
Những ngày qua, làng giải trí châu Á bị rúng động khi nghe tin tức nam diễn viên Haruma Miura tự tử tại nhà riêng ở Tokyo vào ngày 18/7/2020. Anh chọn cách kết liễu cuộc đời mình bằng cách treo cổ tự vẫn, với sợi dây buộc cổ chân của ván lướt sóng, và qua đời ở tuổi 30 khi sự nghiệp còn đang trên đỉnh vinh quang.
Theo kế hoạch, Haruma Miura có một cuộc họp vào cùng ngày nhưng anh không xuất hiện, nên trợ lý đã đến nhà riêng và phát hiện sự việc bi thảm như trên. Khi đội cấp cứu đến, nhịp tim của anh vẫn còn đập nhưng khá yếu và sau đó anh đã không cầm cự được. Trước đó, trên Instagram của Haruma Miura, anh vẫn còn đăng một số hình ảnh quảng bá cho bộ phim sắp ra mắt, và lịch trình làm việc trong thời gian sắp tới cũng khá bận rộn.
Mới năm ngoái thôi, nữ ca sĩ Sulli nổi tiếng của SM Entertainment đã tự tử tại nhà riêng cũng bằng cách treo cổ. Dường như, cứ mỗi năm là chúng ta lại nghe thấy một tên tuổi nào đó trong làng giải trí trên khắp thế giới (và cả trong những lĩnh vực khác) lựa chọn kết thúc cuộc đời bằng cách tự tử, đa phần là những người đang đương độ hào quang.

Sở dĩ chúng ta dễ biết được những tin tức trên bởi một điều hết sức đơn giản – họ là những người nổi tiếng, được công chúng và truyền thông quan tâm. Nhưng có bao giờ bạn thử nghĩ, ở xã hội ngoài kia, còn bao nhiêu người-không-nổi-tiếng khác (rất nhiều là đằng khác), cũng lựa chọn kết thúc cuộc đời theo cách tương tự nhưng chúng ta không hề biết tới?
Mình có một cô bạn cấp ba, hồi phổ thông bạn học rất giỏi, lúc nào cũng đứng thứ hạng nhất nhì trong lớp. Lên đại học bạn cũng học một trường có tiếng, điểm đầu vào rất cao, nhưng đến khi ra trường đi làm thì bạn khởi sự với một công việc khá bình thường, đúng chuyên ngành, làm mãi một chỗ cũng được gần 5 năm trời.
Gần đây có dịp đi cafe với bạn, mình mới được nghe bạn chia sẻ về cuộc sống của bản thân, mà bạn tự nhận là hết sức tẻ nhạt và buồn chán. Ngoài thời gian làm việc, về nhà thì bạn cũng lười nấu ăn nên thường hay đặt đồ ăn qua các ứng dụng, và chỉ muốn nằm một chỗ ở nhà ăn uống, luyện phim. Khi lãnh lương thì một phần tiền bạn gửi cho mẹ, phần còn lại thì mua sắm quần áo, mỹ phẩm, còn cuối tuần thi thoảng hẹn bạn bè ra phố ăn uống giải khuây. Bạn sống một cuộc đời bình thường, giống như nhiều nhân viên văn phòng khác, lặp đi lặp lại từ năm này tới năm khác.
Khi nói đến chuyện “sống một cuộc đời bình thường”, ý mình không nói cuộc sống của bạn như vậy là tầm thường, vì theo quan điểm của mình – có được một cuộc sống bình thường, tay chân trí óc lành lặn và bình an không sóng gió đã là có phước phần lắm rồi. Nhưng điểm khác biệt giữa mình với bạn là mình có hứng khởi với cuộc sống, có nhiều sở thích cá nhân để theo đuổi, có một lộ trình tâm linh rõ ràng để phát triển, còn bạn thì khá bi quan và bế tắc về cuộc sống.
Bạn chia sẻ, mỗi ngày thức dậy đều tự hỏi bản thân không biết đi làm để làm gì, vì công việc hết sức chán ngắt. Nhưng nghỉ rồi thì tiền đâu mà sống và gửi cho gia đình? Bạn bảo, nếu không vì gánh nặng trách nhiệm với gia đình, có lẽ bạn đã tự tử từ sớm rồi để kết thúc một vòng lẩn quẩn này. Bạn chẳng hâm mộ một thần tượng nào, cũng chẳng mê trai đẹp, cũng không thích ăn ngon, càng không mê đi du lịch. Những niềm vui thích thông thường đối với các bạn nữ khác bạn đều không có, nói trắng ra là bạn không có hứng thú với cuộc sống này.
Lũ bạn cũ tụi mình khi nghe tâm sự của bạn, chỉ có thể lắng nghe và gợi ý cho bạn một số chuyện bạn nên thử để thay đổi nhân sinh quan. Ví như đi làm từ thiện, tới giúp đỡ ở những trung tâm người tàn tật và chất độc màu da cam, hay trẻ em mồ côi,… để làm một chuyện gì đó có ích cho xã hội, và thông qua đó biết ơn cuộc sống vì những may mắn bạn có được. Hay tìm một sở thích cá nhân nào đó, như tập yoga, tập nhảy, đi bơi, đi du lịch,… để cuộc sống thêm nhiều màu sắc hơn. Mấy chuyện này nói ra thì nghe rất lý thuyết và có phần sáo rỗng, nhưng chí ít cũng là một vài lời đề xuất để bạn tham khảo và định hướng cho cuộc sống của bạn, nếu muốn.
Case study của cô bạn trên mình nghĩ là có rất nhiều người trẻ ngoài kia đã và đang gặp phải, khi không thể tìm thấy cho bản thân một động lực chính đáng để tiếp tục trải nghiệm hết kiếp sống này. Và trong một phút yếu lòng nào đó, khi quá mỏi mệt với cuộc sống này, họ có thể lựa chọn cái chết để kết thúc cuộc đời.
Những bạn nào đang rơi vào tình trạng này, có ý định muốn tự tử, mời bạn ghé đọc bài viết “Tự tử là do lựa chọn hay do số mệnh định đoạt?” của mình rồi hẵng đưa ra quyết định.
Nếu bạn sợ chết, không dám tự tử nhưng cũng ngại sống mòn, bạn có thể suy ngẫm về những điều sau:
1. Bên cạnh chuyện đời, hãy dành thời gian để tìm hiểu về đời sống tâm linh để phát triển thế giới nội tâm của bản thân và chăm lo cho phần linh hồn của bạn. Bạn có thể tìm hiểu về triết lý của một tôn giáo, thực hành theo một phương pháp tâm linh nào đó (thiền, yoga, niệm Phật,…), đọc vài quyển sách về tâm linh. Cái nết của bạn có chỗ nào chưa được, từ từ sửa lại cho đẹp.
2. Hãy nghĩ đến việc làm thế nào để bạn có thể phát huy tối đa năng lực của bản thân mình để làm cho thế gian này trở thành một cõi giới tốt lành hơn. Đôi khi, bạn chỉ cần hoàn thành tốt công việc của mình, sống đúng trách nhiệm của một công dân đối với xã hội, và khi có điều kiện thì giúp đỡ những người yếu thế hơn mình trong cuộc sống.
3. Đừng sống chỉ để thỏa mãn cái tôi của chính mình. Hãy cố gắng sống để giúp đỡ và phụng sự người khác. Bạn nên hỏi bản thân: Làm thế nào để mình phụng sự nhân loại một cách hiệu quả nhất bằng thể xác và trí óc bạn được tạo hóa ban tặng (thông qua cha mẹ bạn)? Bởi lẽ, phụng sự nhân loại cũng chính là phụng sự Thượng Đế một cách cao cả nhất.

Trong tâm thư mà diễn viên Haruma Miura từng chia sẻ trên mạng xã hội cách đây 10 năm trước, lúc anh 20 tuổi, có viết:
“10 năm sau, liệu bạn có hạnh phúc không? Có đang nắm giữ những điều quan trọng và tuyệt vời nhất không? Nếu như bạn trở thành người đã hoàn thành mọi thứ theo cách tốt nhất, tôi sẽ rất vui vì các bạn. Xin hãy là người mạnh mẽ và giữ chặt mọi thứ quý giá trong tay mình.”
Nếu như ở khoảnh khắc cuối cùng khi quyết định tự tử, Miura nhớ lại được những lời mình từng viết cách đây 10 năm thì có lẽ kết cục buồn ngày hôm nay đã không diễn ra.
Đó cũng là tầm quan trọng của việc xác định cho bạn một mục đích sống ở đời, như điều mình luôn cầu nguyện mỗi ngày: “Xin cho con một thể xác khỏe mạnh và một tâm trí minh mẫn, để dùng thể xác và tâm trí này phục vụ cho Thượng Đế và làm cuộc đời này tốt đẹp hơn”.
4 bình luận
Em thấy vấn đề của cô bạn trong câu chuyện này là chưa tìm ra hứng thú hoặc mối quan tâm trong cuộc sống thôi, chứ cuộc sống của bạn ấy đâu có vấn đề gì đâu. Công việc chán ngắt có thể đổi mà… (1 người đổi cũng không dưới một chục công việc cho biết) :3
Với bạn, cuộc sống của bạn tẻ nhạt và chán ngắt, làm những chuyện lặp đi lặp lại hơn 5 năm trời, không có niềm vui sống nên có sống thì cũng sống vật vờ như vậy. Dẫu có đổi sang công việc khác cũng vậy thôi đó em 😀
Em nghĩ bạn nên đến gặp chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý. Mà sao cái comment của em lại thể hiện là 7 giờ ago ta? :3
Với lại, rất nhiều chuyện trong cuộc sống của con người vốn là lặp đi lặp lại, anh biết mà @.@ ăn, ngủ, bài tiết, làm tình…