Trong series Squid Game (Trò chơi con mực) nổi đình nổi đám gần đây, có một thông điệp cuối phim mình thấy rất ý nghĩa, khi nhân vật nam chính Gi Hun gặp được ôm trùm sáng lập “trò chơi con mực” đang nằm trên giường bệnh. Nói sơ qua cho bạn nào chưa xem phim hiểu, thì trò chơi con mực là một dạng trò chơi sinh tồn bao gồm 6 vòng chơi, mỗi vòng tương ứng với một trò chơi dân gian của Hàn Quốc. Có tổng cộng 456 người chơi, mà nam chính là số 456, mỗi trò chơi sẽ loại dần từng người (đồng nghĩa họ sẽ bỏ mạng trong trò chơi đó) cho đến khi ai vào được vòng cuối cùng và loại hết 455 người còn lại thì sẽ chiến thắng, giành được số tiền hơn 45 tỷ won.

Đa số người nhận được lời mời tham gia trò chơi con mực đều là những người ở dưới đáy xã hội, đã không có tiền mà còn nợ nần ngập đầu, lâm vào cảnh khốn cùng, bị chủ nợ truy đuổi khắp nơi không khác nào sống trong cảnh địa ngục trần gian. Còn người sáng lập trò chơi con mực là một gã siêu giàu, tổ chức các vòng thi như vậy cho những VIP khác đến xem cảnh những người nghèo vì một món tiền thưởng mà tranh giành, phản bội, chém giết nhau. Tới gần vòng cuối cùng, các VIP mới chính thức đặt cược xem người chơi nào sẽ giành chiến thắng, như một trò đua ngựa mua vui.

Ở cuối phim, nhân vật nam chính tới gặp ông trùm để hỏi lý do vì sao ông ta lại tạo ra trò chơi độc ác, nhẫn tâm đến như vậy. Ông trùm mới trả lời anh ta rằng:

Cậu có biết, người không có tiền và người có quá nhiều tiền giống nhau ở điểm nào không? Nếu có rất nhiều tiền, dù có mua gì, ăn gì, uống gì thì đến cuối cùng cũng sẽ thấy chán. Họ không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống nữa.

Câu nói của ông trùm làm mình nhớ tới chuyện tỷ phú người Singapore 23 tuổi, Tyler Huang, được sinh ra và lớn trong một gia đình siêu giàu. Ngay từ nhỏ anh chàng này đã sống trong một ngôi biệt thự ở trung tâm London, được nuôi dưỡng bởi bảo mẫu và quản gia, trong nhà có hẳn một đội an ninh để bảo vệ cho sự an toàn của cậu ấm. Ở lứa tuổi thanh niên, khi nhiều người trẻ phải chật vật vào đời trăn trở với gánh nặng mưu sinh, Tyler có thể ăn thịt bò cao cấp mỗi ngày, mua bất cứ siêu xe nào mình muốn và còn đấu thầu mua hẳn một câu lạc bộ bóng đá Anh. Sau khi gia đình gặp biến cố, người cha mất để lại cho Tyler khối tài sản hàng tỷ đô.

Tỷ phú Tyler Huang

Những tưởng sau ánh hào quang về một cuộc sống sung túc đủ đầy là hạnh phúc hay niềm vui, nhưng như Tyler nói, từ sâu bên trong anh luôn cảm thấy khốn khổ và phải đối diện với căn bệnh trầm cảm.

Mọi người nói rằng tôi may mắn khi có tiền, tôi cho là vậy. Tôi biết rằng mình có một cuộc sống mà hầu hết mọi người đều mơ ước, nhưng thật sai lầm khi đánh giá một người bằng số tiền mà họ có. Lúc tôi nói bị bệnh trầm cảm, những người xung quanh tôi không tin và cũng không hề cảm thông… Sự giàu có có thể khắc phục nhiều vấn đề bên ngoài, nhưng không giải quyết được những vấn đề bên trong.

Có một số người, thường là người nghèo hay người không có nhiều tiền, hay cảm thán kiểu “Ôi dào, hơi đâu nghe mấy người giàu than thở. Họ giàu như vậy sướng thấy mồ mà không biết hưởng, thử sống trong cảnh nghèo khổ như tui đi rồi có than thở nữa không”. Lẽ thường, khi người ta không sống trong hoàn cảnh của người khác thì rất khó để hiểu hay thấu cảm được nỗi khổ của đối phương. Người càng giàu về vật chất thì khổ tâm lại càng nhiều. Cái vô chừng của sự giàu có nằm ở chỗ, như lời ông trùm trong phim Squid Game nói, bạn đã có được tất cả mọi thứ mình có, hưởng thụ được hết của ngon vật lạ cảnh đẹp trên đời, vậy thì cuộc sống của bạn có còn gì vui?

Trong đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa rồi, một người bạn cũng than thở với mình tâm trạng của bạn ngày càng đi xuống, không còn cảm thấy gì vui hay hứng thú trong cuộc sống. Mà đến khi hỏi ra tình cảnh của bạn, hẳn nhiều bạn sẽ ngạc nhiên giống mình. Vì tuy giãn cách xã hội và làm việc ở nhà, nhưng bạn được về nhà ở với gia đình chứ không phải kẹt lại ở nhà trọ như nhiều bạn khác ở Sài Gòn. Mỗi ngày bạn vẫn được trò chuyện với ba mẹ, được ăn cơm nhà nấu. Nhà bạn lại có ban công trồng cây, có sân vườn để tập thể dục mỗi sáng, và giàng ơi còn có nuôi mèo để chơi. Thật sự bạn sở hữu một combo mà có hàng triệu người ở Sài Gòn mùa này ao ước như bạn còn không được, vậy mà bạn vẫn không thấy vui. Ấy là vì sao?

Trong cuốn sách Lost Connection mình biên tập, tác giả Johann Hari có chỉ ra 8 nguyên nhân thực sự gây ra trầm cảm và lo âu:

  1. Mất kết nối với công việc
  2. Mất kết nối với người khác
  3. Mất kết nối với những giá trị ý nghĩa
  4. Mất kết nối do sang chấn tuổi thơ
  5. Mất kết nối với vị trí xã hội và sự tôn trọng
  6. Mất kết nối với thế giới tự nhiên
  7. Mất kết nối với một tương lai chắc chắn và hứa hẹn
  8. Những thay đổi trong não bộ & gene

Nguyên nhân thứ 8 thuộc về thể lý và nhiều người ngày nay tìm đến thuốc chống trầm cảm để giải quyết, nhưng cách giải quyết này chỉ mới ở ngọn chứ chưa ở gốc. Đa số chúng ta trong cuộc sống hiện đại, khi người ta ngày càng sống ảo hơn trên Internet và ít kết nối trực tiếp ngoài đời thực, sẽ càng rơi vào tình trạng mất kết nối trầm trọng với chính mình và với thế giới, với cuộc sống xung quanh, để rồi hệ quả là chứng trầm cảm và lo âu xảy ra.

Như khi mình trò chuyện với người bạn, cảm giác down mood của bạn đến từ việc mất kết nối với thế giới tự nhiên (số 6) và mất kết nối với tương lai (số 7). Bạn vốn dĩ là người thích tập thể dục thể thao, mỗi sáng thường chạy bộ ngoài công viên, cuối tuần thì đạp xe hay đi chèo thuyền với bạn, nhưng thời gian giãn cách chỉ quẩn quanh ở một khoảnh sân nhỏ trong nhà, với bạn là chưa “đủ đô”. Bạn cần phải ra ngoài để kết nối với thiên nhiên thì mới cảm thấy được sạc đầy năng lượng. Còn yếu tố mất kết nối với tương lai là do bạn mới chuyển sang công việc mới, lĩnh vực hoàn toàn mới nên có cảm giác bấp bênh, không ổn định về tương lai của chính mình. Khi mình đặt câu hỏi bạn hình dung thế nào về tương lai của bạn trong vòng 3-5 năm nữa, bạn không có hình dung nào cụ thể, mọi thứ đều mơ hồ; bạn không biết bạn sẽ ở đâu vào thời điểm đó.

Qua hệ quy chiếu 8 nguyên nhân trên, mình mới phần nào hiểu được lý do vì sao tâm trạng của người bạn mình lại đi xuống như thế, khi trong hoàn cảnh hiện tại bạn đã có tất cả mà lại không thấy vui. Dĩ nhiên hệ quy chiếu này chỉ mang tính chất tham khảo, vì nó chỉ là khám phá riêng của tác giả Johann Hari. Trong trường hợp của ông trùm ở phim Squid Game, điểm mất kết nối của ông lại là tuổi thơ. Khi có rất nhiều tiền, ông không còn cảm thấy niềm vui trong cuộc sống hiện tại mà chỉ hoài niệm về những niềm vui ngày thơ ấu. Ông nhớ về những ngày còn nhỏ, khi cùng chúng bạn trong xóm chơi những trò chơi dân gian vui biết mấy. Những trò chơi giản đơn và quãng thời gian tuổi thơ ấy là thứ mà dù có rất nhiều tiền thì ông cũng không thể mua lại được.

Cảm giác của ông trùm là thứ mình rất đồng điệu, khi xem phim mình cũng thấy bản thân trong đó, nên đối với mình Squid Game là một bộ phim hay, dù vẫn có một số sạn. Ai từng trải qua một tuổi thơ đầy ắp niềm vui và tiếng cười, thay vì một tuổi thơ bị sang chấn tâm lý hay bạo hành, sẽ luôn nhớ mãi nhớ hoài những ngày xa xưa ấy. Có lẽ thế hệ 9x đời đầu như mình cũng là thế hệ cuối cùng còn nhớ được mấy trò chơi dân gian của Việt Nam như nhảy lò cò, năm mười, ô ăn quan, cá sấu lên bờ, chơi u, giật cờ, v.v. mà thế hệ con nít ngày nay không mấy hứng thú và cũng chả buồn chơi vì không vui bằng chơi game hay xem YouTube.

Khi trưởng thành, bước vào cuộc đời vốn nhiều khắc nghiệt này, chúng ta khó giữ được sự hồn nhiên vô âu vô lo như ngày bé. Hồi bé cứ hứng lên thì rủ nhau chơi, chơi chán thì giải tán đi về, giận dỗi nhau thì nghỉ chơi, sang hôm sau rồi lại làm hòa. Niềm vui trẻ con hết sức giản đơn và trong trẻo như mưa mùa hè đọng trên lá. Hồi ấy không có gì cả, đời sống còn khó khăn thiếu thốn là đằng khác, nhưng nhớ lại sao thấy vui thật vui.

Chiếc găng tay mẹ mua cho từ lớp 5 đã không còn dùng được nữa, cái cánh thiên thần từng ao ước nay cũng không còn phù hợp với độ tuổi đôi mươi. Vài kênh truyền hình yêu thích dần biến mất, vài người quen dần bước ra khỏi đoạn đường chung. Đôi mắt giờ đây đã khác, bàn tay cũng làm được nhiều việc hơn. Ai cũng bước tiếp, chung quanh cũng khác xưa, vì đây là cách mà thế giới vận hành. (Rêveurs)

Ngày bé chúng ta cứ mong mình mau lớn, tưởng rằng bước vào thế giới người lớn sẽ thật vui. Lớn lên rồi mới thấy, có tất cả chưa chắc đã vui, cái niềm vui của người lớn phần nào cũng đã vẩn đục chứ không còn ngây ngơ trong trẻo như trẻ con.

Khi chúng ta tập làm quen và chấp nhận rằng mình đã lớn, nghĩa là tuổi thơ cũng bắt đầu ngủ yên. Có nhiều thứ chỉ còn là quá khứ và sẽ dần biến mất, có nhiều chuyện kể lại chỉ còn là hoài niệm: “Hồi bé…”. Trăng vẫn tròn như cái đĩa, nhưng sân nhà ta giờ sáng bằng đèn đường hay đèn huỳnh quang chứ không phải bằng ánh trăng. Và em bé ngày nào dõi theo ông trăng nay cũng sắp sửa bước qua tuổi trung niên ngồi gõ lóc cóc những dòng này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

4 bình luận

  1. Công ty em đang làm hồi 2018 em mới vào, còn nhỏ nhỏ, nghèo nghèo, nhưng rất vui. Cuối năm tất niên, sếp dắt mấy anh chị em về nhà sếp ở chung cư nấu lẩu, ăn pizza, ăn bánh tráng cuộn,… Trưa thì mọi người nằm xếp lớp trải chiếu ngủ trưa rồi chiều sếp xách cái projector ở công ty về chiếu phim cho mọi người xem chung. Hồi đi compay trip thì công ty đi Vũng Tàu, sếp thuê cái homestay nho nhỏ rồi thả cho mọi người thích đi đâu thì đi. Em với mấy anh chị sáng đi ăn sáng rồi trưa về chơi Nintendo Switch, chiều chiều uống cafe rồi tối thì đi ăn hải sản, quẩy rất vui. Ở đông người mà em chẳng cảm thấy mệt mỏi gì :)).

    Sau này, công ty làm ăn khá hơn. Lương thưởng của em được nhiều hơn. Cuối năm sếp thuê hẳn một phòng ở tòa nhà Vinhomes để làm tiệc đãi nhân viên. Đi company trip thì cả công ty ra resort ở, rồi có nguyên một team chuẩn bị chương trình team building, văn nghệ các thứ,… Nhưng mà em chẳng thấy vui và cảm giác ấm áp như hồi ngày xưa chút nào.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Càng dư dật về vật chất thì khoảng cách giữa người với người cũng càng xa á em.

  2. Mình cũng là người luôn nhớ nhung về ngày xưa, nên dù đã gần 30 nhưng rằm nào cũng ngửa cổ chờ trăng lên, bất kể đang ở quê nhà hay bôn ba ở ngoài. Những khói bếp, những con đường rải đầy rơm rạ, mùi phân tro, cái ao bèo trước nhà nội, hoa cải mọc lơ thơ trước nhà ngoại…đều khắc khoải trong lòng. Thậm chí có hôm tưng tửng lên mạng đọc hết mấy bài tập đọc của sách lớp 1, lớp 2 hồi đó mà thấy vui còn hơn là đi mua sắm quần áo. Nếu tiền bạc thực sự giải quyết được mọi thứ trên đời thì cuộc đời này lại đơn giản quá rồi hihi

    “Quýt nhà ai chín đỏ cây
    Hỡi em đi học hây hây má tròn
    Trường em mấy tổ trong thôn
    Ríu ra ríu rít chim non đầu mùa”

    • Chơn Linh Phản hồi

      Cám ơn bài thơ của Huyền Vũ. Đọc bài mà mình có thể hồi tưởng lại cảnh năm đi học lớp 1, trong con hẻm nhỏ nhà cô giáo, đám con nít tụi mình vừa đi vừa đọc bài này. Thấm thoát mấy chục năm qua rồi đó…

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.