Đợt bùng dịch Covid-19 hồi tháng Tư, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong vòng gần một tháng trời. Hàng loạt địa điểm phải tạm thời đóng cửa, từ các trung tâm mua sắm, khu vui chơi, công viên, phòng tập gym cho đến các quán ăn, tiệm cafe, quán nhậu,… Cả nước chìm trong không khí “ba mươi chưa phải là Tết”, khi cứ liên tiếp… đón giao thừa và ăn Tết nhiều tập.

Khi ấy, một cậu em là người hướng ngoại than thở với mình. Em bảo bình thường cuối tuần em với người yêu hay đi mall chơi, không thì ra mấy khu trung tâm như phố đi bộ, khu Bùi Viện (TP.HCM) hay đi cafe, đi ăn tiệm, không chỉ cuối tuần mà những tối trong tuần khi nào buồn chân thì cả hai đều rủ nhau đi chơi. Giờ mọi thứ đều lockdown (đóng cửa), công ty thì cho làm remote (từ xa) ở nhà, đã vậy không đi đâu chơi được nên em bị down mood vô cùng. Mới ở nhà mấy ngày thôi em đã thấy tụt năng lượng và chán như con gián.

Đến đợt bùng dịch Covid-19 thứ hai vào tháng Bảy ở Đà Nẵng và lan ra trên khắp cả nước, cô bạn mình đang làm freelancer sống ở Hội An cũng gặp khá nhiều khó khăn khi toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội. Ra ngoài thì vắng vẻ, phố xá hàng quán thì dẹp hết, cô tịch không một bóng người y như ở chốn vùng sâu vùng xa. Dù không phải là người siêu hướng ngoại, nhưng bạn thuộc nhóm hướng nội lai hướng ngoại nên vẫn chưa quen được với thời kỳ cách ly này và cảm thấy rất cô đơn. Bởi sinh hoạt ngày thường của bạn ở Hội An là mỗi ngày đều đi tắm biển, đạp xe cùng hội đạp xe ở đây, giờ các hoạt động này đều bị ngưng lại thì bạn không lấy được năng lượng từ các yếu tố kích thích ở môi trường bên ngoài (cơ chế lấy năng lượng của người hướng ngoại) nên dễ sinh ra cảm giác buồn chán và cô đơn.

Đà Nẵng ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội đợt cuối tháng 7/2020.

Một người dì của bạn mình, vốn là chủ một cửa hàng buôn bán, bình thường đi làm ở cửa hàng nhiều người và tiếp xúc thường xuyên với nhiều khách hàng. Khi khu nhà của dì bị lockdown vì có người nghi nhiễm Covid-19, dì phải ở nhà 24/24 giờ trong suốt thời gian 14 ngày cách ly. Với bản tính hướng ngoại, khi không được giao lưu nói chuyện với ai mà còn đối diện với ông chồng cả ngày, dì như muốn phát điên tới nỗi phải bật khóc khi kể với người thân trong nhà.

Kể ra mấy ví dụ trên, mới thấy may quá mình là một người siêu hướng nội! Mình có thể ở nhà một tuần hay một tháng, không đi chơi bên ngoài và không nói chuyện nhiều với ai mà vẫn cảm thấy hết sức bình thường. Đúng thật là chỉ có người siêu hướng nội và người hướng nội vượt trội (có % tính hướng nội cao hơn hướng ngoại) mới có thể bình yên sống sót qua được mùa Covid-19. Đây cũng chính là sức mạnh của người hướng nội.

Sức mạnh của người hướng nội nằm ở đâu?

Trước khi có mấy đợt bùng dịch Covid-19 xảy ra, mình không nghĩ người hướng nội có sức mạnh gì, nếu hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ “sức mạnh” này. Vì nếu đem một người hướng nội và hướng ngoại lên bàn cân để so sánh (với điều kiện loại trừ hết các kỹ năng mà người hướng nội đó đã tích lũy), thì thật sự người hướng nội yếu thế hơn nhiều so với người hướng ngoại, đặc biệt là khi mọi môi trường xã hội như trường học, công sở vốn đều ưa chuộng những điểm mạnh của người hướng ngoại.

Đa số mọi người đều yêu thích những người hướng ngoại luôn sôi nổi, tích cực và tràn đầy năng lượng. Các vị sếp thì trọng dụng những người giỏi quảng giao và giao tiếp, biết dẫn dắt và tạo ảnh hưởng với đám đông. Còn người hướng nội thì chẳng có gì để thu hút sự chú ý của đám đông, ngoài… sự im lặng của họ.

Một người hướng nội nhiều kỹ năng và kinh nghiệm sống sẽ có được sự trầm ổn, sâu sắc và đáng tin cậy (khác với những bạn hướng nội “mới nhú”). Đó là cảm giác bên ngoài mà người khác (thường là người hướng ngoại) khi nhìn vào người hướng nội sẽ cảm nhận được. Với mình, những đặc điểm này nói đúng hơn là vẻ đẹp của người hướng nội, chứ không phải là sức mạnh.

Ví như bạn có sức mạnh cơ bắp, bạn có thể nâng mức tạ 100kg một cách nhẹ nhàng hay khiêng vác đồ nặng mà không phải thở hồng hộc. Khi đó, sức mạnh như một phần năng lực cá nhân mà bạn có thể lấy ra dùng khi muốn, cũng như sức mạnh của người hướng ngoại là khả năng giao tiếp, khả năng hoạt động liên tục mà không bị mất năng lượng – khi cần họ có thể lấy ra dùng để giao tiếp, vui chơi cả ngày mà không thấy mệt.

Nhưng sự im lặng hay sự trầm ổn, sâu sắc và đáng tin cậy vốn dĩ không phải là một loại năng lực để người hướng nội có thể lấy ra dùng khi cần. Chẳng hạn, khi bước vào một buổi tiệc có nhiều người lạ hay khi được giao nhiệm vụ thuyết trình với khách hàng, bạn có lấy mấy “vẻ đẹp” này ra dùng được không? Dĩ nhiên là không, vì tự thân nó chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà đối phương cảm nhận ở người hướng nội, cho nên mình không gọi nó là “sức mạnh”.

Điều thú vị nằm ở chỗ, đôi khi điểm yếu của người này lại chính là điểm mạnh của người khác. Như điểm yếu của người hướng ngoại là không thể thích nghi được với một môi trường quá tĩnh lặng và thiếu đi các yếu tố kích thích từ bên ngoài (con người, các hoạt động tương tác), thì đây lại chính là điểm mạnh của người hướng nội – họ có khả năng thích nghi cao và cực kỳ thoải mái với môi trường tĩnh lặng, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội mùa Covid-19. Đây là một loại “sức mạnh” đặc biệt họ có thể lấy ra dùng bất cứ lúc nào mà không bị hao tâm tổn sức.

Trong một giai đoạn nhạy cảm như thế này, thế giới dường như đảo cực, và điều hơi buồn cười là người hướng ngoại bắt đầu phải tập làm quen và học những kỹ năng cần thiết để sống như một người hướng nội. Đây cũng chính là quy luật bù trừ trong tự nhiên, như có nắng thì sẽ có mưa, có ngày thì sẽ có đêm, có mặt trời thì sẽ có mặt trăng, và người hướng ngoại chính là phần đối lập của người hướng nội trong thế giới này. Thế giới sẽ có những giai đoạn thuận lợi với tính cách của người hướng ngoại, nhưng cũng sẽ có giai đoạn bất lợi với họ, và khi đó người hưởng lợi lại là người hướng nội.

Dẫu sống trong giai đoạn nào của thế giới, để tồn tại được với quy luật tự nhiên thì con người phải không ngừng học hỏi cách sống hòa hợp với môi trường và “tiến hóa” dần lên nếu không muốn bản thân bị đào thải. Sinh ra là một người hướng nội, vốn dĩ bạn bước vào thế giới này với nhiều khó khăn hơn người hướng ngoại (người hướng ngoại cũng sẽ có những khó khăn riêng của họ mà bạn sẽ không đồng cảm được). Nhóm tính cách nào cũng có nỗi niềm riêng của mình, nhưng chính vì sự đa dạng của các nhóm tính cách mà thế giới này mới trở nên muôn màu muôn vẻ hơn.

Hy vọng qua series Hành Trình Của Một Người Hướng Nội này, bạn sẽ phần nào thấu hiểu bản thân nhiều hơn, chấp nhận tính cách hướng nội và sống hòa hợp với nó, đồng thời có một lộ trình rõ ràng trong việc trau dồi các kỹ năng bạn đang yếu để có thể sống tự tin và thoải mái hơn.

“Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này.” (Mahatma Gandhi)

Bonus: Tài liệu phát triển bản thân dành cho người hướng nội

Trong hành trình tự học và rèn luyện kỹ năng của bản thân, có một số cuốn sách, khóa học mình thấy chất lượng và ứng dụng được nhiều vào thực tiễn (trong khá nhiều sách, khóa học mà mình đã đọc, học qua) nên tổng hợp thành một danh sách dưới đây cho những bạn hướng nội tham khảo.

SÁCH

  1. 21 Ngày Nâng Cao Sức Hút Phát Biểu Trước Đám Đông (Ân Á Mẫn)
  2. Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận (Trịnh Hiểu Lan)
  3. Để Gây Ấn Tượng Cá Nhân ( Amanda Vickers)
  4. Hướng Nội (Susan Cain)

KHÓA HỌC

  1. Luyện Giọng Nói Biểu Cảm – NSUT Hà Phương (online)
  2. Luyện Giọng Nói – Thầy Trần Nam Anh (online & offline)
  3. Biết Người Biết Ta với Carl Jung – Diễn giả Trần Đăng Khoa (Trung tâm TGM)
  4. Kỹ Năng Giao Tiếp & Trình Bày Thuyết Phục – Diễn giả Trần Đình Tuấn (Trung tâm Cuộc Sống Đúng Nghĩa)

Bên cạnh việc đọc và học (input), điều quan trọng bạn cần ghi nhớ là thực hành liên tục (output) cho tới khi thuần thục kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.

P/S: Các khám phá và chia sẻ về tính cách hướng nội và hướng ngoại của mình trong series này dựa trên nền tảng lý thuyết phân loại tính cách của nhà tâm lý học Carl Jung. Một số khái niệm như “siêu hướng nội”, “hướng nội bình thường”, “hướng nội lai hướng ngoại” do mình tự định danh để bạn đọc dễ hiểu chứ tài liệu chuyên ngành không có.

Đọc tiếp Tập 10: Người hướng nội thì chậm chạp, liệu có đúng?

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải