Ảnh: Unsplash

Dịp Tết vừa rồi mình có duyên gặp một người anh ở quê và nghe anh chia sẻ về con đường học hành và sự nghiệp của anh, mà nghe xong mình chỉ có thể trầm trồ ngưỡng mộ và thán phục. Từ thời đại học, anh đã học song song ngành Công nghệ sinh học và Ngôn ngữ Anh của hai trường đại học nổi tiếng, sau đó anh học lên thạc sĩ ngành sinh học và trở thành giảng viên đại học, rồi tiếp tục học lên tiến sĩ ở nước ngoài với chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Pháp, nhưng do vấn đề sức khỏe nên phải bỏ học giữa chừng để về quê tịnh dưỡng. Anh thông thạo cả ba ngoại ngữ Anh – Pháp – Trung, hiện đang làm cùng lĩnh vực với mình nhưng ở cấp độ hàn lâm học thuật cao hơn mình nhiều. Hồi mới ra trường đi làm vài năm, anh đã mua được nhà ở Sài Gòn.

Khi về quê sinh sống, anh làm gia sư dạy tiếng Anh cho nhiều học sinh kiêm thêm vị trí freelancer biên tập, hiệu đính sách cho nhiều nhà xuất bản lớn của Nhà nước, chuyên làm sách theo đơn đặt hàng của ngân sách Nhà nước. Nhiều trường cấp ba và đại học ở quê mình đều ngỏ lời mời anh về trường họ dạy nhưng anh thích cuộc sống tự do hiện tại hơn. Có điều trong quá trình đi làm gia sư, tiếp xúc với phụ huynh và các em học sinh ở quê (gọi là quê nhưng vẫn là khu vực thành phố, chỉ là ở tỉnh lẻ), anh nhận định với mình rằng tư duy của học sinh lẫn phụ huynh ở đây còn cách biệt rất xa so với dân ở thành phố lớn như Sài Gòn. Cụ thể là học sinh thì lười học, không có động lực cạnh tranh trong học hành, còn phụ huynh thì không có tư duy cầu tiến.

Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với anh khiến mình suy nghĩ rất nhiều, vì những thành tựu anh đạt được ở thời điểm hiện tại chính là hình mẫu mà mình luôn khao khát hướng tới. Vì sao cùng sinh trưởng trong một thành phố, cùng học chung trường cấp hai, trường chuyên cấp ba và cùng trường đại học, làm trong cùng một ngành (cả hai anh em có khá nhiều điểm chung), nhưng kết quả là mình chỉ đang đứng ở xuất phát điểm trong khi anh đứng ở vị trí cách xa mình nhiều? Câu hỏi này mình sẽ giải đáp ở cuối bài, khi lần ngược từ vị trí anh đang đứng hiện tại tới xuất phát điểm của anh.

Ảnh: searchenginejournal.com

Câu chuyện về cha đẻ của ChatGPT

Gần đây bỗng dưng trên mạng nổi lên hiện tượng ChatGPT, một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11 năm 2022. Sở dĩ ChatGPT thu hút được sự chú ý của toàn cầu là nhờ việc nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau ở mức độ chuẩn xác tương đối cao. Giống như một Mr. Biết Tuốt, ChatGPT có thể trả lời mọi câu hỏi của người dùng từ việc giải bài tập, viết bài luận IELTS hay lên kịch bản cho một video TikTok,… Đứng sau thành công của ChatGPT là Sam Altman, nhà đồng sáng lập của công ty OpenAI (chung với tỷ phú Elon Musk) và anh cũng là một nhân vật đặc biệt khi từng bỏ học đại học nhưng vẫn gầy dựng được thành công vang dội ở Thung lũng Silicon, tương tự như những tỷ phú bỏ học nổi tiếng khác như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg.

Khi nghe câu chuyện về Sam Altman, một số người sẽ có nhận định vội vàng theo kiểu những gã bỏ học, học hành không tới đâu thì khởi nghiệp rồi làm chủ, thành tỷ phú, trong khi những người học cho nhiều, bằng cấp này nọ rồi cuối cùng đi làm thuê cho những gã bỏ học này. Muốn tìm hiểu về lý do thành công của một người, cách tốt nhất là tìm hiểu bối cảnh gia đình và quá trình trưởng thành của họ trước đó. Sam Altman sinh năm 1985, lớn lên ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ trong một gia đình thượng lưu gốc Do Thái (người Do Thái vốn nổi tiếng là thông minh). Ngay từ năm 8 tuổi, anh được mẹ là một bác sĩ đã tặng anh một chiếc máy tính Macintosh, thương hiệu máy Mac của hãng Apple thời kỳ đầu, để anh học cách lập trình và tháo rời máy tính. Bạn đọc nên biết rằng, ở đầu thập niên 1990, một chiếc máy tính Macintosh có trị giá khoảng 2.500 – 3.000 USD (tương đương 6.500 – 7.800 USD ở hiện tại), tức khoảng 150-170 triệu đồng tiền Việt Nam tính theo thời giá bây giờ.

Ảnh: Sam Altman. Nguồn: techcrunch.com

Thời trung học, Sam theo học trường John Burroughs, một trường trung học tư nhân có học phí cao nhất nhì bang Missouri, giới hạn số lượng học sinh chỉ tầm 631 em ở tất cả các khóa. Với triết lý giáo dục tự do và tiến bộ, đây cũng là một trong 50 ngôi trường dự bị đại học hàng đầu Hoa Kỳ với phần lớn học sinh tốt nghiệp sẽ dễ dàng vào được 8 trường đại học danh giá hàng đầu. Sau đó Sam được nhận vào khoa Khoa học máy tính của Đại học Standford và kết giao với một nhóm bạn có cùng đẳng cấp xuất phát từ các gia đình thượng lưu, nắm bắt nhiều thông tin và có quan hệ rộng rãi. Chỉ sau hai năm theo học Standford, anh và hai người bạn cùng lớp quyết định bỏ học vào năm 2005 để khởi nghiệp với dự án công nghệ Loopt, ứng dụng di động chia sẻ vị trí của người dùng với bạn bè của họ. Loopt là một trong số 8 công ty đầu tiên được công ty đầu tư mạo hiểm Y Combinator rót vốn và dự án này nằm chung đợt với Reddit.

Sau thất bại của Loopt vào năm 2012, Sam thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm có tên là Hydrazine Capital và quỹ này trở thành đối tác của công ty Y Combinator. Đến năm 2014, Sam được Paul Graham, người sáng lập Y Combinator, chọn kế nhiệm vào vị trí Chủ tịch công ty. Năm 2015, Altman được đưa vào danh sách Forbes 30 Under 30. Cũng trong cùng năm, Sam đã đồng sáng lập OpenAI với tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX vào thời điểm đó. Và sau đó là sự xuất hiện của ChatGPT gây bão toàn cầu trong thời gian gần đây, khiến cho các doanh nghiệp lớn cũng đang trong cuộc chơi AI này như Google hay Facebook phải điêu đứng.

Ở trên mình kể lại dông dài hành trình của Sam Altman để bạn đọc thấy được một điều rằng, thành công của một người ở vị trí hiện tại của họ không chỉ đơn giản đến từ năng lực tự thân, mà nó còn là sự hội tụ của rất nhiều đặc quyền mà họ được hưởng từ bối cảnh gia đình và môi trường giáo dục. Có bao nhiêu người trong chúng ta được cha mẹ sẵn sàng đầu tư một chiếc máy tính trị giá vài trăm triệu để có thể phá banh cái máy vào năm 8 tuổi? Và bao nhiêu người được đi học trong một ngôi trường tư nhân, giới hạn số lượng học sinh với triết lý giáo dục tiến bộ?

Ảnh: Sam Altman và Elon Musk. Nguồn: elon-musk-interviews.com

Sự cách biệt đến từ đặc quyền

Trong một lần trò chuyện cùng cậu bạn quen biết mười mấy năm, mình có than thở đôi chút về định hướng sự nghiệp trong tương lai vì con đường mình lựa chọn hiện tại không phải là con đường có thể đi đường dài. Bạn mới bảo rằng bạn thấy mình cũng có năng lực, sao không ra khởi nghiệp kinh doanh hay mở trung tâm dạy tiếng Anh để bứt phá hơn hiện tại? Nghe câu hỏi của bạn, mình mới cảm thán rằng những người như bạn có những đặc quyền mà chính bạn cũng không nhận ra, vì thường mặc định đó là điều đương nhiên.

Câu hỏi của bạn xuất phát từ vị trí của một người có nhiều đặc quyền hơn mình, bởi bạn sinh trưởng trong một gia đình trí thức có điều kiện, từ nhỏ đã học tiếng Anh tại trung tâm ILA và tham gia nhiều cuộc thi hùng biện tiếng Anh, tới khi vào đại học thì bạn cũng đi du học ngành Khoa học máy tính ở Mỹ, từng khởi nghiệp kinh doanh một số dự án. Tới khi bạn về nước, cha mẹ gần như bàn giao tài sản cả triệu đô của gia đình cho bạn quản lý để bạn có thể tự lập và thử nghiệm những dự án kinh doanh của riêng mình. Với tất cả những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bạn được mài giũa ở môi trường trong nước lẫn nước ngoài, bạn có thể dễ dàng mở một công ty, triển khai một dự án kinh doanh, rồi thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh khác nhau để đi tìm mô hình thành công.

Nhưng ở vị trí của mình, mình không có được những đặc quyền như bạn có để có thể dễ dàng nói khởi nghiệp là khởi nghiệp cái một. Tuy mình cũng được sinh ra trong một gia đình khá giả có điều kiện, nhưng ba mẹ mình chỉ là dân kinh doanh buôn bán, không phải kiểu mẫu gia đình trí thức và gần như suốt từ thời đi học thì ba mẹ hầu như không quan tâm tới chuyện học hành của mình, cũng như không có định hướng cho mình phải đi học môn này môn nọ hay theo học ngành này ngành kia. Mọi sự lựa chọn của mình trong đời hầu như đều do mình tự quyết định và điều mình luôn cảm thấy tiếc nuối nhất cho quãng thời gian đã qua là mình không có một mentor hay một hình mẫu nào trong gia đình hay dòng họ để định hướng cho mình một lộ trình học hành và sự nghiệp đúng đắn. Mình kể ra không phải là để so sánh với tâm lý mặc cảm tự ti hay cảm giác thua kém, mà thực tế là những đặc quyền cậu bạn ấy có được cách biệt với mình rất nhiều.

Ảnh: Phim “Cậu út nhà tài phiệt”

Trong bộ phim Cậu út nhà tài phiệt của Hàn Quốc, nam chính Huyn Woo lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó và phải bỏ dở ước mơ vào đại học vì gia đình không đủ điều kiện để chu cấp cho cậu lên đại học. Cuộc sống của Huyn Woo trong 20 năm sau đó là những khó học và tủi hổ khi cậu chỉ có thể làm những công việc lao động chân tay và luôn bị người khác xem thường vì chỉ mới tốt nghiệp phổ thông. Đến khi chuyển sinh thành Do Joon, cậu út con nhà tài phiệt của một tập đoàn lớn nhất nhì Hàn Quốc, Huyn Woo mới cảm nhận được những lợi thế cậu được hưởng từ đặc quyền của mình và rất trân trọng đặc quyền ấy, từ đó lấy làm bàn đạp để vươn tới những thành công vượt bậc mà những chú bác hay anh em khác trong gia đình tài phiệt ấy không thể làm được do không có được động lực mạnh mẽ như cậu.

Trong phim, có một câu nói của Do Joon với người bạn học khiến mình rất thấm thía. Vì cô bạn này vốn là con gái một vị thẩm phán, theo học khoa Luật của Đại học Seoul (trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc), nhưng lại tỏ vẻ xem thường mấy hội con nhà giàu trong trường và không muốn dính dáng tới những đặc quyền đó (một hội cũng giống như Sam Altman tham gia ở Đại học Standford). Do Joon mới nói với cô bạn rằng:

Cậu nghĩ rằng mình không hề liên quan tới đặc quyền đúng không? Với đầu óc thông minh rồi điểm số mà cậu đã nỗ lực giành lấy, cậu đã đường hoàng bước vào ngôi trường đại học tốt nhất Hàn Quốc. Trong suốt ba năm học phổ thông, cậu không phải lo lắng gì mà chỉ cần tập trung vào việc học tập. Và ở giây phút này, cậu cũng có thể toàn tâm toàn ý học tập mà không cần lo kế sinh nhai. Cậu chưa từng nghĩ rằng tất cả việc đó là nhờ có sự giúp đỡ về kinh tế và tâm lý vững vàng từ bố mẹ ư?

Ảnh: Phim “Cậu út nhà tài phiệt”

Vấn đề lớn nhất của những người có nhiều đặc quyền trong xã hội là hiếm người ý thức được và nhận ra là mình đang sở hữu rất nhiều đặc quyền hơn người khác. Như cậu bạn kể trên, khi nghe mình cảm thán như vậy thì cậu ấy mới bảo rằng: “Mình thấy mình bình thường như mọi người mà, có gì khác biệt đâu”. Cái sự “bình thường” của bạn đôi khi là thứ mà người khác phải nỗ lực phi thường mới có được. Nếu đổi lại trong hoàn cảnh khác, ví như nhà bạn khó khăn hơn hoặc tuy nhà bạn khá giả nhưng ba mẹ không phải là dân trí thức, thì kết quả là bạn sẽ không đứng ở vị trí giống như hiện tại. Người có nhiều đặc quyền và được thừa hưởng những nguồn lực, kiến thức và tầm nhìn từ đặc quyền đó sẽ có lợi thế hơn người bình thường rất nhiều.

Cơ bản là không phải mình không muốn khởi nghiệp kinh doanh hay làm những điều lớn lao hơn, mà là mình tự nhận thấy bản thân không có đủ khả năng và tiềm lực để làm như vậy. Dĩ nhiên là có nhiều người khác tuy họ không có nhiều đặc quyền như cậu bạn của mình, nhưng ở họ lại có tinh thần dấn thân mạo hiểm và sự máu me khao khát làm giàu cần có của những người kinh doanh, và mình thì không thuộc tạng người như thế. Bạn không thể bảo một người sống trong môi trường văn chương chữ nghĩa mười mấy năm qua sao không ra kinh doanh làm ăn đi, điều này cũng giống như bạn bảo con cá chỉ quen bơi dưới nước sao không thử leo cây?

Người sở hữu nhiều đặc quyền và đạt được những thành tựu từ những đặc quyền đó có rất nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Ví như người anh giỏi giang mình gặp ở quê, anh có hai bằng cấp chuyên môn, có học hàm học vị, thành thạo ba ngoại ngữ và có chứng chỉ cả ba, nên anh có quyền từ chối lời mời dạy của một trường đại học hay trường cấp ba mà tự do lựa chọn con đường anh muốn đi và thấy thích. Nếu không làm trong lĩnh vực này, anh có nhiều cơ hội trong các lĩnh vực khác với những vốn liếng sự nghiệp mà anh đang có sẵn.

Nhưng không phải ai cũng giống như anh để có quyền tự do lựa chọn như vậy. Ví như bạn không thích công việc ngân hàng nhưng bạn tốt nghiệp chuyên ngành ngân hàng và ra làm ở một ngân hàng, cả sự nghiệp đi làm 5-10 năm của bạn chỉ gắn liền với công việc ngân hàng, liệu bạn có quyền tự do bỏ việc để đi theo một hướng khác mà mình thích từ lâu không? Có, dĩ nhiên bạn có quyền lựa chọn và không ai cấm cản bạn cả, nhưng việc đưa ra lựa chọn đó hết sức khó khăn và bạn phải đánh đổi rất nhiều, chứ bạn không thể đưa ra lựa chọn một cách dễ dàng.

Ảnh: Hoàng hậu Antoinette. Nguồn: royalcentral.co.uk

Góc nhìn từ vị trí có nhiều đặc quyền

Có một giai thoại thú vị từ vị Hoàng hậu Antoinette của Pháp vào cuối thế kỷ 18. Khi thấy người dân Pháp chết đói vì không có đủ tiền mua bánh mì, Hoàng hậu Antoinette đã thốt lên rằng: “Nếu họ không có bánh mì để ăn, hãy để họ ăn bánh kem”. Là con gái út trong số 16 người con của của Hoàng đế Franz I của Đế quốc La Mã Thần Thánh với Hoàng hậu Maria Theresia I của Áo, từ nhỏ Antoinette đã sống trong nhung lụa và sự cưng chiều của cha mẹ trong một gia đình vương quyền. Lẽ vậy không mấy khó hiểu khi ở vị trí quyền lực của một hoàng hậu, bà có thể hồn nhiên và ngây thơ khi nghĩ rằng nếu như người dân nghèo ở Paris thiếu bánh mì để ăn, vậy thì bảo họ hãy mua bánh kem ăn đỡ đi.

Ở thế kỷ 21, đa số dân văn phòng đều quen với khái niệm thiền chánh niệm như một liệu pháp thường được tìm đến để giải tỏa căng thẳng và cân bằng lại cuộc sống. Nếu bạn là dân văn phòng và gặp nhiều áp lực trong công việc, bạn có thể dễ dàng tìm đến một khóa thiền ở một trung tâm dạy thiền nào đó hoặc xin nghỉ phép tầm 10 ngày để tham dự khóa tu Vipassana ở một thiền viện yên tĩnh. Nhưng bạn không thể nói với những người phụ nữ lao động bình dân đang cáng đáng mưu sinh để lo cho từng bữa ăn gia đình và đàn con nheo nhóc với những áp lực căng thẳng trong cuộc sống rằng, bà ta hãy dành thời gian để học thiền đi, hãy sống trong giây phút hiện tại nào. Cách giải quyết căng thẳng đó xuất phát từ một vị trí có nhiều đặc quyền. Khi bạn có nhiều đặc quyền, bạn dễ dàng nói ra những lời nhẹ hều như vậy.

Ảnh: Unsplash

Trở lại câu chuyện về người anh ở đầu bài, khi tìm hiểu về bối cảnh gia đình anh thì mình mới biết được, hóa ra ba anh là bác sĩ còn mẹ anh là dược sĩ, lẽ vậy không khó hiểu vì sao anh lại lựa chọn theo học khối chuyên Sinh từ cấp ba và đi theo chuyên ngành Công nghệ sinh học (có thể cha mẹ anh không định hướng hay ép buộc mà cho anh quyền tự do lựa chọn, nhưng hình mẫu của cha mẹ có sức ảnh hưởng rất lớn đối với con cái). Trong môi trường mà anh sinh trưởng, mình còn biết rằng có khá nhiều anh chị em họ hàng khác của anh đều là những người có bằng cấp và thành đạt trong sự nghiệp. Đó cũng là những đặc quyền mà anh có được để mài giũa và hun đúc cho anh trở thành con người ở phiên bản hiện tại.

Trong khi đó, mình là một trong hai người trong dòng họ học được lên tới đại học và hai bên nội ngoại của mình đều là gốc gác nông dân, không phải thành phần trí thức để có sự định hướng giáo dục con cháu ngay từ nhỏ. Nếu bạn có cha mẹ là bác sĩ, mình nghĩ cách giáo dục bạn được thừa hưởng trong gia đình sẽ rất khác với khi bạn có cha mẹ là những người lao động bình dân. Và chúng ta không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra cũng như lựa chọn cha mẹ ngay từ đầu, nên ngay từ xuất phát điểm thì giữa chúng ta đã có nhiều sự cách biệt.

Khi xoay chuyển lại góc nhìn, dĩ nhiên là so với cậu bạn kia hay người anh kể trên thì mình không được may mắn sở hữu nhiều đặc quyền như họ, nhưng so với nhiều người khác thì mình lại sở hữu những đặc quyền khác mà người khác không thể có được. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta ở những vị trí cách biệt như vậy trong xã hội, và xã hội này vốn dĩ không có sự bình đẳng cho tất cả mọi người, mà thực tế luôn có một số người có nhiều đặc quyền hơn những người khác.

Nhưng thông điệp mình muốn gửi gắm ở đây không phải là chúng ta cứ nhìn vào những đặc quyền nhiều nhặn mà người khác có được rồi than thân trách phận, rằng sao mình bạc phước không may mắn được như họ. Nếu bạn sinh ra đã được sở hữu nhiều đặc quyền hơn những người khác, hãy trân trọng và biết ơn những đặc quyền bạn đang có chứ đừng xem đó là chuyện đương nhiên. Và nếu sở hữu nhiều đặc quyền hơn người như vậy mà đến giờ bạn vẫn chưa thành công hay chưa có thành tựu gì nổi trội, đó là vấn đề mà bạn cần xem lại ở bản thân mình. Ngược lại, nếu bạn sinh ra trong hoàn cảnh không có được nhiều đặc quyền như người khác, hãy nhìn vào vị trí người khác có được và biết vị trí của mình đang ở đâu để nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Hãy làm việc bạn có thể làm, sau đó làm việc bạn cần phải làm, cuối cùng hãy làm việc bạn muốn làm. Cuối cùng bạn sẽ nhận ra bạn đã làm được tất cả. Mọi chuyện tự nó sẽ giải quyết ổn thoả khi bạn ngưng suy tính và lo nghĩ lăng xăng. Rồi thì tất cả chúng ta cũng sẽ tốt đẹp hơn thôi.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Lạc quan thì tốt nhưng có một khái niệm gọi là chủ nghĩa lạc quan tàn nhẫn. Đó là khi người khác gặp một vấn đề trong cuộc sống của họ và bạn trao cho họ một giải pháp cá nhân đơn giản bằng thứ ngôn ngữ lạc quan tích cực. Nó có vẻ lạc quan bởi vì bạn nói với mọi người rằng vấn đề đó có thể được giải quyết trong thời gian sớm thôi – nhưng trên thực tế, nó là tàn nhẫn bởi vì giải pháp mà bạn đưa ra rất hạn chế và mờ mịt trước những nguyên nhân sâu xa kia đến mức nó không có tác dụng đối với hầu hết mọi người.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.