“Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”
(Truyện Kiều)
Thay đổi chính là bản chất của cuộc sống. Tất cả chúng ta luôn trải qua sự thay đổi, ở mọi thời điểm, mọi lứa tuổi. Theo tác giả Bruce Feiler, một người trung bình trải qua 36 biến cố trong cuộc đời trưởng thành của họ. Cứ mỗi 12-18 tháng, chúng ta sẽ phải đối mặt với một biến cố mới. Chúng ta luôn thích cuộc sống đi theo một lộ trình như ta mong đợi nên ta thường choáng váng khi chúng không như thế.
Những chấn động trong cuộc đời thường dữ dội, hỗn loạn và đầy khổ ải. Chúng thường xảy đến vào lúc không ai ngờ. Chúng ào ạt đổ ập đến như phong ba bão táp.
Chúng ta vốn đã được dạy rằng cuộc đời mình sẽ diễn ra theo những chương đoạn có thể đoán trước, cho nên ta cảm thấy bối rối khi những chương đoạn ấy xảy đến ngày càng nhanh hơn, không theo thứ tự và thường là nối tiếp nhau không dừng.
Tất cả chúng ta đều là những đám mây lơ lửng phía chân trời, là vòng xoáy của lớp kem trong tách cà phê, là tia chớp rạch ngang bầu trời. Không có đám mây, lớp kem hay tia chớp nào là giống nhau. Cuộc đời chúng ta không vì thế mà trở nên khác thường, mà đó là trạng thái thường thấy trong cuộc đời.
Xuất thân là một phóng viên truyền hình, tác giả Bruce Feiler đã thực hiện một dự án có tên gọi “Dự án Câu chuyện Cuộc đời”. Anh đã tiến hành phỏng vấn hàng trăm nhân vật khác nhau và tổng hợp tất cả 225 câu chuyện đời để tạo thành một danh sách tổng thể về các sự kiện chuyển hướng cuộc đời con người. Chúng bao gồm từ kết hôn đến chăm sóc cha mẹ già, từ bị đuổi việc đến bị quấy rối tình dục, từ sự nổi tiếng sau một đêm đến bị bẽ mặt trước công chúng,… Tổng số có đến 52 biến cố – tương ứng với 52 quân bài của một bộ bài, thế nên anh ví von cuộc đời như một “bộ bài biến cố”.
Đóng vai trò như một người lắng nghe, góp nhặt và kể chuyện đời, tác giả sẽ dẫn dắt người đọc đi qua một hành trình phi tuyến tính, đảo lộn về mặt không gian và thời gian, bóc tách nhiều mật mã văn hóa và diện kiến hàng trăm con người với hàng trăm câu chuyện đời khác nhau để từ đó nhìn ra hình dạng cuộc đời mà chúng ta đang sống cũng như tái định dạng lại cuộc đời sau những biến cố.
Nếu bạn là một người “nhiều chuyện”, thích đọc một cuốn sách có hàng tá những câu chuyện nho nhỏ đầy hấp dẫn, thú vị và những bài học sâu sắc, thực tiễn từ người thật việc thật thì “Làm chủ sự thay đổi” là cuốn sách bạn phải rinh về ngay và luôn. Cuốn này Chơn Linh biên tập giữa năm ngoái, đúng như cái tựa thì cuốn sách cũng trải qua nhiều truân chuyên biến cố mới được xuất xưởng trình làng quý vị với phiên bản sách in 2 màu, phối màu lam rất nhã.
Một số trích đoạn hay trong sách, được “tài trợ” bởi dịch giả Phạm Hoa Phượng:
? Tất cả chúng ta đều cần trở thành anh hùng trong chính câu chuyện cuộc đời mình. Đó là lý do vì sao chúng ta cần những câu chuyện cổ tích. Chúng dạy ta cách xoa dịu nỗi sợ hãi, giúp ta ngủ ngon vào ban đêm. Đó là lý do tại sao hết năm này sang năm khác, hết đời này đến đời khác, chúng ta cứ truyền nhau những câu chuyện cổ tích. Chúng biến cơn ác mộng của chúng ta thành những giấc mơ đẹp.
? Bản chất của sự hỗn loạn là tự thiết lập. Một dòng chảy sẽ rẽ đôi khi chảy qua một tảng đá rồi hợp lại thành dòng; một đàn chim cất cánh khỏi một bụi cây rồi hợp lại thành hình; hay một cơn bão gặp một cơn bão khác sẽ hợp nhất và tiếp tục di chuyển. Hay cồn cát, tuyết, mây cũng vậy.
? Một trong những điều tôi tìm thấy trong nghiên cứu của mình là ngay cả khi bạn không đánh dấu điều xảy ra, thì cơ thể bạn cũng làm điều đó. Có những thời điểm bạn cảm thấy đau đớn mà không biết lý do tại sao, nhưng mười lăm năm trước, một sự kiện nào đó đã xảy ra và cơ thể bạn đã ghi nhớ nó hằng năm.
? Ký ức, không giống như những gì tôi đã học về chúng khi còn nhỏ, không cố định như những gói nhỏ gọn gàng được lưu giữ trong não ta, mà ta vẫn lôi chúng ra khi cần thiết và nhét lại vào nơi đó khi không cần. Chúng thực ra là các thực thể sống động, thay đổi theo mỗi lần triệu hồi. Mỗi khi hồi tưởng một kỷ niệm, ta nhớ lại chúng theo một cách khác.