“- Có nghĩa là phương pháp của anh cũng sai. Chúng ta không thể đánh giá được con người. Cái đạo đức mua bán mà anh luôn đề cao thật ra không hề tồn tại.

– Tôi thấy cô đi quá xa rồi đó. – Sâm cau mày nhìn tôi – Trong chuyện này, tôi thừa nhận tôi có lỗi. Lỗi của tôi là một cái lỗi cụ thể và về một con người cụ thể. Nhưng quan điểm và phương pháp chọn người của tôi không vì chuyện này mà bị sổ toẹt đi. Cô học ngoại ngữ, cô có học các quy tắc chia động từ chứ?

– Anh hỏi chuyện này để làm gì?

– Để làm gì ư? – Sâm nhún vai, bắt đầu sa đà vào lý luận theo thói quen – Để nói với cô rằng trên thực tế vẫn tồn tại những động từ bất quy tắc. Nhưng không vì những ngoại lệ này mà các quy tắc chia động từ trở thành vô giá trị. Ngoại lệ, xét ở một góc độ nào đó, có ý nghĩa củng cố sự đúng đặn của quy luật chứ không phải là phủ định nó. Cô hiểu ý tôi không?”

Đọc mẩu đối thoại trên của hai nhân vật chính Khuê và Sâm trong truyện dài “Con chim xanh biếc bay về” mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mình bất giác bật cười vì cái sự lý sự của anh chủ quán Sâm có phần nào giống mình, và vì sự duyên dáng, hóm hỉnh trong giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh.

Cũng phải hơn 20 năm rồi, từ cái thời “Phòng trọ ba người”, “Còn chút gì để nhớ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới lấy bối cảnh Sài Gòn để viết truyện, mà đặc biệt hơn lại là một câu chuyện về những người đã trưởng thành – những cô cậu sinh viên đã tốt nghiệp đại học và mới vào đời. Trong những cuốn sách trước đó, hầu như đề tài đều là về tình yêu tuổi học trò, từ tình yêu thời con nít cho tới thời đi học hết cấp ba, và bối cảnh thường là một làng quê nào đó ở miền Trung Việt Nam, mang dáng dấp của làng Đo Đo.

Thú thật là trong khoảng 10 cuốn gần đây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cuốn nào mình cũng mua đọc, nhưng không còn cảm được như thời đọc “Mắt biếc”, “Hạ đỏ”, “Đi qua hoa cúc”,… thuộc bộ truyện dài thời kỳ đầu (cách đây hơn 20 năm). Có lẽ ai rồi cũng lớn, tâm tư tình cảm cũng trưởng thành, người ta sẽ không còn thấy mình trong những câu chuyện trẻ con viết cho đối tượng độc giả tuổi hoa niên. Có nhiều lần, mình cũng tự nhủ rằng, thôi, sẽ không mua cuốn nào mới của Nguyễn Nhật Ánh nữa, vì mình đã “quá lứa lỡ thì” để đọc một câu chuyện tình tuổi học trò.

Nhưng khi bạn đã đồng hành cùng với một nhà văn qua thời gian dài, cũng y như bạn mến mộ một ca sĩ, khi thấy ca sĩ đó ra mắt một ca khúc mới mà bạn lại không nghe thì như bỏ lỡ một điều gì đó. Và rồi mình lại tiếp tục mua sách mới, với một niềm trông đợi “Con chim xanh biếc bay về” sẽ có gì đó khác hơn những câu chuyện trước.

Và quả thực nó khác thiệt. Thực sự, khi chuyển hướng viết về một đề tài gần gũi hơn, là chuyện tình yêu nảy nở giữa Khuê – cô sinh viên mới ra trường, thất nghiệp, đi xin việc làm thêm ở một quán ăn và Sâm – anh chàng chủ quán mặt đăm đăm không biết cười, khó tánh như một ông giáo làng, thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như được chơi đúng sân nhà. Với kinh nghiệm kinh doanh Đo Đo Quán, Nguyễn Nhật Ánh có thừa kinh nghiệm và chất liệu để tạo dựng nên một bối cảnh Quán Chợ trong “Con chim xanh biếc bay về” với những bí quyết kinh doanh quán ăn mà chỉ dân nhà nghề mới biết. Độc giả sẽ không còn bắt gặp những áng văn tả cảnh làng quê quen thuộc với khu vườn, bờ giậu, bãi cỏ, nhà hoang,… mà chỉ còn thấy một Sài Gòn nhộn nhịp, vội vã nhưng cũng hồn hậu lắm tình người.

Điểm mình thích nhất ở hình tượng anh chủ quán Sâm là thái độ và đạo đức kinh doanh của anh, không chỉ với thực khách mà còn với bạn hàng. Những chị Dần, dì Hai, cô Mười, dì Ba, chị Kỳ đều là những mối lấy hàng quen thuộc khắp các chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Đông, chợ Bến Thành,… mà đích thân Sâm lùng sục khắp các khu chợ để chọn nguồn hàng, đem về nấu thử và phải ưng cái nết của người bán thì anh mới chọn để trở thành mối quen lâu dài. Kinh doanh với Sâm không chỉ là chuyện tiền nong, mà còn là cái tình giữa người với người. Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ suy ngẫm được rất nhiều quan điểm kinh doanh đầy nhân văn của Sâm, hay nói đúng hơn là của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Mình sẽ không bàn nhiều về chuyện tình yêu giữa cô nhân viên Khuê và anh chủ quán Sâm, vì cái tứ truyện vẫn là tứ yêu đơn phương quen thuộc trong nhiều cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh. Cú twist đầu tiên của truyện bẻ lái mối quan hệ giữa hai nhân vật mình đoán trúng phóc; cú twist thứ hai thì theo kiểu drama kinh điển phim truyền hình dài tập nhưng cũng tạm chấp nhận được. Mình cũng sẽ bỏ qua nhiều điểm bất hợp lý của truyện mà ở lý tính của một người trưởng thành mình sẽ đặt ra, như chuyện hai đứa nhỏ học cùng lớp ở cùng xóm mà không biết tên thiệt của nhau (không lẽ cô giáo không bao giờ gọi tên người bạn mình?); hay chuyện một anh trai trẻ mới ra trường, đi học nghề từ người dì 4 tháng rồi đi ra mở quán sành sỏi y như người đã kinh doanh cả chục năm.

Một điểm thú vị ở “Con chim xanh biếc bay về” là ở 1/3 đầu truyện, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhập vai nhân vật Khuê để kể chuyện. Lúc mới đọc mấy trang đầu, mình cứ mặc định “tôi” phải là một nhân vật nam, ai dè qua tới phần mô tả bối cảnh mới biết là nữ, nhưng cách phân thân để nhập vai rất ngọt cũng là một lối viết “đa nhân cách” tài tình và đặc trưng trong văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nếu mình là mình của 10 hay 15 năm về trước, có lẽ “Con chim xanh biếc bay về” sẽ là một cuốn sách rất hay ở thang 8-9/10 điểm. Nhưng mình của bây giờ chỉ chấm 7/10 điểm, ít ra là cuốn này hay và hợp với những người trưởng thành mà còn thích đọc truyện tình cảm nhẹ nhàng.

Đọc hết cuốn sách, độc giả sẽ thắc mắc ủa từ đầu tới cuối không thấy nhắc gì tới con chim xanh nào, tự nhiên trong tựa lại có “Con chim xanh biếc bay về” là sao? Theo lý giải của nhà văn, con chim xanh là biểu tượng của hạnh phúc, và biểu tượng này bắt nguồn từ tác phẩm Con chim xanh của nhà văn người Bỉ Maurice Maeterlinck. Còn theo lý giải của mình, con chim xanh cũng chính là hình ảnh của chính nhà văn, và “bay về” là hành động tìm lại một nơi chốn quen thuộc trong đề tài anh muốn thể nghiệm nhưng đã lâu không viết (về Sài Gòn và về người trưởng thành). Nhưng rồi con chim có bay đi luôn hay không là chuyện không ai biết được.

Có một điểm duy nhất mình thấy tiếc cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đó là với bút lực và vốn sống của mình, thì ngòi bút ấy lẽ ra nên viết nhiều câu chuyện mang tính trăn trở dành cho người trưởng thành nhiều hơn, thay vì cứ tiếp tục viết hoài những câu chuyện quanh quẩn về tình yêu tuổi học trò. Bởi lẽ những độc giả thiếu nhi của nhà văn ngày nào rồi cũng đã trưởng thành, thành cha thành mẹ, và những lứa thiếu nhi kế tiếp, có thể chúng sẽ không còn cảm được văn của Nguyễn Nhật Ánh vì cái sự không thấy mình trong đó.

Ngẫm lại mới thấy một nghịch lý chua chát: Một nhà văn ở lứa tuổi U60 nhưng vẫn tiếp tục viết truyện thiếu nhi, còn những nhà văn trẻ tuổi hơn thì lại đi viết những câu chuyện người lớn…

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx