Cơ duyên của mình với sách của tác giả Hân Nhiên bắt nguồn từ hơn 12 năm trước, khi đó mình mới là một cậu học sinh lớp 10, sau mỗi giờ học chính khóa thì mình thường ghé thư viện tỉnh đối diện cổng trường để mượn sách về nhà đọc. Khu mình hay lui tới nhất trong thư viện là dãy kệ sách văn học trong nước và văn học nước ngoài.
“Hảo nữ Trung Hoa” và “Thiên táng” là hai cuốn sách đầu tay của tác giả Hân Nhiên, được Nhã Nam xuất bản vào năm 2009, nên khi mình lên lớp 10 một năm sau đó thì ở thư viện tỉnh nhà đã có hai cuốn này rồi. Rất nhiều lần trong ba năm học phổ thông mình ăn dầm nằm dề ở thư viện, từng ghé mượn không biết bao nhiêu cuốn sách và tài liệu ôn thi học sinh giỏi. Và mình đã bắt gặp hai cuốn này trong vô số lần ấy, nhưng không lần nào mình mượn về đọc, chỉ đơn giản là với một cậu nhóc học sinh mới lớn như mình thì hai đề tài này chẳng có gì hứng thú để đọc.
Mãi tới 12 năm sau đó, trong đợt săn sales sách Nhã Nam cuối năm vừa rồi, mình lướt qua các tựa sách và chợt bắp gặp hai “gương mặt thân quen”. Có lẽ nhân duyên đã tới, mình quyết định mua luôn cả hai và bắt đầu đọc cuốn “Thiên táng” trước vì cuốn này mỏng hơn, đọc xong mới phát hiện đọc ngược, lẽ ra nên đọc “Hảo nữ Trung Hoa” trước vì đây mới là cuốn sách Hân Nhiên viết đầu tiên. Khi mua hai cuốn sách, tâm thế của mình còn tưởng đây là hai cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại phi hư cấu, nhưng khi đọc những trang đầu tiên và tìm hiểu thêm về tác giả, mình mới ngỡ ngàng tới ngạc nhiên khi biết rằng những gì tác giả viết đều là những câu chuyện có thật, dựa trên cuộc đời làm báo, làm phát thanh viên của bà.

Những năm 1989, Hân Nhiên là một phát thanh viên công tác tại Đài phát thanh Nam Kinh, Trung Quốc. Bà là người đề xướng với giám đốc nhà đài mở một chương trình gọi là “Khinh phong dạ thoại” (Lời trong gió đêm) để chia sẻ những câu chuyện có thật về tâm tư tình cảm của những người phụ nữ Trung Hoa. Ở bối cảnh thập niên 90 khi Trung Quốc vừa mới mở cửa, đời sống của người phụ nữ vẫn là điều gì đó rất riêng tư, khép kín mà họ hiếm khi bộc bạch hay giãi bày với người khác. Hân Nhiên được xem là người dẫn chương trình đầu tiên “nhấc tấm mạng che mặt” của phụ nữ Trung Quốc lên cho công chúng thấy được tâm sự chôn kín của họ.
Với sức ảnh hưởng rất lớn của một chương trình phát thanh vào thời điểm ấy, hàng trăm lá thư đổ về đài được gửi tới cho Hân Nhiên, trong đó là hàng trăm cuộc đời qua những lời tâm sự thấm đẫm nước mắt của người phụ nữ. Bao nhiêu bi đát, đau thương, tủi hờn, nhục nhã, ủy khuất bấy lâu nay kìm nén sâu trong lòng người phụ nữ đột nhiên có nơi để bộc phát hết ra ngoài. Lần theo những lá thư, Hân Nhiên tìm gặp và phỏng vấn một số nhân vật có số phận đặc biệt và chia sẻ lại câu chuyện của họ lên chương trình “Khinh phong dạ thoại”. Chẳng mấy chốc, cái tên Hân Nhiên trở thành một tên tuổi cực kỳ nổi tiếng không chỉ ở Nam Kinh mà còn khắp cả nước, khiến Hân Nhiên đi đến đâu cũng được săn đón và các cán bộ địa phương nhiệt liệt hỗ trợ hết mình. Có lần cô đến một khách sạn để gặp gỡ nhân vật còn được lễ tân và nhân viên ở đó xin chữ ký – một chi tiết khiến mình thấy thú vị vì đó là chuyện chỉ mấy chục năm trước mới có.
Về sau, chương trình của Hân Nhiên được lãnh đạo của Cục cho phép cải tiến thêm hình thức giao lưu trực tiếp với thính giả như các chương trình phát thanh mà chúng ta biết ngày nay, nhưng đối với thời điểm giao thời ấy thì đó đã là một bước đột phá rất lớn – vì nhà đài có thể sẽ không kiểm soát được nhân vật sẽ phát biểu gì trên sóng phát thanh, nhất là những câu hỏi hay phát ngôn nhạy cảm.

Nghe cái tên “Hảo nữ Trung Hoa”, nếu biết chút ít từ Hán Việt thì bạn đọc có thể dịch nghĩa là “Những người phụ nữ tốt ở Trung Hoa”. Một cái tên khiến chúng ta dễ lầm tưởng cuốn sách viết về những người phụ nữ bản lĩnh, tài sắc vẹn toàn hay có một cuộc đời tốt đẹp đáng ngưỡng mộ. Ngược lại, ngay từ câu chuyện đầu tiên mình đã bị sốc nhẹ khi Hân Nhiên nhận được lá thư cầu cứu từ một bé trai gửi đến cô về nạn tảo hôn ở ngôi làng nơi cậu bé sinh sống. Một ông già sáu mươi tuổi cưới một cô vợ mới mười hai tuổi, vì sợ cô bé bỏ trốn nên ông xích cô bé lại trong nhà. Tảo hôn là cái lệ làng đã có từ lâu đời ở khu vực đó, và phép vua cũng phải thua lệ làng khi Hân Nhiên liên hệ công an để nhờ giúp đỡ. Cuối cùng, khi Hân Nhiên cùng chính quyền địa phương đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp phân bón cho cả làng đó thì cô bé mới được giải thoát. Dù muốn tìm gặp cậu bé gửi thư nhưng cô cũng phải bảo mật danh tính cho cậu, nếu không cả nhà cậu bé có thể sẽ bị… giết chết.
Sang đến câu chuyện thứ hai, thứ ba, thứ tư,… và thứ mười lăm, từ sốc nhẹ mình đi tới sốc nặng, ngỡ ngàng, kinh ngạc, ám ảnh – không có một từ ngữ nào có thể diễn đạt được những cung bậc cảm xúc mình trải qua – cứ như thể mình bước lên một chuyến tàu lượn cảm xúc, tới khi tàu dừng lại thì mình như trải qua một cơn sang chấn tâm lý nặng nề. Bởi lẽ việc đọc một tác phẩm cũng là quá trình thâm nhập vào đời sống nội tâm của tác giả và các nhân vật trong sách, nên với một người nhạy cảm như mình, càng đọc nhập tâm bao nhiêu thì mình lại càng đau đớn bấy nhiêu, như thể mình đang trải qua chính câu chuyện của các nhân vật.
Mỗi nhân vật trong cuốn sách là mỗi thân phận phụ nữ khác nhau trong xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ, mà điểm chung của họ là đều trải qua một cuộc đời hết sức bi kịch từ những sang chấn tâm lý thời tuổi thơ do bị xâm hại tình dục, gia đình ly tán, hôn nhân bị sắp đặt cho tới hệ lụy của phong trào Cách mạng Văn hóa và công cuộc “tẩy não” chính trị của Hồng Vệ Binh ở Trung Quốc một thời. Một cô bé Hồng Tuyết bị chính cha ruột của mình cưỡng bức, tới mức phải tự làm mình phát sốt để được nằm ở bệnh viện lâu hơn, cuối cùng lựa chọn cái chết để kết thúc chuỗi ngày đau đớn đó. Một người đàn bà nhặt rác có phẩm cách, có học vấn, là một người mẹ có lòng tự trọng và hi sinh cả đời mình vì con trai. Một cô gái sinh trưởng trong một gia đình “trọng nam khinh nữ”, bị bắt ăn mặc như con trai từ nhỏ, để rồi bị đám bạn trai cưỡng hiếp để xem cô là con trai hay con gái, về sau chỉ nảy sinh tình cảm với những người đồng giới. Một người đàn bà vốn là hoa khôi trường đại học, yêu anh bạn cùng lớp sâu đậm suốt bốn năm, để rồi đằng đẵng đợi chờ tình yêu suốt 45 năm trời và nhận về trái đắng.
Mình chỉ đơn cử một vài câu chuyện điển hình để bạn đọc thấy được sự gai góc của cuốn sách này như thế nào, trong 15 câu chuyện hết sức ám ảnh qua từng câu chữ. Phải nói một điều là mình đọc cuốn sách này vào đầu năm mới 2022, tức 20 năm sau kể từ khi “Hảo nữ Trung Hoa” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2002 ở Luân Đôn, Anh quốc. Ở bối cảnh tư tưởng đại chúng có phần cởi mở và tân tiến ở thế kỷ 21, bản thân mình còn cảm thấy sốc nặng khi đọc những câu chuyện như thế, vậy thì những người sống ở năm 2002 sẽ cảm nhận điều đó như thế nào? Hay những người sống ở năm 2009 – thời điểm cuốn sách in lần đầu ở Việt Nam – sẽ cảm thấy ra sao? Ngẫm lại mới thấy, nhiều khi đợi 12 năm để đọc một cuốn sách có khi lại tốt hơn đọc vào 12 năm trước, bởi với tuổi đời non nớt thủa đó thì có khi mình đọc cũng không cảm nhận được sâu sắc như bây giờ.
Ở phần “Lời bạt” cuối sách, sau khi Hân Nhiên trải qua đợt đi thực địa ở Đồi Hét và chứng kiến đời sống của những người phụ nữ nơi đây không khác nào lối sống của những bộ lạc thời nguyên thủy, bà bị chấn động mạnh và cảm thấy khó có thể tiếp tục công việc hiện tại. Với thiên chức của một nhà báo, bà thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng và đấu tranh cho sự bất công mà phụ nữ Trung Quốc phải gánh chịu, nhưng rào cản thời cuộc và chính trị không cho phép bà làm điều đó; nó có thể khiến sự nghiệp, tương lai và gia đình bà hoàn toàn sụp đổ.
Vì muốn tìm một bầu không khí trong lành hơn để hít thở, sau đó Hân Nhiên mới nghỉ việc ở nhà đài và cùng gia đình chuyển sang Anh sinh sống. Tại một nước dân chủ tiên tiến như Anh quốc, Hân Nhiên mới có cơ hội chấp bút viết ra cuốn “Hảo nữ Trung Hoa” để ký thác những câu chuyện và dòng cảm xúc mãnh liệt vẫn luôn chảy trong bà, mà ở tư cách một nhà báo, một phát thanh viên trong nước thì bà không thể lên tiếng được. Như chính Hân Nhiên nói, vào thời điểm đó nếu bà phát hành cuốn sách này trong nước, bà có thể bị bắt bỏ tù.
Thật sự khi đọc cuốn sách, mình mới nhớ lại sơ tâm ngày nào mình chọn theo học ngành Báo chí hồi thi Đại học. Giống như Hân Nhiên, mình từng muốn trở thành một người lắng nghe những câu chuyện cuộc đời của người khác để chấp bút viết nên những bài báo đấu tranh cho công lý và sự thật ở đời. Nhưng thực sự vào nghề rồi mình mới biết, có những thứ chỉ là lý tưởng chứ không hiện thực, và bản thân mình cảm thấy không thích nghi được với cái hiện thực phũ phàng đó ở cái xã hội này. Cuối cùng, mình đã từ bỏ chính cái nghề mà mình đã chọn vào năm phân chia chuyên ngành, để theo học về mảng Truyền hình – Phát thanh, nhưng kết quả thì sau đó mình cũng không theo nghề lâu dài vì thiên tính hướng nội của bản thân. Dù đi một hành trình vòng vèo như thế, tuy không làm báo nhưng mình vẫn là một người viết, vẫn giữ nguyên sơ tâm ngày đầu là chia sẻ những câu chuyện mình nghe, mình thấy, mình trải nghiệm để góp thêm một tiếng nói trong cuộc đời này.
3 bình luận
Em thường xuyên đọc blogs của anh. Những bài viết của anh đều để lại cho em những suy nghĩ và cảm xúc nhất định nên em mong các độc giả của anh cũng sẽ được thưởng thức trọn vẹn những cảm xúc ấy. Thân gửi anh!
Cảm ơn em nhé. Anh đã sửa lại lỗi đánh nhầm ở đó rồi nhen ^^
Cảm ơn những chia sẻ của bạn về cuốn sách này. Thú thật, mình chưa có can đảm đọc lại cả “Hảo nữ Trung Hoa” lẫn “Thiên táng”. Quá ám ảnh. Mình đọc xong mà miên man mất mấy ngày trời, ngàn lần đặt câu hỏi tại sao những người phụ nữ đó lại quật cường đến thế. Mong những bài viết tiếp theo của bạn.