Did you think I was just running from what I can’t have?

Người khắc kỷ, là người biết chế ngự bản năng của mình để sống theo những nguyên tắc, tôn nghiêm mà bản thân hoặc xã hội đề ra. Người khắc kỷ cũng chính là người có sự kỷ luật với bản thân ở mức độ cực hạn (hạn độ cao nhất).

Người khắc kỷ, cũng là người luôn cầu toàn với bản thân, cầu toàn trong mọi chuyện, ngay cả trong những chuyện khi biết không thể nào cầu toàn hết được nhưng họ vẫn cầu toàn tới mức tối đa có thể. Họ cũng là người luôn liệu sự như thần, vì bất kỳ rủi ro nào xảy ra đều đã nằm trong sự dự tính của họ.

Trong một nhóm đông người, số người khắc kỷ thường chỉ là thiểu số như động vật quý hiếm. Số người khắc kỷ mình có dịp quen biết cũng đếm chưa tới một bàn tay. Nhiều bạn chơi với mình hay nói sao mình khó quá, nhưng mức độ khó hiện tại của mình thật ra đã bị thuyên giảm xuống chỉ còn 60/100 phần. Do nước trong quá thì không có cá, người khó quá thì không ai chơi.

Mình từng xem một show truyền hình thực tế của Trung Quốc, có một nhân vật nam khiến mình cực kỳ ngưỡng mộ vì sự khắc kỷ của anh với bản thân khi có thể thức dậy vào 6g30 sáng trong 6.200 ngày liên tục không ngừng nghỉ. 6.200 ngày = 17 năm bất kể ngày thường hay cuối tuần, ngày lễ. Đó chỉ là một khía cạnh nhỏ trong thói quen thường ngày của anh chàng này, bên cạnh nhiều tiêu chuẩn khác cực kỳ cao của anh trong cuộc sống, công việc cho đến tình yêu.

Ở chiều hướng ngược lại, người vị kỷ là người chỉ quan tâm tới cảm xúc cá nhân của mình, không màng lề thói chuẩn mực hay sự phán xét của xã hội. Người vị kỷ luôn xem bản thân mình là trung tâm, và trong thế giới của họ không có cái gọi là tiêu chuẩn, chuẩn mực, cầu toàn hay kế hoạch.

Họ thích cái gì thì làm cái đó, chán thì nghỉ, mệt thì ngủ, hứng thì làm, cáu giận thì cáu giận, không vui thì tỏ thái độ là không vui chứ không cần kiêng nể tới ai. Thế giới của người vị kỷ là thế giới của cảm xúc bản năng, là sự tự do, phiêu bạt.

Một mẫu người vị kỷ điển hình mình quen là một cậu bạn học trường chuyên lớp chọn, đậu đại học trường top mà bao nhiêu người ao ước muốn vào nhưng học được vài bữa cậu quyết định nghỉ học vì chương trình dạy quá chán. Thế là ở nhà gap year, xong rồi đi du học, học xong về Việt Nam làm được vài tháng, thấy đời sống công sở sao quá ổn định nên lại lên đường du học tiếp, rồi đi vài ba châu lục. Mỗi lần nói chuyện với cậu, mình thấy cuộc sống sao quá đỗi dễ dàng, mọi chuyện dù lớn hay nhỏ to hay bự chỉ nằm trong một sát na (khoảnh khắc) là bản thân mình có muốn hay không muốn, có thích hay không thích, chứ không màng đến bất kỳ chuyện gì khác.

Gần đây mình xem một bộ phim có tên “Thất Nguyệt và An Sinh”. Năm 13 tuổi, Thất Nguyệt gặp An Sinh, hai cô bé trở thành đôi bạn thân gắn bó như hình với bóng. Thất Nguyệt là một cô bé ngoan ngoãn trưởng thành trong một gia đình gia giáo, học rất giỏi, luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác. An Sinh lại là cô bé lém lỉnh, nghịch ngợm, sinh trưởng trong hoàn cảnh gia đình đổ vỡ, bố thì mất sớm mẹ thì không quan tâm tới con cái.

Đến năm 18 tuổi, vì cùng yêu một chàng trai, mà cả hai rời xa nhau. Thất Nguyệt đi theo con đường mà cha mẹ mong muốn cô trở thành, học đại học, kiếm một công việc ổn định, lấy chồng, sinh con. Còn An Sinh, từ khoảnh khắc khó xử năm 18 tuổi, quyết định rời xa Thất Nguyệt để lưu lạc khắp nơi, xem tứ hải là nhà.

Vài năm sau, Thất Nguyệt mới có dịp gặp lại An Sinh sau nhiều năm vẫn giữ thư từ liên lạc, cả hai đi du lịch cùng nhau. Có một đoạn đối thoại trong phim khiến mình rất ấn tượng:

– Mấy năm nay, cậu sống như thế à? Cậu vẫn dựa vào đàn ông để sống?
– Thì tớ có thêm nhiều bạn bè mới.
– Cậu không cảm thấy rất thấp hèn hay sao?
– … Mỗi ngày tớ đều rất nếm trải những cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống. Còn cậu thì sống trong an nhàn cậu có biết không? Cậu không thể nào hiểu được.
– Cậu tưởng mấy năm nay tớ sống rất an nhàn?
– Không. Mỗi người đều không dễ dàng.

