Thật sự mà nói, giao tiếp chính là vấn đề khó khăn nhất mà hầu hết người hướng nội đều gặp trở ngại. Dĩ nhiên khó khăn ở đây không nằm ở việc người hướng nội không biết cách giao tiếp như thế nào, vì ai có miệng mà chẳng biết nói? Khó khăn ở chỗ, họ cảm thấy không thoải mái với việc… phải mở miệng giao tiếp, đặc biệt với người lạ.

Bản chất của việc giao tiếp đối với người hướng nội

Xét trên phương diện biểu đạt ngôn ngữ, giao tiếp có 2 hình thức: bằng lời nói và bằng chữ viết.

Ở khía cạnh giao tiếp bằng chữ viết, trong tập trước mình có đặt ra câu hỏi vì sao (1) khi viết bài mang tính chất chia sẻ cá nhân thì khi viết xong mình thấy rất high (hưng phấn) và tràn trề năng lượng, nhưng (2) khi viết bài theo đơn đặt hàng cho khách thì khi viết xong mình lại bị down mood và tụt gần hết năng lượng?

Về cơ bản, viết lách là một loại kỹ năng dùng ngôn từ để biểu đạt suy nghĩ, tâm tư và tình cảm của bản thân người viết. Ở tình huống (1), thực chất đó chính là quá trình độc thoại nội tâm của người hướng nội, lúc đó viết lách như một kiểu nhật ký để họ giãi bày tâm sự, suy tư của mình trên từng câu chữ; và toàn bộ quá trình đó họ đều hướng vào thế giới bên trong nên khi viết xong họ sẽ có cảm giác như được nạp năng lượng (giống như cơ chế sạc pin mình đã mô tả).

Ví dụ như bản thân mình, khi viết series hướng nội này, mình thường viết vào buổi tối tầm khoảng 10 giờ, khi viết xong cũng gần 12 giờ đêm. Mặc dù mình làm việc cả ngày 8 tiếng, buổi trưa không ngủ, buổi tối còn tập thể dục hết 1 tiếng nhưng mỗi lần viết xong mình đều ở trạng thái rất high – tâm trí trở nên minh mẫn, tỉnh táo và sáng suốt lạ kỳ. Nếu bạn nào có học thiền thì trạng thái khi tĩnh tâm và nhập định sâu cũng tương tự như trạng thái high mình mô tả. Hoặc dễ hiểu hơn là nếu một ngày nào đó bạn đi ngủ sớm, khi tỉnh dậy cảm thấy cơ thể tràn trề năng lượng và sinh lực, đó chính là trạng thái high sau khi sạc pin bằng một giấc ngủ đủ giấc.

Ở tình huống (2) thì ngược lại, bản chất của việc viết lách lúc này không còn là độc thoại nội tâm và diễn đạt tư tưởng, tình cảm cá nhân của bạn. Viết lách theo kiểu PR/marketing là bạn phải “nhập vai” vào thương hiệu, sống với tính cách của thương hiệu để đối thoại với độc giả – khách hàng và làm thế nào để phô diễn hết những điểm mạnh bạn có để gây chú ý tới họ. Lúc này, bạn phải thoát ra khỏi vỏ kén an toàn của một người hướng nội mà “tỏ ra” năng nổ, hoạt bát như một người hướng ngoại để quảng bá cho thương hiệu. Và việc này làm cho người hướng nội cảm thấy không thoải mái khi phải diễn một vai khác với bản chất của chính mình, từ đó họ rất dễ bị mất năng lượng sau quá trình này.

Ở khía cạnh giao tiếp bằng ngôn từ, có 2 nhóm đối tượng chính mà người hướng nội buộc phải giao tiếp trong các tình huống giao tế ngoài xã hội: người quen và người lạ.

Trong thế giới của người hướng ngoại, người quen của họ là gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp,… còn người lạ là những ai họ mới gặp gỡ, tiếp xúc lần đầu. Nhưng trong thế giới của người hướng nội thì định nghĩa này phải tái thiết lập lại hoàn toàn như sau:

  • Người quen: những người đã có sự giao lưu nhiều lần, hiểu được một phần tính cách của người hướng nội (vì họ đã mở lòng) và khiến họ cảm thấy quen thuộc khi giao tiếp.
  • Người lạ: những người chưa nói chuyện lần nào hay mới nói chuyện một vài lần, vẫn còn rào chắn phòng thủ và không tạo cho người hướng nội cảm giác quen thuộc khi giao tiếp.

Người hướng nội khi nói chuyện với người quen, họ sẽ cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn trong cuộc giao tiếp đó mà không phải mất quá nhiều năng lượng. Nhưng khi phải nói chuyện với người lạ, họ dễ cảm thấy gượng gạo, không thoải mái vì cảm giác không quen thuộc. Chính vì không quen thuộc nên mới có phần hơi sợ hãi và đề phòng với đối phương, từ đó mới khiến họ dễ mất năng lượng sau mỗi cuộc giao tiếp.

Không chỉ không thoải mái khi giao tiếp với người lạ, người hướng nội thậm chí còn không thoải mái với không gian xa lạ. Chẳng hạn, mỗi lần bạn bè hẹn mình đi cafe hay đi ăn ở một quán lạ nào đó (mình chưa đến bao giờ), bản năng tự nhiên của một người hướng nội thuần chủng như mình là cảm thấy không thoải mái (có phần hơi sợ hãi) vì sự không quen thuộc ở một không gian xa lạ. Thường mỗi lần như vậy mình phải rủ một người bạn khác đi chung, hoặc hẹn gặp ở một điểm nào đó rồi đi qua quán chung thì mình sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Hoặc có khi mình đề xuất ngược lại đi một quán nào đó mình quen thuộc để giải quyết nhanh gọn lẹ vấn đề… về mặt tâm lý của mình.

Những bạn nào là người hướng nội thuần chủng sẽ cực hiểu cảm giác khi bạn đi đúng giờ và phải chờ đợi tụi bạn đi trễ trong một cái quán xa lạ toàn người là người, phục vụ thi thoảng tới hỏi anh chị order gì, anh chị đi mấy người và những bàn xung quanh toàn người là người. Ôi, cảm giác đó là một trong những cảm giác khiến mình khó chịu cực kỳ.

Giao tiếp là một quá trình truyền năng lượng

Về bản chất, người hướng nội thuần chủng thích giao tiếp với bản thân hơn là giao tiếp với người khác, cả người quen (phần ít) lẫn người lạ (phần nhiều). Tuy nhiên không phải cuộc giao tiếp nào cũng làm người hướng nội mất năng lượng mà phải tùy người, tùy không gian.

Sở dĩ mình nói giao tiếp là một quá trình truyền năng lượng là vì khi giao tiếp với một người, bạn đang truyền năng lượng của bản thân thông qua phương tiện là lời nói đến người đó. Với người hướng nội, quá trình truyền năng lượng này sẽ làm họ bị tổn hao năng lượng vốn có, y như trong phim kiếm hiệp hay có cảnh cao thủ võ lâm truyền chân khí cho người khác thì bản thân mình bị tổn hao nguyên khí. Với người hướng ngoại thì ngược lại, quá trình truyền năng lượng là lúc họ giải phóng năng lượng tích trữ của bản thân, y như khi bạn mắc “ấy” thì nín càng lâu bao nhiêu tới lúc xả càng thoải mái bấy nhiêu.

Và trong một cuộc giao tiếp hai chiều, khi chúng ta truyền năng lượng cho người khác thì đồng thời ta cũng nhận về năng lượng của đối phương. Khi hai bên đồng điệu được với nhau thì đó là sự cộng hưởng năng lượng, nhưng không đồng điệu được thì sẽ triệt tiêu năng lượng lẫn nhau.

Có khi nào người hướng nội càng nói chuyện càng thấy high không?

Công thức để tạo ra một cuộc giao tiếp làm cho người hướng nội thấy high = người quen + không gian quen + sự yên tĩnh. 

Khi người hướng nội nói chuyện với đúng người – người mà họ cảm thấy quen thuộc và bắt đúng tần số của họ, họ sẽ có xu hướng giãi bày suy nghĩ, tâm tư của họ ra nhiều hơn. Và cuộc giãi bày tâm sự này nếu diễn ra trong bối cảnh là một không gian quen thuộc với không khí yên tĩnh sẽ làm họ cảm thấy thoải mái hơn. Ba yếu tố trên vốn dĩ là một sự giả lập thế giới bên trong của người hướng nội nên sẽ tạo cho họ cảm giác quen thuộc và an toàn.

Quá trình giao tiếp khi hội tụ đủ ba yếu tố trên sẽ tạo ra một sự cộng hưởng về mặt năng lượng giữa người nói và người nghe. Người nói tuy truyền năng lượng cho người nghe, nhưng đồng thời cũng nhận năng lượng ngược lại từ đối phương, từ đó mới dẫn đến kết quả càng nói chuyện thì lại càng thấy high vì không bị tổn hao năng lượng mà có khi còn được sạc thêm năng lượng.

Ở một diễn biến khác, khi người hướng nội nói chuyện với đúng người nhưng trong một không gian xa lạ và lại còn ồn ào náo nhiệt thì không đủ yếu tố cấu thành thế giới giả lập bên trong theo công thức trên. Và trong tình huống không có một yếu tố nào – vừa nói chuyện với người lạ vừa ở một không gian lạ vừa ồn ào thì khỏi phải nói, siêu mất năng lượng!

Nếu như cuộc giao tiếp 1-1 hay với vài người đã khiến người hướng nội cảm thấy mất năng lượng và không thoải mái ra sao thì bạn cũng dễ hình dung được việc người hướng nội khi đối diện với tình huống phải thuyết trình trước một nhóm người hoặc cả một khán phòng sẽ khiến họ áp lực như thế nào. Bởi lẽ, trong tình huống giao tiếp với đám đông, năng lượng của người hướng nội không chỉ truyền cho một người mà phải chia năm xẻ bảy chẻ làm mấy chục mẩu năng lượng truyền đi tứ tán cho đám đông đó.

Khi hiểu về cơ chế truyền năng lượng, bạn sẽ phần nào thấy được sự khác biệt rõ rệt trong phong cách thuyết trình hay diễn thuyết của người hướng nội và người hướng ngoại:

  • Người hướng nội: phong cách trầm ổn, có cảm giác thu năng lượng vào trong hoặc tỏa ra năng lượng rất nhẹ nhàng (có khi rất yếu), khó chạm được tới những khán giả ngồi cuối phòng. Ví dụ: Steve Jobs, thiền sư Thích Nhất Hạnh.
  • Người hướng ngoại: phong cách hoạt náo viên, toát ra năng lượng ào ào, thường kéo năng lượng của cả khán phòng lên. Ví dụ: Donald Trump, Anthony Robbins.

Các ví dụ kể trên là mình điểm qua những người hướng nội hay hướng ngoại có kỹ năng diễn thuyết chuyên nghiệp, chứ gặp những người nghiệp dư thì hình ảnh quen thuộc trong đời thường bạn hay bắt gặp là bà sếp hướng nội thuyết trình gì buồn ngủ dễ sợ, hay ông sếp hướng ngoại thuyết trình như tát nước vào mặt người nghe.

Trong một cuộc thuyết trình hay diễn thuyết, ngoài chủ thể là người nói thì khách thể là khán giả cũng cực kỳ quan trọng không kém. Trong quá trình hơn 5 năm làm việc ở lĩnh vực giáo dục đào tạo và tham gia hàng trăm sự kiện được tổ chức từ quy mô vài trăm lên đến cả ngàn người, có một sự thật thú vị về cơ chế truyền năng lượng mà mình chiêm nghiệm được.

Có 4 tình huống chính sẽ xảy ra:

1. Người diễn thuyết hướng ngoại – khán giả phần đông hướng ngoại –> hai bên có sự cộng hưởng năng lượng với nhau nên kết quả là người nói rất high mà người nghe cũng high không kém.

2. Người diễn thuyết hướng ngoại – khán giả phần đông hướng nội –> người diễn thuyết phải vận dụng hết công lực để truyền năng lượng và kéo năng lượng trầm mặc của cả khán phòng lên nên kết quả là người nói bị mất năng lượng (hết high mà down) còn người nghe thì lại thấy high.

3. Người diễn thuyết hướng nội – khán giả phần đông hướng nội –> không khí khán phòng sẽ cực kỳ trầm mặc (điều kiện không gian + sự yên tĩnh), nếu khán giả đồng điệu và hưởng ứng được bài diễn thuyết (điều kiện sự thấu hiểu như người quen) thì người nói sẽ rất high, còn ngược lại khán giả không hứng thú mà tỏ ra chán nản thì người nói sẽ mất năng lượng vì truyền bao nhiêu năng lượng ra ngoài mà không chạm tới ai cũng không được cộng hưởng ngược lại miếng năng lượng nào.

4. Người diễn thuyết hướng nội – khán giả phần đông hướng ngoại –> không khí khán phòng sẽ rất sôi nổi, náo nhiệt (bị mất điều kiện không gian + sự yên tĩnh), đòi hỏi năng lượng của người nói phải đủ mạnh để truyền hết tới tất cả khán giả (thường rất khó nên mới có chuyện những người ngồi gần cuối không cảm được bài diễn thuyết). Kết quả là khi dùng hết công lực để truyền năng lượng thì dù người nghe hưởng ứng hay không hưởng ứng thì người nói từ từ cũng bị tụt hết năng lượng, cho nên mới có cảnh bài diễn thuyết càng về cuối càng bị đuối.

Sau khi đã hiểu qua cơ chế truyền năng lượng, làm thế nào để người hướng nội cải thiện được vấn đề giao tiếp của bản thân? Vì thực tế trong cuộc sống, người hướng nội chúng ta phải đối mặt với việc giao tiếp từ người quen tới người lạ, trong đủ loại môi trường khác nhau chứ đâu thể lúc nào cũng thiết lập được một cuộc giao tiếp đúng chuẩn theo “công thức 3 yếu tố” kể trên.

Đọc tiếp Tập 6 – Hướng nội là bản năng, giao tiếp là kỹ năng

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.