Series Hành Trình Của Một Người Hướng Nội là câu chuyện sống động về quá trình mình từ một người hướng nội thuần chủng đã “lột xác” ra sao để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.

Sở dĩ mình tự nhận bản thân không chỉ là một người hướng nội thuần chủng thông thường, mà còn là người siêu hướng nội bởi level hướng nội của mình đã ở mức… siêu cấp vô địch.

Điển hình nhất là chuyện mình ở trọ trong một căn hộ chung cư, ở chung với chủ nhà, và phòng kế bên là một em trai sinh viên đại học. Em này ở chung một căn hộ với mình 2 năm trời, ra vào đụng mặt nhau mỗi ngày nhưng tuyệt nhiên mình chưa bao giờ mở miệng nói chuyện với em một câu nào, và hết hồn hơn nữa là cho tới lúc em này dọn đi chỗ khác thì mình cũng không biết… em nó tên gì.

Căn bản là mình không có hứng thú giao tiếp với người lạ – những người mà mình xác định không có nhu cầu làm quen hay kết thân để làm gì, và nếu không ở trong một hoàn cảnh bắt buộc phải giao tiếp thì mình sẽ không bao giờ mở miệng ra nói chuyện với họ, trừ khi họ là người chủ động bắt chuyện với mình.

Lẽ vậy, thời sinh viên khi mình ở trọ chung với một nhóm đàn anh khóa trên. Sau này nghe bạn bè kể lại mình mới biết được chuyện, một trong số đó đi kể với tụi bạn mình là mình y như “thằng tự kỷ”, suốt ngày ở trong phòng và không nói chuyện với bất cứ ai trong nhà.

Nếu thang đo mức độ hướng nội là thang 10 điểm thì một người siêu hướng nội như mình sẽ xếp ở nấc thứ 10. Bạn có thể lấy mình làm tiêu chuẩn để định lượng mức độ hướng nội của bạn đang nằm ở nấc nào.

Kỳ thực tập đầy sóng gió

Ở mùa hè năm ba đại học, sinh viên Báo chí bọn mình phải dành 3 tháng hè để đi thực tập ở một cơ quan trong cùng lĩnh vực. Phân ngành mình học là Truyền hình (bên cạnh phân ngành còn lại là Báo in), mà đầu ra của chuyên ngành này là công việc MC, biên tập viên, phát thanh viên truyền hình. Với sinh viên ngành Truyền hình, đa số nguyện vọng thực tập của các bạn đều mong muốn được nhận vào các nhà đài lớn như VTV, HTV, VTC,… để sớm được va chạm với nghề. Mình cũng không là ngoại lệ khi đăng ký 2 nguyện vọng vào 2 kênh truyền hình lớn, nhưng vì không có quan hệ nên cuối cùng không nơi nào nhận.

May mắn thay, mình được một người quen cho contact của một chị giám đốc công ty truyền thông nọ, mà công ty này chuyên sản xuất các chương trình truyền hình một thời mình rất thích và từng ao ước vào làm hồi còn học cấp ba. Sau đó, mình mới email trình bày nguyện vọng thực tập của mình và gửi kèm CV thì được chị này gọi lên phỏng vấn trực tiếp. Ở thời điểm đó, CV của mình có một điểm cộng là từng là cộng tác viên một chương trình truyền hình của VTV6 tổ chức tại miền Nam nên cuối cùng mình được nhận vào làm thực tập sinh ở vị trí biên tập viên, và còn được trả lương theo sản phẩm được phát sóng. Đây là một điều khá đặc biệt, vì thời điểm đó hầu hết các sinh viên đi thực tập đều theo diện nhà trường gửi gắm bên các nhà đài nên đều không có lương.

Ở vai trò biên tập viên một chương trình phóng sự xã hội, nhiệm vụ của mình là tìm đề tài phóng sự, đi khảo sát hiện trường thực tế và báo cáo đề tài để được trưởng ban duyệt. Khi đề tài được duyệt thì mình sẽ book cameraman và máy quay để lên lịch đi quay hiện trường, phỏng vấn người dân tại khu vực xảy ra vấn đề đó, xong về rã băng để viết kịch bản và chuyển sang cho bộ phận hậu kỳ dựng phóng sự. Trên danh nghĩa, chương trình mình phụ trách được phát sóng trên đài HTV nên khi ekip đi quay và phỏng vấn nhân vật ở hiện trường thì mình cũng sẽ giới thiệu bản thân là biên tập viên của HTV.

Một buổi đi phỏng vấn hiện trường tại ngã tư.

3 tháng thực tập của mình trôi qua cái vèo, thực tế là mình thực tập gần 4 tháng do trước đó đã lên sớm 1 tháng để làm quen với công việc. Kết quả là mình có gần 10 phóng sự được phát sóng và nhận được những đánh giá tích cực từ chị trưởng ban. Mặc dù kết thúc kỳ thực tập nhưng mình vẫn được chị offer tiếp tục làm cộng tác viên và có lương hẳn hoi.

Lời đề nghị trên thật sự rất hấp dẫn, bởi lẽ không nhiều sinh viên chưa ra trường mà đã có một chỗ làm ổn định đúng chuyên môn, đã vậy tên của mình còn được xuất hiện ở credit cuối chương trình – một điều mà biên tập viên nào cũng rất tự hào, y như phóng viên tự hào khi tên mình nằm ở cuối mỗi bài báo. Chưa kể mỗi đợt ghi hình MC, mình còn được làm việc với các MC nổi tiếng trong showbiz để bình luận về phóng sự mình làm, và khi cộng tác ở công ty truyền thông đó thì còn vô số cơ hội tham gia các chương trình truyền hình thực tế khác, cũng như làm khán giả chứng kiến quá trình ghi hình của rất nhiều  gameshow, gặp gỡ không biết bao nhiêu nghệ sĩ nổi tiếng.

Ánh hào quang sân khấu không chỉ ma mị với giới nghệ sĩ làm nghệ thuật, mà còn với cả những người làm công tác hậu đài – biên tập viên truyền hình như mình.

Nhưng điều gì đã khiến mình bỏ lại tất cả ánh hào quang đó để ra đi?

Sau ánh hào quang là góc khuất

Trong quá trình đi thực tập, mình nhận ra rằng bản chất công việc biên tập viên mình đang làm không hề khó, và mình có đủ kỹ năng để làm tốt nó nhờ 3 năm sinh hoạt chuyên môn ở CLB truyền thông B. Tìm đề tài, viết kịch bản với mình là chuyện nhỏ, ngay cả quay phim và dựng phim là hai đầu việc vốn không phải của biên tập viên nhưng mình cũng cân nốt. Nhiều khi đi quay hiện trường, anh quay phim lười hoặc quay không đúng ý mình, thế là mình bảo anh cho mình mượn máy quay rồi cầm tự quay luôn. Hay khi rã băng phỏng vấn nhân vật, mình cũng là người ngồi cắt băng giùm anh dựng phim khi ảnh chạy deadline.

Nhưng suốt gần 4 tháng đi thực tập, mỗi ngày đi làm với mình không có ngày nào vui mà toàn là áp lực và căng thẳng.

Áp lực và căng thẳng đến từ sự xung đột giữa tính chất công việc của một biên tập viên với tính cách nội tại của mình. Biên tập viên là một nghề đòi hỏi những tố chất nổi trội của một người hướng ngoại, trong khi mình là một người hướng nội thuần chủng (ở thời điểm này mình vẫn chưa nhận thức được vụ hướng nội/hướng ngoại). Công việc này bắt buộc mình phải bước ra khỏi vòng tròn thoải mái và giao tiếp rất nhiều mỗi ngày, mà đối tượng giao tiếp của mình toàn các thành phần… khó đỡ.

Ví như khi làm đề tài hút thuốc nơi công cộng, mình phải ngụy trang thành người thường để cầm wireless (micro không dây) tiếp cận những người đang hút thuốc ở nhà ga, bệnh viện và đặt một số câu hỏi phỏng vấn họ để làm rõ đề tài mình đang thực hiện. Hay khi thực hiện đề tài đèn đỏ rẽ phải, mình phải ra phỏng vấn ngay ngã tư đường khi người lái xe đang dừng đèn đỏ. Phỏng vấn hiện trường thực tế hoàn toàn khác một trời một vực so với phỏng vấn dàn xếp, vì cái chương trình cần là sự chân thực và sống động hết mức có thể, nên chuyện mình bị ăn chửi, từ chối hoặc thái độ không mấy thiện cảm từ người dân là hết sức bình thường. Một đề tài phóng sự để có được 3-4 nhân vật lên sóng trả lời phỏng vấn, đồng nghĩa mình phải hỏi được tầm 10-15 người để còn về cắt ghép chỉnh sửa.

Mình trong những năm tháng đó.

Để theo đuổi một đề tài thường phải mất 1-2 tuần, có khi phải làm song song 2 đề tài cùng lúc, và hầu như thời gian đi làm biên tập viên của mình đều rong ruổi khắp các ngõ ngách Sài Gòn cùng anh cameraman. Khoảng thời gian duy nhất mình cảm thấy nhẹ nhõm là khâu hậu kỳ khi mình có thể thảnh thơi ngồi yên ở văn phòng viết kịch bản và tham gia dựng hậu kỳ.

Chính vì tính chất công việc bắt buộc phải giao tiếp quá nhiều, mà còn với những người xa lạ cộng với thời gian làm việc của một biên tập viên không bao giờ cố định được 8 tiếng nơi công sở – bởi khi đề tài làm chưa xong thì cuối tuần hay buổi tối vẫn phải đi quay là chuyện bình thường, hai thứ này như thiên địch của tính hướng nội khiến mình tiêu hao năng lượng rất lớn sau mỗi ngày đi làm.

Mỗi sáng khi bước ra khỏi nhà thì mình tràn ngập 100% pin, nhưng tới chiều tối khi chạy về nhà chỉ còn 0% pin, trong suốt 4 tháng liên tục. Mình đã trải qua cảnh vật vờ lặp đi lặp lại hằng ngày như thế, và mình nhận ra như thế thì hoàn toàn không ổn một chút nào. Mình không thể nào gắn bó với một công việc cả đời mà ngày nào đi làm cũng tụt mood và tụt năng lượng như thế!

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, mình vẫn chưa nhận thức được việc mình là một người hướng nội, và vẫn chưa hiểu được vì sao mình lại bị mất năng lượng khi làm một công việc đúng chuyên môn và đầy triển vọng?

Sau ngần ấy trải nghiệm lên bờ xuống ruộng, mình chỉ đúc kết được một điều rằng: mình kém kỹ năng giao tiếp. Và mình quyết định đăng ký học một khóa kỹ năng giao tiếp ngay sau đó…

Đọc tiếp Tập 3 – Ngã rẽ nghề nghiệp & con đường khám phá bản thân

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

5 bình luận

  1. Hóa ra có người hướng nội như thế này giống em. Thậm chí đến anh họ em em còn quên tên nhầm lẫn. Anh em họ hàng trong họ thì không cần nói nếu ko phải con cháu của ông bà tuyệt nhiên em sẽ không quan tâm để ý nhiều. Em ở trọ 4 năm số câu nói chuyện với chị phòng đối diện không biết đếm trên đầu ngón tay không. À em có cố gắng để nói chuỵen sởi lởi với người quen gần nhưng kết thúc cuộc trò chuyện em thấy như bị rút hết năng lượng ấy phút trước cười toe toét thì phít sau đã đóng cứng cơ mặt vào rồi. Người thân họ hàng hỏi chuyện em ko hỏi quá được 3 câu. Em bị chị gái chửi sao không nói cái gì em bảo em không có gì để nói hay hỏi. Thế là em lại bị chửi.

  2. Thật cảm ơn bạn. Mình có tìm hiểu qua một số đầu sách, cũng như các bài viết về người hướng nội, thế mà, phải qua các bài viết của bạn mình mới có cái nhìn đỡ khắt khe hơn cho chính bản thân mình, cũng như có cách để luận giải, để bảo vệ chính bản thân mình trước những lời đánh giá nhận xét của người khác.
    Nói thế nào nhỉ? Ừm, cũng như bạn, từ nhỏ tới lớn rồi qua suốt 4 năm đại học, mình chỉ biết bản thân là kiểu người nhút nhát, ngại giao tiếp thôi, cũng không nghĩ bản thân là một người hướng nội. Kiểu khi nhắc tới hướng nội hay hướng ngoại, chỉ nghĩ đó là một đặc điểm tính cách như bao đặc điểm tính cách khác, chứ không nghĩ đó có thể là một đại diện tính cách, là một kiểu người.
    Rồi mình dần tìm hiểu, khi mình nhận thức về nó, thế nhưng phần nào vẫn có những cảm giác trở ngại. Bởi dù họ luận giải tính cách ra sao, cảm giác đều có cái nhìn bi quan về con người này.
    Và nhờ bài viết của bạn, cách viết của bạn, mình thật cảm kích, vì lần đầu tiên, mình cảm nhận, người hướng nội, tính cách hướng nội không phải một điều tội lỗi, không phải một lối tính cách xấu cần loại trừ khiến người ta cứ hay thúc ép rằng mình phải mạnh bạo lên, mình phải thế này, phải thế kia. Mình biết bản thân tính cách tự nó là một bất lợi với mình. Thế nhưng mình nhận ra, giao tiếp hay đối nhân xử thế, hay bất kỳ điều gì cần cho cuộc sống, công việc, tất cả đều là những kỹ năng có thể học hỏi. Không chỉ là với người hướng nội hay hướng ngoại, không chỉ riêng ai.
    Bởi vậy, mình sẽ dần dần chấp nhận chính mình như nó vốn có, và sẽ tự thấy trân trọng bản thân hơn. Thiệt! Mình thấy mình nên học cách yêu bản thân hơn thay vì chối bỏ nó như thể một đứa con ghẻ của xã hội.
    Cảm ơn bạn nhe!
    Hà Nội, một ngày thu thiệt nắng.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Cảm ơn chia sẻ của bạn. Mình cũng có vài người bạn, sau khi đọc xong series này của mình, mới bảo hóa ra trước giờ không hiểu gì hết về mình 🙂 Chúng ta nhiều khi chỉ chơi với nhau ở bề nổi, không đi sâu tìm hiểu về căn nguyên tính cách của bạn bè, người thân vì sao lại như vậy, rồi cứ hay gắn nhãn lên tính cách của họ như thể biết rành rẽ lắm.

      Đối với người hướng nội, khi tích lũy và rèn luyện thuần thục được các kỹ năng, thì lúc đó họ có quyền lựa chọn sống theo bản năng hay làm theo kỹ năng. Ít ra là đỡ hơn việc chỉ có một lựa chọn 😀

  3. Em chào anh ạ, em khá hứng thú với công việc làm MC và BTV, nhưng em có làm những bài trắc nghiệm tính cách thì % hướng nội của em lên tới 69%. Em cũng khá băn khoăn không biết việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu em quyết định theo công việc như vậy. Em nghĩ là mình đam mê thì sẽ làm được thôi, nhưng đọc xong bài viết thì em lại phải suy nghĩ thêm rồi… (Em đang học lớp 11 ạ, em mong nhận được lời khuyên của mng ạ!)

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chào em,
      Thay vì tin vào kết quả bài trắc nghiệm tính cách, em có thể đọc hết series này để hiểu rõ hơn về tính hướng nội. Nếu ở môi trường phổ thông có CLB hay các cơ hội nào để dẫn chương trình hoặc nói chuyện trước đám đông, em nên tham gia thử và tự đo xem mức năng lượng của em có phù hợp với những hoạt động hướng ngoại ấy hay không. Nếu em cảm thấy thoải mái với những hoạt động như vậy và khi tham gia với tần suất nhiều mà không thấy mệt, không bị cạn kiệt năng lượng thì có thể định hướng theo con đường sự nghiệp này trong tương lai. Ngược lại, em nên cân nhắc chọn nghề khác phù hợp với tính cách.

      Bên cạnh đó, anh cũng đang viết series về MBTI Ứng Dụng. Em có thể tham khảo thêm để hiểu hơn về xu hướng tính cách nhé.
      https://nguyenthanhlinh.com/mbti-ung-dung/

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải