Cách đây khoảng 5 năm, mình mới bắt đầu uốn tóc để thay đổi kiểu tóc mới. Tóc mình vốn cứng và dày, khi mới uốn tóc những đợt đầu thì form dáng rất đẹp. Lúc ấy theo tư vấn của thợ làm tóc, mình mới để tâm tới việc chăm sóc tóc uốn như dùng dầu gội hay dầu xả chuyên dụng, kết hợp xài thêm dầu dưỡng tóc, tinh dầu bưởi xịt tóc mỗi ngày, v.v.

Thời gian đầu mình chăm sóc tóc rất kỹ lưỡng và tóc ra rất đẹp, nhưng bẵng đi một thời gian, mình lại lơ là và quên hẳn luôn chuyện chăm sóc tóc mà trở về gội đầu như bình thường, không dầu xả, cũng không thèm dưỡng tóc. Một quãng rất lâu sau đó, mình mới phát hiện là tóc mình rụng nhiều hơn trước đây, vì mỗi lần quét nhà thì lại thấy tóc rụng khắp nền nhà. Chưa hết, tóc mình trở nên xơ cứng và thô ráp, không còn cảm giác suôn mượt như trước.

Những dấu hiệu đó như một hồi chuông báo động, khiến mình phải quay trở lại quy trình chăm sóc tóc, dưỡng tóc như trước đây, và quá trình này mất gấp đôi thời gian so với quãng mình đã bỏ bê không chăm sóc tóc. Nhưng mức độ phục hồi về lại như cũ chỉ được khoảng 60% chứ tóc mình không còn đẹp được như lúc đầu.

Hồi xem bộ phim “Hậu cung Như Ý Truyện” (2018), nhân vật Như Ý do diễn viên Châu Tấn đóng từng gây xôn xao dư luận vì cô vào vai Thanh Anh lúc độ xuân thì mười mấy tuổi, nhưng dung nhan Châu Tấn ở độ tuổi bốn mươi mấy lại có phần quá già và “dừ”. Quả thực là so với thời đóng vai Tiểu Duy đẹp một cách ma mị trong “Họa bì” (2008), chỉ 10 năm trôi qua thôi nhưng nhan sắc của Châu Tấn có phần lão hóa sớm và mất đi nét trẻ trung ngày nào. Trong tứ đại hoa đán của màn ảnh Trung Quốc, cả Triệu Vy, Chương Tử Di và Từ Tịnh Lôi sau mấy chục năm vẫn giữ được nhan sắc bất chấp thời gian, thì riêng Châu Tấn là khán giả có thể thấy được sự khắc nghiệt của thời gian trong những vai diễn mới của cô ở hiện tại.

Vai diễn Như Ý của Châu Tấn năm 2018.

Gần đây khi xem show “Happy Camp” có Châu Tấn và Trần Khôn tham dự, mình mới phần nào hiểu được lý do vì sao Châu Tấn lại xuống sắc sớm hơn những người đẹp cùng lứa. Theo chia sẻ của Trần Khôn, Châu Tấn có một thói quen rất cấm kị mà anh hay nói đùa là “không xứng để làm diễn viên”, đó là chỉ chăm sóc da khi có vai diễn, còn khi không đóng phim thì cô không mấy quan tâm lắm đến chuyện chăm sóc da. Trong khi đó, Trần Khôn lại được bạn bè trong giới đặt cho biệt hiệu là “quý ông mặt nạ” vì rất để tâm tới chuyện chăm sóc da và gần như đắp mặt nạ mỗi ngày. Ngược ngạo thay Trần Khôn lại là người còn phải cho Châu Tấn mặt nạ để đắp và nhiều lần nài nỉ cô phải chăm sóc da đi.

Vai diễn Tiểu Duy của Châu Tấn năm 2008.

Trong cùng dàn diễn viên đóng “Họa bì” từ năm 2008, tới nay cả Trần Khôn và Triệu Vy đều giữ được nhan sắc không thay đổi quá nhiều sau hơn 10 năm, nhưng với Châu Tấn thì lại có sự chênh lệch khá lớn giữa Châu Tấn ngày xưa và Châu Tấn bây giờ. Khách quan mà nói, việc một người lão hóa sớm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống, tập thể dục, thức khuya, gene di truyền,… bên cạnh việc chăm sóc da. Nhưng bật mí trên của Trần Khôn tiết lộ phần nào thói quen tùy hứng của Châu Tấn đã ảnh hưởng tới nhan sắc của cô hiện tại ra sao.

Khi bạn chăm một mảnh vườn, chỉ những vùng đất bạn tưới nước và chăm bón, cây cối mới tốt tươi. Còn những vùng đất bạn bỏ mặc không để tâm đến, đất đai sẽ ngày càng khô cằn, cây cối sẽ ngày càng héo úa chết dần chết mòn, và chỉ có cỏ dại mọc lên xanh tốt.

Những năm cấp hai hay cấp ba, mình từng có những người bạn thân chí cốt, thậm chí mình có cả người bạn nối khố từ thuở học mẫu giáo, nhưng một mối quan hệ không được để tâm chăm sóc thì cũng sẽ chết dần theo thời gian. Khi lên đại học, tụi mình tuy ở chung một thành phố nhưng không còn học chung một lớp, ở chung một xóm, mạnh ai nấy sống cuộc đời riêng của mỗi người, thi thoảng mới hỏi thăm nhau rồi dần trở thành những người cũ từng quen. Đôi lúc chỉ vì thiếu những câu hỏi thăm, thiếu những lần gặp mặt ăn uống hàn huyên, thiếu những tâm sự mỏng chia sẻ cùng nhau, mà người ta dần trở nên xa cách.

Bạn thử nhìn lại các mối quan hệ của mình xem, có mối quan hệ nào bạn không để tâm vun vén mà nó lại càng trở nên khắng khít hơn và còn duy trì được tới tận bây giờ?

Có những chuyện hết sức đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu được. Bạn không thể có được một sức khỏe tốt nếu như không để tâm tới chuyện tập thể dục thể thao. Bạn không thể có được một tinh thần minh mẫn nếu như không để tâm tới giấc ngủ. Bạn không thể có được trí tuệ nếu như không để tâm tới chuyện mình đọc gì và học gì mỗi ngày.

Quy luật “tưới nước” này không chỉ đúng đối với những chuyện hữu hình mà còn đúng với chuyện vô hình. Những ví dụ mình kể trên chỉ mới nằm ở phạm trù về ngoại hình, cơ thể, sức khỏe, mối quan hệ,… nhưng còn về linh hồn của chúng ta thì sao?

Đa số người đời 90% chỉ chăm lo cho phần thể xác của họ qua những nhu cầu ăn uống, thất tình lục dục hằng ngày, và để phần linh hồn của họ mốc meo. Những người biết hướng vào thế giới bên trong, đi theo những con đường thiền tập hay tu tập thì ít nhiều cân bằng được 50% lo cho thể xác, 50% lo cho linh hồn. Bạn cứ thử tưởng tượng, một mái tóc hay một làn da qua một thời gian bỏ bê không chăm sóc thì đã xuống cấp như thế nào, huống hồ một linh hồn bạn bỏ bê cả mấy chục năm không chăm sóc thì sẽ ra sao?

Hãy suy ngẫm về câu hỏi này nhiều lần trong đời khi bạn bị cuốn theo vòng xoáy vật chất phù hoa của người thế gian.

Có những người mình biết, họ sống trên một núi vàng với bao nhiêu tiền của, danh tiếng, địa vị tích lũy được sau bao nhiêu năm làm ăn kinh doanh, nhưng linh hồn của họ như một con ác quỷ đang bòn rút xương máu của những người làm công cho họ. Họ không sống đúng đắn như những lời họ rao giảng mà chỉ giỏi khua môi múa mép, họ làm ra những trò đê tiện bỉ ổi chỉ để thỏa mãn lòng tham cá nhân. Linh hồn của họ từ lâu đã như một vùng đất khô cằn và đầy sỏi đá, mọi sự trù phú chỉ là hư ảnh họ tạo dựng bên ngoài thể xác và danh tiếng.

Vậy, làm thế nào để chăm sóc cho linh hồn của mình?

Với mình, quá trình chăm sóc linh hồn có ba cấp độ từ thấp tới cao:

1. Chăm lo cho thể xác: Bạn không thể nào có được một linh hồn khỏe mạnh bên trong một thể xác ốm yếu, bệnh tật và nặng trược. Thể xác là cái vỏ để dung chứa linh hồn, như một ngôi nhà mà linh hồn nương náu bên trong. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được việc chăm lo cho thể xác của mình ngay từ sớm, đa số đều chạy theo những thứ phù phiếm nằm ngoài thể xác để rồi tự ngược đãi chính thể xác của mình như bắt nó phải làm việc vất vả hơn, chịu nhiều stress hơn để đổi lấy những vật ngoài thân.

2. Vun vén thế giới nội tâm: Nội tâm con người như một thế giới hỗn độn với hằng hà vô số suy nghĩ chớp tắt vụt qua mỗi một giờ một khắc. Nếu bạn không biết cách quản, thế giới ấy sẽ ngày càng hỗn loạn hơn, và rồi bạn sẽ bị cuốn trôi theo những suy nghĩ của mình, để chúng dẫn dắt và làm chủ bạn, thay vì bạn làm chủ chúng. Những suy nghĩ tiêu cực, bi quan có thể quay ngược lại hủy hoại phần thể xác, khiến một số cơ quan trong nội tạng tiết chất độc gây bệnh cho cơ thể. Do vậy, bạn cần sống trong tỉnh thức và biết cách trò chuyện với chính mình để hiểu được từng luồng suy nghĩ phát sinh trong đầu bạn, sau đó là tiến hành sàng lọc để giữ lại suy nghĩ tốt và loại bỏ đi suy nghĩ xấu như phân loại hạt giống tốt và hạt giống lép.

Tu tâm dưỡng tánh là việc cần phải làm cả đời để nuôi dưỡng một linh hồn đẹp. Bạn cần phải cẩn trọng hơn trong từng lời nói – hành động – ý nghĩ của mình để quản lý và kiểm soát nghiệp. Đừng để một phút vô ý lỡ miệng, làm sai, nghĩ bậy mà sau đó nghiệp quật tanh bành rồi hối hận.

3. Hướng về đời sống tâm linh: Hãy dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn về thế giới tâm linh hiện hữu quanh bạn, ví như tìm đọc một tựa sách về tiền kiếp, tìm xem một bộ phim về nghiệp quả, hay thử tìm hiểu giáo lý của một vài tôn giáo mà bạn hứng thú. Càng hiểu biết nhiều hơn về thế giới vô hình, đời sống tâm linh của bạn sẽ ngày càng phong phú hơn, khi đó nhãn quan của bạn sẽ càng rộng mở hơn về sự bao la của vũ trụ và sự nhỏ bé của bạn trong kiếp sống hiện sinh.

Tâm linh không phải là sự mê tín, cuồng tín hay mù quáng nếu bạn chủ tâm tìm hiểu nó trong tỉnh thức với tinh thần khoa học khách quan. Điều gì bạn thấy đúng, thấy hợp lý thì tin, còn nếu thấy xàm xí không hợp lý thì không ai bắt bạn phải tin, lúc đó cứ xem như giải trí cho vui cũng được.

Sau đó, hãy thử thực hành theo một bộ môn tâm linh nào đó, như hành thiền, niệm Phật, đọc kinh, cầu nguyện, yoga, v.v. tùy vào bạn thấy hợp và thích bộ môn nào. Chính trong quá trình thực hành này, bạn sẽ có nhiều cảm ngộ rõ ràng hơn về thế giới tâm linh. Đời sống của bạn cũng có nhiều biến chuyển tích cực hơn nếu duy trì quá trình thực hành này thường xuyên và đều đặn.

***

Nhiều người thường bảo đợi tới già về hưu rồi mới cần tu hay cần quay về chăm lo cho đời sống linh hồn, khi còn trẻ thì cứ chơi cứ quẩy tới bến để già không phải hối hận.

Mấy lời mình khuyên chỉ là mấy điều nhỏ nhặt ở cấp độ sơ đẳng về chuyện chăm lo cho đời sống linh hồn, ai cũng có thể làm được ngay bây giờ chứ không cần phải đợi tới già. Nếu lúc còn trẻ bạn để tâm tưới nước và chăm bón cho vùng đất linh hồn của mình sớm, có thể khi trung niên thôi bạn đã gặt hái được hoa trái từ vùng đất của mình. Năm mới, hãy bắt đầu nghĩ tới việc nuôi dưỡng cho mình một linh hồn đẹp.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải