Ảnh: Ybox

“Linh ứng” là câu chuyện của hôm qua, hôm nay và cả ngày sau…

Nói đến đề tài ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ, trên thị trường xuất bản đã có kha khá đầu sách về các nhà ngoại cảm và những trường hợp đi tìm mộ liệt sĩ đặc biệt ấn tượng. Tuy nhiên, điểm chung của đa số các đầu sách này thường là viết dưới góc nhìn của người chấp bút hoặc của phóng viên chuyên viết về mảng tâm linh, hiếm có cuốn sách nào được viết từ góc độ của một người trong cuộc mà người ấy lại là một nhà văn, một biên kịch lão làng như cuốn Linh ứng của tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn.

Khi thấy cuốn sách phát hành vào dịp đầu năm nay cũng như theo dõi các tin tức trên Facebook anh Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News, mình đã đặt mua cuốn sách ngay lập tức mà không cần chần chừ, vì mảng đề tài tâm linh luôn nằm trong mối quan tâm của mình. Chưa kể bên First News là cái nôi khai sinh ra nhiều cuốn sách tâm linh nổi tiếng như bộ sách của tác giả/dịch giả Nguyên Phong thì mình càng tin tưởng hơn vào chất lượng nội dung cũng như hướng khai thác đề tài của đội ngũ First News. Mãi đến gần đây, mình mới có dịp dành ra nguyên hai ngày cuối tuần và thêm mấy buổi tối để đọc ngấu nghiến cuốn Linh ứng dày hơn 700 trang này.

Nghe cái tên nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1945, nay đã 77 tuổi), nhiều người có thể thấy lạ lẫm, vì thú thực là mình cũng chưa đọc qua tác phẩm nào của bác dù cho mình từng học chuyên Văn và đọc khá nhiều sách văn học trong nước. Nhưng nếu kể ra một số kịch bản truyền hình của bác, hẳn là lứa 8x hay 9x đều biết, như Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Blouse trắng, Hướng nghiệp, Nghề báo,… toàn những bộ phim truyền hình có thể xếp vào hàng vang bóng một thời, để lại ấn tượng cực kỳ sâu sắc với một thế hệ khán giả màn ảnh nhỏ.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Cuốn sách Linh ứng là hành trình vợ chồng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi, anh trai của bác Tuấn và cũng là cháu nội đích tôn của dòng họ Nguyễn Hữu. Theo thông tin trong giấy báo tử ghi lại, liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi tử trận vào giữa năm 1970 ở mặt trận miền Đông Nam Bộ và được chôn tại nghĩa trang mặt trận. Chính thông tin hết sức mơ hồ này nên gia đình bác Tuấn không thể tìm ra tung tích nơi chôn hài cốt người anh mãi cho đến tận 40 năm sau, khi gia đình bắt đầu tìm đến con đường ngoại cảm thông qua lời người quen giới thiệu.

Khi mới đọc khoảng 100 trang sách đầu tiên, cá nhân mình thấy mô-típ câu chuyện tìm mộ liệt sĩ này cũng tương đối bình thường và có phần giống với nhiều câu chuyện khác mình từng đọc trước đây, theo kiểu từ một người vô thần duy lý ban đầu ngờ vực và bán tin bán nghi vào giới ngoại cảm, sau đó tìm được mộ liệt sĩ thì được chuyển hóa tâm thức và hoàn toàn tin vào sự tồn tại của thế giới tâm linh. Như ở tựa phụ cuốn sách là một lời đề khá rõ: “Hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh”.

Nhưng ở đời có lắm chữ ngờ, nhất là khi bạn đang đọc sách của một nhà văn lão làng, thì cú twist đầu tiên xuất hiện ở khoảng sau 100 trang ấy, khiến độc giả phải bật ngửa trước sự cố dở khóc dở cười mà gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn gặp phải khi vào tròng một nhà “ngoại cảm” dàn cảnh lừa đảo chuyên nghiệp. Để rồi kết cục là gia đình bác phải hốt một mớ xương động vật về đem chôn ở nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà, xấu hổ không dám nói sự thật với cả dòng họ và còn bị mất một khoản tiền.

Ảnh: lethieunhon.vn

Trong cuốn sách Linh ứng, có một điểm mình rất thích là cách nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn xây dựng cấu trúc tác phẩm theo lối đan xen hiện tại và quá khứ – chương này là câu chuyện ở hiện tại thì chương sau sẽ là flashback câu chuyện quá khứ về người anh trai Nguyễn Minh Khôi, trải dài suốt từ thời tiểu học cho tới lần cuối cùng bác Tuấn gặp anh trai của mình trước khi anh ra trận. Trong câu chuyện thơ ấu ở ngôi nhà của tác giả trên đường Trần Nhật Duật (Hà Nội), độc giả sẽ được sống lại một thời ký ức tuổi thơ đầy sống động của lớp thế hệ cha anh với bộ ba Minh Khôi, Danh Hùng, Huy Lạc đầy hào hiệp trượng nghĩa hay hai đứa em Mạnh Tuấn và Danh Huyền lúc nào cũng kè kè theo xách cặp cho mấy ông anh trai. Những chiến tích như trốn học, “cướp của người giàu chia cho người nghèo” cùng những lần tắm sông hay những lằn roi đau điếng là những ký ức khó phai đối với tác giả một thời.

Qua những trang văn ngược dòng quá khứ ấy, độc giả cũng thấy được một thời vàng son của Hà Nội với những hạt bụi lấp lánh ánh vàng. Như cách dạy con của cha tác giả và nền nếp gia phong ở các gia đình của thế hệ trước là những điều quý giá mà thế hệ sau như mình cảm thấy hết sức tiếc nuối khi chúng đã mai một đi phần nhiều. Thật sự có đọc qua những gì thế hệ trước trải qua, mình mới phần nào hiểu được vì sao “Thép đã tôi thế đấy”, khi họ được trui rèn trong cách giáo dục và phông văn hóa của thời đại.

Hai bác Minh Khôi và Danh Hùng, từ hai đứa trẻ chơi thân với nhau từ thời tiểu học, học cùng trường lẫn học võ ở cùng võ đường, cũng như cùng sinh hoạt trong nhóm Tre Việt và gắn bó với nhau suốt một thời gian dài. Để rồi vì thời cuộc và lịch sử đẩy đưa, cuối cùng cả hai lại ở hai bên chiến tuyến khác nhau – một bên là lính Việt cộng, một bên là lính Việt Nam cộng hòa. Điều mà cha của hai anh từng dự cảm và đều không muốn là viễn cảnh một ngày nào đó cả hai sẽ đụng độ nhau trên chiến trường. Nhưng cái thực tế tưởng chừng chỉ có trong kịch bản phim truyền hình ấy lại xảy ra trong đời thực, khi hai anh cùng hi sinh trong một trận chiến và cùng tử trận tại Svay Rieng, Campuchia.

Ở lần thứ hai gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nhờ một nhà ngoại cảm khác là thầy Nguyễn Văn Lư do Tiến sĩ Bùi Văn Quý, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, giới thiệu thì thông tin gia đình nhận được là một địa điểm hoàn toàn khác với thông tin trên giấy báo tử. Đặc biệt, nhà ngoại cảm còn nói thêm việc liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi mất cùng vợ mình, tên là Minh, làm y tá tại một bệnh xá ở Campuchia trong khi thực tế bác Khôi chưa bao giờ lấy vợ. Lần theo những manh mối nhà ngoại cảm chỉ dẫn, những thông tin tưởng chừng hết sức hoang đường và phi thực tế – so với giấy báo tử và những gì gia đình được biết – sự thật cuối cùng cũng được hé lộ và chấn động đến bất ngờ.

Ảnh: First News

Đọc qua một nửa cuốn sách, độc giả sẽ bị cuốn vào hành trình đi tìm mộ liệt sĩ hết sức ly kỳ, hấp dẫn dưới ngòi bút của một nhà văn và nhà biên kịch nên câu chữ cứ tuôn trào và chảy tràn ra. Ngôn ngữ đậm chất điện ảnh cứ như thế độc giả đang xem một bộ phim qua câu chữ. Càng đi về cuối, khi hành tìm mộ liệt sĩ đi từ gia đình của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chuyển sang gia đình cô bạn tiểu học Danh Huyền đi tìm mộ người anh Danh Hùng thuộc “phe thua cuộc”. Chuyến đi quy tụ gần cả trăm người từ lứa U90 cho tới U20, giữa cả hai phe bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc trong cuộc chiến, giữa những người cách xa cả nửa vòng Trái Đất với những người ở Việt Nam, giữa thế hệ trước và thế hệ sau – tất cả tạo thành một đại cảnh cực kỳ hoành tráng để đi đến cao trào của tác phẩm.

Thật sự đọc xong cuốn sách, mình gần như thao thức cả đêm về những dư ba đọng lại sau đó, về sự xuất hiện của một loạt diễn viên Đồng tiền xương máu ngày trước kèm theo lời hứa hẹn của người trong cuộc rằng sẽ chuyển thể cuốn sách này thành phim truyền hình dài tập, về những lời cháu ngoại bác Huy Lạc đối đáp với gia đình khi lựa chọn ngành học khảo cổ, và về rất nhiều chân giá trị xuyên không gian phi thời gian gói gọn lại trong một cuốn sách.

Nghĩ về những lý tưởng lớp cha anh từng theo đuổi cũng như những hi sinh xương máu của họ đánh đổi lấy nền hòa bình độc lập cho dân tộc, mình lại càng thấy trân quý hơn những khoảnh khắc được sống trong hòa bình hay những nơi mình đặt dấu chân qua. Bởi đâu đó rải rác và lẩn khuất trên khắp dải đất hình chữ S này, vẫn còn rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ vô danh và cả những ngôi mộ bị vùi lấp trôi vào trong dĩ vãng. Xin thắp một nén nhang lòng để tưởng nhớ và tiếc thương cho những liệt sĩ vô danh ấy.

Một tác phẩm rất đáng đọc và đầy chấn động cho những ai còn vô thần và nghi ngờ trước thế giới tâm linh!

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Nội dung thuộc bản quyền của Chơn Linh. Vui lòng liên hệ xin phép trước khi sử dụng lại.