Hồi mới bắt đầu đi làm, mỗi ngày mình phải chạy một quãng đường dài 12km từ nơi trọ ở Q. Thủ Đức đến chỗ làm ở Q.10 (TP.HCM), vị chi mỗi ngày là 24km cả chiều đi lẫn về, mất khoảng một tiếng đồng hồ cho mỗi lượt. Sau đó công ty cũ của mình dời trụ sở sang Q.7, quãng đường mình đi mỗi ngày tăng lên thành 17km, nhưng do chạy khu Đại lộ Đông – Tây buổi sáng cũng khá vắng vẻ nên cũng chỉ mất một tiếng thời gian di chuyển.

17km với mình là một con số đặc biệt, vì nó là dấu mốc trên cột cây số chỉ quãng đường từ thành phố Phan Thiết tới thị trấn Phú Long – quê ngoại mình. Hồi còn bé, quãng đường 17km với một đứa nhỏ là một hành trình xa xôi vạn dặm, nó như thể bạn đi xe đường dài từ tỉnh này đến tỉnh khác, là một quãng đường miên viễn mà hai bên nhìn ra chỉ thấy toàn hoang sơ những ruộng đồng gò bãi. Mỗi lần đi từ nhà mình về quê là cả một chặng đường xa cách trùng trùng như thế. Ấy vậy mà khi trưởng thành, 17km lại là quãng đường mình đi làm mỗi ngày, vị chi mỗi ngày là hết 34km. Mỗi buổi sáng đi làm, mình đều có cảm tưởng như… đi phượt từ đầu này sang đầu bên kia thành phố, mà điểm cuối hiện ra sau những vòm cây và cây cầu là chỗ làm, như hình bóng quê nhà ở điểm cuối cột mốc 17 cây số ấy.

Vẫn là công ty cũ, sau một thời gian lại tiếp tục chuyển địa điểm sang Q.8, và quãng đường đi làm của mình rút ngắn lại xuống còn 15km, nhưng thời gian di chuyển thì vẫn đúng y bong một tiếng đồng hồ như mọi khi. Trên địa hình TP.HCM, Thủ Đức giống y như chân một chiếc quạt mà các quận khác là điểm đầu mỗi nan quạt, cho nên dù di chuyển tới quận nào thì thời gian đi cũng áng chừng tầm đó.

Bởi câu chuyện đi làm xa “huyền thoại” như thế, có rất nhiều đồng nghiệp từ Bắc tới Nam, từ thân tới sơ, từ người già tới người trẻ, từ sếp lớn tới sếp nhỏ, mỗi khi có dịp tình cờ hỏi thăm mình đang sống ở đâu và khi nghe mình kể về quãng thời gian di chuyển ấy, tất cả đều bật ra cùng một phản ứng: “Sao không chuyển chỗ trọ tới gần công ty hơn để đi lại cho tiện? Ở gì xa xôi vậy đi tốn kém thời gian quá!”. Ban đầu mình còn rảnh rỗi giải thích lý do vì sao, nhưng về sau càng nhiều người hỏi cùng một câu hỏi, cùng một cách phản ứng nên mình thấy mệt và không có nhu cầu giải thích nữa. Có lúc mình còn nghĩ vui tới chuyện làm một cái chatbot trên Messenger fanpage của mình, chỉ cần bạn vào gửi dòng chữ “đi làm xa” thì con bot ấy sẽ giải trình tám chục dòng lý do vì sao mình lại đi làm xa như thế.

Ảnh: Unsplash.com

Đầu đuôi câu chuyện là như vầy, nơi mình ở trọ là một chung cư ở Q. Thủ Đức mà mình đã ở từ thời sinh viên. Ở từ lúc còn thuê một căn hộ 7 người ở cho tới khi một anh trong nhóm mua lại một căn hộ khác cùng tòa nhà và cuối cùng chỉ còn 3 người ở, mà mình là người trụ lại cuối cùng với hai anh chủ nhà. Lần đầu tiên đi xem phòng ở đây, mình đã cực kỳ ấn tượng vì chung cư nằm trong hẻm nhỏ cách mặt đường lộ nên không khí cực kỳ yên tĩnh. Con hẻm dẫn vào chung cư là một con hẻm đậm chất nông thôn y như quê mình ngày xưa, nhờ có một biệt phủ lớn trồng rất nhiều bàng, xoài, vú sữa và bông giấy. Căn biệt thự đầu hẻm còn có nguyên giàn bông giấy trắng che phủ cả một góc trời, một căn nhà khác trồng một dàn dâm bụt đỏ rực ở hàng rào, và hai bên mé đường hẻm là những bụi cây dại mà bạn chỉ có thể bắt gặp ở những đồng ruộng dưới quê. Chưa kể chung cư còn gần bờ sông Sài Gòn, ở trên tầng cao nên rất thoáng mát. Với một người mê đắm thiên nhiên và luôn ao ước một không gian sống gần gũi với thiên nhiên như mình, đây là một nơi hết sức lý tưởng mà không một chung cư hay chỗ trọ nào khác hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên này.

Bên cạnh yếu tố tự nhiên là lý do kinh tế, một người hướng nội như mình thì chỉ thích ở một mình một phòng, nếu thuê một phòng trọ có đầy đủ nội thất ở khu vực trung tâm để sống một mình thì dĩ nhiên chi phí rất đắt đỏ, trong khi ở đây khi chuyển sang căn hộ mới mình được ở hẳn một phòng riêng và chi phí chỉ bằng phân nửa giá thuê nhà ở khu trung tâm, mà lại được dùng các tiện nghi khác chủ nhà đã sắm sẵn. Đó là chưa kể vì đã ở lâu hợp tính hợp tình nên chủ nhà chỉ tính một mức phí cho mình, chứ không tính riêng tiền nhà và n tiền khác như điện, nước, Internet, phí giữ xe, phí chung cư, v.v. mà một người thuê phòng chung cư bình thường phải chi trả. Sống ở khu vực trung tâm, tuy có được sự tiện lợi là quãng đường đi làm gần hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, nhưng chỉ vì được hai điểm này mà mình phải mất quá nhiều thứ: tiền nhà đắt hơn gấp đôi, không gian ồn ào náo nhiệt ở nội thành, không khí thiếu mảng xanh và ngột ngạt, đồ ăn xung quanh cũng đắt hơn khu vực ngoại thành như Thủ Đức,…

Kể lể dông dài như trên để bạn đọc hiểu được vì sao mình lại chấp nhận chuyện đi làm xa, mất thời gian như thế mỗi ngày để đánh đổi những thứ khác với mình là tốt hơn nhiều. Cuộc đời vốn dĩ khó có được sự hoàn hảo như ý muốn, nếu tìm được một địa điểm dung hòa được cả hai vế của phương trình thì có lẽ mình đã chuyển đi từ sớm rồi. Nhưng lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả, và mình vui vẻ với lựa chọn hiện tại và thoải mái với nó, cũng như mình không thấy chuyện phải đi làm xa và mất hai tiếng di chuyển mỗi ngày là một điều gì đó quá lớn đối với mình.

Ảnh: Unsplash

Lúc chuyển sang chỗ làm mới, mình gia nhập vào nhóm hay đi ăn tiệm bên ngoài vào mỗi buổi trưa, nhóm còn lại là những bạn thường hay nấu ăn sẵn mang theo từ nhà, hoặc tự nấu hoặc sống chung với gia đình nên có cha mẹ nấu cho ăn. Trong thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid, các quán ăn gần công ty mình cũng đóng cửa hoặc chỉ bán mang về, nên để tiết kiệm thời gian thường mình sẽ mua sẵn đồ ăn trưa từ sáng để không phải đi ra ngoài, đợi tới hết giãn cách thì mới có thể đi ăn tiệm lại bình thường.

Một chị đồng nghiệp (thuộc nhóm nấu ăn ở nhà) khi thấy mỗi ngày mình đều mua đồ ăn đem theo như vậy thì mới có ý nói đùa, cũng có phần trêu chọc, rằng tới giờ giãn cách rồi mà em vẫn chưa chịu nấu ăn ở nhà hả, rồi sao không chịu học nấu ăn đi, đâu có khó lắm đâu bla bla. Lúc mới nghe thì mình cũng có một sự khó chịu nhẹ, khi người khác phán xét bạn mà không hiểu gì về câu chuyện của bạn hay những gì bạn đang trải qua.

Dĩ nhiên là mình biết rằng chuyện nấu ăn ở nhà sẽ tốt hơn cho sức khỏe và an toàn hơn cho mình, nhưng đó là với điều kiện thuận duyên. Lúc còn làm ở công ty cũ hay trong thời gian gap year mình cũng tự nấu ăn cho mình đấy thôi, và mình cũng thuộc dạng tự chế ra được rất nhiều món mới, không ngày nào là giống ngày nào như vài bạn nấu một bữa mà ăn suốt mấy ngày liền.

Cớ sự dẫn tới việc mình không thể nấu ăn trong thời điểm này đến từ ba việc. Một là chỗ làm mới đi làm sớm quá (chỗ cũ mình làm trễ hơn 1 tiếng), mình không có nhiều thời gian để nấu ăn vào buổi sáng vì còn phải ưu tiên cho những hoạt động khác trong morning routine như tập thể dục nhẹ, ngồi thiền, đọc sách để refresh cho một ngày mới. Hai là bên chung cư mình ở có một chị mới chuyển đến để lấp đầy phòng trống còn lại, chị này lại có thói quen mua đồ nấu ăn cho cả tuần nên tủ lạnh và bếp được chị trưng dụng khá nhiều, thành ra mình không có không gian thuận lợi để nấu khi mỗi buổi tối có tới hai người sử dụng – chủ nhà và chị mới đến. Ba là mình là người dậy sớm nhất và đi làm sớm nhất nhà, nên nấu ăn buổi sáng mà chiên xào nồi niêu xoong chảo các kiểu thì khá ồn ào và mùi sẽ bay đầy nhà, ảnh hưởng tới giấc ngủ của người khác vào sáng sớm.

Chính vì những lý do như vậy, mình lựa chọn mua đồ ăn ngoài cho nhanh gọn lẹ, tuy không đảm bảo về trụ cột sức khỏe nhưng bù lại mình dư dả thời gian để tập thể dục (sức khỏe thể chất) và ngồi thiền, đọc sách (sức khỏe tinh thần), và hơn hết là sống sinh tế hơn để không ảnh hưởng tới người khác. Ở thời điểm hiện tại, hoàn cảnh của mình là nghịch duyên không thuận lợi với việc nấu ăn, nhưng ai biết được trong tương lai hoàn cảnh ấy sẽ xoay chuyển như thế nào. Còn một điểm khác, với mình mua đồ ăn ngoài cũng là một hình thức ủng hộ cho người lao động thu nhập thấp kiếm sinh kế giữa mùa Covid khó khăn này, chứ ai cũng đồng loạt ở nhà nấu ăn hết thì khối người khác phải lao đao.

Ảnh: Unsplash

Hồi còn nhỏ, mình từng xem một phim ngắn của TFS rất ý nghĩa phát sóng trên HTV7. Hồi đó hay có vụ phát mấy phim ngắn xen giữa các chương trình, mỗi bộ phim hàm chứa một thông điệp nhân văn nào đó. Bộ phim chỉ có vỏn vẹn mấy phút, mô tả tình huống một cô nọ mỗi lần đi ăn đám cưới, khi khách chung bàn ăn gần hết và buông đũa, thì cô lại lấy mấy bọc nilon đem theo trong bóp đầm ra gom đồ ăn thừa lại. Phim chuyển cảnh từ đám cưới này sang đám cưới khác, mỗi lần đi ăn cưới cô đều lặp lại hành động đó, khiến những người đi chung bàn tỏ thái độ kì thị và có phần cười chê, theo kiểu chế này đi ăn cưới mà kém sang ghê. Nút thắt cao trào này của phim được tháo gỡ ở cái kết, khi trên đường chạy xe máy về nhà, cô này dừng xe lại và đưa mấy bọc thức ăn cho tụi nhỏ vô gia cư ngủ bên vỉa hè. Bộ phim tới đó là hết, không có một dòng thông điệp kiểu hạt giống tâm hồn nào hiện lên, mà chỉ có credit phim chạy lên trên màn hình đen.

Tình huống trong phim cô này gặp phải cũng giống như hai tình huống mình kể trên, và những tình huống tương tự như vậy ắt hẳn là nhiều người trong số chúng ta cũng đã từng gặp phải trong các mối tương giao ngoài xã hội. Có những người họ không hiểu câu chuyện của chúng ta, nhưng rất dễ dàng phán xét ta chỉ qua một vài câu nói tại sao bạn không thế này, tại sao bạn không thế kia… Đôi lúc chúng ta cũng không thể nào giải thích cả một câu chuyện dài (như những gì mình kể ở trên) chỉ qua vài ba câu nói trong một cuộc nói chuyện xã giao, mà chỉ những người thật sự thân tình, họ mới có thời gian lắng nghe và thấu hiểu chúng ta.

Phán xét một ai đó rất dễ, nhưng thấu hiểu họ thì rất khó. Sự thú vị của cuộc đời nằm ở chỗ nó giống như một chiếc kính vạn hoa, mỗi một cú xoay kính là cả vũ trụ trong chiếc kính ấy đã thay đổi với vô vàn mảnh ghép khác nhau. Không có cuộc đời nào là giống cuộc đời nào, khi mỗi người sống trên đời cũng trải qua vô vàn biến số như trong chiếc kính vạn hoa ấy. Những gì bạn từng trải qua chưa chắc người ta cũng sẽ trải qua giống như bạn, nên đừng đánh đồng cuộc đời người khác bằng lăng kính cuộc đời mình.

Bởi vì sống vội vàng, chúng ta ít khi dừng lại để hỏi sâu hơn về lý do vì sao người khác lại làm những chuyện họ đang làm, dù chuyện ấy dưới góc nhìn tiêu chuẩn thông thường có thể là nhiều phần kì quặc. Chỉ khi nào ta có đủ thời gian để hỏi và sẵn lòng lắng nghe, người khác mới có thể mở lòng chia sẻ câu chuyện của họ. Khi ấy chiếc kính vạn hoa cuộc đời chúng ta lãi được thêm một lần xoay chuyển, để nhìn cuộc đời này đa diện và nhiều màu sắc hơn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.