Có bao giờ bạn thắc mắc, vì sao trên bìa sách có lúc chỉ có một logo nhà xuất bản, có lúc lại có tới tận hai logo (thậm chí có trường hợp có tới ba logo)? Hai đơn vị đó có dây mơ rễ má gì với nhau hay không? Hầu hết độc giả đều không phân biệt được sự khác nhau giữa nhà xuất bản và công ty phát hành sách, và thường có sự nhầm lẫn rằng ở những cuốn sách có hai logo thì nhà xuất bản mới là đơn vị chính sản xuất cuốn sách đó.

Nếu thử xem qua một số bìa sách của nước ngoài (các đầu sách xuất bản bằng tiếng Anh), bạn sẽ thấy chỉ có một logo duy nhất hoặc tên của nhà xuất bản và thường là rất khó nhìn thấy, trừ một số nhà xuất bản lớn như Penguin/Random House, Harper Collins, Simon and Schuster thì có logo đặc trưng. Một số đơn vị khác thậm chí còn không để logo hay tên nhà xuất bản trên bìa chính, mà chỉ để ở gáy sách.
Tuy nhiên ở Việt Nam, bạn sẽ thấy có tới hai trường hợp: (1) bìa sách chỉ có một logo của nhà xuất bản; (2) bìa sách có logo của công ty phát hành sách và nhà xuất bản. Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai đơn vị này?
Nhà xuất bản
Theo Luật Xuất bản 2012 quy định, nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo hai loại hình chính: hoặc là đơn vị sự nghiệp công lập, tức các đơn vị của nhà nước; hoặc là doanh nghiệp kinh doanh do nhà nước là chủ sở hữu. Nói một cách đơn giản, nhà xuất bản là đơn vị trực thuộc nhà nước và chịu sự quản lý của nhà nước. Họ sẽ chịu trách nhiệm chính là xin giấy phép phát hành từ Cục Xuất bản cho một ấn bản sách. Sau khi có giấy phép, họ có thể tự phát hành sách hoặc liên kết với công ty phát hành sách tư nhân để đưa quyển sách tới độc giả.
Ở bối cảnh đặc thù của Việt Nam, các lĩnh vực quan trọng như truyền hình, phát thanh, xuất bản đều do nhà nước quản lý và thường sẽ có sự kiểm duyệt bởi đây là những thông tin quan trọng sẽ được truyền tải tới khán-thính-độc giả trên khắp cả nước. Một công ty tư nhân có thể sản xuất một gameshow, một chương trình radio hay một cuốn sách, nhưng họ không thể phát sóng, phát thanh hay xuất bản nếu không liên kết với một đơn vị trực thuộc nhà nước để được cấp phép phát hành.
Một số nhà xuất bản nổi tiếng ở Việt Nam có thể kể tới như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Phụ Nữ, NXB Hội Nhà Văn, NXB Tổng Hợp, NXB Hồng Đức,… Ngay cả các khối đại học lớn cũng có các nhà xuất bản riêng như NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Mỗi nhà xuất bản như vậy đều có đơn vị chủ quản là một đơn vị công lập nào đó.
Công ty phát hành sách
Công ty phát hành sách (hay còn gọi là công ty xuất bản) là công ty tư nhân đăng ký hoạt động phát hành, xuất bản phẩm. Ở Việt Nam, nếu như số lượng nhà xuất bản chỉ tầm vài chục, thì số lượng công ty phát hành sách lên tới hàng trăm công ty khác nhau và luôn nở rộ như nấm mọc sau mưa (nhưng cũng nhiều nơi chóng tàn trong một thị trường luôn có sự cạnh tranh).
Phần lớn sách trên thị trường xuất bản hiện nay đều do các công ty phát hành sách mua bản quyền, tiến hành dịch thuật, biên tập, dàn trang, thiết kế và in ấn. Nhưng vì là công ty tư nhân nên họ không thể tự phát hành cuốn sách ra thị trường mà phải liên kết với một nhà xuất bản của nhà nước để được cấp giấy phép phát hành. Chính vì vậy, quan hệ giữa công ty phát hành sách và công ty xuất bản là sự cộng sinh với nhau, vì không có sự bảo trợ của nhà xuất bản thì mặc nhiên họ không thể phát hành sách được. Đối với trường hợp liên kết xuất bản, trên bìa chính hay gáy sách sẽ có logo của cả hai đơn vị – logo công ty phát hành sách luôn nằm bên trái, còn logo nhà xuất bản luôn nằm bên phải.
Các công ty phát hành sách nổi tiếng ở Việt Nam có thể kể tới như Nhã Nam, First News, Alpha Books, Saigon Books, Thaiha Books, Phuongnam Books, Đông A, Tao Đàn,… Mỗi công ty sẽ có thế mạnh trong những dòng sách thương hiệu khác nhau, và họ cũng thường phát triển các thương hiệu con gắn liền với từng dòng sách riêng biệt. Cũng có những công ty “đánh” đều hết ở tất cả các mặt trận với đủ thể loại và đề tài khác nhau.
Mối quan hệ giữa nhà xuất bản và công ty phát hành sách
Sự phân biệt rõ ràng giữa nhà xuất bản và công ty phát hành sách không chỉ là về mặt hành chính và luật pháp, mà còn phản ánh quá trình xuất bản hay phát hành sách của mỗi đơn vị.
- Trường hợp (1) – bìa sách chỉ có một logo của nhà xuất bản: NXB là đơn vị sản xuất cuốn sách từ đầu đến cuối, bao gồm các khâu như mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, dàn trang, thiết kế.
- Trường hợp (2) – bìa sách chỉ có hai logo của công ty phát hành sách và nhà xuất bản: Công ty phát hành sách là đơn vị sản xuất cuốn sách từ đầu đến cuối với các khâu như trên. Tuy nhiên, khi liên kết với nhà xuất bản để phát hành sách, biên tập viên bên NXB vẫn sẽ đọc lại bản bon (layout sách đã dàn) để kiểm duyệt về mặt nội dung và giám đốc NXB sẽ quyết định có liên kết phát hành cuốn sách đó hay không.
- Trường hợp (3) – bìa sách có tới ba logo, bao gồm công ty phát hành sách, nhà xuất bản và đơn vị hợp tác với công ty phát hành sách: Đây là trường hợp công ty phát hành sách hợp tác với một thương hiệu nào đó hay được thương hiệu đó tài trợ xuất bản, đổi lại họ sẽ được để logo thương hiệu trên bìa sách. Trường hợp này cũng hiếm gặp vì một số hạn chế trong việc quảng cáo trên xuất bản phẩm.
Thông thường, một công ty phát hành sách sẽ có mối quan hệ với một hoặc nhiều nhà xuất bản khác nhau, tùy thuộc vào mối quan hệ của Tổng Biên tập hoặc Giám đốc công ty phát hành sách. Có những công ty phát hành sách chỉ liên kết với một nhà xuất bản duy nhất, nhưng cũng có những công ty liên kết với khá nhiều nhà xuất bản. Trong trường hợp sau, tiêu chí chọn nhà xuất bản để liên kết sẽ tùy thuộc vào đề tài và nội dung của quyển sách.
Trong mối quan hệ song phương này, còn có sự xuất hiện của “người thứ ba” là nhà in (có thể là tư nhân hoặc của nhà nước), bởi chuyện in ấn là một lĩnh vực kinh doanh khác nằm ngoài chuyên môn của nhà xuất bản lẫn công ty phát hành sách. Khi chuyển sách sang nhà in, bên nhà in cũng sẽ yêu cầu giấy phép phát hành thì mới có thể in sách với số lượng lớn được.
Khi khen hay chê một cuốn sách, hầu hết độc giả chỉ quan tâm tới nhà xuất bản mà không để tâm tới công ty phát hành sách, trong khi họ mới là đơn vị chính sản xuất cuốn sách đó. Định hướng kinh doanh và đội ngũ nhân sự giữa nhà xuất bản và công ty phát hành sách cũng có màu sắc khác nhau, giống như sự khác biệt giữa cơ quan nhà nước và công ty tư nhân. Nhiều độc giả đọc sách thường ít quan tâm tới chuyện cuốn sách mình đọc là do đơn vị nào xuất bản – nhà xuất bản hay công ty phát hành sách nào? Khi biết thêm kiến thức này, bạn có thể sàng lọc và chọn ra nhà xuất bản hay công ty phát hành sách yêu thích, như thể theo dõi một ca sĩ thần tượng mỗi khi họ ra bài hát mới vậy.
seri này hay và bổ ích quá, cảm ơn Chơn Linh nha.
Cảm ơn cậu vì bài viết bổ ích ạ. Mình đang bắt đầu thực tập tại NXB nhưng trước giờ vẫn mù mờ mấy khoản này lắm.