Ảnh: Unsplash.com

Khi đi làm ở môi trường văn phòng đủ nhiều, bạn sẽ chợt nhận ra một điều rằng, dù cho mình có chuyển từ công việc này đến công việc khác, từ nơi làm việc này đến nơi làm việc khác, thì mỗi ngày vẫn sẽ không ngừng có những chuyện bất xứng ý nơi công sở xảy đến với bạn.

Chuyện bất xứng ý ấy có thể đến từ sếp, từ đồng nghiệp, từ phòng ban khác, từ chính sách mới ban hành của công ty. Chỉ một chuyện nhỏ xíu thôi đôi khi có thể làm bạn bực bội, khó chịu, ấm ức, ủy khuất và hao tổn năng lượng cả ngày. Văn hóa công sở vốn là một thứ vô hình hiện hữu trong chốn văn phòng, là cách ứng xử giữa những người đi làm với nhau. Không phải môi trường làm việc nào cũng có được một văn hóa tích cực nơi mọi người cùng đồng tâm hiệp lực vì một mục tiêu chung, mà hầu hết đều tồn tại những chuyện chính trị công sở của những phe phái đấu đá ngầm với nhau.

Nếu bạn đi làm không trong sự tỉnh thức, đôi lúc bạn rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy vọng động đó chốn công sở, vào những cuộc đấu đá dè bỉu tị hiềm lẫn nhau, hay để cho những cảm xúc tiêu cực trỗi dậy và hủy hoại trạng thái năng lượng của bạn mỗi ngày. Như bản thân mình trải nghiệm qua vài môi trường làm việc, thì mới thấy được rằng không có môi trường nào là tốt ở mức lý tưởng, vì ngay cả môi trường bạn có ngỡ là lý tưởng, là “dream job” của bạn thì trong thực tế luôn ẩn tàng những đợt sóng ngầm bạn chưa thấy được.

Giống như quy luật của mưa nắng, cuộc sống của mỗi người ngoài những lúc vui vẻ, hạnh phúc, bình yên thì cũng sẽ có những lúc bực dọc, khó chịu, đầy trắc trở khó khăn xảy đến. Do vậy nên người ta mới cần phải thực hành làm chủ cảm xúc để kiểm soát tâm tánh của mình. Như mình luôn xem mọi trắc trở trong cuộc sống đều là một cuộc thực tập tâm linh của linh hồn, chứ hiếm ai sống được một cuộc đời mà mọi chuyện lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi như một đường thẳng. Gọi là cuộc thực tập vì nó là những tình huống có vấn đề trong cuộc sống, trong đó tâm tánh của bạn đang bị thử thách bởi người đời.

Người ta nói động chạm tới bạn một câu, có khi bạn sửng cồ lên chửi lại họ tan nát. Người ta cố tình chơi đểu chơi xấu bạn, bạn giận tím người muốn nhảy bổ vào táng họ sờ mờ lờ. Người ta làm một điều gì đó trái ngược với mong muốn của bạn, bạn lại nổi khùng nổi điên chửi họ dốt họ ngu họ thiếu hiểu biết. Mỗi ngày, có rất nhiều tình huống như vậy xảy ra ở nơi làm việc, ở nhà hay trong đời sống, và đều là một bài kiểm tra để thử thách tâm tánh của bạn. Lựa chọn phản ứng như thế nào khi đó lại tùy thuộc ở bạn, nếu bạn còn đủ tỉnh táo không bị ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn thiêu đốt mình.

Núi Hỏa Diệm Sơn – phim “Tây Du Ký”.

Trong “Tây Du Ký”, ở kiếp nạn thứ 81 (và cũng là kiếp nạn cuối cùng), bốn thầy trò Đường Tăng phải đối mặt với Hỏa Diệm Sơn, một ngọn núi luôn bừng bừng lửa cháy quanh năm. Tôn Ngộ Không dù cho có 72 phép thần thông biến hóa cũng không thể nào dập tắt được lửa ở Hỏa Diệm Sơn. Thầy trò Đường Tăng muốn đến được Tây phương thì phải vượt qua được ngọn núi Hỏa Diệm Sơn đó, ngoài ra không còn một con đường nào khác. Tây phương ở đâu? Tây phương là ở hướng đó, nếu xoay về bất kỳ hướng nào thì cũng đi lệch hướng Tây phương.

Để hóa giải kiếp nạn này, Tôn Ngộ Không phải đến mượn quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa, vốn là vợ của Ngưu Ma Vương – huynh đệ kết nghĩa của Tôn Ngộ Không. Khi xem phim “Tây du ký”, bạn có từng thắc mắc “quạt ba tiêu” là cây quạt gì mà nó thần thông quảng đại đến thế? Cây quạt này “quạt một cái tắt lửa, hai cái sinh gió, ba cái thì trời mưa”. Mấy ai biết “ba tiêu” ở đây là cây chuối, và cây quạt ba tiêu chỉ là một cây quạt bằng thân cây chuối. Tại sao lại là thân cây chuối chứ không phải cây đào, cây dừa hay cây khế? Vì cây chuối hình thành là do nhiều bẹ chuối ráp lại với nhau, khi gỡ ra từng bẹ thì không còn gì hết, và không có gì cả.

“Tây du ký” vốn là một câu chuyện phóng tác được viết bởi một người đạo học cao thâm, nên trong rất nhiều tình tiết Tây du có cài cắm nhiều mật ngữ của Phật giáo mà phải phân tách ra dưới nhiều góc độ, với một sự am hiểu tỏ tường thì quý vị mới thấy được cái hay uyên bác của thiên kiệt tác này.

Cây quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa chỉ là một hình ảnh mang tính ẩn dụ. Sở dĩ con người ta có sân si giận dữ (ví như ngọn Hỏa Diệm Sơn) là vì chúng ta còn chấp ngã, còn vướng vào CÁI TÔI của mình. Khi người khác động chạm tới bản ngã, tới lòng tự tôn tự trọng, tới tên tuổi hình ảnh mặt mũi của ta, là chúng ta lại bắt đầu nổi sân lên mà phản pháo lại họ. Người mà càng xem trọng bản thân thì càng dễ bị cuốn vào cơn nổi loạn cảm xúc khi đối phương công kích hay tung hứng với cái tôi của chúng ta.

Nếu muốn dẹp được ngọn lửa chấp ngã sân si đó, chỉ có dùng quạt “vô ngã” để dập tắt ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn, và cây quạt đó chính là quạt ba tiêu. Ba tiêu là cây chuối, mà cây chuối thì không có lõi gì hết bên trong, nó rỗng tuếch. Cây chuối do từng bẹ ráp lại mà thành hình, khi gỡ các bẹ đó ra thì nó không còn gì hết. Khi chúng ta thấy mình không là ai và không là gì hết, người ta có nói gì xúc xiểm động chạm thì ta cũng thấy bình thường.

Nước bốc hơi lên thì thành mây, mây mưa rơi xuống đất thì thành nước, nước thấm vào đất thì mầm mọc lên cây, cây sinh sôi nảy nở thì ra quả, chim ăn quả thì ị ra phân. Người ta xem chúng ta là nước hay cục cứt thì có gì quan trọng đâu, mình vẫn là mình ta vẫn là ta. Khi mình không là gì thì mình mới là tất cả. Ta không câu chấp vào những chuyện tiêu cực người khác đem đến cho ta thì chúng sẽ như dòng nước chảy qua ta mà không để lại vướng bận gì.

Nếu cuộc sống của bạn đang rất khắc nghiệt, hãy cứ xem mỗi trắc trở trong cuộc sống đều là một cuộc thực tập tâm linh, là một kiếp nạn bạn phải trải qua để đến được Tây phương. Tây phương ở đây không phải là một cõi giới Cực Lạc để bạn siêu thoát, mà như một điểm đến của linh hồn khi bạn lịch duyệt được qua hết những bài học cần học trong kiếp sống này (cả những kiếp sống kế tiếp) và trở thành một linh hồn hoàn thiện.

Mình còn sống là còn phải gặp thử thách, còn phải làm bài kiểm tra tâm tánh. Ai không vượt qua được ngọn núi Hỏa Diệm Sơn thì sẽ còn mắc kẹt hoài ở đó, dẫu cho có xoay tứ phương tám hướng cũng chỉ là đi lệch đường mà không tới được Tây phương. Nếu kiếp nạn thứ 81 không trải qua được, thì linh hồn vẫn sẽ còn mắc kẹt ở bài học đó, lặp lại nhiều lần trong đời này và đời sau. Chỉ khi ta trở thành quạt ba tiêu, không là gì và không là ai, kinh qua được những chuyện tầm xàm xảy đến trong đời thì dù có chuyện tầm xàm hơn nữa xảy đến – ta cũng thấy bình thản như không.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Đôi lúc đọc những bài viết của anh, em thực sự bị xúc động tưởng như trái tim mình bị chạm đến, nước mắt cứ thế trực trào ra. Không phải vì những câu chuyện anh kể, có lẽ vì anh đã diễn tả những suy nghĩ của em bằng ngôn từ, cái mà em không thể viết ra được. Ở anh có cái thật giản dị nhưng thật sâu sắc. Hồi còn trẻ trâu, em rất mong muốn được gặp thần tượng của mình ngoài đời thật. Nhưng giờ nghĩ lại dù em đã được gặp họ, em lại không thể hiểu được họ, tâm hồn của họ. Còn đọc những bài viết của anh, em nghĩ em hiểu được một chút về anh và về chính bản thân mình. Thật sự cảm ơn anh rất nhiều! Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng đã nhiều lúc em ước mình có thể được gặp mặt tác giả blog này :))

    • Chơn Linh Phản hồi

      “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, trải lòng qua câu chữ và chia sẻ sự đồng cảm như thế này cũng là một hình thức tâm giao rồi đó em. Gặp người thật nhiều khi lại thất vọng vì không được như mình kỳ vọng 😀

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải