Gần đây công ty mình chuyển sang trụ sở mới nên cung đường mình đi làm mỗi buổi sáng cũng phải thay đổi theo. Sau khoảng vài ngày đầu thử nghiệm đi các cung đường khác nhau với cùng xuất phát điểm, cuối cùng mình cũng chốt lại được con đường tiết kiệm thời gian nhất.

Trên cung đường mới mình đi phải chạy xe ngang hầm Thủ Thiêm, từ thời sinh viên tới giờ khoảng hơn 5 năm rồi mới có dịp đi lại qua hầm. Khi xe chạy vào miệng hầm, cả một khoảng không gian sập tối lại, thời gian dường như cũng ngưng đọng chỉ còn là những vệt ánh sáng lao về phía trước, và bao trùm xung quanh là tiếng gió ù ù bên tai. Cảm giác lúc đó khiến mình liên tưởng tới đường hầm thời gian trong chiếc ngăn bàn của Nobita, hay như một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó mà chạy xe qua hầm có thể đi tới tương lai hay lùi lại quá khứ. Thật kì lạ.

Mình có thói quen thường hay ghi lại những giấc mơ vào mỗi buổi sáng khi tỉnh dậy, để sau này chiêm nghiệm lại những báo điềm, báo mộng trong mơ. Gần đây khi đang xem một show truyền hình thực tế của Trung Quốc, có cảnh khách mời tham gia chương trình đi vào một con hẻm, sau đó vào căn bếp cũ rồi tìm chìa khóa mở cánh cửa mật mã ra. Khi xem những cảnh này, mình chợt bừng ngộ khoảnh khắc Déjà vu khi đã từng xem qua cảnh này rồi.

Nhưng Déjà vu là thuật ngữ dùng để chỉ những ký ức ảo giác, có cảm giác quen thuộc như đã từng nhìn thấy trước đây rồi, còn trải nghiệm của mình là nhìn thấy tương lai.

Show này được ghi hình vào năm 2016.

Giấc mơ đó mình nằm mơ cách đây 2 tháng.

Và lúc mình xem show chỉ mới hôm qua.

3 mốc thời điểm khác nhau, nhưng mình trong giấc mơ ở thì quá khứ lại được chứng kiến những cảnh vật mà mình trong thì tương lai 2 tháng nữa sẽ xem.

Tình huống trên chứng minh một điều quen thuộc mình đã từng đề cập nhiều lần trong các câu chuyện tâm linh trước: Thời gian không phải là một khái niệm tuyến tính (một chiều) mà là phi tuyến tính (đa chiều). 

Cỗ máy thời gian của Doraemon là một bảo bối kinh điển có khả năng bẻ cong không gian và thời gian. Theo lý thuyết của Einstein, bất kỳ vật nào có khối lượng trong vũ trụ đều có khả năng bẻ cong không gian, phát ra sóng hấp dẫn. Trong đó, vật nào có khối lượng càng lớn, lực hấp dẫn phát ra càng mạnh và khả năng bẻ cong không gian và thời gian càng lớn.

Có một thí nghiệm để chứng minh lý thuyết này:

Có 2 viên bi xanh và đỏ cùng lăn trên một mặt phẳng với cùng tốc độ. Viên bi đỏ đột nhiên rơi vào một vết lõm, dẫn tới xoay xung quanh vết lõm với tốc độ nhanh hơn rất nhiều, trong khi viên bi xanh vẫn chuyển động thẳng. Nhưng khi thoát ra, bi xanh do vẫn đi thẳng nên đi nhanh hơn bi đỏ một quãng rất xa.

Mặt phẳng đó chính là vũ trụ, bao hàm cả không gian và thời gian. Viên bi xanh chính là thời gian thực, còn viên bi đỏ là chúng ta.

Điều đó có nghĩa là, thời gian thực thì đang trôi rất nhanh và cách chúng ta một quãng rất xa. Chúng ta của hiện tại thực ra là một phiên bản quá khứ của chúng ta sau này. Và chúng ta của sau này đã là một viễn cảnh đang diễn ra ở thì tương lai.

Tạm gác lại những suy niệm vĩ mô về tương lai, thu hẹp lại trong mối quan hệ giữa người với người thì mình rất thích hình ảnh mang nhiều tính biểu tượng của đoàn tàu.

Đường ray và các trạm dừng chính là không gian, đoàn tàu là thời gian, và chúng ta là những lữ khách thời gian trên con tàu ấy.

Có bao giờ bạn tự hỏi: Chúng ta làm gì trong dòng thời gian của nhau?

Có những chặng đường, tàu dừng lại, chúng ta cùng bước lên chuyến tàu ấy, đi cùng nhau một quãng đường. Nhưng tới trạm dừng, có người phải xuống tàu, chuyển trạm, bước lên một chuyến tàu khác. Hai dòng thời gian rẽ về hai hướng khác nhau.

Có những người chỉ ngồi cùng ta trên một chặng đường của cuộc đời, rồi vĩnh viễn, không bao giờ có duyên gặp lại. Có những người sẽ ngồi cùng ta đi suốt chuyến hành trình ấy tới cái bến cuối cùng của cuộc đời, phần lớn thường là người thân trong gia đình, bạn đời, con cái, hoặc có khi ta chỉ là một kẻ lữ hành đơn độc ở trạm cuối.

Song Joong Ki và Song Hye Kyo cũng là một trường hợp thú vị trong câu chuyện này. Khi cả hai tuy là 2 đường thẳng Song – Song, nhưng cùng vuông góc với một đường thẳng là bộ phim “Hậu duệ của mặt trời” nên mới có điểm chung giao nhau, từ đó nảy sinh tình cảm mà nên vợ nên chồng. Nhưng theo định luật toán học, 2 đường thẳng tuy Song – Song trên cùng một mặt phẳng, dù có duyên gặp nhau ở đoạn vuông góc nhưng có duyên mà không có nợ thì cũng sẽ trở lại song song nhau ở quãng đời còn lại.

Quãng đời còn lại của Ki sẽ không có Kyo, của Kyo cũng sẽ không có Ki. Cả hai không còn thuộc về nhau, chỉ là một đoạn hồi ức đẹp trong dòng thời gian của nhau ở quá khứ, chứ không cùng dòng thời gian ở hiện tại và tương lai, khi mỗi người lựa chọn ngồi trên một chuyến tàu khác nhau.

Có thể hôm nay bạn nằm trong dòng thời gian hiện tại của tôi, nhưng tương lai bạn sẽ không còn hiện diện trong dòng thời gian của tôi nữa. Và cũng có những người từng đồng hành cùng tôi trong dòng thời gian ở quá khứ, bây giờ đã không còn đi cùng tôi trong dòng thời gian hiện tại.

Bạn của sau này, hay tôi của sau này, không ai biết chúng ta sẽ ra sao. Nhưng chúng ta của tương lai đã được định hình sẵn ở đấy trong nếp gấp của thời gian phi tuyến tính.

Chúng ta làm gì trong dòng thời gian của nhau? Khi rời tàu, xin hãy để trong nhau một ký ức đẹp.

Tôi của năm 2015. Giờ đã không còn đồng hành cùng những người ở dòng thời gian đó nữa.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.