“Liệu một cú đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas?”
7.240km là khoảng cách từ Brazil đến bang Texas, nước Mỹ. Và ở trên là một câu hỏi nổi tiếng của nhà khí tượng học Edward Norton Lorenz khi ông thuyết giảng trước Hiệp hội phát triển khoa học Hoa Kỳ.
Năm 1961, khi đang là giáo sư khí tượng học của đại học MIT, Lorenz đã thiết lập một chương trình máy tính cho phép mô phỏng các mô hình dự báo thời tiết hằng ngày. Trong quá trình nhập liệu, để tiết kiệm thời gian nên ông nhập số 0,506 thay vì 0,506127 như dự định. Điều bất ngờ là dự báo được máy tính đưa ra hoàn toàn khác xa so với kết quả gốc nếu nhập đúng số, dù chênh lệch giữa hai con số này không đáng kể.
Từ đó, giáo sư Lorenz đưa ra kết luận, việc cố gắng dự báo thời tiết nhiều hơn một tuần là hoàn toàn vô nghĩa do độ nhạy cảm của hệ thống thời tiết với những điều kiện ban đầu. Đến năm 1969, ông công bố phát hiện của mình với câu nói nổi tiếng: “Liệu một cú đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas?”.
Nghiên cứu về hiệu ứng cánh bướm của Lorenz đã tạo nền tảng cho sự ra đời của thuyết hỗn loạn (chaos theory). Thuyết này cho rằng việc đập cánh của con bướm là khởi đầu của chuỗi điều kiện như nhiệt độ, tốc độ gió,… hợp lại tạo ra cơn lốc xoáy. Theo đó, động năng của một cái đập cánh của con bướm (dù rất nhỏ), cùng với vô vàn hoạt động động năng khác cộng lại, có thể làm biến đổi thời tiết toàn Trái Đất.
Ngày nay, khái niệm “hiệu ứng cánh bướm” không còn giới hạn trong lĩnh vực toán học hay dự báo thời tiết mà được mở rộng hơn sang mối quan hệ nhân quả và nghịch lý thời gian. Theo đó, mọi thứ xảy ra đều có nguyên do và không có gì trên đời này là ngẫu nhiên. Có những điều nhỏ nhoi không đáng lưu tâm, hay chuỗi các sự kiện dường như không quan trọng cũng có thể tác động lớn đến tương lai của mỗi chúng ta nói riêng và dòng lịch sử nói chung.
Hiệu ứng cánh bướm trong truyện của họa sĩ Fujiko F. Fujio
Fujiko F. Fujio là cha đẻ của bộ truyện tranh Doraemon nổi tiếng (mình có phân tích bộ truyện này ở series “Luận Giải Doraemon“). Nhiều tác phẩm đương thời của họa sĩ 3F ở thập niên 1960-1970 cho thấy ông là một người rất am hiểu về khoa học, lịch sử không chỉ ở bề rộng mà còn bề sâu. Một tác gia với bộ não hết sức khủng khiếp và cái tầm đi trước thời đại cả mấy thế kỷ.
Trong bộ truyện “Phi thuyền thời gian” (Time Patrol Bon), Bon là một cậu học sinh cấp ba vốn có vai trò đặc biệt trong lịch sử nên được chọn vào đội tuần tra thời gian. Nhiệm vụ của đội là đi xuyên không gian và thời gian để cứu những người chết oan ức trong mọi thời điểm và tại bất cứ nơi đâu.
Có một chương trong truyện nói về hiệu ứng cánh bướm khá rõ ràng, khi Bon đang suy nghĩ vẩn vơ trên đường nên vô tình đá phải một viên đá nhỏ bay trúng đầu một người đàn ông trung niên. Người đàn ông này tức giận rượt Bon chạy té khói và rượt rất dai chạy vào luôn cả bãi đất bỏ hoang gần đó.
Khi núp lùm trong bụi cây, Bon phát hiện có mấy quả lê ki ma treo lủng lẳng trên cành cây gần đó nhưng vẫn chưa chín hẳn nên cu cậu định bụng vài hôm nữa sẽ tới hái ăn.
Sau đó, trong một nhiệm vụ của đội tuần tra thời gian, Bon cùng cô bạn Rim chung đội quay trở về nước Nhật năm 1600 TCN để cứu một thanh niên tên Toke – người chèo chiếc bè vượt biển Thái Bình Dương để đi tìm miền đất hứa, cũng là một trong những tổ tiên của người Nhật sau này. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, Bon bất ngờ phát hiện thời bấy giờ cũng có một cây lê ki ma và trên cành có mấy quả đã chín hẳn. Đang cơn thèm nên cu cậu hái liền một quả ăn ngay tại chỗ và phun hạt xuống dưới đất. Hành động này của Bon bị Rim phản ứng gay gắt vì làm sai bộ luật thời gian khi không suy xét đến tính ảnh hưởng của việc đó trong tương lai như thế nào.
Một viên đá nhỏ liệu có thể ảnh hưởng đến lịch sử hay không? Rim dùng máy chiếu thời gian để cho Bon thấy hành động của cậu có tác động lớn đến lịch sử như thế nào. Khi đá viên đá nhỏ bay trúng đầu người đàn ông trung niên, người này nổi giận rượt cậu chạy vào bãi đất hoang. Vô tình, người đàn ông phát hiện một đứa nhỏ bị té xuống cái giếng cũ gần đó. Nếu để đến chiều thì đứa bé chắc chắn đã chết, và đứa bé đó sau này chính là vị bác sĩ đã tìm ra cách chữa trị bệnh ung thư. Nhờ đó mà tính mạng của một vị chính trị gia được cứu. Chính trị gia đó là người giúp giải tỏa nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba, chính ông ta đã cứu thế giới. Và mọi chuyện bắt đầu từ một viên đá nhỏ…
Khi từ quá khứ du hành về hiện tại, Bon suy nghĩ mãi về hành động ăn quả lê ki ma của mình trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào. Cậu chạy ra bãi đất hoang tìm xem cây lê ki ma còn đó không và bất ngờ khi thấy ở mảnh đất đó không có cây lê ki ma nào cả!
Hóa ra thế giới vẫn không thay đổi gì hết, nhưng hành động của Bon trong quá khứ đã làm thay đổi sự phân bố của loài cây lê ki ma ở Nhật Bản. Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ và bài học cho cậu nhóc trong vai trò tuần tra viên của đội tuần tra thời gian.
Chương truyện kể trên là một ví dụ sống động về hiệu ứng cánh bướm khi một viên đá nhỏ có thể thay đổi cả lịch sử thế giới. Viên đá tuy nhỏ nhưng là khởi đầu cho một chuỗi các nhân quả tiếp nối nhau sẽ diễn tiến trong tương lai. Tuy đây chỉ là truyện tranh nhưng lý thuyết tác giả 3F đưa ra được dựa trên cơ sở của hiệu ứng cánh bướm nên có chiều sâu về mặt triết lý để độc giả suy ngẫm.
Hiệu ứng cánh bướm trong điện ảnh
Dựa trên cảm hứng từ hiệu ứng cánh bướm, bộ phim cùng tên The Butterfly Effect được sản xuất năm 2014 là một minh họa sống động cho lý thuyết này. Chuyện phim xoay quanh nhân vật chính Evan Treborn có tuổi thơ bất hạnh khi sống cùng người bố bị tâm thần. Ký ức của Evan là những mảng chắp vá không hoàn thiện, lúc nhớ lúc quên nên mẹ Evan khuyến khích cậu tập viết nhật ký để ghi lại các sự kiện đã trải qua trong đời.
Nhiều năm trôi qua, khi Evan trở thành sinh viên, vô tình xem lại quyển nhật ký và phát hiện mình có khả năng đi ngược thời gian đến thời điểm diễn ra các sự kiện cậu đã viết trong nhật ký. Quá trình du hành thời gian của Evan không phải như Nobita chui vào cỗ máy thời gian trong hộc bàn để gặp lại một Nobita trong quá khứ, mà chính thể xác lẫn tâm trí của Evan được sống lại ngay thời khắc đó trong quá khứ để trải nghiệm mọi chuyện.
Mỗi quyết định và hành động của Evan-hiện-tại khi thay đổi sự việc trong quá khứ đều dẫn tới một hệ quả nhất định trong tương lai, có khi là kết quả mà cũng có khi là hậu quả. Với nhiều plot twist (cốt truyện xoắn não) thú vị, The Butterfly Effect là bộ phim rất ấn tượng cho những ai muốn tìm hiểu về hiệu ứng cánh bướm và nghịch lý thời gian. Bộ này còn được làm tới 3 phần khác nhau.
Nếu bạn thích xem TV series dài tập thì không nên bỏ qua bộ 11.22.63 sản xuất năm 2016, vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Stephen King. Với mình đây là một bộ phim xuất sắc, đáng xem, nên xem, và phải xem của nam tài tử James Franco.
Jake Epping do Franco thủ vai là một giáo viên tiếng Anh chán đời, bị vợ bỏ, là bạn tâm giao của ông già AI nên được ông bật mí về một cánh cổng thời gian bí mật trong quán rượu của ông. AI đã dành cả đời mình cho những chuyến du hành với một nhiệm vụ mang tính thế kỷ là ngăn chặn cuộc ám sát tổng thống John F. Kennedy. Al luôn tin rằng nếu JFK không bị ám sát, nước Mỹ sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều và ngay cả cuộc chiến tranh Việt Nam cũng sẽ không xảy ra. Mỗi lần trở về quá khứ, Al lại thu thập và góp nhặt thông tin trong quyển nhật kí của mình.
Thực hiện tâm nguyện của AI, Jake du hành thời gian về nước Mỹ thập niên 1960. Tuy nhiên mỗi hành động Jake thay đổi trong quá khứ đều sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi, thậm chí cực kì to lớn trong tương lai. Có những điều Jake thay đổi trong quá khứ với ý nghĩ ban đầu rất tốt đẹp nhưng khi anh về thực tại năm 2016, mọi thứ lại không như anh tưởng tượng. Đây cũng chính là lý thuyết từ hiệu ứng cánh bướm mà ra.
Còn rất nhiều bộ phim điện ảnh khác về đề tài này, nhưng 2 bộ trên là kinh điển nhất bạn nên xem nếu muốn tìm hiểu sâu thêm.
Trong quá khứ, có khá nhiều trường hợp ly kỳ hấp dẫn về hiệu ứng cánh bướm qua các sự kiện lịch sử nổi tiếng. Khuôn khổ bài viết có hạn nên mình không chia sẻ thêm để tránh dông dài, nếu bạn quan tâm có thể tìm đọc thêm trên mạng.
Khi đọc và hiểu về hiệu ứng cánh bướm, bạn hãy ý thức một việc rằng những việc thiện lành bạn làm, dù chỉ là một việc nhỏ nhoi như hạt cát cũng có thể đem lại sự thay đổi lớn cho thế giới này. Bởi lẽ thế giới là do nhiều quốc gia hợp thành, mỗi quốc gia gồm nhiều gia đình tạo nên, và mỗi gia đình gồm từng thành viên nhỏ nên mọi sự, mọi việc đều bắt đầu từ hành động của một con người. Và hành động lại bắt đầu từ ý thức, tư duy của người đó về trách nhiệm, bổn phận và vai trò của mình trong xã hội này.
Nếu một cánh bướm nhỏ có thể tạo ra một trận cuồng phong thì những việc nhỏ tốt đẹp bạn làm mỗi ngày, những ý niệm tốt đẹp kết tinh từ tâm thức của bạn cũng có thể lan tỏa ra cả thế giới. Thế giới cũng vì đó mà trở nên tốt đẹp hơn, từ những điều bình thường hết sức nhỏ nhặt của mỗi người.