“Em đang là học sinh và có dự định sẽ theo ngành phiên dịch, nhưng em là người hướng nội, sợ đám đông, giao tiếp kém và không có ngoại hình vậy thì em có nên theo ngành phiên dịch này không ạ?”

Câu hỏi của em gái ở trên chính là một label (nhãn dán) mà đa số những người hướng nội, khi chưa thật sự hiểu hướng nội là gì hay áp đặt lên bản thân mình. Nếu bạn mặc định hướng nội đồng nghĩa với giao tiếp kém, không thể làm được việc như người hướng ngoại thì có lẽ 1/3 dân số thế giới là người hướng nội đã thất nghiệp và chẳng thế làm gì ra hồn. Vì có công việc nào mà không đòi hỏi kỹ năng giao tiếp ở mức cơ bản? Sự khác nhau chỉ ở chỗ tính chất công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều hay ít.

Sự khác biệt trong giao tiếp giữa người hướng nội và hướng ngoại

Ở các tập trước, mình đã chia sẻ về cơ chế năng lượng (sạc năng lượng và mất năng lượng) của người hướng nội. Đây là cơ chế về mặt bề sâu để phân biệt người hướng nội và người hướng ngoại.

Còn bề nổi ở đây là gì? Đó chính là cơ chế tư duy trong quá trình giao tiếp. Về mặt bản năng, người hướng ngoại vừa suy nghĩ vừa nói, họ có khả năng nghĩ tới đâu nói tới đó một cách rành mạch rõ ràng. Nhưng người hướng nội thì ngược lại, cơ chế của họ là phải suy nghĩ xong mới nói – họ phải sắp xếp câu chữ, ý tứ đâu vào đó thật hoàn chỉnh trong đầu rồi mới nói ra được. Khi bị hỏi một câu bất ngờ, người hướng nội luôn bị chậm vài nhịp so với người hướng ngoại khi trả lời câu hỏi đó, và đó cũng là lý do vì sao số đông thường hay nhìn nhận người hướng ngoại thì chủ động, hoạt bát, năng nổ còn người hướng nội thì thụ động, ít nói, chậm chạp.

Ví dụ dễ thấy nhất mà chắc chắn người hướng nội nào cũng từng trải qua, đó là những năm tháng còn là học sinh. Khi cô giáo đặt một câu hỏi, nhiều khi người hướng nội còn đang bận suy nghĩ, sắp xếp ý tứ trong đầu thì tụi học sinh hướng ngoại đã giơ tay nhanh như chớp. Có khi còn nhanh tới mức cô chưa kịp hỏi xong nó đã giơ tay ngay tắp lự, và khi đứng lên thì vừa suy nghĩ vừa trả lời. Đó là điểm mà đa số học sinh hướng nội đều cảm thấy WOW và trầm trồ ngưỡng mộ, xong rồi lại mặc cảm về sự chậm chạp, ù lì của bản thân khi không được nhanh nhẩu như tụi bạn.

Thể loại gì giáo viên chưa hỏi xong đã giơ tay!!!

Trong hai cơ chế năng lượngcơ chế tư duy của người hướng nội, sở dĩ mình gọi cơ chế năng lượng là bề sâu bởi vì đây là thứ bạn không thể nào thay đổi được, nó như phần gốc rễ tự nhiên trong tính cách của một người hướng nội thuần chủng. Bạn không thể nào chặt đứt gốc rễ của một cái cây, chặt đứt đồng nghĩa cái cây sẽ chết. Dù bạn có thành thục kỹ năng giao tiếp và thuyết trình đến mức nào, nhưng mỗi khi buộc phải nói chuyện quá nhiều, và đặc biệt trong một môi trường không lý tưởng (xa lạ + ồn ào) thì bạn sẽ luôn luôn bị mất năng lượng. Đó chính là bản chất tự nhiên của bạn.

Đối với người hướng nội bình thường, họ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi cơ chế năng lượng (tùy theo mức độ bao nhiêu % hướng nội của bạn).

Cơ chế tư duy mình gọi là bề nổi, vì nó giống như cành lá của một cái cây, có thể uốn nắn hay chặt bỏ bớt được theo ý bạn. Vì giao tiếp là một quá trình bạn tư duy ở trong đầu, kết hợp câu chữ ý tứ lại với nhau và phát ra miệng bằng lời nói hay chữ viết. Tư duy nhanh hay chậm khi đó không còn là bản năng, mà là kỹ năng, và đã là kỹ năng thì hoàn toàn có thể rèn luyện được.

Cho nên, sau tất cả, hướng nội là bản năng (cơ chế năng lượng), còn giao tiếp là kỹ năng (cơ chế tư duy).

Hành trình từ sâu hóa bướm

Một con sâu non (ấu trùng bướm) ăn lá cây nơi nó ở và lớn lên, sau đó hóa thành nhộng và trú ngụ trong chiếc kén an toàn của mình. Để “tiến hóa” thành bướm, nhộng phải phá vỡ chiếc kén đó để lột xác thành bướm và bay ra ngoài. Quá trình lột xác đó với loài nhộng rất đau đớn, và trong tự nhiên không phải con nhộng nào cũng lột xác thành công để hóa bướm, nếu chúng tiếp tục ở yên trong kén.

Đối với con người, chiếc kén an toàn này hay được ví như vùng thoải mái (comfort zone) hay vòng tròn thoải mái – nơi khiến họ cảm thấy an toàn, được là chính mình. Khi được sống đúng với bản năng hướng nội của mình, chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái và dễ chịu, nhưng tiếp tục ở yên đó không giúp chúng ta phát triển được mà chỉ làm ta mắc kẹt lại. Lột xác là việc cần phải làm theo quy luật tiến hóa của tự nhiên.

Để cho những bạn hướng nội có phương hướng rõ hơn, mình sẽ chia sẻ sâu hơn quá trình lột xác của chính mình, được chia làm 2 giai đoạn chính:

1. Giai đoạn tích lũy

Trong vòng đời của sâu, đây là giai đoạn sâu non tích lũy thức ăn và năng lượng để chuẩn bị cho công cuộc lột xác bản thân. Ở giai đoạn này, mình đã có sự thấu hiểu bản thân khá rõ ràng mình là một người hướng nội thuần chủng, và mình hiểu được cơ chế năng lượng lẫn cơ chế tư duy ảnh hưởng tới bản thân như thế nào.

Vấn đề lớn nhất trong giao tiếp của mình là mình không quen nói nhiều ngay từ nhỏ nên mỗi lần nói chuyện nhiều mình dễ bị hụt hơi, mau mất sức và thậm chí bị đau họng là chuyện bình thường. Chưa kể, mình còn gặp vấn đề giọng địa phương nên hồi mới vào đại học còn bị bạn bè cười vì phát âm một số từ không chuẩn. Hơn hết là mình không tự tin vào khả năng ăn nói của bản thân nên mỗi lần nói chuyện với một nhóm nhỏ thì đã thấy ngại huống hồ chi thuyết trình với một đám đông.

Để giải quyết vấn đề này, mình phải tìm đọc khá nhiều sách về giao tiếp, thuyết trình từ các chuyên gia phương Đông lẫn phương Tây để học hỏi những cách họ tự rèn luyện khả năng ăn nói như thế nào. Bên cạnh đó, mình còn đăng ký một số khóa học online về kỹ năng luyện giọng nói biểu cảm, luyện đài từ sân khấu của một số giảng viên trường Sân khấu điện ảnh hay phát thanh viên, MC chuyên nghiệp để học bí quyết của họ. Cách đây 10 năm thì mình chưa biết vụ đi học offline nên tham khảo qua hai nguồn sách và khóa học online là chủ yếu, còn hiện tại nguồn tham khảo khá nhiều.

Sở dĩ người hướng nội không tự tin được như người hướng ngoại là vì họ tự ti vào bản thân. Vậy tự tin là gì? Tự tin là khi ta tin vào những điều mình có. Trước hết ta phải có đã thì mới tin vào bản thân được. Khi không có gì cả, chúng ta sẽ cảm thấy thiếu tự tin. Chẳng hạn, nếu bạn không tự tin khi nói tiếng Anh, ấy là do vốn liếng tiếng Anh của bạn còn yếu nên bạn không đủ tự tin khi nói chuyện bằng tiếng Anh. Tương tự, nếu bạn không tự tin khi giao tiếp, ấy là do bạn không có kiến thức, kỹ năng giao tiếp nên không đủ tự tin khi nói chuyện với người khác.

Và giai đoạn tích lũy chính là lúc bạn xây dựng vốn liếng cho mình – nền tảng để khởi đầu cho sự tự tin. Như mình quan niệm: Yếu chỗ nào thì nên mạnh lên từ chỗ đó.

2. Giai đoạn thực hành

Mọi lý thuyết sẽ chỉ là số không tròn trĩnh nếu không có thực hành. Đọc cả chục cuốn sách về giao tiếp, thuyết trình mà không thực hành vào thực tế đời sống thì biết khi nào mới rèn kỹ năng giao tiếp, thuyết trình được?

Khi bạn hiểu mấu chốt vấn đề nằm ở sự tự tin, thì cách chữa bệnh thiếu tự tin đơn giản nằm ở việc: Hãy tạo ra một điểm để bạn tin mình có, từ đó bạn sẽ có được sự TỰ TIN. Trong tâm lý học, đây được gọi là điểm neo cảm xúc, nó như dấu ấn về một trải nghiệm ấn tượng mà bạn đạt được, và sau này chỉ cần một yếu tố kích hoạt là bạn có thể dễ dàng hồi tưởng lại thời khắc ấn tượng đó.

Các trở ngại về mặt giao tiếp, thuyết trình ví như những hòn đá tảng trên đường đời của người hướng nội. Khi vượt qua được một hòn đá, bạn đặt ở đó một điểm neo cảm xúc là mình đã chiến thắng được bản thân. Và khi đối diện với một hòn đá lớn hơn, bạn có thể hồi tưởng điểm neo cảm xúc cũ để tự tin vượt qua nó. Đây chính là nguyên lý của toàn bộ giai đoạn thực hành.

Giai đoạn thực hành của mình được xây dựng bằng rất nhiều điểm neo cảm xúc:

1. Lúc gần tốt nghiệp đại học, mình bắt đầu đi học TOEIC ở một trung tâm tiếng Anh khá nổi tiếng. Trong 4 năm đại học vốn dĩ không đầu tư học ngoại ngữ nên đến khi ra trường mình mới thấy tầm quan trọng của việc có tiếng Anh. Ngoài thời gian theo học khóa chính, trung tâm này có mở một CLB tiếng Anh sinh hoạt vào mỗi cuối tuần nên mình quyết định đăng ký tham gia để học hỏi.

Với bản chất của một người hướng nội thì ban đầu mình rất ngại chuyện đứng lên trước cả CLB (khoảng 20 người) để giới thiệu bản thân hay tham gia các hoạt động tương tác, chơi trò chơi, thuyết trình bằng tiếng Anh hoàn toàn. Tuy vậy, mình không bỏ cuộc mà vẫn kiên trì tuần nào cũng đi vào mỗi trưa chủ nhật (phải nói có rất nhiều yếu tố cản trở – vừa nắng nôi, vừa buồn ngủ, vừa xa xôi,…) tới gần nửa năm trời. Chỉ 3 tháng sau đó kể từ lần tham gia đầu tiên, mình có thể tự tin đứng thuyết trình một chủ đề tiếng Anh trước cả CLB, hay mạnh dạn bắt chuyện tiếng Anh với các thành viên mới vào và cả với các bạn trong BTC chứ không còn cảm giác ngại ngùng như ban đầu.

Mình trong một buổi debate (tranh luận) của lớp tiếng Anh.

Trong quá trình sinh hoạt, mình để ý thấy có một số bạn hướng nội tham dự CLB buổi đầu. Tới khi MC mời lên giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh, có bạn run như cầy sấy, thậm chí có bạn còn sợ tới nỗi mắt rưng rưng hoe hoe đỏ. Rồi sau trải nghiệm kinh hoàng đó, những lần sau mình không bao giờ thấy những bạn này quay trở lại, vì họ đã lựa chọn bỏ cuộc ngay từ đầu. Còn mình vẫn kiên trì tham gia cho tới khi… CLB đóng cửa. Sau đó, mình vẫn không dừng lại mà tìm thêm một CLB tiếng Anh khác để tiếp tục tham gia.

2. Khi vốn tiếng Anh đã kha khá, mình mới rủ một nhỏ bạn trong nhóm bạn đại học cuối tuần quỡn rảnh thì lên khu trung tâm Q.1 chơi, chủ yếu là đi tìm người nước ngoài để bắt chuyện, thực hành giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ. Xét về bản chất của người hướng nội, đi bắt chuyện với một người lạ là người Việt thì đã thấy ngại rồi, huống hồ bắt chuyện với người nước ngoài thì quả là một thử thách khó nhằn. Đây là một ý tưởng ngẫu hứng của bọn mình mang tính chất thử thách bản thân phần nhiều, và dù chỉ đi được vài tuần nhưng thành quả thu được khiến mình tự tin hơn rất nhiều.

Những ngày lang thang Q.1 tìm du khách nước ngoài.

Chỉ sau đó vài năm khi có dịp đi công tác Hà Nội, trong một ngày nghỉ mình ra lăng Bác Hồ tham quan một mình và bắt chuyện được với hai bạn du khách người Tây Ban Nha. Hôm đó trong lúc xếp hàng mình còn nói chuyện được với mấy a dì người Đài Loan bằng mớ tiếng Trung học bập bõm. Buổi sáng hôm đó mình làm tour guide dẫn hai bạn này đi tham quan bên trong lăng Bác và làm khá nhiều bạn học sinh nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Đây cũng là một điểm neo cảm xúc khiến mình tự tin dữ dội mỗi khi nhớ lại.

3. Đa số người hướng nội đều rất sợ việc thuyết trình trước một đám đông. Khi nói chuyện với một nhóm ít người mà bạn còn cảm thấy lúng túng thì việc đốt cháy giai đoạn nhảy cái rụp sang nói chuyện với một đám đông là chuyện bất khả thi. Do vậy, muốn nói chuyện tự tin và thoải mái trước một đám đông, bạn cần bắt đầu bằng việc nói chuyện với một nhóm ít người.

Để rèn luyện kỹ năng thuyết trình, mình quyết định thành lập một dự án phi lợi nhuận có tên gọi “Học làm gì?” vào đầu năm 2015 (đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2016). Dự án hoạt động dưới hình thức một website chia sẻ bài viết về chủ đề kỹ năng sống cho sinh viên. Khi khởi sự dự án, mình tiến hành tuyển CTV viết bài từ các bạn sinh viên Báo chí, Ngôn ngữ học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM và tuyển được 5 bạn, sau đó là phát triển lên tới 10 bạn. Với đội ngũ này, mỗi tuần mình đều tổ chức một buổi training về chuyên môn như viết lách, phát triển đề tài, cách đăng bài, chỉnh sửa hình ảnh v.v.

Sau đó, mình mở rộng buổi training sang các chủ đề khác từ kinh nghiệm của bản thân như kỹ năng sống, kỹ năng viết CV, phỏng vấn xin việc và thậm chí cả chuyện học tiếng Anh.

Ở những buổi training đầu, mình mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị slide, tập dượt thuyết trình nhiều lần cho đến khi nói được thành thục, trôi chảy. Các bạn CTV đều nhỏ tuổi hơn mình, thuộc thế hệ đàn em và khi đó mình đã đi làm nên về mặt vị thế mình cũng tự tin hơn khi nói chuyện, ít ra dù có nói vấp, nói chưa được rành mạch thì cũng chẳng ai bắt bẻ gì mình. Sau mỗi buổi training, mình tự đánh giá lại kỹ năng thuyết trình của bản thân ở từng buổi để rút kinh nghiệm và tìm phương án khắc phục trong các buổi sau.

Môi trường dự án không chỉ là nơi cho mình rèn luyện kỹ năng thuyết trình mà mình cũng tạo điều kiện cho các thành viên của dự án cũng có cơ hội đứng lên chia sẻ theo từng chủ đề được phân công để rèn luyện sự tự tin hơn khi nói trước một nhóm nhỏ. Cách tốt nhất để bạn phát triển một kỹ năng nào đó là dạy lại cho người khác và giúp đỡ họ cũng phát triển được giống như bạn, chứ không phải chỉ chăm chăm phát triển mỗi bản thân bạn còn người khác thì tụt lại phía sau.

o0o

3 ví dụ ở trên là những phương pháp điển hình nhất mình từng luyện tập trong giai đoạn Thực hành ở một quãng thời gian dài suốt 2 năm liên tục. Mỗi trải nghiệm đều tạo cho mình một điểm neo cảm xúc của sự tự tin thể hiện bản thân khi giao tiếp và thuyết trình, từ đó tạo lập một nền tảng vững chắc để mình có thể tự tin hơn trong các tình huống bắt buộc phải giao tiếp và thuyết trình khác sau này ở cấp độ lớn hơn.

Với một số bạn hướng nội thuần chủng, sau khi trải qua giai đoạn Tích lũy, bạn có thể lựa chọn những hình thức rèn luyện nào nhẹ đô hơn để thực hành (như 3 ví dụ của mình thì khá nặng đô). Chẳng hạn, bạn có thể lập một nhóm nhỏ khoảng vài bạn yêu thích đọc sách, mỗi tuần gặp nhau để từng người review sách cho cả nhóm nghe hoặc thảo luận các vấn đề liên quan tới sách. Nếu bạn không đủ mạnh dạn làm leader để dẫn dắt một nhóm như vậy, cũng không sao, hãy tìm một nhóm đã có sẵn theo sở thích để tham gia vào.

Một số bạn sẽ tìm đến các khóa học thuyết trình để tìm môi trường thực hành. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng việc đi học được xếp vào giai đoạn Tích lũy, chứ không phải giai đoạn Thực hành. Vì một khóa học ngắn hạn chỉ 1-2 ngày hay vài ba buổi trong tuần chỉ cho bạn một trải nghiệm ngắn hạn về việc thuyết trình, chưa kể nếu số lượng học viên đông quá thì thậm chí bạn còn chẳng có cơ hội đứng ra thuyết trình mà chỉ học lý thuyết. Giai đoạn Thực hành cần sự dài hạn, ít nhất từ 3 đến 6 tháng và phải liên tục để hình thành cho bạn thói quen giao tiếp và thuyết trình tự nhiên và tự tin.

Kết lại phần này, nếu bạn muốn lột xác từ sâu hóa bướm, bạn phải chấp nhận sự đau đớn, sự không thoải mái của bản thân để phá vỡ chiếc kén an toàn. Nếu cứ ở yên trong kén, bạn vẫn sẽ mãi là một chú sâu non hướng nội nhút nhát, tự ti, sợ hãi cả thế giới mà không bao giờ chứng kiến được cảnh thế giới này tươi đẹp ra sao khi bạn là chú bướm bay lượn trên trời cao.

Một lần nữa, hãy nhớ rằng hướng nội là bản năng, còn giao tiếp hay thuyết trình là kỹ năng. 

Đọc tiếp Tập 7 – Thiệt thòi của người hướng nội nơi công sở

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải