Unsplash.com

Một người bạn của mình gần đây mới tham dự một cuộc phỏng vấn trực tiếp tại một tập đoàn lớn. Anh sếp của tập đoàn này hỏi bạn một câu như sau:

– Điểm yếu của em là gì?
– Em là một người hướng nội – người bạn mình trả lời.
– Anh là người hướng ngoại. Người hướng nội thì cũng ok nhưng khá chậm. Anh thì không thích chậm, vì công ty đang ở giai đoạn cần phát triển nhanh.

Nghe câu chuyện bạn kể lại thì mình hơi buồn cười vì nhận định có phần hơi chủ quan và đầy định kiến của anh sếp kể trên. Với anh, người hướng nội đồng nghĩa với hình ảnh làm việc chậm chạp, còn người hướng ngoại thì làm việc nhanh nhẹn. Định kiến này liệu có đúng?

Tái định nghĩa về sự “nhanh” và “chậm”

Ở những bài trước của series Hành Trình Của Một Người Hướng Nội, mình có chia sẻ 2 cơ chế của người hướng nội: cơ chế năng lượng (tập 5) và cơ chế tư duy (tập 6). Trong đó, cơ chế tư duy là phần bề nổi dễ thấy nhất phân biệt một người hướng ngoại và một người hướng nội:

  • Người hướng ngoại: vừa suy nghĩ vừa nói, có khả năng nghĩ tới đâu nói tới đó một cách rành mạch, rõ ràng.
  • Người hướng nội: phải suy nghĩ xong mới nói, vì phải sắp xếp câu chữ, ý tứ đâu vào đó thật hoàn chỉnh trong đầu rồi mới nói ra được.

Trong môi trường làm việc nơi công sở, ở những tình huống mang tính chất đối đáp nhanh như phỏng vấn, trao đổi công việc, họp hành, thuyết trình, v.v. thì khả dĩ người hướng ngoại sẽ trội hơn một tẹo vì luôn chớp lấy cơ hội để phát biểu ý kiến. Nhưng cái trội hơn ở đây chỉ là nhanh hơn vài chục giây hay vài phút, chứ không chậm tới mức nửa tiếng hay vài tiếng sau thì người hướng nội mới xử lý xong mớ suy nghĩ trong đầu rồi trả lời. Sự nhanh trong tư duy của người hướng ngoại là ưu điểm, nhưng đôi khi cũng chính là nhược điểm vì phát biểu ý kiến một cách vội vàng, bộp chộp, thiếu suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng về chuyện mình đang nói nên có thể lỡ mồm hay vạ miệng cũng là chuyện bình thường. Còn sự chậm trong tư duy của người hướng nội là nhược điểm, nhưng ngược lại cũng chính là ưu điểm vì họ sẽ suy xét cẩn trọng hơn những lời mình phát ngôn.

Ở góc độ của một nhà lãnh đạo hay một nhà quản lý, bạn sẽ thích một người nhanh nhẹn mà bộp chộp, vội vàng hay một người chậm mà chắc, chín chắn và sâu sắc hơn? Chuyện brainstorming (động não) để thảo luận một ý tưởng, bàn luận giải pháp cho một vấn đề kinh doanh, hay định hướng chiến lược cho một doanh nghiệp,… đâu phải là chuyện một sớm một chiều, cả đám chui vô phòng họp rồi bấm đồng hồ coi ai nói nhanh hơn. Chuyện nói nhanh hay chậm thì là vấn đề về kỹ năng giao tiếp, ăn nói, nó thuộc về phần quá trình khi các hoạt động trên diễn ra, còn phần kết quả đầu ra (output) mà các nhà điều hành doanh nghiệp hướng tới là một ý tưởng, một giải pháp chất lượng cho vấn đề của họ trong ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Như vậy, nói nhanh hay nói chậm ở đây thì có ích gì cho kết quả đầu ra đó?

Ảnh: Alphabooks

Bàn về sự nhanh và chậm, không thể không nhắc đến lý thuyết “Tư duy nhanh và chậm” nổi tiếng của Tiến sĩ Daniel Kahneman, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2002. Lý thuyết của ông diễn giải rằng bên trong tâm trí của chúng ta cũng giống như một sân khấu kịch với hai diễn viên chính:

  • Tư duy nhanh (hệ thống 1): Phần bộ não hoạt động theo trực giác và đột ngột, thường không có sự kiểm soát có ý thức. Hệ thống này là di sản của quá trình tiến hóa hàng triệu năm của nhân loại, thuộc về phần vô thức tập thể như lý thuyết của Carl Jung.
  • Tư duy chậm (hệ thống 2): Phần bộ não chịu trách nhiệm cho quá trình ra quyết định, lập luận và niềm tin của mỗi cá nhân. Nó điều khiển các hoạt động có ý thức của tâm trí như tự kiểm soát, khả năng lựa chọn và chủ ý tập trung.

Ví dụ cho dễ hiểu, bạn đang chạy xe máy trên đường, bạn đột ngột nghe tiếng còi xe rất lớn ngay bên cạnh. Lúc này, bạn lập tức chuyển sự chú ý về hướng phát ra tiếng ồn đó, thì đây là cách tư duy nhanh (hệ thống 1) hoạt động. Bạn tiếp tục chạy xe tiếp, nhưng bây giờ tự dưng thấy đói bụng nên suy nghĩ tối nay ăn gì? Có quá nhiều lựa chọn từ các hàng ăn trên đường, từ hủ tiếu, bún riêu, bún bò cho tới cơm tấm, hoành thánh, mì vịt tiềm, v.v. Tâm trí bạn phải cân nhắc, suy nghĩ, lục lọi lại ký ức để nhớ tối hôm qua bạn ăn gì, tối hôm kia bạn ăn gì, rồi món nào lâu rồi bạn chưa ăn. Đây là cách tư duy chậm (hệ thống 2) hoạt động.

Khi hiểu về bản chất của tư duy nhanh và chậm, thì bạn sẽ hiểu được rằng giữa người hướng ngoại và người hướng nội vốn dĩ không có sự khác biệt nào quá lớn khi đối diện với các phản ứng kích thích tư duy nhanh từ môi trường bên ngoài. Chẳng hạn, khi bạn đang ngồi trong nhà thì bỗng dưng thấy một con rắn lục xanh bò vô nhà, lúc này tư duy nhanh sẽ kích hoạt và bạn nhảy phóc lên chỗ nào cao nhất trong nhà để tránh con rắn đó; chứ không phải vì bạn là người hướng ngoại thì bạn sẽ nhảy lên giường lẹ hơn người hướng nội. Hay khi đang đi đường thì gặp trúng một con chó điên nó nhảy xổ vô rượt bạn, thì dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại thì bị chó rượt cũng phải ba chân bốn cẳng mà chạy chứ không dại gì đứng yên đó cho con chó nó cắn mình – trừ khi bạn có vấn đề về thần kinh nhận thức.

Ngược lại, ở phần tư duy chậm thì cả người hướng nội và hướng ngoại cũng đều giống nhau khi đối diện một vấn đề hóc búa, chứ người hướng ngoại cũng không nhanh hơn người hướng nội được bao nhiêu. Để biết sự khác biệt của tư duy nhanh và chậm hoạt động trong tâm trí của bạn như thế nào, mình sẽ đưa ra vài câu đố thú vị thử tài trí não của bạn đọc:

  1. Con mèo nào cực kỳ sợ chuột?
  2. Mèo trắng là bạn của mèo đen. Mèo trắng bỏ mèo đen theo mèo vàng. Một thời gian sau, mèo trắng gặp lại mèo đen. Mèo trắng sẽ nói gì?
  3. Trái cam và trái táo có giá tổng cộng là 1,10 đồng. Trái cam đắt hơn trái táo 1 đồng. Vậy trái táo của giá là bao nhiêu?

Câu 1: Tư duy nhanh: có con mèo nào mà sợ chuột đâu! Sai. Tư duy chậm: mèo máy Đô-rê-mon cực kỳ sợ chuột.

Câu 2: Tư duy nhanh: nói “Tại sao em bỏ anh?”. Sai. Nói “meo meo” chứ gì! Sai. Hay nói “Nôbita”? Sai nốt. Tư duy chậm: mèo không biết nói.

Câu 3: Tư duy nhanh: giá trái táo = 1,10 – 1 = 0,1 đồng. Sai. Tư duy chậm: Gọi trái cam là x, trái táo là y, ta có hệ phương trình như sau:

  • x + y = 1,10 => x = 1,10 – y (1)
  • x – y = 1 (2)
  • Thế (1) vào (2), ta có phương trình: (1,10 – y) – y = 1 => 1,10 – 2y = 1 => y = (1,10 – 1)/2 = 0,05
  • Suy ra trái táo có giá là 0,05 đồng

Thú thật với bạn đọc là ở cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm”, tác giả không có giải hệ phương trình như mình mà chỉ đưa ra đáp án cuối. Ban đầu mình cũng sử dụng lối tư duy nhanh và suy ra đáp án sai như trên, nên đọc đáp án của tác giả thì mình cũng không hiểu vì sao lại thế. Thế là mình phải vận dụng…. công lực lục lọi trí nhớ từ hơn 10 năm về trước đã từng học giải phương trình đại số như thế nào để giải bài toán này, và nói rõ thêm mình là dân rặt chuyên Văn (dĩ nhiên với bạn nào giỏi Toán thì đọc bài này giải dễ ợt trong vài giây).

Điều mình muốn chốt lại ở đây là, đối với những vấn đề nan giải, hóc búa trong cuộc đời, thì chúng ta đều cần phải bình tĩnh sử dụng tư duy chậm để suy ngẫm, phân tích, so sánh, đối chiếu để tìm ra một câu trả lời thỏa đáng. Đó là một quá trình xử lý thông tin tương đối phức tạp và mất thời gian bên trong não bộ. Lẽ vậy, một người hướng ngoại mà không nhạy bén, không thông minh, không sâu sắc thì chưa chắc đã có thể xử lý thông tin và đưa ra câu trả lời nhanh như người hướng nội, trong cùng một vấn đề hóc búa như trên.

Người hướng nội: “Chào bạn, mình ở trên núi và đứng đây từ chiều, còn bạn tới đâu rồi?” Người hướng ngoại: “Mình đang ở dưới chân núi.” Ảnh: Unsplash.com

Một người hướng nội cực kỳ… nhanh

Ai đã từng tiếp xúc hay làm việc với mình, đều thấy được mình là một minh chứng sống động cho việc người hướng nội không-hề-chậm là thế nào. Bởi lẽ mình đi rất nhanh (được bạn bè phong cho danh hiệu “cao thủ lăng ba vi bộ”), nói rất nhanh, và làm việc cũng rất nhanh nốt. Một nhiệm vụ bình thường đôi khi người khác xử lý phải một tuần mới xong, mình chỉ cần vài ba ngày là làm xong cái một. Khi mình còn quản lý 6 team lớn nhỏ với gần 30 con người, mỗi ngày có hàng tá công việc như núi đè, và mình phải học cách xoay chuyển mọi thứ để workload (khối lượng công việc) được phân luồng theo đúng trình tự, mà mình y như cảnh sát giao thông điều phối.

Theo hệ thống phân loại tính cách MBTI của Carl Jung, sự nhanh này của mình không thuộc về phạm trù Xu hướng tự nhiên – tính hướng nội hay hướng ngoại (cặp tính cách Introvert & Extrovert), mà thuộc về phạm trù Cách thức hành động – tính nguyên tắc (Judging) hay linh hoạt (Perceiving). Nói đơn giản thì nhóm J & P này được hiểu như sau:

  • Nguyên tắc (J): thiên hướng đưa ra kế hoạch và đưa ra lộ trình để đạt được mục tiêu. Slogan – càng sớm càng tốt.
  • Linh hoạt (P): chấp nhận những thay đổi bất chấp kế hoạch ban đầu để điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh nhất, đem lại kết quả tối ưu nhất tại một thời điểm xác định. Slogan – sao cũng được.

Ví dụ như bạn hẹn một nhóm bạn cùng đi ăn tối lúc 7g. Người nguyên tắc sẽ có nguyên tắc của họ để đáp ứng mục tiêu là ăn tối với bạn vào lúc 7g, nên họ sẽ đến đúng giờ hoặc đến sớm hơn từ 5 đến 15 phút để thỏa được mục tiêu đó. Nhưng người linh hoạt thì ngược lại, như slogan “sao cũng được”, với họ thì 7g hay 7g15, 7g30 cũng đâu có khác gì nhau, lỡ chuẩn bị đi mà có việc chen ngang thì từ từ họ tới trễ nửa tiếng hay cả tiếng đồng hồ cũng được. Với người linh hoạt, chẳng có việc gì phải vội vàng vì trời đâu có sập?

Trong môi trường công việc, bạn sẽ càng thấy cách thức hành động của người nguyên tắc và linh hoạt rõ ràng hơn. Khi sếp giao một nhiệm vụ với deadline 1 tuần, người nguyên tắc sẽ cố gắng nỗ lực làm càng sớm càng tốt, xong việc sớm thì họ sẽ làm chuyện khác tiếp. Nhưng người linh hoạt thì cứ từ từ, việc gì phải vội, còn cả tuần mới tới deadline kia mà; thực tế là phải đến những ngày cuối cùng thì người linh hoạt mới bắt tay vào làm việc, vì đối với họ cảm giác kích thích nhất là khi deadline dí tới chân thì mới chạy.

Khi 4 nhóm xu hướng tính cách của MBTI có sự hòa trộn với nhau, thì sẽ ra tới 16 loại tính cách đặc trưng. Như vậy, một người hướng nội sẽ có khả năng cũng là một người nguyên tắc/linh hoạt, và người hướng ngoại cũng vậy. Cho nên một người hướng ngoại mà cách thức hành động đặc trưng của họ là linh hoạt thì chuyện chậm trễ deadline là như cơm bữa, trong khi đó một người hướng nội mà có cách thức hành động là nguyên tắc thì họ giải quyết công việc rột rột từng cái một như mài dao. (Ở đây mình chỉ bàn tới khía cạnh ưu điểm của người nguyên tắc và nhược điểm của người linh hoạt trong sự nhanh-chậm, chứ chưa bàn đến phần ưu/nhược còn lại của mỗi nhóm.)

Kết luận lại, người hướng ngoại chưa chắc đã nhanh, người hướng nội chưa chắc đã chậm. Chậm hay nhanh ở đây cần phải định nghĩa lại để hiểu cho đúng. Và các nhà tuyển dụng ơi xin hãy cập nhật kiến thức về phân loại tính cách MBTI để hiểu cho đúng hơn về người hướng nội lẫn hướng ngoại, chứ đừng tư duy theo thói quen rồi kết luận theo định kiến.

Một điểm nữa mình cũng muốn lưu ý với những bạn đọc là người hướng nội: hướng nội không phải là một điểm yếu. Cho nên, đừng bao giờ trả lời nhà tuyển dụng hay bất kỳ ai khác rằng điểm yếu của mình là tính hướng nội. Ngược lại, hãy tự hào mà dõng dạc nói rằng: “Điểm mạnh của em là tính hướng nội.”

Ảnh: 1Funny.com

Bạn hãy thử nhìn xem loài chó và loài mèo. Đây là hai con vật có thể làm “đại sứ thương hiệu” xuất sắc nhất cho tính hướng ngoại (chó) và hướng nội (mèo). Ở đây mình chỉ ví von chứ không có ý mỉa mai hay châm biếm, như chó – hướng ngoại thể hiện qua việc hay sủa khi chủ về, khi có khách đến, lúc nào cũng chạy lăng xăng trong nhà và làm đủ trò mua vui cho chủ, chủ hỏi gì thì chó cũng sẽ ngay lập tức “gâu gâu” đáp lời; còn mèo – hướng nội thì ngược lại, hay trốn trong một góc nằm ngủ, không muốn bị ai làm phiền, chủ hỏi nhiều khi còn chẳng thèm nhìn.

Vậy chúng ta có kết luận con chó là nhanh còn con mèo thì chậm? Hãy nhìn cảnh một con chó với một con mèo đánh nhau, bạn sẽ biết con mèo tát con chó nhanh như thế nào và nhanh chóng nhảy phóc lên bờ rào hay lên nóc nhà. Hay một người lạ thử đụng vào một con mèo, nó sẽ nhanh chóng nhảy phóc lên tủ và chạy như bay trong vòng một nốt nhạc. Lúc đó con nào nhanh hay chậm hơn, có lẽ chúng ta phải xem lại về thế giới quan của mình.

Đọc tiếp Tập 11: Chuyện ở nhà và chuyện đi du lịch

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

4 bình luận

  1. Trái cam và trái táo có giá là 1,10 đồng. Trái cam đắt hơn trái táo 1 đồng. Vậy trái táo của giá là bao nhiêu?
    Câu này có vẻ anh nhầm 2 chỗ
    => + Trái cam và trái táo có giá tổng cộng là 1,10 đồng (nếu không có từ “tổng cộng” người ta có thể không hiểu nghĩa
    là riêng lẻ hay tổng cộng”).

    + Trái cam đắt hơn trái táo 0,1 đồng mới đúng như giải bên dưới của anh

    Anh gõ nhầm ở phương trình số (2), đáng lẽ là x – y = 0,1 mới đúng nên giải ra là 0,05 trong khi quả táo là 0,5 đồng.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chào em,
      Đoạn bài toán đó anh lấy từ sách gốc ra đó và đáp án là đáp án đúng nha em. Ý này “Trái cam và trái táo có giá là 1,10 đồng” tuy ko nói rõ là tổng cộng, nhưng đọc theo logic thông thường thì không ai hiểu nhầm là “trái táo = 1,1 đồng” hết em vì có chữ “và” ở trước, với vế sau câu hỏi đặt ra là trái táo giá bao nhiêu. Cho nên đề bài đang đưa ra theo đúng logic đề toán rồi em nhé. Em đọc kỹ lại nha kẻo nhầm, nhưng anh sẽ update thêm chữ “tổng cộng” cho rõ ý hơn.

  2. Tiện thể anh cho em hỏi series này còn tiếp tục ra tập nữa không ạ?

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chào em,
      Series này 9 tập là đã trọn vẹn các thông tin cần thiết về người hướng nội. Các tập sau nếu có là đến từ các câu hỏi của các độc giả gửi về. Nếu em vẫn còn thắc mắc nào về tính cách hướng nội hay tình huống nào bản thân gặp phải có liên quan thì có thể chia sẻ câu chuyện của em. Từ đó anh mới chắp bút viết tiếp em nhé.

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.