Gần nhà mình có một chị bán trái cây ngồi ở vỉa hè, mình thường hay ghé sạp của chị mua cam và thi thoảng mua những trái cây khác. Mua lâu thì thành quen mặt nên mỗi lần mình chạy xe ngang chị đều í ới gọi mình ghé mua. Dù không phải lúc nào mình cũng có nhu cầu ăn trái cây, nhưng đôi khi vì sự mời gọi nhiệt tình của chị mà mình buộc phải dừng lại để mua.
Và sự nhiệt tình của chị đôi lúc làm mình thấy phiền, vì mỗi ngày đi làm mình đều sẽ chạy xe đi ngang con hẻm đó, nhưng đi qua sẽ gặp chị nên mình đành chọn đi đường vòng qua một con hẻm khác xa hơn để… né chị.
Những bạn hướng ngoại trực tính nếu nghe chuyện này có thể thấy buồn cười, vì không mua thì cứ nói em không có nhu cầu mua chứ việc gì phải tránh? Nhưng đa số người hướng nội thì lại khác, vì sợ người khác mất lòng, vì không muốn làm phật ý người khác, đôi khi họ lựa chọn im lặng để nhận phần thiệt về mình chứ không dám nói thẳng nói thật tiếng lòng của bản thân. Đó cũng chính là biểu hiện của sự cả nể.
Là một người hướng nội thuần chủng, mình thấu hiểu điều này sâu sắc và đây từng là một trong những nhược điểm lớn nhất của mình.
Vì cả nể nên dễ bị ăn hiếp
Mình còn nhớ năm học lớp 6, mình học chung lớp với một thằng bạn nhà ở xóm dưới nên mỗi buổi đi học hai đứa đều rủ nhau đi học chung. Lúc ấy đứa nào cũng có một chiếc xe đạp, nhưng đi riêng thì tốn tiền gửi xe, cho nên đèo nhau đi chung vừa tiết kiệm vừa nói chuyện được. Theo quy ước hai đứa giao hẹn ban đầu, hôm này mình chở nó đi thì hôm sau nó sẽ chở lại mình. Nhưng hầu hết thời gian sau đó, mình đều là người phải chở nó đi học, vì những hôm lẽ ra tới lượt nó chở thì nó lại nhảy phóc lên yên sau ngồi cứng ngắc chây ì ra để bắt mình chở.
Trong lòng mình rất khó chịu nhưng mình không tài nào nói được gì vì khoản ăn nói của mình lúc đó rất dở. Mình là một đứa siêu hướng nội, còn nó lại là một đứa thông minh lanh lợi, học giỏi nhất lớp và nói chuyện khôn khéo hơn mình – đúng kiểu hướng ngoại điển hình. Thế là trong suốt 3 năm trời sau đó, mình là người phải chở nó đi học gần như 80% thời gian, mãi tới năm lớp 9 mình chuyển sang lớp khác thì mới được giải thoát khỏi cục nợ mấy chục ký sau lưng.
Khi một điều gì đó lặp đi lặp lại thường xuyên, nó dần trở thành thói quen và là một phần căn tính của bạn, như tính cả nể là thứ ăn sâu trong máu không thể tách rời khỏi mình. Đến khi học cấp ba, vào đại học hay đi làm, có rất nhiều tình huống thực tế mình luôn lựa chọn chịu thiệt để không gây xích mích, mất lòng với người khác chỉ vì tính cả nể này.
Chẳng hạn, hai năm đầu đại học ở kí túc xá, sống chung với bảy người khác trong cùng một phòng. Nhiều khi đến lịch trực nhật mà một số đứa lười không đổ rác, không chà toilet hay quét dọn phòng mà để dơ hầy ra, mình cũng lẳng lặng làm hết mọi thứ, nhưng trong lòng thì vẫn rất khó chịu vì lẽ ra đó là chuyện mà bọn nó phải làm.
Đến khi đi làm, chân ướt chân ráo bước vào công sở, vì cả nể sếp nên mình lại nhận lãnh những trách nhiệm vốn dĩ không thuộc về mình, cứ thế việc chồng việc, từ từ mình thành một người suốt ngày luôn bận rộn ba đầu sáu tay. Có những việc vốn dĩ không thuộc chức trách và quyền hạn của mình, nhưng vì không có người làm, sếp thảy sang cho mình thì mình cũng ôm hết, không một lời kêu ca gì. Và sự cả nể của mình riết rồi chiều sếp thành hư, sếp càng ỷ lại và phụ thuộc vào mình thì mình càng chìm ngập trong mớ công việc không lối thoát. Nhiều lúc thấy sếp xàm tới mức vô lý một cách không hề thuyết phục, nhưng vì cả nể mình lại vui vẻ làm vì không muốn mất lòng sếp.
Về mặt tâm lý, những cảm xúc tiêu cực nếu không được bạn xử lý, chúng sẽ như chiếc lò xo bị nén lại. Mỗi lần cảm xúc tiêu cực trỗi dậy là bị nén lại một tí. Đến một lúc nào đó khi lực nén quá lớn, tức nước thì vỡ bờ, cái lò xo cũng sẽ phản kháng và bật lại. Đó là khoảnh khắc trong phim khi người hiền lành bị dồn ép tới chân tường thì vùng lên đấu tranh, quật lại mấy đứa đóng vai ác tơi bời hoa lá khiến khán giả nào cũng hả hê vỗ đùi đen đét. Nói chứ những bạn hướng nội nào bị dồn nén nhiều giống mình, xem phim đều rất mê mấy phân đoạn khi người hiền “hoắc hóa” và quay lại dập hết mấy đứa từng bạc ác với mình, như Chân Hoàn trong “Hậu cung Chân Hoàn truyện”, hay như cô Tấm lấy thịt Cám làm mắm gửi dì ghẻ ăn.
Lột xác thành người khác
Gần đây mình có một giấc mơ liên quan tới sự cả nể. Trong mơ mình ghé đến một quán bún bò ở xóm cũ ngồi ăn, đang ăn thì bị cô chủ quán sales mấy vòng tay phong thủy màu cẩm thạch vì thấy mình ở Sài Gòn mới về. Trước giờ mình vốn không thích mấy thể loại vòng tay hay đá phong thủy, nhưng thấy cô sales nhiệt tình quá mà mình không mua thì cũng ngại. Tới khi hỏi giá chiếc vòng bao nhiêu, cô báo giá một triệu tám làm mình té ngửa. Phải chi chiếc vòng giá chăm rưỡi chăm sáu mình mua ủng hộ cũng đành, dù biết rằng mua về để đó hoặc đem cho người khác, nhưng ở đây giá gấp chục lần cái giá mình ước tính nên nếu mua thì y như rước một cái vòng mình không thích về mà còn mua với giá trên trời.
May mắn là giấc mơ này xảy ra gần đây khi mình đã thay tính đổi nết, và mình thẳng thừng bảo với cô chủ quán rằng cám ơn cô đã giới thiệu nhưng con không mua cô ơi. Vậy là xong, dù mặt cổ đang vui cười hớn hở chuyển sang sượng trân vài giây, nhưng đó là chuyện của cổ mình quan tâm chi? Buôn bán có người mua kẻ từ chối là chuyện hết sức thường tình.
Điều gì khiến cho mình lột xác từ một người hay cả nể người khác thành một người ai cũng không sợ?
Thực sự mình phải gửi lời cảm ơn tới người sếp cũ, vì sự xàm xí đú của anh từng làm mình ngược thân ngược tâm để làm mọi chuyện cho vừa lòng anh trong suốt 5 năm trời. Cho nên khi được giải thoát khỏi anh, mình như Tôn Ngộ Không được gỡ bùa giải ếm hất tung cái ngũ hành sơn ra làm tám vạn bốn ngàn năm trăm mảnh. Bởi lẽ sau khi phản tư và suy nghĩ sâu sắc lại mọi chuyện, mình thấy mấy chục năm qua mình sống như một đứa diễn viên hiền lành toàn bị cuộc đời ăn hiếp mà còn vui vẻ đón nhận và không thèm phản kháng. Nhưng phim hay thì phải có lúc cao trào, và giờ là lúc cao trào mà mình lựa chọn đổi tính đổi nết để sống đúng với tiếng lòng.
Đúng ở đây là mình thích cái gì thì nói thích cái đó, không thích thì nói không thích, thấy cái gì chướng thì phản hồi và góp ý thẳng thắn chứ không im im chịu thiệt như trước.
Ví như chị bán trái cây, bây giờ chị í ới gọi mình mua thì mình bảo em không mua chị ơi. Vài lần như thế thì chị cũng hết làm phiền mình, và khi nào mình thích thì mình mua, không thích thì thôi chạy lướt ngang sạp chị như một cơn gió.
Khi mình mua đồ trên mạng hay ra ngoài sử dụng một dịch vụ nào đó, nếu nhân viên chăm sóc khách hàng không tốt và làm mình phật ý thì mình thẳng thừng bày tỏ thái độ không hài lòng của bản thân và góp ý với họ cách cải thiện. Thường thì đa số đều vui vẻ đón nhận góp ý của khách hàng, và mình giải quyết được sự khó chịu của bản thân ngay tại thời điểm đó chứ không phải rước cục tức đầy ấm ức về nhà.
Hay khi mình đi làm công ty mới, từ sếp trực tiếp tới sếp tổng, hay những đồng nghiệp thuộc dạng khó tính như phòng hành chính nhân sự, mình đều không sợ một ai và xem họ bình đẳng như một đồng nghiệp bình thường. Không sợ ở đây không phải là tỏ thái độ hỗn láo hay bật lại sếp bần bật như lò xo, mà là sếp nói phải thì mình nghe, nhưng sếp nói xàm thì mình phản biện lại chứ không phải ỷ là sếp thì nói gì cũng được. Gặp chế nhân sự nào làm khó làm dễ mình, mình lôi quy tắc luật lệ của công ty ra bật ngược lại, hỏi lò xo nào mạnh hơn? Khi bạn nói có lý có tình thì con chí cũng không dám bò lên đầu bạn ngồi.

Mấy tuần gần đây, mình theo dõi series Hell’s Kitchen (Nhà bếp địa ngục) mùa all-star trên Netflix, có đầu bếp trứ danh Gordon Ramsay làm host. Mùa all-star quy tụ toàn những gương mặt tài năng và cá tính đến từ 16 mùa Hell Kitchen trước đó. Và bạn phải hiểu khi những con người với toàn cá tính nổi trội sống chung với nhau và còn thi đấu để cạnh tranh ngôi vị quán quân thì sẽ va đập nhau chan chát như thế nào. Ở đội nữ, Michelle là một đầu bếp hướng nội, trẻ tuổi nhất mùa, và luôn bị một số thành viên khác trong đội nữ ăn hiếp, bị bắt nạt bằng lời nói và chỉ trích sự yếu đuối của cô.
Nhưng cuối cùng, những kẻ bắt nạt cô cũng dần bị loại khỏi chương trình, và Michelle là một trong hai đầu bếp trụ lại cuối cùng để đi đến vòng chung kết. Ở thử thách cuối cùng của vòng chung kết, Michelle đóng vai trò là bếp trưởng chỉ đạo toàn team và nếm thử món ăn trước khi nhân viên phục vụ đem đến cho thực khách. Như host Gordon Ramsay vẫn thường nói, muốn là bếp trưởng bạn phải là một nhà lãnh đạo, và bạn phải có tiếng nói của riêng mình. Và Michelle từ một người yếu nhớt ban đầu cuối cùng cũng có tiếng nói riêng, dù tiếng nói ấy vẫn mang phong cách của một người hướng nội điển hình – nhỏ nhẹ và kém năng lượng hơn rất nhiều so với chàng đầu bếp đối thủ. Nhưng kết quả là Michelle vẫn chiến thắng giải quán quân một cách ngoạn mục.
Bài học rút ra ở đây là gì? Nếu bạn hiền lành thì bạn sẽ bị không chỉ một mà là nhiều người khác ăn hiếp. Nếu bạn ráng chịu thiệt, kiên nhẫn chịu đựng những con người trái tính trái nết đó thì trời thương rồi trời độ cho bạn thành công vang dội hơn mấy đứa bắt nạt bạn.
Tuy nhiên, có một cái ngách khác ở đây, bạn có thể không cần phải chịu đựng ngay từ đầu, vì bạn luôn có một lựa chọn là phản kháng lại những đứa bắt nạt bạn, để gửi đến chúng một thông điệp rằng bạn không phải là người hiền lành dễ bắt nạt và chúng liệu hồn đừng đụng vào bạn.
Nếu ngay từ đầu bạn lựa chọn mình là con thỏ, bạn sẽ bị người khác cưng nựng nắm tai nắm chân nắm đuôi giỡn hớt. Còn nếu bạn chọn mình là con nhím, ai chọt bạn thì bạn xù lông nhím bắn gai ra liền thì đố ai dám đụng.
Nhưng bạn không nhất thiết phải là con thỏ hoặc là con nhím, mà bạn có thể vừa là con thỏ vừa là con nhím: hiền lành với người dễ thương và nhe nanh giơ vuốt với mấy đứa dễ ghét. Vượt qua được bài học cả nể, đường đời của người hướng nội sẽ thênh thang nhẹ nhàng hơn nhiều, cái gì vướng cái gì chướng thì lật thì bật như hất đá trước mặt cho đường nó êm.
1 bình luận
Cảm ơn tác giả nhiều lắm. Những bài viết của tác giả như giúp mình trả lời những câu hỏi trên chặng đường của một người hướng nội đi tìm hạnh phúc