Vào dịp 20/10 này, ngoài rạp đang công chiếu một bộ phim chữa lành của Myanmar có tựa An lạc. Bộ phim kể câu chuyện về một nhà sư và một chú chó có tên An Lạc. Cả hai có một mối nhân duyên ràng buộc gắn kết sâu đậm với nhau vì An Lạc lúc nhỏ là một chú chó hoang phá phách bị dân làng xa lánh, còn nhà sư Shin Sanda từng là một đứa trẻ có người cha làm nghề thợ săn bị cả làng hắt hủi. Nhà sư lẫn An Lạc đều mất cha mẹ từ sớm nên giữa cả hai có mối dây đồng cảm với nhau. Kể từ lần đầu bắt gặp chú chó hoang đang kiếm ăn ngoài đường, nhà sư Shin Sanda cho nó ăn và nó bắt đầu lẽo đẽo theo chân anh như hình với bóng.
Trong phim, cậu bé Shin Sanda được mẹ gửi vào chùa để tu vài tháng, một truyền thống của người dân Myanmar để con cái tu trả hiếu cho cha mẹ. Nhưng sau đó, cậu bé quyết chí tu hành và xin mẹ cho mình ở lại chùa. Cậu thọ Sa di (xuất gia khi còn nhỏ và thọ mười giới) và tu theo Phật giáo Nam tông (hay còn gọi là Phật giáo nguyên thủy). Các nhà sư trong phim mặc pháp phục màu đỏ hồng (giống như các tu sĩ Hồng mao phái bên Tây Tạng), để trần một bên vai và thường đi khất thực vào buổi trưa để ăn một bữa ngọ. Hình ảnh này cũng rất quen thuộc với người Việt Nam bởi thi thoảng chúng ta vẫn thấy một số nhà sư Nam tông bận pháp phục màu vàng nghệ, cầm bình bát đi khất thực ngoài đường, nhất là ở các tỉnh miền Tây.
Có một chi tiết thú vị trong phim làm mình để ý, đó là khi đi khất thực, nhà sư trẻ Shin Sanda đi chân trần như các nhà sư khác trong đoàn. Nhưng trong các phân cảnh sinh hoạt đời thường ở tu viện hay khi dẫn một vị khách đi tham quan trong rừng, nhà sư Shin Sanda lại đi một đôi dép kẹp (mình hay gọi là dép lào). Rõ ràng, chi tiết này không phải là sự sơ ý của đoàn phim mà đó là một thói quen thường nhật trong đời sống của một vị sư ở Myanmar. Theo tìm hiểu của mình, các nhà sư Myanmar thường đi chân đất ở những nơi có người ở như khi vào làng, thành phố để khất thực. Như vậy, họ phân định ranh giới rạch ròi giữa việc đi khất thực thì phải đi chân trần – đúng như truyền thống của Phật giáo nguyên thủy và việc có thể mang dép trong những sinh hoạt thường ngày.
Về điểm này, mình chưa có dữ liệu thực tế để đối chiếu với các tu sĩ Nam tông ở Việt Nam nên không rõ họ có thói quen tương tự hay không (bạn nào biết có thể comment chia sẻ). Tuy nhiên, sự bất nhất trong việc sử dụng đôi dép kể trên kể ra cũng khá “nửa nạc nửa mỡ”.
Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật ngày trước khi từ bỏ ngôi vị thái tử hoàng gia để đi tu thì ngài cũng từ bỏ những tiện nghi vật chất của cuộc sống giàu sang quyền quý. Trong xã hội Ấn Độ thời đó, chỉ có những gia đình giàu có mới có dép để đi, trong khi người dân thường đều đi chân đất. Mang giày, dép tượng trưng cho địa vị xã hội, sự giàu có và đẳng cấp. Việc Đức Phật từ bỏ đôi dép chuyển sang đi chân đất cũng biểu thị cho lối sống giản dị, biết đủ và giảm thiểu dục vọng (“tri túc, thiểu dục”) với nhu cầu vật chất. Đó là lý do vì sao chúng ta có thể thấy trong nghệ thuật và văn hóa Phật giáo, các bức tranh, tượng và điêu khắc về Đức Phật thường miêu tả ngài đi chân đất.
Về sau, khi Phật giáo truyền bá qua nhiều ngả đường đến các quốc gia khác nhau và chia ra nhiều tông phái, vẫn có một nhánh lớn của Phật giáo nguyên thủy trung thành với những giáo lý nguyên thủy của Đức Phật. Tuy nhiên, trong nhánh lớn Phật giáo nguyên thủy này cũng có nhiều nhánh nhỏ khác với những chủ trương khác nhau. Một số tu theo hạnh đầu đà, thường mặc pháp phục đắp từ những miếng vải vụn nhặt ở bãi rác, nghĩa địa, đi chân đất và cầm bình bát khất thực, sống lang bạt như hành khất. Một số vẫn tu ở chùa chiền, đi khất thực và quay trở lại chùa, như các nhà sư Myanmar trong phim An lạc.
Trở lại câu chuyện đôi dép, có một điều thiết nghĩ chúng ta ngày nay nên suy ngẫm lại. Thời trước, Đức Phật từ bỏ ngai vàng đi tu, vì muốn hòa mình vào quần chúng mà từ bỏ đôi dép để đi chân đất, bởi còn đi dép là còn chấp nhất vào tiện nghi vật chất, chưa biết buông bỏ. Nhưng trải qua 2.500 năm, đời sống vật chất và tiện nghi của con người đã tiến bộ lên rất nhiều. Bây giờ chuyện đi ra ngoài đường mang giày, mang dép là chuyện hết sức hiển nhiên và bình thường với mọi tầng lớp, không phân biệt giàu-nghèo. Ngay cả những người nghèo như người ăn xin, người bán vé số cho tới những người vô gia cư ngủ trên vỉa hè, dù nghèo cách mấy cũng có một đôi dép để mang.
Vậy, các tu sĩ Phật giáo nguyên thủy ở thế kỷ 21 vẫn lựa chọn đi chân đất để thể hiện điều gì? Phải chăng đó là sự chấp nhất vào một truyền thống đã cũ kỹ, lỗi thời?
Trong phim An Lạc, vị sư trụ trì nói với nhà sư Shin Sanda hãy biết buông bỏ chấp trước, đừng để ràng buộc vào những mối quan hệ vật chất hữu hình thì mới có thể giải thoát khỏi cõi luân hồi. Nghe lời thầy mình, nhà sư Shin Sanda lựa chọn từ bỏ mối duyên ràng buộc với An Lạc, bỏ chú chó lại ở ngôi làng để ngày nào nó cũng nằm ở cổng làng ngóng chủ về cho tới chết. Một cách lý giải đậm tinh thần Phật giáo, nhưng ở một góc độ nào đó cũng thiếu tính nhân văn. Bởi lẽ nhà sư Shin Sanda vẫn còn một lựa chọn khác là để chú chó An Lạc đồng hành cùng mình cho tới phút cuối đời rồi ra đi trong thanh thản.
Các nhà sư thường dạy người tu phải biết buông bỏ chấp trước, nhưng với chuyện đi chân trần và đôi dép nhỏ xíu, sau mấy ngàn năm rồi họ vẫn chưa buông bỏ được. Lạ thay.
Cảm ơn tác giả đã xây dựng trang web này với rất nhiều nguồn thông tin, với nhiều câu chuyện nhân văn và hữu ích.
“Vậy, các tu sĩ Phật giáo nguyên thủy ở thế kỷ 21 vẫn lựa chọn đi chân đất để thể hiện điều gì? Phải chăng đó là sự chấp nhất vào một truyền thống đã cũ kỹ, lỗi thời?”
Tôi xin có 1 chút góc nhìn về việc này của riêng mình, bản thân tôi cũng có trải nghiệm về Vipassana. Tuy chưa hề hành pháp Hạnh đầu đà. Thế nhưng, theo tôi ngoài trừ những vị có thể là vì Chấp mà không mang dép cho phù hợp với thời đại thì theo tôi nghĩ đi chân trần nó có cái dụng của nó
– Đầu tiên là nó giúp tăng cường chánh niệm, tỉnh giác trong lúc bộ hành.
– Thứ 2 là sự chuyển hóa, hòa hợp năng lượng. Một khi Thân, Tâm- Trời- Đất được tiếp chạm trực tiếp (Tôi không diễn tả được trải nghiệm này) giống như nó không có chướng ngại, ngăn cách vậy.
Ví dụ cá nhân tôi, nếu nằm ngủ trực tiếp trên nên nhà, buổi sáng tôi cảm thấy khoan khoái, khỏe mạnh hơn khi ngủ trên nệm vậy.
Đây chỉ là chia sẻ góc nghĩ hạn hẹp của mình, mong được anh chỉ bảo thêm.
Thân mến
Chào bạn,
Trải nghiệm đi chân đất, xúc chạm với mặt đất để tăng cường chánh niệm cũng từng được thiền sư Thích Nhất Hạnh đề cập qua việc thiền hành (ở một số cuốn sách của thiền sư này và các hoạt động ở các thiền viện của ông). Nếu đó là một hoạt động ngắn hạn trong một khóa thiền tập thì chẳng có gì để bàn luận, nó cũng giống như việc chúng ta chạy chân trần trên sân cỏ vui chơi hay trên bãi biển thì cảm giác sẽ tự do và thoải mái, kết nối với thiên nhiên nhiều hơn.
Nhưng nếu dùng chân trần để… đi khắp ta bà thế giới hay đi kiểu tam bộ nhất bái, để cho chân bỏng rộp vì cái nắng nóng của nhựa đường, hay để đạp miểng chai, đinh sắt, đá sỏi trên đường, thì đó là một sự hành xác. Và sự hành xác đó không đem lại lợi lạc gì về mặt tinh thần lẫn tâm linh, ngoài việc nhất nhất duy trì theo một lối khổ tu từ mấy ngàn năm trước.