Lần đầu tiên nhìn thấy poster phim Girl from Nowhere trên Netflix, mình cứ ngỡ đây là phim Nhật vì thấy tạo hình nhân vật chính với mái tóc ngố cắt ngang cùng đồng phục học sinh nên mặc định là mình “auto next” cho qua thẳng thừng. Cơ bản là mình không thích xem phim Nhật cho lắm và thể loại học đường Nhật Bản thì mình đã quá lứa lỡ thì để xem. Bởi vậy nên dù cho được lên sóng lần đầu năm 2018 và nổi đình nổi đám trên khắp mạng xã hội, mình cũng ngó lơ Girl from Nowhere và không hề có ý định muốn xem.

Mãi tới năm 2021 này, khi phim tiếp tục ra season 2 và lên top 10 Netflix, trên mạng xã hội lại rộ lên trend “Girl from Đại Nam” từ vụ lùm xùm giữa CEO Nguyễn Phương Hằng và ông Võ Hoàng Yên cùng nghệ sĩ Hoài Linh, mình mới tò mò không biết nhân vật trong phim này có gì đặc biệt mà lại được lấy ra so sánh với một nhà tài phiệt Việt Nam như thế? Đó cũng là lúc mình bắt đầu bước vào thế giới của nhân vật chính Nanno và tá hỏa khi xem tập 1 mới biết – hóa ra đây là phim Thái Lan.

Ở tập 1 của series Girl from Nowhere, Nanno là một học sinh trung học mới chuyển trường và được thầy giáo thể dục chọn vào đội ghi hình bài tập yoga. Đội này chỉ có hai người và tập riêng với thầy trong hội trường kín. Trong quá trình tập, Nanno bị thầy đụng chạm và sờ mó khắp người, sau đó thì Nanno cố tình tạo tình huống chỉ có hai thầy trò ở riêng và tên thầy cũng giở trò dê xồm “hấp diêm” luôn cô học trò này. Người thầy này có một sở thích biến thái đó là dụ dỗ nữ sinh trong trường để quan hệ tình dục và quay clip lại đe dọa nữ sinh đó. Nhưng với tài ứng biến khôn khéo của Nanno, cuối cùng cô cũng lật mặt được vị thầy giáo máu 35 này và làm cả gia đình thầy tan nát, còn thầy thì bị bắt vô tù.

Xem hết tập 1, mình mới thắc mắc: “Ủa, nhân vật chính xử lý hết tình huống là hết phim rồi. Vậy mấy tập sau chiếu gì ta?”. Ai ngờ qua tập 2, Nanno lại tiếp tục chuyển sang một ngôi trường mới, làm quen mới một nhóm bạn mới, và lại đối diện với một tình huống có vấn đề: Cô bị một hội bạn ép rượu đến say mèm và cưỡng dâm. Đến khi tỉnh lại, Nanno giằng co với tên hiếp dâm mình và bị xiết cổ tới chết, sau đó bị cả nhóm bạn đem chôn xác. Xem tới đây mình mới “What the hell? Ủa nhân vật chính chưa gì tập 2 chết rồi là sao?”.

Nếu bạn nào lần đầu xem Girl from Nowhere trong trạng thái hồn nhiên theo kiểu chưa đọc bất cứ bài review nào như mình, chắc chắn bạn sẽ có cùng tâm trạng và bật ra những câu hỏi như trên giống mình. Ban đầu mình cứ ngỡ Nanno là một cô gái thông minh, nhạy bén và có biệt tài bóc phốt những tên xấu xa trong môi trường học đường như kiểu Sherlock Homes phiên bản nữ. Nhưng không, mình đã bị đạo diễn và biên kịch cho ăn một cú lừa. Qua tới tập 2, mình mới hiểu được vì sao phim lại có tên “Girl from Nowhere” (Cô gái đến từ hư vô). Hóa ra Nanno không phải người bình thường, mà là một cô gái bí ẩn, tuy không có các thể loại năng lực siêu nhiên như Xmen nhưng có thể chết đi sống lại.

Đi qua khoảng 2 tập phim đầu, khán giả sẽ dần hình dung ra bối cảnh và concept phim: Mỗi tập là một phim lẻ, một câu chuyện độc lập, không có sự liên kết giữa các tập phim. Ở mỗi tập phim, Nanno sẽ xuất hiện ở một ngôi trường trung học khác nhau ở thân phận là học sinh mới chuyển trường. Trong từng ngôi trường ấy, Nanno sẽ bóc phốt một nhân vật nào đó, từ thầy cô giáo cho đến học sinh, miễn là bên trong người đó có tiềm ẩn mầm mống ác độc xấu xa. Ví dụ như, có tập Nanno vạch mặt chuyện trường học chạy theo thành tích và học sinh “pha-ke” tài năng để được trường công nhận là thiên tài; có tập thì vạch trần thể loại học sinh nghèo mạt rệp mà đua đòi đóng giả vai công tử giàu sang; có tập thì lột mặt nạ cũng những đứa sống ảo trên mạng xã hội v.v.

Mỗi một tập phim là một vấn nạn lớn xảy ra ở bất cứ trường học nào, mà những người một thời từng là học sinh ở các nước Á châu như chúng ta hẳn sẽ thấy rất quen thuộc. Có người bạn của mình xem phim còn bảo một số tập trong phim ứng với câu chuyện của bạn từng gặp thời đi học, nên khỏi phải nói tính chất rất đời của phim là chất liệu thu hút được tỷ suất người xem cao đến như vậy.

Cấu tứ mỗi tập phim cũng rất thú vị, mở đầu là một câu mở đề của Nanno đặt ra một vấn đề nào đó, và xuyên suốt tập phim Nanno sẽ đi tìm lời giải đáp để khán giả vỡ lẽ ra khi đi tới kết phim. Một số tập kịch bản thật sự rất cuốn hút, tới nỗi nếu tách ra và phát triển thêm về chiều sâu thì có thể sánh với một bộ phim điện ảnh, nên xem Girl from Nowhere khán giả luôn có cảm giác hồi hộp ngóng chờ – không biết tập tiếp theo Nanno sẽ đi đâu và sẽ đi bóc phốt vấn đề gì?

Thành công lớn nhất của Girl from Nowhere ngoài kịch bản chắc tay và hình ảnh, âm nhạc ấn tượng thì không thể không kể đến diễn xuất của nhân vật Nanno, do diễn viên Chicha Amatayakul thủ vai. Nanno có một điều cười thương hiệu như một con điên điển hình, mỗi lần ai chọc trúng huyệt cười của Nanno là ẻm phá lên cười siêu creepy. Thêm một màn mình siêu ấn tượng là điệu nhảy của Nano ở tập 2 trước cột cờ với phần nhạc nền thương hiệu của phim. Sang tới season 2, Nanno có màn “song nhảy hợp bích” với Yuri với màn uốn éo cũng siêu creepy không kém. Thần thái của bạn Chicha Amatayakul diễn ra rất đậm chất kinh dị, dù đây là vai diễn lớn đầu tay của bạn.

Một series nổi như cồn như thế, nhưng phải tới 3 năm sau mới lên sóng season 2. Mùa 2 của phim về cấu trúc vẫn giữ tinh thần của mùa 1, nhưng phát triển thêm nhân vật mới là Yuri – một cô nàng bí ẩn giống như Nanno và luôn tranh mối làm ăn với Nanno. Do vậy giữa các tập phim cũng có sự liên kết với nhau chứ không còn tính chất độc lập như mùa 1. Sau khi xem một lèo 2 mùa phim, cá nhân mình không đánh giá cao mùa 2 bằng mùa 1. Một là phim bắt đầu chuyển từ hướng kinh dị tâm linh sang kinh dị máu me, khi những pha giết chóc máu me quá nhiều. Hai là kịch bản có phần đi xuống, khi các pha bóc phốt và xử lý phốt có phần non tay hơn và quá trực diện theo kiểu gieo nhân nào gặt quả đó một cách trần trụi, mà thiếu đi một sự ám ảnh sâu sắc để suy nghĩ day dứt mãi không thôi như mùa 1. Hơn nữa, một bộ phim khởi quay sau 2-3 năm thì mạch cảm xúc của diễn viên bị đứt quãng, nên những tập đầu mùa 2 với mình diễn xuất của Nanno có phần sượng trận.

Xuyên suốt qua 2 mùa phim với 21 tập phim lẻ (một số câu chuyện dài thì kéo qua 2 tập liền), khán giả có thể thấy được những góc khuất nơi học đường với vô vàn mặt trái hiển hiện. Trường học vốn dĩ là nơi để học sinh học tập, vui chơi và kết giao bè bạn, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, còn phần chìm là những vấn nạn về bao lực học đường, về mua bán điểm chác, về quấy rối tình dục, về nạn phá thai, v.v. Càng đi sâu vào mỗi góc khuất, người xem mới dần cảm thấy vỡ lẽ ra nhiều sự thật, hóa ra chúng ta lầm tưởng quá nhiều về học đường. Mình rất thích cái tứ Nanno xuất hiện ở mỗi ngôi trường khác nhau trong mỗi tập phim, mà mỗi trường là một hệ thống giáo dục hoàn toàn khác biệt, ban giám hiệu và cơ cấu cũng khác biệt. Bởi lẽ trong thực tế, không có một ngôi trường nào hội tụ đủ tất cả mọi chuyện xấu xa chốn học đường, mà lác đác ở mỗi môi trường đều tồn tại một vấn nạn gì đó.

Có thể hiểu theo một cách nào đó, Nanno là hiện thân của quỷ Satan – một linh hồn bất tử đến từ địa ngục. Vốn dĩ Nanno không trừng phạt hay làm hại ai cả, mà cô chỉ tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi để cái xấu cái ác bên trong bản tâm mỗi người nảy sinh, và kết quả là họ tự làm hại chính họ. Sứ mệnh của Nanno chỉ là tác tạo nhân duyên cho mầm mống tôi ác trỗi dậy, và người có tội thì cuối cùng cũng phải bị trừng phạt thích đáng.

Trong 2 mùa phim thì có một số tập sau mình đặc biệt thích:

  • Hi-So: Anh chàng nhà nghèo sống ảo sắm vai công tử con nhà giàu, lỡ nhận lời mời bạn bè tới nhà chơi nên phải thuê dịch vụ của Nanno để thuê một ngôi biệt thự cùng người hầu. Ai ngờ hai người hầu lại chính là ba mẹ của anh chàng này khiến nhân vật lâm vào cảnh trớ trêu.
  • Trap: Một tập phim kịch bản cực cuốn và lối quay phim cực hay khi bối cảnh từ đầu tới cuối phim chỉ diễn ra trong một lớp học, khi một nhóm tội phạm giết người đột nhập trường học và tấn công học sinh thì nhóm thầy trò đóng cửa cố thủ. Suốt cả ngày hôm đó, các thành viên trong lớp cả thầy lẫn trò đấu tố lẫn nhau, dẫn tới một kết cục siêu sốc ở phút cuối.
  • BBF: Một cuộc họp lớp sau 10 năm ra trường, cả lớp đào lên rương đồ từng chôn để ôn lại kỷ niệm thì xuất hiện một chiếc điện thoại bí ẩn không rõ của ai. Tình bạn diệu kỳ tuổi học trò tưởng chừng như tươi đẹp lắm, ai ngờ là một phen bóc phốt tập thể được host bởi Nanno. Tập này siêu hay luôn mọi người ạ!
  • Liberation: Style dựng phim tập này phảng phất nét của American Horror Story khi phim được dựng theo lối trắng đen tỉ lệ khung hình 3:4 màn hình tivi thời xưa. Kịch bản tập này siêu đỉnh và màn đấu nhau giữa Nanno và Yuri cực kỳ gây cấn.

Những ai trước giờ ít xem phim Thái thì xem Girl from Nowhere xong có thể thay đổi hẳn cái nhìn về phim ảnh Thái Lan ngày nay. Một bộ phim sâu sắc và ám ảnh để xem qua mùa dịch này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Trang hạn chế copy bài vở, mong quý vị thông cảm.