Hồi cấp ba, đối diện trường mình là thư viện lớn của tỉnh. Suốt 3 năm cấp 3, thư viện có bao nhiêu quyển sách là mình mượn đọc gần hết, từ chuyện Đông Tây kim cổ cho đến văn học các thể loại. Trong lãnh vực sách phát triển bản thân, hồi xưa tự bản thân mình phân làm 2 loại: một là sách kỹ năng theo kiểu Tây phương (như Chicken soup for the soul, Quà tặng cuộc sống), loại còn lại là các sách tư tưởng cổ học Đông phương của bách gia chư tử (Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử…).
Không hiểu vì sao, mỗi lần đọc sách phát triển bản thân kiểu Tây phương, hiểu thì hiểu nhưng vẫn có cảm giác xa lạ, không có gần gũi với mình. Nhưng khi đọc sách cổ học Đông phương, cảm giác như chạm vào mạch suối nguồn, tâm trí tự dưng được khơi trào ra, đọc tới đâu là thông suốt tới đó. Flashback lại một chút thì ngay từ thời cấp một mình đã thích đọc Nhị Thập Tứ Hiếu và những câu chuyện thần thoại cổ Trung Hoa, dù lúc đó vẫn đọc truyện cổ Grimm và Andersen nhưng không có cảm giác quen thuộc bằng.
Nhân dịp gần đây đọc một quyển sách về Khổng Tử, mới nhớ lại giấc mơ cũ nhiều năm trước, nghiệm lại thấy đúng với nội dung đọc trong sách hiện tại. Trong mơ, mình thấy đang đi học về, đứng đợi ở trạm xe buýt thì bị một người đứng từ xa dùng vật như phi tiêu bắn vào người. Ngay lập tức, mình niệm chú bảo hộ thì vật đó không bay trúng vào người. Nhưng càng lúc người này càng bắn tới tấp khiến mình không đỡ được, phải chạy vào bên trong tường để trốn. Sang hôm sau, khi đứng chỗ đó mình vẫn gặp lại tình trạng này xảy ra, thì ra cô chủ quán căn-tin đang giả dạng, mặc đồ đen bịt khẩu trang kín mít, quan sát camera bên ngoài để “ném đá giấu tay”.

Lúc này, mình đùng đùng xông vào bắt tại trận, cô này cũng thuộc thể loại không phải dạng vừa đâu, đứng đó thách đố mình dám làm được gì. Ngay lúc này bỗng xuất hiện một vị cao nhân mặc đồ cổ trang, râu dài, mình được ấn tâm biết là Khổng Tử. Khổng Tử mới tiến tới nói chuyện phải trái với cô chủ quán, bảo rằng cô lấy chuyện bắn phá người khác làm niềm vui thích mà không biết cái đau của họ; giả sử không phải là họ mà là con cái cô bị bắn thì cô có đau không? Lúc này thì cô chủ quán ngớ người ra và quỳ xuống lạy Đức Khổng Tử vừa khóc lóc, vừa luôn miệng bảo con đã hối hận rồi. Đạo lý trong lời dạy này của Khổng Tử cũng ứng với một câu chuyện cổ trong nhà Phật, nói về một mụ quỷ dạ xoa chuyên đi bắt trẻ con để ăn thịt, tới khi Đức Phật bắt đứa con của mụ thì mụ mới hối hận khóc lóc xin tha.
Khi đương đọc quyển sách, mình mới chợt nghiệm lại thì ra đó là bài học “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” trong quyển “Luận ngữ”, tức việc mình không thích thì cũng đừng làm cho người khác.
Khi giấc mơ chuyển cảnh, mình thấy Khổng Tử đứng với hai vị, một vị vua và một vị quan. Khổng Tử muốn chia sẻ cái thuật trị dân mà mình mới ngộ ra được nhưng vị vua thì từ chối đây đẩy, bảo không muốn nghe. Khổng Tử buồn lòng, định thôi kể thì vị quan kia lại bảo Khổng Tử hãy chỉ dạy những chân lý này cho vị đó. Đến đây thì giấc mơ kết thúc. Giấc mơ này cũng ứng với thực tế là trong lịch sử, thuật trị dân và lý tưởng của Khổng Tử không được vua quan cùng thời xem trọng. Phải rất lâu sau khi ông mất đi, tư tưởng của ông truyền bá mới được người đời sau xem trọng.
Trong một buổi lễ về siêu hình, một bạn đạo qua linh ảnh thấy chư vị độ bên mình là một vị quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi ủng, mặc sắc phục màu trắng có viền hoa văn trên áo như các vị quan trong triều đình xưa. Vì mình thuộc cung Văn nên đây cũng là vị độ cho mình theo nghiệp văn chương viết lách, từ nhỏ đã mê đọc sách, lên cấp ba học chuyên Văn, lên đại học theo học trường Xã Hội Nhân Văn, chuyên ngành Báo chí và ra đời cũng làm công việc liên quan tới sách và viết lách mỗi ngày. Ngẫm lại mới thấy, cái nghề đi với cái nghiệp nó đã là duyên số được định sẵn. Và bài học này cũng giúp mình lý giải vì sao mình lại có niềm đam mê với cổ học Đông phương mà năm nào từng thắc mắc.