Ảnh: Báo Sức khỏe đời sống

Sắp đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch cuối năm, một chị bạn của mình lo sửa soạn mâm cúng ông Công ông Táo theo phong tục truyền thống của người Việt Nam. Chị tìm trên mạng bài văn khấn ông Công ông Táo mới nhất và thắc mắc với mình: Vì sao văn khấn ông Công ông Táo mà câu mở đầu và câu kết lại là “Nam mô A Di Đà Phật”, thay vì phải là Ngọc Hoàng Thượng Đế?

Mình trích lại nguyên văn bài văn khấn trên mạng, được cho là trích từ sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ chúng con là… ngụ tại…

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Ảnh: Báo aFamily

Trong khi đó, ở một bản văn khấn do Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh giới thiệu thì lời mở đầu lại khác biệt như sau:

Kính lạy Thượng Đế.
Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy các vị đại tiên.
Kính lạy: Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng.
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh.
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy Sơn thần, Long thần, Thổ địa, Thổ công táo quân, Thổ kỳ, Thần tài hạ đàn chứng giám.

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm….. Là ngày thần Táo quân về trời tấu sớ.
[…]

Đọc qua mấy bài văn khấn trên mạng, chị có phần hoang mang vì không biết đâu mới là bài văn khấn đúng. Một bên thì vị chưởng quản là Phật A Di Đà, còn một bên là Thượng Đế, vậy vị nào cao hơn vị nào và khấn theo bài nào mới đúng?

Nghịch lý trong văn khấn ông Táo

Ở bản văn khấn ông Công ông Táo đầu tiên có hai nghịch lý rất lớn. Do không phải bạn đọc nào cũng có nền tảng kiến thức về Phật giáo nên mình sẽ cố gắng nói sao cho ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể.

Một là, lời đảnh lễ đầu tiên lại dành cho Phật A Di Đà – vị Phật chưởng quản cõi Tịnh Độ (hay còn gọi là Tây Phương Cực Lạc), sau đó mới lạy tới chín phương Trời, mười phương Phật. Xét về mặt thứ bậc, cách đảnh lễ như vậy là sai vai vế trật tự, vì Phật A Di Đà là một vị trong ngũ phương Phật, chưởng quản ở phương Tây, phía trên vị này còn có Trung ương Phật là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (hay Đức Đại Nhật Như Lai). Theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa thì có hằng hà sa số chư Phật ở kiếp hiện tại, kiếp quá khứ và kiếp vị lai, cho nên Đức Phật A Di Đà không phải là vị Phật tối cao nhất trong vũ trụ và không xếp trên chín phương Trời, mười phương Phật được.

Hai là, việc một bản văn khấn gia thần (các vị thần chưởng quản chuyện nhà cửa) mà đưa câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” vào thì đó là dấu chỉ cho thấy nguồn gốc của bản văn khấn này xuất phát từ các nhà chùa hay các vị sư bên Phật giáo Đại thừa, cụ thể là bên Tịnh Độ tông truyền bá. Bởi vậy mới có sự lai căng giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ gia thần theo truyền thống dân gian của Việt Nam và Trung Quốc, trong khi thực tế theo thế giới quan của Phật giáo xuất xứ từ Ấn Độ thì không có sự hiện diện của các vị thần như ông Công ông Táo.

Ảnh: Momo Bookstore

Ở cuốn Phong tục cổ truyền Việt Nam – Tập văn cúng gia tiên do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành, bản văn khấn ông Táo không có sự lai căng như trên mà đi thẳng vào vấn đề:

Hôm nay, ngày 23 tháng chạp năm…
Tín chủ là…
Người thôn… xã… huyện… tỉnh…
Cùng toàn thể gia đình kính bái:
Trước linh tọa của Đông trừ tư mệnh Táo phủ thần quân.
[…]

Trên thực tế, việc thờ cúng Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của đạo Lão ở Trung Quốc. Khi du nhập sang Việt Nam, tín ngưỡng này đã được Việt hóa thành sự tích Táo quân với câu chuyện về hai ông và một bà. Do vậy, bản văn khấn tấu lạy Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế trước mới là bản phù hợp với tín ngưỡng dân gian và nguồn gốc xuất xứ của sự tích Táo quân hơn.

Ảnh: Kênh YouTube Luôn Quan Sát

Quan niệm lầm lẫn về thiên đình

Khi xem một số phim thần thoại Trung Quốc, bạn sẽ được thấy hệ thống thần linh ở thiên đình với Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tây Vương Mẫu và các chư vị thần tiên. Nếu xem “Tây Du Ký”, “Phong Thần Diễn Nghĩa”, ngoài Linh Tiêu Bảo Điện của Ngọc Hoàng Thượng Đế, bạn sẽ còn bắt gặp các cung trời khác của Phật Tổ Như Lai. Các hình dung về thiên đình trong đạo Lão của Trung Quốc và trong nhiều bộ phim thần thoại Trung Hoa đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng thiên đình chẳng qua cũng là một chốn vô năng khi bị Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung và Phật Tổ Như Lai thì quyền năng cao hơn Thượng Đế nên mới trị được con thạch hầu này.

Một số bạn cũng hay lầm tưởng rằng Phật Tổ Như Lai chính là Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Phật do thái tử Tất Đạt Đa chứng quả thành. Nhưng không phải vậy, Phật Tổ Như Lai thường được nhắc đến trong phim “Tây Du Ký” chính là Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Trải qua nhiều thời kỳ, ở Trung Hoa có sự dung hòa giữa đạo Lão và đạo Phật nên hệ thống thần linh của thiên đình và hệ thống chư Phật, chư Bồ tát mười phương bên Ấn Độ cũng được gộp lại trong một cảnh giới siêu hình mà có thể thấy rõ nhất qua hai bộ phim “Tây Du Ký” và “Phong Thần Diễn Nghĩa”.

Từ xu hướng tầm thường hóa các vị đại thần linh chưởng quản vũ trụ thành những người trần mắt thịt đầy tham sân si và nhục dục, người ta mới có quan niệm hệ thống thiên đình của Ngọc Hoàng Thượng Đế thì thấp hơn hệ thống chư Phật, chư Bồ tát. Xu hướng này cũng y như cách dân phương Tây tầm thường hóa 12 vị thần sáng thế trên đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp. Thần tiên gì mà gian dâm, ngoại tình, cha mẹ con cái anh chị em chém giết hãm hại nhau drama không khác gì người phàm.

Nói về thiên đình thì đó là chuyện quá to tát lớn lao nằm ngoài sự hiểu biết của con người, cho nên không có ai có thể tự nhận mình hiểu hết và hiểu đúng. Những chia sẻ của mình cũng chỉ là một ý niệm cho bạn đọc tham khảo, còn tin hay không thì phải dựa vào trải nghiệm của mỗi người. Hệ thống thiên đình hiểu một cách đơn giản thì bao gồm Thượng Đế và các đại thần linh hầu cận, bên dưới là hàng hàng lớp lớp các vị thần linh chưởng quản từng cung cõi với các phần hành và chức trách khác nhau. Bạn hãy thử hình dung một bộ máy nhà nước ở thế gian với tổng bí thư, chủ tịch nước, tổng thống, quốc hội hay bộ trưởng các ban ngành các cấp sở tại từ trung ương tới địa phương được tổ chức phức tạp ra sao thì trong siêu hình còn phức tạp hơn thế gấp rất nhiều lần.

Các danh xưng như Thượng Đế, Phật, Chúa, Alla, Ông Trời, Thánh Thần, v.v. cũng chỉ là cách người thế gian định danh các vị thần linh theo cách hiểu hạn hẹp của họ và theo truyền thống tôn giáo hay tín ngưỡng từ ngàn đời xưa. Nếu ví von tổ chức của cõi giới siêu hình như một bộ máy nhà nước thì ở mỗi quốc gia sẽ có một tên gọi khác nhau cho cùng một vị trí tổng thống hay thủ tướng, bộ trưởng theo tiếng bản xứ. Ví dụ sẽ là “tổng thống” trong tiếng Việt, “president” trong tiếng Anh và “总统” trong tiếng Trung. Hình thức thì mỗi nơi mỗi kiểu, nhưng bản chất thì chỉ có một.

Nếu so với rộng lớn của vũ trụ thì Trái Đất chỉ là một hành tinh bé nhỏ, giống như một cái làng, xã nhỏ giữa thế giới có hàng trăm quốc gia và vô số địa giới hành chính. Vũ trụ còn có vô số dải ngân hà và hàng tỷ các hành tinh khác. Mỗi hành tinh như Trái Đất đều có một vị thần linh chưởng quản và trong từng quốc gia cũng có những Thánh Tổ, các thần linh khu vực đảm trách phần hành của mình. Và ở cấp độ nhỏ nhất là gia đình, mỗi gia đình trong một khu vực như xóm, làng đều có các vị gia thần chịu trách nhiệm quản lý.

Ảnh: The New York Public Library

Vậy nên khấn ông Táo như thế nào?

Ở góc độ tâm linh, tín ngưỡng thờ ông Công ông Táo là một tín ngưỡng tốt vì nó khuyến khích người ta biết tưởng nhớ tới những vị gia thần luôn phù hộ độ trì cho gia đạo được bình an suôn sẻ trong suốt cả năm qua, cũng như thành tâm sám hối về những lỗi lầm hay thiếu sót của gia chủ để mong được xá tội. Trong việc thờ kính thần linh, tâm chí thành mới là cái quan trọng nhất, còn mọi hình thức thờ cúng như hoa quả nhang đèn chỉ cần đơn giản, không nên quá rườm rà tốn kém.

Tương tự, gia chủ muốn đọc bản văn khấn nào cũng được, thậm chí không cần đọc theo văn mẫu mà có thể khấn theo những gì trong lòng mình muốn khấn. Ai còn câu nệ đọc bản văn khấu nào đúng hay sai là còn chấp vào hình thức, chứ chưa hiểu được bản chất là thần linh đọc thấu tâm con người. Chưa cần mình khấn gì thì những gì mình suy nghĩ trong đầu mình các vị đã soi thấu hết, nên đừng nghĩ mình qua mặt được thần linh.

Ảnh: Báo Dân Trí

Thói thường con người có tâm lý cúng một mâm hoa quả, đồ ăn đủ đầy rồi cầu xin đủ thứ chuyện cho mình và gia đình, từ sức khỏe, tài lộc, công danh sự nghiệp cho tới tình yêu, vận may, v.v. Con người ta chỉ biết có cầu mà không có nguyện, họ chỉ biết xin xỏ thần linh mà không biết nguyện tu tâm sửa tánh hay nguyện hi sinh một điều gì đó để đánh đổi lại. Họ xem thần linh như thể quan tham ở trần thế mà chỉ cần dùng một dĩa trái cây, một mâm đồ ăn hối lộ là có thể bắt thần linh độ cho họ đủ thứ chuyện. Đó là cái tánh nết không có dễ thương của loài người, mà không có dễ thương thì sẽ không bao giờ được lòng thần linh để mà được phù hộ giúp đỡ cho trong đời.

Khi hiểu mình chỉ là một hạt cát nhỏ xíu trong vũ trụ này và trên đầu ba tấc còn có thần linh quán xét mọi hoạt động của con người, chúng ta mới ý thức về thân phận nhỏ bé của mình để sống sao cho đẹp lòng thần linh và từ từ hoàn thiện linh hồn còn nhiều khiếm khuyết của mình.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx