Cuối năm sách mới in xong đổ về tới tấp trên bàn biên tập. Với chiếc bìa trắng tinh trang nhã, How I Built This – Hành trình can trường của những doanh nhân truyền cảm hứng nhất thế giới đánh dấu mốc cuốn sách đầu tiên về chủ đề khởi nghiệp kinh doanh mà mình biên tập.

Dòng sách khởi nghiệp trên thị trường xuất bản thì vô thiên lủng, mỗi cuốn sách sẽ tập trung vào một ngóc ngách, khía cạnh khác nhau của chuyện khởi nghiệp. Góc tiếp cận của How I Built This có sự khác biệt ở chỗ tác giả Guy Raz là một cựu phóng viên chiến trường và cũng là host của đài phát thanh NPR nên đã có cơ hội phỏng vấn chuyên sâu với hơn 200 doanh nhân thành công từ nhiều lĩnh vực khác nhau để lần theo “hành trình anh hùng” của họ.

Concept “hero’s journey” của giáo sư Joseph Campbell đã quá nổi tiếng và kinh điển trong nền văn hóa phương Tây. Dựa theo concept này, tác giả Guy Raz đã phác thảo nên một tấm bản đồ về hành trình khởi nghiệp của doanh nhân, đi qua rất nhiều giai đoạn và chặng đường, từ lúc vô sản tay trắng cho tới lúc dựng xây doanh nghiệp thành công. Ở mỗi chặng đường, doanh nhân sẽ đối diện với vô số cạm bẫy và đứng trước nhiều ngã ba, ngã tư đường. Những người đi trước đã vấp ngã ở nhiều cạm bẫy, đã quẹo sai ở nhiều ngã rẽ, và để lại cả tá bài học để lớp hậu bối rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân mà bớt bầm dập trên thương trường.

Lúc tìm người dịch cho cuốn sách này, mình có duyên kết nối với em Vũ Anh Long, lúc đó đang sống và làm việc tại Anh. Dù lần đầu tiên dịch sách và vốn là dân học tài chính – kinh doanh, Long khiến mình khá bất ngờ với ngôn từ rành mạch, gãy gọn và súc tích ở bản dịch. Một người dịch cực kỳ tâm huyết với bản dịch và tỉ mỉ xem lại bản góp ý của biên tập viên ở từng chương.

Con đường khởi nghiệp vốn chẳng phải là con đường dễ dàng nên chẳng mấy ai đi, thành ra ai đi mà đạt được một số thành tựu nhất định, dù lớn hay nhỏ, thì cũng xứng đáng để chúng ta nể phục.

Khởi nghiệp không phải là một hành động tự nhiên. Nó đi ngược lại với phần lớn bản năng con người. Chúng ta mong muốn được an toàn. Chúng ta e sợ những rủi ro. Chúng ta có xu hướng xuôi theo dòng chảy và tránh tạo ra những con sóng. Mặc dù tự cho mình là những cá thể độc đáo, chúng ta vẫn muốn hòa nhập và được lựa chọn bởi những người đã hòa nhập và được lựa chọn trước chúng ta.

Tuy nhiên, ta biết sẽ luôn có những người với bản năng dị biệt chọn đi theo một con đường khác. Trong hàng thiên niên kỷ, những cá nhân này đã thúc đẩy nhân loại rời khỏi nơi gọi là nhà, mở rộng biên giới và xây dựng lãnh thổ. Lịch sử gọi họ là những nhà thám hiểm. Tuy nhiên, đến thế kỷ 21, khi những ranh giới hữu hình đã được thay thế bởi các yếu tố công nghệ, xã hội, trí tuệ và kinh tế, những nhà thám hiểm đã được gọi với một cái tên mới: doanh nhân.

Doanh nhân là người tự mình nỗ lực để chạm tới những ranh giới của sự tiến bộ. Họ nhận thức được lợi ích và cả rủi ro khi phải làm việc một mình. Họ được thúc đẩy để khám phá những gì có thể tìm thấy bên ngoài thế giới. Họ hưởng ứng tiếng gọi bên trong để tạo ra một thứ gì đó mới hơn, tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Từ đó, phần còn lại của thế giới có thể tiếp cận và sử dụng chúng. Nó có thể là một sản phẩm, một dịch vụ hay một ý tưởng đột phá.

(Trích đoạn sách How I Built This)

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx