Mình biết đến tựa sách “Cửa hiệu giặt là” của Đỗ Bích Thúy từ lúc mới xuất bản, vào độ năm 2014. Lúc đấy nghe tựa sách, đọc lời giới thiệu và xem bìa rất thú vị, nhưng tiếc là tìm ở nhà sách lại không thấy bán nên đành thôi, rồi cũng quên luôn.
Bẵng đi một thời gian tới tận 4 năm sau đó, là 2018 bây giờ, đột nhiên máu văn học trong người mình lại trỗi dậy, mình muốn tìm đọc lại những tác phẩm thời hậu chiến, những tiểu thuyết, truyện dài của các nhà văn lão làng hay những cây bút trưởng thành trong làng văn học, để sống lại một thời văn chương thi phú đã bỏ lỡ khi vào Đại học. Và vô tình, lại bắt gặp quyển “Cửa hiệu giặt là” năm nào.
Có thể ví von quyển tiểu thuyết ngót nghét 200 trang này – mà nên gọi truyện dài thì đúng hơn – như một bộ phim truyền hình nhiều tập về đề tài gia đình, xóm giềng trong một khu phố cổ ở Hà Nội, mà không có một chủ thể để làm nhân vật chính hay phụ. Đất diễn của mỗi nhân vật như nhau, ai cũng có sân riêng của mình với câu chuyện đời tư riêng, nhưng tất cả quy tụ lại về một cửa hiệu giặt là của vợ chồng chị Oanh và anh Phương.
Oanh là một cô gái tỉnh lẻ, lên Hà Nội học đại học rồi lấy luôn anh Phương là đàn anh khóa trên, dân Hà Nội, nhà mặt phố nhưng bố không làm to. Bố mẹ gia truyền lại cho cái nhà, thế là anh Phương mở một cửa hiệu giặt là để cho vợ ở nhà quản lý, còn anh làm biên tập viên kiểm duyệt tin bài cho một trang tin điện tử của phường. Cửa hiệu giặt là của gia đình anh là một trong những địa chỉ giặt là tư nhân xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội.
Nói là tiểu thuyết, nhưng bối cảnh và nhân vật đều là những nhân vật có thực, cũng là những mảng thực tế sống động trong chính cuộc sống của tác giả được gói gọn lại trên từng trang viết. Bối cảnh của câu chuyện gợi nhớ cho mình tới những bộ phim truyền hình Hàn Quốc của Hàn, về những bà mẹ chồng khó ở sống với con dâu, những bà cô nhiều chuyện trong xóm, những vấn đề rắc rối trong nhà chưa biết mà ngoài ngõ đã tỏ tường. Tổ hợp trong “Cửa hiệu giặt là” cũng vậy, nếu lấy gia đình Oanh – Phương làm trung tâm, thì chung vách là căn nhà của bà Minh – chị gái anh Phương, vốn là một góa phụ Hà Nội theo Tây học sống rất mẫu mực cốt cách, sống chung với cô con gái lớn tên Viên tính tình khá kì lạ cùng vợ chồng cậu con trai tên Đức.
Trên cùng khu phố, cũng có mấy cửa hiệu giặt là khác ra sau đẻ muộn cạnh tranh với gia đình của Oanh, như tiệm Oa – Oa với những chiêu trò mất dạy không chịu được. Bên kia đường là anh Bi sốt bơm vá xe, sống chung với bà chị Nhan sốt. Kế đó là hàng cơm bà Ly, hàng thịt của vợ chồng nhà Ụt, hàng bún riêu… Trong cửa hiệu của Oanh, có cái Lê và cái Tư là hai cô bé ở tỉnh được bố mẹ gửi gắm lên làm thuê nhà cô, tới nay đã trổ mã thành thiếu nữ, cộng thêm thằng Vinh mới tuyển vào làm để phụ mấy công việc nặng nhọc.
Mỗi chương ngắn trong quyển tiểu thuyết là mỗi câu chuyện thú vị về một nhân vật nào đó trong khu phố, và cửa hiệu giặt là là điểm liên kết mọi tuyến nhân vật trong các câu chuyện lại với nhau. Từ chuyện thằng Vinh có tình cảm với con Lê, rồi chị Viên mặc bồ độ mấy tuần không thay có hành tung rất mập mờ, tới bà Minh suốt ngày ca cẩm sao cô con gái lớn không đi lấy chồng cho bà nhờ, đến những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra ở cửa hiệu giặt là.
Từng chút, từng chút một, những câu chuyện rất tủn mủn lặt vặt nhưng lại là những lát cắt rất dung dị, rất dễ thương và gần gũi về những con người sống ở phố cổ Hà Nội. Họ có đời sống tinh thần riêng, có quan điểm riêng, và cũng rất quan tâm, đùm bọc lẫn nhau. Cái cách mà anh Phương bày tỏ tình cảm với chị Oanh, hay cái cách Oanh quán xuyến mọi việc trong nhà và bao dung cho đối thủ chơi xấu cửa hiệu của mình, rất tình và rất người.
Khi đọc sách, độc giả không khỏi xao xuyến khi bắt gặp những câu văn nên thơ như thế này:
Đọc một cuốn sách mà gấp lại thấy cuộc đời sao dễ thương quá, con người sao thú vị quá. Có một cửa hiệu giặt là như thế, ở một góc phố cổ, cùng những con người như thế.