Gần đây mình có đọc được một bài viết trên báo Thanh Niên về một người đàn ông nhặt ve chai đã qua đời cách đây 7 năm. Vào một ngày cuối năm 2013, người dân phát hiện mùi hôi thối trong căn nhà đã đóng cửa mà không thấy ông Hai ra ngoài như mọi khi. Khi bà con cạy cửa vào thì thấy ông Hai đã chết trên ghế tự khi nào, thi thể đang bốc mùi do phân hủy.

Bà con trong xóm thường gọi ông là ông Hai cô đơn, vì sống một thân một mình ở căn nhà cấp bốn, ban ngày thì đi nhặt ve chai, tối về cũng chẳng giao du với ai.

Điều khiến mình chú ý tới bài viết này là vì câu chuyện về ông Hai xảy ra tại phường Đức Long, thành phố Phan Thiết, cũng là quê của mình nên khi đọc tin tức vô thức mình sẽ chú tâm nhiều hơn vì tính địa phương của bài báo.

Căn nhà của ông Hai cô đơn. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Mặc dù cái chết của ông Hai là câu chuyện đã xảy ra vào 7 năm trước, nhưng đến hiện tại chính quyền vẫn chưa tìm được người thừa kế khối tài sản của ông Hai để lại, bao gồm hơn 8 triệu đồng tiền mặt, 42 chỉ vàng dạng nhẫn, một sổ tiết kiệm 50 triệu đồng và một sổ hộ khẩu, giấy chủ quyền căn nhà cấp bốn. Theo bài báo, từ nhỏ ông Hai đã vào Phan Thiết làm thuê cho vợ chồng một người Hoa ở khu này, sau đó hai vợ chồng sang định cư ở Mỹ nên để lại toàn bộ căn nhà cho ông Hai. Sống ở căn nhà đó vài năm, ông Hai bán căn nhà lớn cho người khác và mua căn nhà nhỏ hơn để sống tới lúc qua đời.

Mình thử ước lượng sơ sơ thì số tài sản ông Hai hiện có được khoảng 242 triệu tiền mặt (theo tỷ giá vàng hiện tại) và nếu bán căn nhà cấp bốn thì có thể làm tròn khoảng 700-800 triệu. Ở thời điểm ông Hai mất vài năm 2013, khi đó ông đã 77 tuổi.

Di ảnh ông Hai. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Câu chuyện đời buồn của ông Hai khiến mình nhớ đến câu chuyện của một chị bạn, về mẹ của chị cũng buồn không kém. Mẹ chị là công chức nhà nước, bị mắc bệnh lupus (một loại bệnh nan y hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn) mười mấy năm mà không hề biết là bệnh gì để chữa cho dứt điểm. Chị kể lại, dù mang thân bệnh trong người nhưng mẹ chị vẫn đi làm miệt mài không nghỉ ngơi, công việc căng thẳng thì than thở với chị mấy câu chứ không dám nghỉ, vì phải ráng làm để có tiền chứ về hưu thì lương thấp. Mẹ chị hay bảo cuộc đời phải ráng tích lũy để lo lúc ốm đau chứ chẳng ai cho mình được đồng nào, dù thực tế gia đình chị dư dả không túng thiếu nhưng mẹ chị không bao giờ dám tiêu hoang gì cho bản thân.

Mẹ chị làm lụng cả một đời tích góp được một số tài sản khá lớn nhưng cuối đời lại không được hưởng, đến tuổi về hưu người ta nghỉ ngơi quây quần bên con cháu thì mẹ chị đột ngột ra đi. Những ngày tháng cuối đời, mẹ chị bị căn bệnh hành hạ thân xác lẫn tâm trí, đêm thì không ngủ chỉ có la hét chửi mắng, vệ sinh không tự chủ và chỉ có thể nằm yên một chỗ cho tới lúc ra đi. Quãng thời gian đó, theo chị nói là một sự thử thách thần kinh và kiên nhẫn của mọi người trong nhà.

Đọc qua hai mẩu chuyện trên, bạn có nhận ra điểm chung nào giữa hai câu chuyện?

Ông Hai hay mẹ của chị bạn kể trên đều là hình mẫu điển hình phản ánh tư duy của phần lớn người Việt Nam, đặc biệt là lớp thế hệ cha mẹ cô dì chú bác của lớp 8x, 9x bây giờ. Đa số đều sống giống như loài kiến thợ, ngày ngày cần mẫn ra ngoài lao động, tích góp nhặt nhạnh từng mẩu thức ăn để đem về tổ, với hy vọng cuối đời được an nhàn thảnh thơi tận hưởng số thức ăn (hay tài sản) mà mình đã dành cả đời để kiếm được.

Nhưng cuộc sống vốn dĩ vô thường, mấy ai biết được lúc nào sẽ ốm đau bệnh tật hay hi hữu gặp tai nạn bất ngờ mà qua đời? Số phận một con người cũng nhỏ bé và mỏng manh như loài kiến. Mỗi ngày kiến ra đường đi kiếm thức ăn, nó đâu biết được khi nào loài người kia sẽ đạp chết nó, một cơn gió thổi qua hay một hạt mưa rơi xuống cũng đủ khiến nó dị tật cả đời. Loài người chúng ta, cũng đâu khác gì loài kiến khi mỗi sáng thức dậy, ta phải tủa ra dòng đời tấp nập ngoài kia để đi kiếm ăn vì lẽ mưu sinh.

Đa số chúng ta vất vả cả đời cũng chỉ vì theo đuổi vật chất và toan tính chuyện xa vời (như ráng cày bây giờ để về sau hưởng tuổi già tốt hơn) mà quên mất chuyện tập trung sống trong hiện tại và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Tương lai vốn dĩ là một chuyện hết sức xa vời, không ai biết được tương lai ngày mai sẽ ra sao, chỉ có hiện tại là thứ ta mới có thể nắm bắt được.

Ông Hai cô đơn trong câu chuyện kể trên, nếu biết sống trong hiện tại thì có thể không cần phải đi nhặt nhạnh ve chai nữa bởi ông có thể thảnh thơi sống đến cuối đời với số tiền đã tiết kiệm được. Nếu nhìn xa hơn, ông có thể chu toàn cho tương lai của mình bằng cách chuyển vào một nhà dưỡng lão để sống, và đến lúc mất sẽ có người chăm lo cho ông chứ không phải cô đơn ra đi một mình.

Người mẹ trong câu chuyện của chị bạn mình, nếu biết sống trong hiện tại thì có thể bớt làm việc lại để tập trung lo cho vấn đề sức khỏe của bản thân chứ không cần phải vắt kiệt sức mình để đổi lấy lương tháng. Bởi khi cô biết chăm lo cho sức khỏe của mình thì có thể kéo dài được dương thọ nhiều năm hơn, có nhiều thời gian vui vẻ với con cháu hơn. Thực tế thì trong nhà cô còn có người chồng là trụ cột với con gái lớn (người chị chia sẻ câu chuyện) đã đi làm nên đều có thể gánh vác và san sẻ về mặt kinh tế gia đình với cô. Vốn dĩ áp lực cũng do cô tự tạo ra chứ không phải do hoàn cảnh sống cô gặp phải.

Tiền tài vật chất là một bài kiểm tra lớn ở đời. Nhiều người vì quá mải mê theo đuổi nó, tới khi sức cùng lực kiệt thì mọi chuyện quá muộn, thành quả mình làm cả đời chưa được hưởng đã ra đi thì quả thực rất đáng tiếc.

Tiết kiệm và tích trữ cho tương lai là điều cần thiết, nhưng cần có giới hạn và cần có một khoảng nghỉ vừa đủ cho bản thân gọi là xả hơi để tận hưởng hiện tại. Bạn thèm món này món kia thì cứ ăn ngon cho đã thèm, muốn mua cái này cái kia thì cứ mua nếu thật sự thích, muốn đi đây đi đó du lịch thì cứ đi cho đã chân. Tất nhiên mọi sự muốn cân bằng phải nằm trong khả năng tài chính (không phải vay mượn), đáp ứng vừa đủ nhu cầu của mình mà không quá lãng phí.

Nhiều người hay lo sợ viển vông viễn cảnh cuối đời mình sẽ chết trong cô độc (nếu theo chủ nghĩa độc thân) hay đau bệnh lúc về già mà không có tài sản tích góp thì lấy đâu ra mà chạy chữa?

Hãy nhớ đến quy luật Thành – Trụ – Hoại – Diệt, vì ở đời ai cũng sẽ trải qua Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Muốn không bệnh để tử lúc về già, thì ngay khi còn trẻ, là ngay lúc này và trong hiện tại nên biết chăm lo cho sức khỏe của bản thân cả về thể xác lẫn linh hồn.

Và nếu bạn tin vào đời sống cõi sau cũng như tin có linh hồn tồn tại thì cái chết chẳng qua cũng chỉ là cuộc dừng chân ở kiếp sống này, ta trút bỏ thể xác để tái sinh ở một kiếp khác. Như vậy, tấm thân già nua bệnh tật ấy cũng đâu có gì quan trọng để mà phải hối tiếc? Vậy thì ráng sống sao để vào giờ phút cuối cùng khi nhắm mắt lìa đời, ta không có gì phải hối tiếc vì chưa làm được hoặc lầm lỡ nào chưa sửa được. Khi đó sự ra đi ắt sẽ thanh thản nhẹ nhàng hơn nhiều.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.