1. Có bao giờ bạn nghĩ sẽ bỏ thời gian ra để xem 76 tập phim của Hậu cung Chân Hoàn truyện? Tôi chưa từng nghĩ được như vậy, khi mới xem đoạn đầu của tập 1 tôi đã bấm tắt ngay rồi. Phim truyền hình cổ trang Trung Quốc, những bộ tôi xem trọn vẹn nhất có lẽ là những phim gắn liền với ký ức của mỗi người như Tây du ký, Hoàn Châu cách cách, Thiên Long Bát Bộ hay Thần Điêu Đại Hiệp… Vậy điều gì khiến bạn nên xem 76 tập x 40 phút này?
Tôi biết bộ phim qua một bài học của Thầy dạy, lúc đấy Thầy có chỉ định mỗi học trò phải xem bộ phim trước khi tham gia buổi học nhưng tôi vì lười nhác nên chỉ xem sơ lược về bộ phim trên Wiki. Sau này nghĩ lại, thấy có nhiều huyền cơ trong buổi học mình không liễu đạt được nên mới tìm xem lại bộ phim và không hề thất vọng chút nào. Để biết Hậu cung Chân Hoàn truyện có vị trí thế nào trong nền điện ảnh Hoa ngữ thì bạn nên biết qua một số thành tích của bộ phim. Khi được công chiếu trên màn ảnh nhỏ, bộ phim đã tạo nên cơn sốt “Chân Hoàn truyện” như đã từng với các phim Tây du ký, Hoàn Châu cách cách. Các đài truyền hình trong nước thi nhau phát sóng lại bộ phim nhiều lần, Hậu cung Chân Hoàn truyền được đánh giá là bộ phim cung đình ăn khách nhất trên màn ảnh nhỏ của Trung Quốc đại lục năm 2012.
Chưa kể, lần đầu tiên có một bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc lại được một đài truyền hình của Mỹ mua bản quyền, cắt gọt, lồng tiếng Anh để phát sóng lại trong 10 tập. Đây là tiền lệ chưa hề có, thậm chí với Hoàn Châu cách cách từng tạo nên cơn sốt đình đám một thời nhưng vẫn không được các nhà làm phim Mỹ chú ý vì họ không tài nào thấy được sự hấp dẫn của một cô Tiểu Yến Tử suốt ngày chỉ biết pha trò. Bên cạnh đó, Chân Hoàn truyện còn được phát sóng trên đài Fuji TV của Nhật vào khung giờ chiều và nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả Nhật Bản.
Riêng với tôi, trước giờ tôi rất ít để tâm đến đề tài hậu cung. Những bộ phim về hậu cung có xem qua như Cung tâm kế hay Cung tỏa tâm ngọc cũng không đọng lại ấn tượng gì nhiều nhưng với Hậu cung Chân Hoàn truyện là một sự khác biệt hoàn toàn. Nguyên mùa Tết tôi đã xem ngấu nghiến gần hết 76 tập phim, không cảm thấy chán ở bất kì tập nào vì mỗi tập phim là mỗi chặng đường, mỗi âm mưu quỷ kế trong hậu cung khác nhau.

2. Tóm lược một chút về bộ phim: Hậu cung Chân Hoàn truyện lấy bối cảnh thời vua Ung Chính, đời nhà Thanh. Nhân vật chính của phim là Chân Hoàn do nữ diễn viên Tôn Lệ thủ vai, từ một cô tiểu thư thông minh, không màng thế sự nhưng vì được chọn lựa trong đợt tuyển tú nữ mà cô phải nhập cung trở thành người của hoàng thượng. Ở giai đoạn đầu, Chân Hoàn vì không muốn tranh giành ân sủng trong cung nên giả bệnh để tránh gặp mặt hoàng thượng, sống yên ổn tại cung của mình. Nhân duyên xui khiến, hoàng thượng vô tình gặp được Chân Hoàn tại Ngự minh viên nên từ đó nảy sinh tình cảm và con đường sóng gió của nàng cũng bắt đầu đây với những cuộc nội chiến cân não giữa các phi tần trong cung.
Có thể nói, tạo hình của Tôn Lệ trong bộ phim quá đạt, ở mỗi chặng đường của cô trong cung cấm thì cách trang điểm và phục trang có sự thay đổi rõ ràng. Từ một Chân Hoàn ngây thơ, trong sáng ban đầu trải qua nhiều thâm trầm, biến cố thì trở nên sắc sảo vô cùng. Bên cạnh hình ảnh của Tôn Lệ không thể kể đến Hoa phi do Tưởng Hân thủ vai, một phi tần độc ác vô biên âm mưu hãm hại Chân Hoàn hết lần này đến lần khác. Tưởng Hân tôi từng biết đến trong phim Bảy nàng tiên chiếu cách đây khá lâu, nay ở Chân Hoàn truyện cô lột xác hoàn toàn khiến tôi rất bất ngờ. Nhưng kẻ thâm mưu độc ác nhất trong cung cấm lại là Hoàng hậu, kẻ ném đá giấu tay đứng sau dàn dựng mọi truyện.
Những âm mưu và diễn biến trong thâm cung thì chỉ có xem phim bạn mới thấy được sự tàn khốc của nó, kể ở đây vốn cũng không bằng. Nhưng tiết lộ thêm một chút, Chân Hoàn sau này trở thành Hiếu Thánh Hiến hoàng hậu, chính là nhân vật lão phật gia trong phim Hoàn Châu cách cách. Và người con nuôi Hoằng Lịch của bà chính là vua Càn Long sau này. Nếu ai đã từng mê mẩn Hoàn Châu cách cách thì không nên bỏ qua Hậu cung Chân Hoàn truyện để biết được vì sao hoàng hậu và Tiểu Yến Tử lại mâu thuẫn và Càn Long là một vị vua anh minh, sáng suốt nhưng sao lại cưới một hoàng hậu độc ác như vậy.
3. Xem một bộ phim, ngoài cảm cái hay trong cốt truyện, tạo hình, diễn xuất của diễn viên thì không thể không kể đến những đạo lý thâm sâu của phim đọng lại trong khán giả. Cũng như đọc một quyển sách, nếu đọc xong không ấn tượng gì mấy há phải chăng ta đã bỏ thời gian vô ích?
Trong phim, có 3 triết lý tôi rất thích và ghi lại để thuộc nằm lòng. Một là:
Trong tuyết tặng than tình nghĩa sâu
Trong chốn thâm cung thật giả khó phân, phi tần nào cũng muốn tranh ân sủng của hoàng thượng về phía mình nên luôn nghĩ ra trăm phương ngàn kế hãm hại đối phương. Có một đạo lý trong phim cũng như ở đời, kẻ “mượn nước đẩy thuyền, tát nước theo mưa” thì cũng như “trên gấm thêu hoa”, vốn cũng chỉ vì tư lợi bản thân, không phải người thực tâm thực lòng. Riêng khi Chân Hoàn thất sủng, bị hoàng thượng hắt hủi thì có những tỷ muội vẫn đến thăm mới thấy được sự chân tình của việc “trong tuyết tặng than”. Đạo lý ở đời cũng vậy, có phú quý cùng hưởng nhưng hoạn nạn chưa chắc đã cùng chia.
Hai là:
Lập công dễ, thành công khó
Thành công dễ, giữ công khó
Giữ công dễ, giữ công đến cùng càng khó hơn
Nếu ỷ công gây tội Tất sẽ đổi ân thành thù.
Đây là triết lý thâm sâu ẩn tàng nhiều lý đạo dành cho người có căn cơ muốn tìm hiểu chút huyền cơ của đất trời. Trong phim có nhân vật Niên Canh Nghiêu là đại thần khai công lập quốc, có công lớn trong việc đưa Ung Chính lên ngôi vua. Muội muội của ông là Hoa phi trong cung luôn được đắc sủng, ỷ thế anh mình nên lộng quyền còn hơn cả hoàng hậu, hại Chân Hoàn sống chết nhiều phen. Hoàng thượng tuy nhiều lần thấy được nhưng cũng nương tay cho Hoa phi vì thế lực của Niên Canh Nghiêu không dễ trừ khử. Lẽ vậy mà Thái hậu cùng với Hoàng thượng đã âm mưu cho xạ hương vào cung Hoa phi để cô không thể nào mang thai được nhằm mục đích ngăn chặn sự lớn mạnh của phe phái Niên đại tướng quân trong hoàng triều. Niên Canh Nghiêu tuy là công thần nhưng không biết đạo lý tiến thoái, ỷ công mà sanh kiêu ngạo, làm nhiều việc lộng quyền vượt chủ nên từ lâu đã khiến hoàng thượng căm ghét và muốn diệt trừ. Đợi khi thiên thời địa lợi nhân hòa, từ công thần Niên đại tướng quân bị giáng xuống làm thường dân, cả gia tộc bị bán làm nô lệ, Hoa phi ban chết ở lãnh cung còn mọi vây cánh bị trừ khử không sót một ai.

Ba là, triết lý cuộc đời con người như một giấc mộng Nam Kha. Chi tiết cuối phim, khi Chân Hoàn đã trở thành Thái hậu, trải qua vạn sự trong cung thì người lại muốn đi nằm ngủ. Nhạc phim cất lên, đạo diễn không cho nàng đi một mạch từ phòng khách đến phòng ngủ trong cung mà lướt qua thoắt ẩn thoắt hiện để ăn gian mạch đi. Lúc chợp mắt, Chân Hoàn hồi tưởng lại cuộc đời mình từ khi mới nhập cung cho tới ngày hôm nay đã trải qua bao nhiêu biến cố. Mới thấy được cuộc đời con người chỉ như một giấc mộng.
Ngoài ra, cách xử sự của Chân Hoàn trong suốt 76 tập phim, qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời cho đến khi trở thành Hiếu Thánh Hiến thái hậu của vua Càn Long cũng là một bài học hay về cách đối nhân xử thế. Khi mỗi ngày trong cung đối diện với bao thế lực, bao nhiêu hạng người khác nhau thì cách hành xử của Chân Hoàn mới là điều khán giả nên suy ngẫm mà học hỏi. Chính cái sự biết tiến biết thối, biết cương biết nhu của nàng mà mới thành nên đại sự.
Nếu bạn đã bỏ công đọc bài review này thì cũng không nên sợ mất thời gian để xem bộ phim này.
Bộ phim rất hay. Mặc dù đang xem phụ đề mà 1 ngày mình cày hơn 20 tập.
Xem xong bộ này bạn xem tiếp “Mị Nguyệt truyện” cũng của Tôn Lệ đóng nhé, và hóng “Như Ý truyện” – phần tiếp theo của Chân Hoàn sắp phát sóng tháng 8 này.