Ảnh: Unsplash.com

Hồi cách đây 5 năm, khi mình mới học bơi xong thì sáng cuối tuần nào cũng đi bơi. Người mới biết bơi thì còn nhát, nên mình không dám bơi ở hồ sâu 5m của đám thanh thiếu niên mà chỉ bơi ở hồ 1m2 của trẻ em với người già là chủ yếu.

Một cô ở tuổi trung niên mình hay gặp tầm giờ đó có lần bảo mình: “Tụi con còn trẻ, có sức lực thì không nên ỷ lại. Có thời gian thì ráng đi bơi đều đặn để tốt cho sức khỏe sau này, cho lưng cho cột sống. Hồi còn trẻ cô đâu có thích tập thể dục thể thao gì đâu, tới tầm tuổi này mới đổ bệnh đau lưng, đi bác sĩ thì được khuyên nên đi bơi để hỗ trợ trị bệnh”.

Lời khuyên của cô mình nghe khi còn trẻ, rồi cũng để từ tai này sang tai kia, sau đó mình cũng bỏ vụ đi bơi cuối tuần vì cảm thấy không hợp với bộ môn này về lâu dài. Mãi tới gần đây, khi nghe chị sếp mình ở độ tuổi trung niên than thở chuyện đau lưng thì mình mới nhớ lại câu chuyện ở hồ bơi năm nào.

Chị sếp mình vốn là dân công sở thâm niên hai mươi mấy năm, suốt ngày ngồi làm việc ở văn phòng. Đến năm vừa rồi đột nhiên chị đau cột sống chỉ có thể nằm một chỗ không thể nhấc người lên được, khi đi cũng phải đi cà nhắc trẹo về một bên. Căn bệnh này không phải tự nhiên mà đến, nó là hệ quả của một quá trình ngồi yên một chỗ làm việc quá lâu mà không thay đổi tư thế, khiến cột sống chịu phải sức ép trong một thời gian dài và cơ thể cũng đình công. Sau đó, chị phải đi vật lý trị liệu một thời gian thì mới có thể đi đứng lại bình thường, nhưng căn bệnh này không dứt hẳn – chị vẫn phải duy trì việc đi vật lý trị liệu đến tận bây giờ.

Có lẽ vì vậy mà chị hay nhắc bọn trẻ tụi mình ngồi làm việc phải ngồi thẳng lưng lên, không được gù lưng, hay cứ độ một tiếng là phải đứng dậy đi lại thay đổi tư thế chứ không nên ngồi cả ngày từ sáng tới chiều. Có lần khi nhắc nhở bọn mình về chuyện này, chị không kiềm được xúc động đã bật khóc, vì hồi chị còn trẻ như bọn mình thì không có vị sếp nào nhắc chị mấy chuyện này cả. Nếu như hồi đó chị biết tương lai của mình như vậy thì đã để tâm chăm lo tới sức khỏe của bản thân nhiều hơn chứ không làm việc bất chấp như thế.

Ai cũng có một thời trẻ tuổi tràn trề sức khỏe và đầy sinh lực, như chị sếp mình chỉ mới vài năm trước đó thôi có thể ngồi làm việc từ sáng tới 9, 10 giờ đêm mới về nhà mà không thấy mệt. Nhưng cường độ làm việc như vậy bây giờ lại là quá sức đối với chị, và chị không-còn-khả-năng có thể làm việc “trâu bò” như vậy được.

Từ chuyện của chị ngẫm lại chuyện mình, khi mình ngấp nghé sắp bước sang ngưỡng tuổi 30, mình cảm nhận được rõ ràng sự chuyển biến của cơ thể sinh hóa: mình không còn trẻ, khỏe như hồi hai mươi mấy tuổi nữa.

Ảnh: Unsplash.com

Những năm hai mươi tuổi, mình không bao giờ biết đến chuyện thừa cân là gì dù cho không bao giờ tập thể dục. Đến khi bước vào môi trường công sở làm được 4-5 năm, mình mới cảm nhận được mình càng mập dần đều và lượng mỡ tích tụ nhiều hơn so với trước đây, dù bên ngoài nhìn mình trông vẫn bình thường nhưng bản thân mình biết mình mập hơn chỗ nào. Sự thừa cân khiến mình cảm thấy cơ thể nặng trược, chậm chạp hơn trước, và quá trình xuống cân để giữ tỷ lệ cơ thể hoàn hảo mình mong muốn mất rất nhiều thời gian và sức lực hơn so với trước đây.

Bây giờ, mình không còn dám ăn uống một cách vô tội vạ, thích gì ăn nấy như hồi còn trẻ, mà đều cân nhắc kỹ lượng thức ăn mình nạp vào cơ thể mỗi ngày, thứ gì tốt cho sức khỏe và thứ gì không. Lẽ vậy nên mình thường không bao giờ tham gia hội order trà sữa của đồng nghiệp, và đôi lúc mình thấy có sự hoang mang nhẹ khi chứng kiến các bạn trẻ nốc trà sữa đều đặn mỗi ngày.

Những năm hai mươi tuổi, mình có thể thức khuya cày phim bộ tới 2-3 giờ sáng, sáng hôm sau vẫn dậy đi làm bình thường mà không thấy mệt và không cần phải uống cà phê như nhiều người để tỉnh táo mỗi buổi sáng. Có vẻ tuổi trẻ như một chiếc điện thoại mới, pin rất dễ được sạc đầy, chỉ cần ngủ vài tiếng thôi thì năng lượng cũng đã hồi phục dễ dàng.

Bây giờ, mình chỉ cần thiếu ngủ nửa tiếng đến một tiếng hôm trước thôi thì hôm sau có thể cảm nhận được rõ ràng sự phản ứng của cơ thể: đầu nhức ong ong như có ai lấy búa gõ liên tục lên đầu, người rã rời uể oải, không thể chú tâm làm việc gì ra hồn, năng lực tập trung giảm xuống dưới mức 50%. Trạng thái này chỉ chấm dứt khi mình ngủ bù lại vào hôm sau hoặc cuối tuần, và thời gian ngủ bù thường phải nhiều hơn thời gian đánh mất cho một giấc ngủ đủ. Giấc ngủ ở độ tuổi trung niên bỗng chốc trở thành một ngân hàng, vay bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu, mà còn phải trả lãi nhiều hơn.

Khi chứng kiến những gương nhãn tiền từ người thật việc thật xung quanh, cùng sự chuyển biến theo chiều đi xuống của cơ thể dù mình vẫn đang ở trong giai đoạn tuổi trẻ, mình mới bắt đầu thật sự để tâm đến việc chăm lo cho sức khỏe của bản thân nhiều hơn chứ không còn qua quýt như trước đây. Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để bảo dưỡng cơ thể tùy theo thể trạng và khả năng lắng nghe cơ thể của từng người. Sau đây là một số cách đơn giản mình đang áp dụng:

– Sử dụng vòng đeo tay thông minh: Chiếc vòng Mi Fit của hãng Xiaomi mình dùng có một chế độ khá hay là nhắc nhở vụ ngồi một chỗ quá lâu. Nếu người đeo giữ nguyên một tư thế quá lâu, chiếc vòng sẽ rung lên báo hiệu để nhắc mình đổi tư thế. Khi đó mình thường đứng dậy đi lấy nước hay đi vào toilet rửa tay lúc đi làm. Ngoài ra, chiếc vòng này còn đo được số bước chân bạn đi để bạn biết mình còn thiếu bao nhiêu bước đi bộ tiêu chuẩn mỗi ngày để tốt cho sức khỏe. (Trước giờ mình chẳng bao giờ đeo phụ kiện gì trên người nên mới đeo cũng có phần khó chịu, nhưng đeo hoài thì cũng quen.)

– Đi bộ ở công viên: Là một người hướng nội, mình không thích sự đông đúc ồn ào ở những phòng tập gym đông người với tiếng nhạc xập xình nên mình lựa chọn ra công viên tập thể dục để trở về gần hơn với thiên nhiên. Mỗi buổi chiều sau giờ làm, mình thường thay đồ tập sẵn ở công ty rồi ghé một công viên trên đường về nhà để đi bộ, hít thở khí trời và tập một số máy tập có sẵn ở công viên. Phương án này vừa tiết kiệm chi phí, vừa đúng môi trường lý tưởng của mình. Một số người thì chạy bộ, riêng mình thì chỉ thích tập ở mức độ vừa phải, không cần phải gắng sức. Sau hơn 1 tháng tập đi bộ, sức bền của mình cũng tăng dần và cảm nhận được cơ thể nhẹ nhàng thấy rõ khi giảm được mỡ thừa.

– Ngủ đủ giấc: Nhiều bạn trẻ bây giờ có xu hướng xem giờ buổi tối là giờ vàng cá nhân nên phải xài cho đã bằng cách thức khuya. Mình lựa chọn shut down hết mọi thứ tầm 10 giờ tối, sau đó ngồi thiền 15 phút, nằm đọc sách khoảng 30 phút, tránh xa ánh sáng của các thiết bị điện tử và đi ngủ vào tầm 11 giờ. Những lời khuyên này nghe thì rất sáo mòn trước đây, thông tin y khoa báo chí nói ra rả, nhưng đến độ tuổi cơ chế sinh hóa của bạn xuống cấp thì mới thấy quả thực giấc ngủ quý như vàng.

– Ăn đúng bữa: Vốn có tiền sử đau dạ dày, mỗi đợt stress nặng thì bệnh đau dạ dày của mình lại tái phát. Do vậy mình rất chú trọng việc ăn uống đúng bữa, ăn chậm nhai kỹ và không bỏ bữa. Những món ăn vặt không cần thiết và không có lợi cho sức khỏe thì mình cũng cắt giảm dần và hạn chế, vì dinh dưỡng là trụ cột nền tảng để cơ thể tái tạo lại năng lượng. Bạn chính là những gì bạn ăn, nên việc ăn gì và ăn như thế nào sẽ tạo nên nguồn năng lượng cho cơ thể mỗi ngày.

4 điều trên hết sức cơ bản và dễ thực hiện, nhưng không phải ai cũng làm được. Thường con người ta thường phải đợi khi cái quả xảy ra thì mới quay lại đi tìm hiểu cái nhân và thay đổi lối sống, ít ai e sợ cái nhân ngay từ đầu để cái quả không bao giờ xảy đến.

Có một điểm nếu ai đủ nhạy cảm sẽ thấy, chúng ta thường cảm thấy bứt rứt khó chịu trong người khi cơ thể sinh học của chúng ta đòi hỏi phải được nghỉ ngơi, trong khi linh hồn lại đòi hỏi năng lượng để đạt được mục đích của nó. Mục đích đó có thể là sự phát triển bản thân, gặt hái thêm nhiều thành tựu trong công việc, bứt phá khỏi một giới hạn nào đó về thể chất,… Sự bất nhất này cũng giống như việc cơ thể bạn muốn rẽ trái, nhưng linh hồn bạn lại muốn rẽ phải. Lẽ hiển nhiên là chúng ta không thể vừa rẽ trái vừa rẽ phải được.

Chỉ khi cơ chế sinh học và linh hồn của chúng ta đều cùng đi theo một hướng, ta mới cảm nhận được cảm giác năng lượng tràn trề và đủ đầy, khi đó không có gì có thể cản ngăn ta thực hiện mục tiêu của mình. Cuộc sống của bạn khi ấy mới chuyển hóa theo một hướng tích cực hơn, chứ không phải là những chuỗi ngày mệt mỏi và luôn trong trạng thái cạn kiệt năng lượng.

Hãy chọn cho mình một môn thể dục nào đó để tập khi còn trẻ – dù là tập gym, bơi lội, chạy bộ, đi bộ, võ thuật, leo núi,… – và lưu ý thêm mấy điểm trên mình chia sẻ. Đến một ngày nào đó ở tuổi trung niên, có lẽ bạn sẽ cảm ơn chính mình vì đã lựa chọn yêu thương bản thân khi còn trẻ để không phải hối tiếc vì sức khỏe khi về già.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

  1. Cảm ơn anh vì những chia sẻ ạ ^^
    Em dành hẳn cả tuần này để tìm hiểu về việc ăn uống, tập luyện với sinh hoạt như thế nào cho tốt luôn vì điều này e cũng nghĩ đến từ 1 năm trước rồi cơ mà cứ chần chừ rồi lại không làm.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Nội dung thuộc bản quyền của Chơn Linh. Vui lòng liên hệ xin phép trước khi sử dụng lại.