Một người hướng nội hiền lành, ít nói, nhưng chưa chắc đã là người yếu đuối. Một người hướng ngoại hoạt bát, năng nổ, nhưng chưa chắc đã là người mạnh mẽ. Vấn đề mạnh hay yếu mình đề cập ở đây không thuộc về thể chất mà thuộc về nội lực bên trong mỗi người.
Người có nội lực yếu, họ rất dễ bị tổn thương, dễ bị tác động bởi người khác và điều kiện ngoại cảnh lên thế giới bên trong họ, và thường là cũng dễ bị đau bệnh. Chẳng hạn như, một cô em mình quen dù đã chia tay người yêu cũ vì anh ta bắt cá ba bốn tay cùng một lúc, nhưng tới khi anh người yêu cũ gọi điện năn nỉ (bằng số lạ) và chạy tới công ty lẫn nhà trọ đứng chờ em, thì vết thương lòng của em bị khơi lại. Và em lại đau buồn khổ sở, khóc lóc vì một người không đáng. Hay một cô em khác, em ở chung trọ với một người bạn sân si, hay nói xấu người khác, đã vậy còn hay mượn tiền em rồi không trả. Thay vì nghỉ chơi, chuyển trọ, tránh người bạn đó ra càng xa càng tốt, em cứ âm thầm chịu đựng rồi bức xúc, khó chịu mà không dám nói ra thẳng thừng.
Người có nội lực mạnh mẽ thì ngược lại, những hoàn cảnh kể trên không làm khó dễ được họ, vì họ luôn có cách để vượt qua nó dễ dàng. Nếu như rơi vào tình huống của hai cô em gái ở trên, mình chẳng cần phải gào thét, chửi bới, công kích anh người yêu cũ hay người bạn nọ. Đó là cách phản ứng bản năng mà cả người hướng nội lẫn hướng ngoại vẫn thường làm khi bị dồn tới điểm cực hạn. Mình chỉ đơn giản là bấm nút cho họ BIẾN khỏi cuộc đời mình, không hề vướng bận, vì hà cớ gì phải bận tâm khổ sở cho những người tào lao như vậy?
Nhưng không phải ai cũng có được một nội lực mạnh mẽ để đối diện những giông bão trong cuộc đời một cách nhẹ tênh.
Trong cuộc sống, rồi sẽ có nhiều chuyện ngược thân ngược tâm bi thương ngược dòng nước mắt xảy đến, nếu bạn không kiến tạo được cho mình một nội lực vững vàng thì sẽ còn bị cuộc đời vùi dập lên bờ xuống ruộng dài dài.
Nội lực dưới nhiều góc nhìn khác nhau
Thực ra khi viết bài này, mình bắt đầu trăn trở rất nhiều câu hỏi như: Nội lực là gì? Nội lực đến từ đâu? Vì sao có người sở hữu được một nội lực mạnh mẽ trong khi người khác lại không có?
Và rồi mình tìm thấy câu trả lời ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống.
Theo lĩnh vực địa lý, nội lực là lực được sinh ra bên trong Trái Đất, được sản sinh bởi các nguồn năng lượng trong lòng Trái Đất như sự phân hủy các chất phóng xạ, sự chuyển dịch và sắp xếp lại vật chất cấu tạo Trái Đất theo trọng lực, sự ma sát vật chất,… Nội lực làm di chuyển các lục địa, hình thành các dãy núi, tạo ra các đứt gãy, gây ra động đất, núi lửa,…
Theo lĩnh vực đào tạo, nội lực là sự thấu hiểu bản thân mình một cách sâu sắc, biết được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đồng thời biết cách làm chủ thế giới bên trong mình (cảm xúc, tình cảm, tư duy, sức khỏe,…) để từ đó làm chủ thế giới xung quanh (các mối quan hệ, cuộc sống, công việc,…). Người có nội lực mạnh mẽ cũng là người có mục tiêu và động lực sống rõ ràng.
Bên cạnh nội lực, một cá nhân muốn phát triển bản thân thì cần thêm các kỹ năng khác bổ trợ bên ngoài như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, thuyết phục, làm việc nhóm, quản lý thời gian, v.v.
Theo lĩnh vực võ thuật, nội lực là nội công, thuộc về phần vô hình để luyện tinh, khí, thần. Còn ngoại công (các chiêu thức võ thuật) thuộc về phần hữu hình để luyện xương, gân, da. Ai hay luyện phim kiếm hiệp nhiều sẽ biết, các cao thủ trong giới võ lâm hơn thua nhau là ở nội công ai sâu dày hơn ai, còn ngoại công chỉ là bề nổi của tảng băng. Giống như một người không có nội công mà nhặt được một cuốn bí kíp võ công thì phải mất nhiều thời gian hơn để luyện được cuốn bí kíp ấy. Còn người đã có sẵn nền tảng nội công như Quách Tĩnh hay Trương Vô Kỵ thì luyện bí kíp nào cũng dễ dàng.
Nói tóm lại, có thể hiểu ngắn gọn: Nội lực là sức mạnh nội tâm của một cá nhân tác động trực tiếp đến cách phản ứng của họ đối với ngoại lực từ thế giới bên ngoài.
Khi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ ở môi trường công sở, từ những người 8x, 9x đời đầu cho tới 9x đời cuối, mình mới phát hiện ra một số điểm thú vị như sau:
- Những bạn đọc nhiều có nội lực mạnh hơn những bạn ít đọc.
- Những bạn từng sống ở đồng quê (khác với đến từ các tỉnh lẻ, vì tuy ở tỉnh lẻ nhưng cũng có thể là dân thành phố) có nội lực mạnh hơn những bạn sống ở thành phố.
- Những bạn có niềm tin vào thế giới tâm linh (hay quy luật nhân quả siêu hình) có nội lực mạnh hơn những bạn vô thần.
- …
Sự kết tinh của nội lực đến từ những hành động trong quá khứ, lặp đi lặp lại tạo thành thói quen và định hình nên sức mạnh nội tâm của một người.

Nội lực – nhà máy năng lượng của người hướng nội
Có thể ví von nội lực là một nhà máy năng lượng của người hướng nội, nơi phân bổ các dòng năng lượng đổ vào các hoạt động thường ngày. Và cơ chế sạc năng lượng của người hướng nội cũng chính là để làm đầy nhà máy năng lượng này.
Kiến tạo nội lực, nói cách khác là làm thế nào để nhà máy năng lượng bên trong người hướng nội luôn đầy ắp và dồi dào năng lượng. Có như vậy, người hướng nội mới có được trạng thái mạnh mẽ ở bên trong (nhà máy năng lượng luôn dồi dào) nhưng bình an ở bên ngoài (năng lượng hao tổn được lấp đầy). Đây cũng chính là cơ chế nội lực của người hướng nội, một thuật ngữ trong từ điển của mình.
Khi suy ngẫm lại hành trình của bản thân, mình nghiệm thấy nội lực của mình trong hiện tại được kiến tạo nên từ 3 trụ cột sau đây:
1. Kết nối với thiên nhiên
Mặc dù sống ở một thành phố nhỏ ở tỉnh lẻ, nhưng từ nhỏ mình đã có sự gắn kết với thiên nhiên sâu sắc. Mỗi cuối tuần, mỗi mùa hè hoặc mỗi dịp lễ Tết, mình đều về quê ngoại là một vùng nông thôn cách thành phố vài chục cây số. Hồi ấy, quê mình còn rất nhiều ruộng đồng, sông ngòi, gò bãi, những ngôi nhà mái ngói được che phủ bởi vườn cây, và những cánh rừng dài tít tắp về phía chân núi.
Mỗi lần về quê, đứa trẻ thành phố như mình lại được trải nghiệm nhiều thú vui chỉ ở nông thôn mới có như đi câu cá, bắt dế, thả diều, tắm sông, trèo cây, đi rừng, v.v. Mình trải qua khoảng 15 năm gắn bó và kết nối không ngừng với thiên nhiên ở vùng quê của mình, và những trải nghiệm đó tạo nên thế giới nội tâm phong phú cho mình. Thiên nhiên và thế giới tuổi thơ luôn là một vùng trời bình yên để mình tìm về khi đời sống gặp những chông chênh.
Sau này khi sống ở một thành phố lớn như Sài Gòn, mình cũng chủ tâm chọn một chỗ trọ ở gần bờ sông Sài Gòn, xung quanh có nhiều cây cối, hàng xóm còn nuôi gà để có thể nghe được tiếng gà gáy mỗi buổi sớm. Ban công nơi chung cư mình ở còn trồng một vòm hoa giấy, rồi mình mua thêm mấy chậu cây xanh ngoài bậu cửa. Đó là không gian thiên nhiên mình kiến tạo để giúp mình được nạp đầy năng lượng mỗi buổi sớm trước khi đi làm, cũng như là góc bình yên để trở về sau một ngày dài làm việc đầy mệt mỏi.
Có nhiều người Sài Gòn, mỗi cuối tuần họ thường lái xe ra Vũng Tàu hay lên Đà Lạt chơi mấy ngày để đổi không khí. Thứ họ tìm kiếm vốn dĩ không phải là một chỗ để vui chơi, mà thực ra là cảm giác được trở về với biển, với rừng, hay sự kết nối với thiên nhiên để được nạp đầy năng lượng. Thiên nhiên là một nhà máy năng lượng siêu vĩ đại mà nếu bạn kết nối được, nhà máy năng lượng bé con bên trong bạn sẽ luôn được tràn đầy mỗi ngày.

2. Đọc, và đọc không ngừng nghỉ
Mình từ nhỏ đã biết đọc truyện tranh, đã luyện qua không biết bao nhiêu bộ manga Nhật Bản, từng thuê gần hết truyện của mấy tiệm cho thuê truyện gần nhà. Tới giai đoạn biết đọc truyện chữ, mình lại tiếp tục càn quét hết thư viện của trường trung học, rồi đến thư viện tỉnh nhà, cho đến các nhà sách địa phương. Cho đến tận bây giờ, mình có hơn 12 năm kinh nghiệm đọc sách và luôn đọc liên tục không ngừng nghỉ.
Chính vốn tri thức trong sách từ khắp cổ kim Đông Tây đã giúp cho mình có sự tự nhận thức về bản thân từ rất sớm. Mình hiểu được những vấn đề diễn ra bên trong thế giới nội tâm của mình, cách đối diện với những khó khăn hay thách thức trong cuộc sống, hay cách trang bị những kỹ năng sống cho bản thân hầu như đều qua sách vở. Đến lúc tốt nghiệp ra trường, đi làm cho một công ty đào tạo tốp đầu ở Việt Nam, thì mình mới phát hiện rằng những kiến thức ở công ty ấy dạy cho học viên tuy mới mẻ, xa lạ, khiến nhiều người thấy WOW nhưng thực ra không mấy xa lạ với mình, vì vốn đọc của mình đã được tích lũy rất nhiều trước đó.
Đa số những người hướng nội tự ti, sợ hãi trước những chuyện khó khăn trong cuộc sống là vì chúng ta thiếu kiến thức, vì thiếu kiến thức nên không đủ mạnh dạn và tự tin để dấn thân, để làm thử. Ta sợ làm trong tâm thế không chắc chắn thì sẽ sai, sẽ xảy ra đủ viễn cảnh tồi tệ. Giả sử bạn gặp khó khăn trong chuyện giao tiếp với người lạ vì không biết mở lời như thế nào, nhưng giả định rằng bạn đã đọc qua một chục cuốn sách về kỹ năng giao tiếp, trong đó có tám chục câu chuyện về những người cũng rụt rè, nhút nhát giống như bạn họ đã vượt qua được trạng thái đó và giao tiếp tự tin ra sao. Vậy thì sau khi đọc xong một chục cuốn sách đó, dù trong thực tế bạn chưa giao tiếp với người lạ lần nào, nhưng sự tổng hòa kiến thức trong sách ít nhiều cũng khiến bạn cảm thấy tự tin hơn gấp chục lần so với một người chưa đọc qua cuốn nào.
Bởi vì mình đã đọc qua hàng ngàn cuốn sách, nên mình không bao giờ ngại khi bắt chuyện với một người lạ, vì chủ đề nào mình cũng có thể nói chuyện với họ được. Và thực tế là chưa có một tình huống nào trong cuộc sống mình chứng kiến hay được nghe kể lại, mà chưa có trong một cuốn sách nào đó.

3. Niềm tin vào thế giới tâm linh
Có thể bạn là một người vô thần hoặc hữu thần, bạn tin vào một tôn giáo nào đó hoặc không. Nhưng phần này mình sẽ chia sẻ ở góc độ hữu thần, vì mình tin vào sự hiện hữu của thế giới tâm linh nói chung, không phân biệt tôn giáo, và bản thân mình đã có nhiều trải nghiệm tâm linh để thực chứng điều này.
Đối với người vô thần, khi đời sống của họ trải qua nhiều chuyện khó khăn khốn khó. Nếu là người bi quan tiêu cực thì đa số thường có xu hướng than thân trách phận, đổ lỗi cho cuộc đời bất công và thế giới nội tâm của họ luôn luôn trong trạng thái sụp đổ và bất mãn. Nhưng nếu bạn tin vào thế giới tâm linh, cụ thể là tin vào quy luật nhân quả hay một thế lực tối cao nào đó trong siêu hình, bạn sẽ hiểu được mọi chuyện xảy đến với mình dù là thuận duyên hay nghịch duyên đều là một bài học để trui rèn tâm tính.
Và ngay trong những lúc đau đớn bi ai bế tắc nhất, khi mọi điểm tựa đều mất, khi những người bạn tin tưởng nhất đều quay lưng với bạn, thì vẫn luôn có những vị Phật, vị Chúa trên cao để bạn đặt niềm tin của mình vào mà cầu nguyện sự che chở. Tâm linh luôn là một chỗ dựa vững chắc cho linh hồn con người tựa nương trong những lúc khổ đau.
Quá trình thực hành một phương pháp tâm linh nào đó, như hành thiền, niệm Phật, đọc kinh, cầu nguyện, v.v. tùy theo từng tôn giáo đều có ích lợi cho việc kiến tạo và tích lũy nội lực cho một cá nhân.
***
Hiển nhiên là còn rất nhiều yếu tố khác có thể giúp kiến tạo nên nội lực, tùy theo kinh nghiệm sống của mỗi người. Trên đây mình chỉ chia sẻ ba trụ cột chính trong nhà máy năng lượng của mình – một người siêu hướng nội – để bạn đọc tham khảo.
Khi hiểu được cơ chế nội lực, bạn sẽ biết cách xây dựng và gia cố nhà máy năng lượng của bản thân để từ đó có thể mạnh mẽ ở bên trong, bình yên ở bên ngoài.
Đọc tiếp Tập 14: Bài học về sự cả nể
2 bình luận
Tóm tắt lại một chút:
– Nội lực là sức mạnh nội tâm của một cá nhân tác động trực tiếp đến cách phản ứng của họ đối với ngoại lực từ thế giới bên ngoài.
– 3 trụ cột của nhà máy sản xuất nội lực
+ Kết nối với thiên nhiên (tắm nắng, tiếp đất, trèo đèo, lội suối, dạo bộ công viên, gần cây gần nắng gió….
+ Đọc – nghe thật nhiều những nguồn chất lượng (vd Tà Lơn Chơn Linh nè, Vn Youtuber (về thời sự, lịch sử, quân sự, sách chuyên ngành, …)
+ Kết nối tâm linh (với Phật với Chúa… dù mình theo đạo hay không)
Mình đã có trải nghiệm kết nối với Chúa dù mình không theo đạo hay đi nhà thờ. Thời gian đó mình đã rất chông chênh buồn chán, cảm xúc tinh thần như bị rơi xuống vực không đáy. Lúc ấy mõi ngày mình cầu nguyên cầu xin Chúa cho mình cảm nhận được sự hiện diện tình yêu thương của Ngài dành cho mình. Ngài đã giúp mình đi qua quãng đường khó khăn ấy.
Cảm ơn bài viết của Chơn Linh^^
Chúc bạn luôn bình an đi qua cuộc đời này nhé 😀