Thất Nguyệt và An Sinh lúc cãi nhau thường nói, ngoài tôi ra không còn ai yêu đối phương. Trên đời này, người duy nhất hiểu và yêu Thất Nguyệt hơn cha mẹ mình chỉ có An Sinh, và cũng không ai có quyền so bì tình yêu với An Sinh như Thất Nguyệt.

Thất Nguyệt và Gia Minh

Thất Nguyệt và An Sinh, hai tính cách hoàn toàn đối lập, một người thì quá khắc kỷ, một người lại quá vị kỷ. Thất Nguyệt là người khắc kỷ tới mức cầu toàn trong tình yêu với Gia Minh, trong những năm Gia Minh lên Bắc Kinh làm việc, cô chưa một lần lên thăm anh, không phải vì ngại ngồi xe lửa hay đường xa, mà đó là nguyên tắc cô đã định với chính mình. Chỉ có khi Gia Minh chủ động trở về mới chứng minh được tình yêu của anh dành cho cô.

Khi biết trái tim của anh 3 phần hướng về An Sinh, Thất Nguyệt chấp nhận kết thúc mối tình theo mình suốt 5 năm bởi không thể kết hôn với một người không yêu mình trọn vẹn. Thất Nguyệt khắc kỷ với chính mình là thế đấy, còn An Sinh lại người vị kỷ có thể sống rày đây mai đó, lưu lạc khắp nơi để trải nghiệm chuyện đời. An Sinh chỉ quan tâm tới cảm xúc của bản thân, có thể tới nhà Gia Minh ngủ ngay cả khi biết anh sắp kết hôn với Thất Nguyệt.

Người khắc kỷ, có khi nào họ buông bỏ sự tôn nghiêm của bản thân để trở nên vị kỷ? Người vị kỷ, có khi nào họ chấm dứt sự dễ dãi mà trở nên khe khắt với bản thân?

Thất Nguyệt

Thất Nguyệt bề ngoài tuy ngoan ngoãn, luôn sống rất mẫu mực theo khuôn thước gia đình kỳ vọng, nhưng thật ra nội tâm cực kỳ nổi loạn. Cô luôn muốn sống một cuộc đời phóng khoáng, tự do, đi du lịch khắp nơi trên thế giới, bứt phá ra khỏi khuôn mẫu mà gia đình đã sắp đặt. Còn An Sinh tuy nổi loạn, lưu lạc khắp nơi nhưng sâu thẳm trong lòng luôn khát khao một ngôi nhà, một mái ấm, một sự ổn định như Thất Nguyệt. Chính vì tính cách quá tương phản, khi trưởng thành quan điểm sống của cả hai cũng trở nên quá khác biệt mà dần trở nên xa cách nhau.

An Sinh

Nhưng sau những quãng chia cắt và xa nhau, họ mới chợt nhận ra, thật ra họ đang khao khát cuộc sống của đối phương và luôn muốn hoán đổi vị trí cho nhau. Thất Nguyệt muốn trở thành An Sinh, An Sinh lại muốn sống giống như Thất Nguyệt.

Đến cuối cùng, An Sinh được toại nguyện trở thành Thất Nguyệt, từ lưu lạc mà trở về cuộc sống yên ấm, ổn định. Nhưng Thất Nguyệt, mãi mãi không thể nào trở thành An Sinh được.

Có những người là Thất Nguyệt, luôn muốn sống cuộc đời như An Sinh, bản thân biết trong lòng mình muốn nổi loạn, muốn phóng khoáng tự do, muốn buông bỏ sự tôn nghiêm bấy lâu nay mình vẫn cố chấp tôn thờ. Nhưng mãi mãi, người khắc kỷ sẽ không có đủ can đảm để trở nên vị kỷ.

Chúng ta, có lúc vừa là Thất Nguyệt, có lúc vừa là An Sinh, mỗi người đều sống một cuộc đời không mấy dễ dàng, và phải luôn tranh đấu với nội tâm của mình. Trưởng thành, cũng chính là quá trình tranh đấu nội tâm đấy, để trở thành phiên bản thật sự của chính mình.

Bản OST của phim.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Tại sao lại nói Thất Nguyệt ko thể trở thành An Sinh được, cô ấy đã trở thành An Sinh. Dù cuối phim cô ấy chết yểu và chưa thể sống tự do được nhiều như mình mong muốn, nhưng cô ấy đã nhận ra bản thân cần gì, muốn làm gì, biết cái gì quan trọng và ko quan trọng, có dũng khí để buông bỏ thứ tình cảm ko xứng đáng. Mình nghĩ đấy chính là tự do.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chào bạn,
      Mỗi người xem phim sẽ có cảm nhận khác nhau. Đọc bài của mình, bạn có thêm góc nhìn mới từ mình. Đọc comment của bạn, mình cũng có thêm góc nhìn mới từ bạn. Vậy hen, nên mình cũng không tranh cãi ai đúng ai sai làm gì ^^

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải