Năm 2012, tôi từng đọc Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip với tâm thế của một người tò mò muốn biết một cô gái trẻ 18 tuổi đã… “ta ba lô” một mình khám phá châu Á như thế nào. Dường như ở thời điểm đó, Huyền Chip là người khởi đầu trào lưu người trẻ đi phượt xuyên lục địa để khám giá thế giới qua những câu chuyện rất thực tế và đời thường, chứ không phải những câu chuyện như tiểu thuyết văn học của các du học sinh nơi giảng đường.

Rồi Huyền Chip trở lại với Xách ba lô lên và đi – Tập 2: Đừng chết ở châu Phi! vào năm 2013, gây lên một cuộc náo loạn trên truyền thông khi một cựu du học sinh Mỹ gửi thư kiến nghị lên Cục xuất bản đề nghị thẩm định lại những câu chuyện trong quyển sách Huyền Chip viết là sự thật hay trí tưởng tượng.

Trong vụ lùm xùm năm ấy, quyển sách này tôi có mua, nhưng cuối cùng không đọc vì không biết thực hư câu chuyện rốt cuộc thế nào. Và hơn nữa, tôi thuộc tuýp người hướng nội, không thích những cuộc phiêu lưu mang tính “hành xác” giống Chip nên cũng không có nhu cầu tìm hiểu cuộc hành trình của chị.

Một hôm cuối năm, đi nhà sách và vô tình bắt gặp quyển Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford của Huyền Chip, tôi mua ngay tắp lự vì Stanford là một trong những đại học nổi tiếng của Mỹ tôi rất ấn tượng, và những câu chuyện hậu trường của du học sinh luôn là đề tài tôi rất hứng thú.


18 tuổi. Tốt nghiệp xong cấp 3 Huyền Chip dành 5-6 năm trời gap year để đi phượt vòng quanh châu Á và châu Phi. 24 tuổi. Huyền Chip nhận được học bổng vào đại học Stanford (Mỹ) với kết quả kỳ thi SAT khá cao.

Ở “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford”, tôi bắt gặp một Huyền Chip rất khác. Chip không còn là một cô bé 18 tuổi lần đầu bước ra thế giới một cách hồn nhiên và ngây ngô, không còn là một người ấm ức đến tu tu khóc khi gặp áp lực vì sự cố truyền thông. Chip ở Stanford trưởng thành và chín chắn hơn rất nhiều trong suy nghĩ khi sống trong môi trường đại học quy tụ quá nhiều “khủng long” tài ba xuất chúng tầm cỡ thế giới.

Quyển sách là những ghi chép của Huyền Chip về hai năm đầu ở đại học Stanford của mình, với những nhân vật đặc biệt và những suy ngẫm thú vị về cuộc sống. Qua Chip, tôi như được mở mang tầm mắt ra khỏi đáy giếng cạn cợt của mình nhìn ra thế giới, để thấy một anh chàng Jaime – Chủ tịch Câu lạc bộ Thám hiểm vũ trụ quan niệm về cuộc sống rất rạch ròi, một Ari – kiện tướng cờ vua hàng đầu thế giới nhưng gác lại đam mê của mình đầu tư vào việc học, một anh chàng Dyl – trust-fund baby (nhà mặt phố, bố làm to) với những quan niệm về mối quan hệ theo kiểu cách dân nhà giàu rất buồn cười…

Chip được bình chọn trợ giảng thân thiện nhất. Ảnh: Huyền Chip.

Mỗi nhân vật là một gam màu, một sắc thái riêng làm cho cuộc sống đại học của Huyền Chip trở nên thú vị hơn. Tôi cũng bất ngờ không kém khi đọc profile ở bìa lót quyển sách thấy cuối cùng chị chọn theo học ngành Khoa học Máy tính, chuyên sâu về Trí thông minh nhân tạo (AI) – một lĩnh vực tôi rất thích, dù dự định ban đầu của Chip vào Stanford là để học Văn học.


Không phải vì tôi không thích Văn học nữa mà tôi nhận ra rằng phân tích văn học không phải thế mạnh của mình. Tôi thích đọc và thích viết nhưng tôi không thể ngồi hàng tiếng đồng hồ thảo luận về việc các tác giả định nói gì. Hầu hết thời gian lên lớp được dành cho việc thảo luận tương tự như thảo luận rằng tác giả muốn nói gì qua miêu tả rằng tấm rèm màu xanh vậy. Với tôi, nếu một tác giả viết rằng tấm rèm màu xanh thì đơn giản ông muốn nói rằng tấm rèm đấy không phải màu đỏ, màu vàng hay bất cứ màu gì khác.


Có đọc những câu chuyện hậu trường ở Stanford mà Huyền Chip kể, độc giả mới thấy được giấc mơ đại học Mỹ khắc nghiệt và áp lực như thế nào đối với du học sinh và ngay cả học sinh bản địa. Như Chip nói, Stanford là một quả bong bóng tách biệt với xã hội bình thường của người Mỹ, vì bạn không thể bắt gặp ở Stanford một người béo phì hay trông có vẻ ngốc nghếch vì anh chàng nào cũng có cơ bụng sáu múi, tham gia vài câu lạc bộ nổi tiếng, mở miệng ra toàn nói những chuyện mang tính vĩ mô và ai cũng có thành tích rất đặc biệt.


Tôi tự nhiên hiểu cái hội chứng duck syndrome mà mọi người vẫn nhắc đến khi nói về ngôi trường này. Con vịt khi bơi nhìn thật ung dung thong thả. Nó nhẹ nhàng lướt trên mặt hồ, như thể không có gì trên thế gian này làm nó ưu phiền. Nhưng phải nhìn xuống dưới mặt hồ mới thấy chú vịt đó đang nỗ lực như thế nào. Nó đạp chân điên cuồng để giữ cho mình nổi. Sinh viên Stanford cũng thế.


Ở Stanford, Huyền Chip cảm thấy mình bé nhỏ khi đi học và đi làm cùng những người xuất sắc nhất thế giới. “Họ tập trung giải quyết những vấn đề có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, thậm chí thay đổi lịch sử nhân loại.”

Ở Việt Nam, mặc dù có những thành công nhất định trong công việc và cuộc sống, nhưng tôi cảm thấy mình bé nhỏ khi đọc câu chuyện của Chip, một 9x đời đầu đã ngang dọc đi khắp châu Á và châu Phi, được học bổng vào đại học Stanford và học một chuyên ngành nhiều triển vọng trong tương lai.

Và tôi cũng tin rằng, có nhiều sinh viên Việt Nam sẽ cảm thấy bé nhỏ trước tôi, và cả trước Huyền Chip.


Đọc Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford, tôi mơ đến một ngày chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam được cải thiện được bằng 1/10 như vậy cũng mừng, để người trẻ Việt Nam được tắm mình trong môi trường học thuật, để làm những điều vĩ đại hơn cho đất nước và con người Việt Nam, chứ không chỉ là trải nghiệm những cuộc vui vô bổ và lãng phí những năm tháng sinh viên vô ích nơi giảng đường.

Tôi đau đáu hoài câu nói của Jaime nói với Chip:


Con người sinh ra là để cống hiến, không phải để cảm nhận.
Những người tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là những kẻ ích kỷ.


Những người trẻ ở Stanford, họ đầy hoài bão và lý tưởng sống, mong muốn cống hiến và đóng góp vào sự thay đổi của dòng chảy nhân loại. Còn ở Việt Nam, người trẻ chúng ta đang làm gì?…

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx