từ đó, mình cũng dặn lòng phải sống chậm lại để đón nhận và trải nghiệm những điều mình đọc – nghe – xem – nhìn – cảm một cách thật trọn vẹn và sâu sắc.
Càng có nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, chúng ta càng có ít nhu cầu sử dụng các tiện ích công nghệ hơn.
Càng có nhiều lựa chọn, chúng ta càng có ít khả năng đưa ra quyết định thực sự cho mình.
Càng có nhiều đồ đạc trong nhà, chúng ta càng có ít không gian thực sự cho bản thân.
Càng nạp nhiều thông tin, chúng ta càng có ít không gian thực sự cho tâm trí.
Nghịch lý cuộc đời là đôi khi càng nhiều mà hóa ra lại càng ít.
2 bình luận
Xin chào, mình là một độc giả của blog bạn được một thời gian kha khá, và mình cũng từng có tặng bạn một quyển sách đó, nhưng mình chưa để lại comment trên blog bạn bao giờ, cho tới hôm nay. Bài viết này của bạn thật sự giúp mình giải đáp một trăn trở của mình suốt thời gian qua.
Những gì bạn nói đúng chính xác là những gì mà mình gặp phải. Nếu ngày nhỏ mình có thể đọc một quyển sách vô cùng chuyên chú và tập trung, thì bây giờ mình không còn tài nào làm được như vậy. Cho dù cuốn sách hay đến đâu, mình chỉ có thể duy trì lâu nhất là 3-4 tiếng là cùng, và mình cũng cảm thấy khả năng tưởng tượng mình bây giờ gần như cạn kiệt. Từ cách đây bảy năm mình cũng không còn khả năng viết về cảm xúc của mình nữa. Mình cũng để tài khoản netflix dù không mấy khi xem, và cũng từng tự nhủ sẽ đọc lại một quyển sách nhưng cuối cùng chẳng bao giờ động đến.
Mình đã rất khó chịu vì không hiểu được điều gì khiến mình thay đổi như vậy, có khi còn bực tức vì cảm giác như mình đang đánh mất bản thân. Một phần thì mình nghĩ nó cũng do sự mất kết nối với con người mình, vì mình đã ép bản thân vào môi trường hướng ngoại trong thời gian khá dài. Nhưng một phần nữa thì mình chợt nhận ra có lẽ mình đang thực sự bị FOMO. Mình luôn lo lắng là những gì mình biết là không đủ tốt, và cứ cố gắng hấp thu càng nhiều thông tin càng tốt. Mình luôn nghĩ là mình đã tập được cách sống chậm, nhưng với riêng việc thu nạp thông tin có lẽ mình vẫn còn quá vội vã. Và mình thật sự muốn cảm ơn bạn là đã giúp mình nhận ra điều này thông qua bài viết.
Những bài trong chuyên mục Sống Chậm – Gap Year của bạn thực sự rất hay, và blog bạn là một trong những blog hay nhất mình theo dõi. Keep up the good work! Chúc bạn sức khỏe và thành công.
Chào Helen,
Mình còn nhớ Helen từng gửi tặng mình cuốn sách ^^
Thời sinh viên, mới xa nhà, mình từng viết rất nhiều về trời mưa và những ký ức tuổi thơ. Nhưng tới khi ra đời, càng trải nghiệm càng va vấp nhiều, cảm xúc của mình cũng không còn trong trẻo như trước nữa.
Thật may khi mình và bạn có thể nhận ra điều này sớm, nếu không để thêm 5, 10 năm nữa, có lẽ chúng ta sẽ trở thành một phiên bản khác khó quy hồi như cũ hơn. Giờ đây mình cũng đang tập đọc sách chậm, tuy chỉ đọc 20-30 phút nhưng phải thật sự chuyên chú vào cuốn sách. Và nhiều thứ khác phải thực hành từ từ để quay trở lại chúng ta của ngày trước 😀
Cám ơn những chia sẻ và động viên của Helen nhé <3