Khi nói đến tính hướng nội & hướng ngoại, đa số đều có những định kiến như sau:

  • Người hướng nội: ít nói, lầm lì, thụ động, ngại giao tiếp.
  • Người hướng ngoại: nói nhiều, hoạt bát, năng động, thích giao tiếp.

Thiên tính hướng nội & hướng ngoại vốn bộc lộ từ sớm qua tính cách của những đứa trẻ ngay từ nhỏ. Bạn thử nhớ lại hình ảnh của mình và tụi bạn lúc nhỏ mà xem, có đứa thì tính cách cực kỳ hiếu động, quậy banh nóc nhà, có đứa thì y như… “tự kỷ” lầm lì, ít nói, không hé miệng với ai.

Tùy theo quá trình giáo dục của gia đình và môi trường đứa trẻ được nuôi dưỡng mà thiên tính hướng nội & hướng ngoại (tự nhiên) sẽ phát triển theo chiều hướng nào. Theo mình nhận định, tựu trung có 2 hướng phát triển:

  1. Cha mẹ không để tâm tới việc uốn nắn tính cách con cái, hoặc không có nhiều thời gian giáo dục con cái –> đứa trẻ sẽ phát triển theo hướng tính cách tự nhiên vốn có là hướng nội hay hướng ngoại thuần chủng.
  2. Cha mẹ cố gắng uốn nắn tính cách con cái theo hướng mình mong muốn, ví như nếu con mình hướng nội, ít nói, ngại giao tiếp quá thì cha mẹ sẽ cho con tham gia nhiều hoạt động học tập, vui chơi để đẩy con vào hoàn cảnh bắt buộc phải giao tiếp để từ từ con trở nên hoạt bát hơn –> tính hướng nội của con sẽ không còn thuần chủng mà trở thành hướng nội bình thường hoặc hướng nội lai hướng ngoại.

Trường hợp của mình rơi vào số (1) vì cha mẹ bận rộn công việc kinh doanh nên từ nhỏ mình đã không có ai quản lý và uốn nắn mình theo một hướng tính cách nào cả. Từ đó, mình mới phát triển thành một người hướng nội thuần chủng khi trưởng thành sau này.

Hiểu đúng về người hướng nội & hướng ngoại

Định kiến về người hướng nội & hướng ngoại mình dẫn ra đầu bài là một nhận định sai lầm của số đông khi chỉ tập trung vào bề nổi của tính cách thể hiện ra bên ngoài chứ không phải là điểm cốt lõi phân biệt người hướng nội & hướng ngoại.

Trên thực tế, có những người hướng ngoại vẫn ít nói, lầm lì nếu không ở đúng môi trường của họ. Ngược lại, cũng có những người hướng nội nói nhiều, hoạt bát khi bắt đúng tần số với người mà họ nói chuyện tâm đầu ý hợp. Nếu chỉ căn cứ vào bề nổi của tính cách mà nhận định như vậy thì hoàn toàn sai lệch về người hướng nội & hướng ngoại.

Điểm mấu chốt để phân biệt tính cách hướng nội & hướng ngoại nằm ở 2 câu hỏi sau:

  • Bạn thích tập trung sự chú ý của mình vào thế giới bên ngoài hay bên trong?
  • Bạn lấy năng lượng từ thế giới bên ngoài hay bên trong?

Người hướng nội có xu hướng thích tập trung vào thế giới bên trong mình để suy ngẫm, chiêm nghiệm về bản thân và thế giới xung quanh. Người hướng ngoại thì lại có xu hướng thích tập trung vào thế giới bên ngoài của người khác và các hoạt động.

Từ khóa quan trọng bạn cần nắm ở đây là hai chữ “năng lượng”.

Có thể ví von năng lượng của một con người giống như cục pin của chiếc smartphone bạn đang dùng. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn cắm sạc điện thoại để khi mở mắt dậy thì điện thoại luôn được sạc đầy 100% pin.

Tương tự, người hướng nội sạc pin bằng cách lấy năng lượng từ thế giới bên trong, do vậy họ cần có một khoảng không gian riêng tư, yên tĩnh, không phải giao tiếp với ai để nạp lại năng lượng. Ngược lại, người hướng ngoại lại sạc pin từ các hoạt động giao tiếp với người khác hay các hoạt động sôi nổi như gặp gỡ giao lưu, thuyết trình, họp hành, tụ họp hội nhóm, đi quẩy v.v.

Cơ chế sạc pin và hết pin của người hướng nội & hướng ngoại cũng khác nhau một trời một vực. Một người hướng nội thuần chủng nếu hoàn cảnh bắt buộc phải làm những việc người hướng ngoại yêu thích thì họ sẽ tụt năng lượng rất nhanh – pin bị cạn kiệt và xuống dần mức 0%. Khi đó, họ không còn một chút năng lượng nào để làm bất cứ việc gì nên đừng ai tới bắt chuyện hỏi han họ hay yêu cầu họ phải làm việc này việc kia thì họ rất dễ mất kiểm soát cảm xúc và trở nên nổi quạu. Ngay lúc này, người hướng nội chỉ cần một khoảng không gian riêng tư và yên tĩnh để họ từ từ nạp lại năng lượng.

Người hướng ngoại thuần chủng cũng không khác gì, nếu buộc họ phải làm những việc người hướng nội yêu thích như ở nhà cả ngày, không nói chuyện với ai mà chỉ cô tịch an tĩnh đọc sách, suy ngẫm thì bảo đảm họ sẽ… phát điên vì bị tụt năng lượng dữ dội. Như mình có một cô bạn là người hướng ngoại thuần chủng, mỗi khi cuối tuần mà không có kèo rủ đi ăn chơi nào là bạn lại ngứa ngáy buồn chân phải dắt xe máy ra chạy vòng vòng chơi để hít hà sự náo nhiệt sôi động của thành phố cho đỡ thèm.

Cả thế giới của người hướng nội bỗng chốc thu bé lại trong 2 chữ: năng lượng

Hiểu về cơ chế nạp năng lượng và mất năng lượng là một bước tiến rất lớn trên hành trình khám phá và thấu hiểu bản thân của mình. Bởi lẽ, cơ chế này giúp mình lý giải được rất nhiều vấn đề trước đây mình trăn trở mà không có lời giải đáp:

  • Tại sao khi nói chuyện với người khác hay nói chuyện trước đám đông thì càng nói mình lại càng cảm thấy mệt?
  • Tại sao mình không thể nào hưởng ứng được các trò chơi tập thể với nhiều hoạt động tương tác mà càng chơi càng thấy mệt chứ chẳng thấy gì vui?

“Thiên địch” của người hướng nội là các yếu tố làm cho họ bị mất năng lượng, có thể kể ra như:

  • Một không gian quá ồn ào làm xáo động thế giới nội tâm và những suy nghĩ của họ.
  • Tiếp xúc với những người hướng ngoại nói chuyện to tiếng, lấn át cũng làm tụt năng lượng của họ.
  • Hoạt động giao tiếp, thuyết trình với người khác hoặc đám đông sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng.
  • Hoạt động thể chất thể dục thể thao ngoài trời cũng làm tiêu hao rất nhiều năng lượng.

Gần đây mình có một cuộc hẹn với khách hàng ở một quán cafe. Khách hàng tới trễ 30 phút, mình ngồi đợi trong quán với một tổ hợp những tiếng ồn – tiếng nhạc xập xình từ loa của quán, tiếng người nói chuyện ồn ào trong quán, tiếng máy móc đang thi công từ công trình kế bên. Lúc bước vào quán tâm thế của mình đang rất hứng khởi với 100% năng lượng khởi đầu ngày mới, nhưng ngồi một hồi thì năng lượng tụt dần về mức 70% bởi mình quá nhức đầu và mệt mỏi với sự ồn ào này.

Sau đó, khi khách hàng tới thì mình phải bàn chuyện công việc và triển khai dự án với họ liên tục cả buổi sáng hôm đó. Kết quả là khi về tới nhà, mức năng lượng của mình về còn 0% và cả buổi chiều hôm đó mình chỉ có nằm dài để từ từ nạp lại năng lượng chứ không còn đủ sức để làm được việc gì đòi hỏi trí lực.

Vấn đề này cũng gần giống như chuyện bạn dùng điện thoại di động để chơi game, xài app hay xem phim liên tục mấy tiếng đồng hồ thì điện thoại báo hết pin. Khi đó, không phải bạn cắm sạc vô thì pin điện thoại tăng lên cái vèo 100% mà thường phải mất mấy tiếng đồng hồ để sạc cho đầy pin. Như điện thoại thì còn có loại công nghệ mới sạc pin nhanh chóng hay có cục sạc dự phòng, nhưng năng lượng tự nhiên của người hướng nội thì vẫn chưa “tân tiến” đến mức độ đó nên bạn phải thuận theo quy luật của tự nhiên chứ không có đường tắt nào để nạp năng lượng trong một nốt nhạc.

Khi hiểu về cơ chế nạp năng lượng, mình cũng lý giải được nhiều chuyện thú vị khác trong cuộc sống của người hướng nội. Chẳng hạn trước đây mình không hiểu được tại sao mỗi lần đến phòng tập gym, tập xong đi về mình lại thấy rất mệt chả buồn làm gì. Khi soi chiếu bằng cơ chế trên, mình nhận ra mấy vấn đề là (1) phòng gym thì mở nhạc hết sức ồn ào, (2) người thì đông đúc và toàn người lạ, và (3) tập gym tự nó là một hoạt động thể chất đòi hỏi sự vận động thì kết hợp ba yếu tố này lại hỏi sao không tụt năng lượng mới lạ.

Ấy vậy mà có những buổi mình chạy bộ trong công viên thoáng đãng, không khí yên tĩnh, không có tiếng nhạc ồn ào mà chỉ có tiếng chim hót ríu rít thì tập xong lại thấy tràn trề năng lượng. Lẽ vậy, lời khuyên dành cho người hướng nội khi muốn vận động để tăng cường sức khỏe thì nên lựa chọn các bộ môn an tĩnh như yoga, khí công hay tập gym ở nơi nào riêng tư, yên tĩnh thì quá trình vận động đó mới giúp họ nạp thêm nhiều năng lượng hơn là bị tiêu hao. Bởi tập vô thấy mệt thì rất dễ nản và khó duy trì được lâu dài để tạo thành thói quen.

Giao tiếp bằng lời nói & chữ viết trong cơ chế lấy năng lượng

Khi tìm hiểu về cơ chế lấy năng lượng của người hướng nội & hướng ngoại, điều quan trọng ngoài hiểu cho đúng là phải hiểu cho tới, bởi nếu hiểu chưa tới thì chúng ta rất dễ quy chụp và áp đặt một cách máy móc cơ chế đó lên mọi sự vật, hiện tượng.

Người hướng ngoại không phải lúc nào cũng thích nói chuyện, quảng giao hay đi đây đi đó suốt ngày. Không phải vì giao tiếp là được sạc năng lượng nên đụng ai họ cũng bắt chuyện hay nói tía lia suốt cả ngày. Cơ bản một cục pin khi đã đầy 100% rồi thì có ai cắm sạc thêm nữa không? Người hướng ngoại một khi đã đầy năng lượng, họ cũng cần có sự nghỉ ngơi, suy ngẫm để từ từ tiêu hao bớt năng lượng cho cân bằng lại, chứ chẳng ai high từ sáng tới tối mà không biết mệt, vì đâu phải hít ma túy hay gì.

Tương tự, người hướng nội khi sạc đủ năng lượng từ thế giới bên trong thì họ cũng cần có sự giao lưu, tương tác với thế giới bên ngoài để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa, sau đó đạt tới trạng thái cân bằng năng lượng rồi tụt năng lượng, và vòng lặp này sẽ được lặp đi lặp lại liên tục.

Có bạn là người hướng nội thuần chủng đọc đến đây sẽ phản biện, này tôi đây không cần giao tiếp với ai vài tuần hay cả tháng cũng được, như thế tôi càng thoải mái!

Phát ngôn này cần xem lại, vì có thể bạn đang lầm tưởng việc giao tiếp ở đây phải là bằng lời nói trực tiếp, nhưng hiểu đúng thì hoạt động giao tiếp bao hàm cả lời nói và chữ viết, tức ngay cả việc chat với bạn bè cũng là một hoạt động giao tiếp. Tới đây thì hãy thử suy ngẫm lại: Bạn có thể không giao tiếp bằng lời với ai ngoài đời một quãng thời gian rất lâu cũng không ảnh hưởng gì, nhưng bạn có thể chịu đựng được việc không giao tiếp bằng chữ viết với ai trên mạng cả tháng trời y như một người vừa câm vừa bị khuyết tật không?

Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG! Thế giới của người hướng nội vốn dĩ là thế giới của các “anh hùng bàn phím” – dùng cụm này thì nghe hơi tiêu cực, nhưng bản chất thì rất đúng vì bàn phím (máy tính lẫn điện thoại) chính là thế giới võ lâm kiếm hiệp để người hướng nội thật sự sống đúng với bản tính thuần chủng của mình. Nơi người hướng nội được chính là họ.

Là một người đã có kinh nghiệm viết lách hơn 10 năm, có một điểm thú vị gần đây mình mới phát hiện ra khi thực hiện series người hướng nội này:

  • Mỗi khi viết bài chia sẻ trên website cá nhân theo chủ đề tự do mình thích, viết xong thì mình rất high và cảm thấy tràn trề năng lượng.
  • Nhưng khi viết bài theo đơn đặt hàng cho khách, mỗi khi viết xong thì mình bị down mood và tụt gần hết năng lượng.

Từ cơ chế lấy năng lượng, bạn hãy thử suy ngẫm xem đâu là điều tạo nên sự khác biệt rõ rệt như trên?

Câu trả lời sẽ được giải đáp ở tập tiếp theo.

Đọc tiếp Tập 5 – Giao tiếp là một quá trình truyền năng lượng

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Nhút nhát là do hướng nội mà ra hay hai cái này tách biệt vậy anh? Vì lúc trước em có đọc được bài đâu đó hai cái này khác nhau, không đánh đồng được?

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chào em,
      Tính nhút nhát là một biểu hiện đặc trưng của xu hướng hướng nội, do thiên tính bẩm sinh và cả môi trường sống tạo nên. Vấn đề nằm ở chỗ em thấy quan điểm, góc nhìn, lập luận của ai là hợp lý và phù hợp với em, chứ không phải ai nói đúng hay nói sai.

      Câu trả lời anh nghĩ em có thể tìm thấy nếu đọc hết cả series này nhé 🙂

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.