Khi bước chân vào lĩnh vực xuất bản, tiếp xúc và đọc sách gần như mỗi ngày, mình chợt nhận ra câu chữ bây giờ sao mà ngày càng đi xuống. Những từ ngữ nghèo nàn. Những câu cú lủng củng. Những cách hành văn rườm rà. Những bản dịch trúc trắc. Đôi khi đọc một đoạn văn do người Việt viết, mình cứ ngỡ như đang đọc… sách dịch. Hay khi đọc một bản dịch mà biết là… sách-được-dịch, chẳng khác nào xem phim mà biết là diễn viên đang diễn.

Mỗi khi đọc phải những áng văn như vậy, mình chỉ biết thở dài ngao ngán, ôi sao mà chán. Khoan bàn tới nội dung chữ nghĩa, đôi lúc chỉ ngó qua cách trình bày xếp đặt câu chữ vụng về, đã làm mình chẳng buồn đọc tiếp.

Hiếm hoi lắm mình mới đọc được một áng văn đẹp, thường chỉ có thể tìm thấy trong văn viết hoặc văn dịch của các bậc tiền bối lão làng ở thế hệ trước, những người trải đời và từng đi qua những thời đoạn khó khăn. Thứ phong vị đó khó tìm thấy được trong câu chữ của lớp trẻ sống trong một thế giới phồn hoa. Mượn hình ảnh ẩn dụ của nhà văn Nguyễn Khải mà cảm thán thì câu chữ ngày trước cũng giống như những hạt bụi vàng đã chìm vào lớp đất cổ, mà bây giờ muốn tìm lại chỉ có thể khai quật từ lớp trầm tích cũ.

Từ trăn trở đó, mình mới ấp ủ một ý tưởng là thực hiện một dự án nho nhỏ có tên “Những áng văn đẹp” để gom nhặt lại những áng văn từng làm mình trầm trồ, thán phục khi đọc. Vì sao là “Những áng văn đẹp” mà không phải “Những áng văn hay”? Đơn giản vì hay là yếu tố khó định lượng, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về cái hay, và hay thì thiên về nội dung, tư tưởng của tác giả. Nhưng đẹp là cái mà ai cũng thấy được và dễ dàng công nhận, cái đẹp ở đây là mỹ cảm trong thuật dụng ngôn. Đó là những áng văn mà đọc xong có thể khiến bạn thốt lên: “Sao tiếng Việt mình đẹp đến thế nhỉ?”.

Những áng văn mình giới thiệu sẽ có tính chất ngẫu hứng, không theo một cấu trúc hay chủ đề nào cả. Có khi là văn học trong nước, có khi là văn học nước ngoài, không phân biệt thể loại hư cấu hay phi hư cấu, miễn là câu chữ làm mình rung cảm.

Với mình, một áng văn đẹp có khi là một bữa tiệc ngôn từ làm cho độc giả đắm say ngây ngất, có khi chỉ là một vốc nước mưa thanh ngọt mát lành trong một buổi trưa hè nắng cháy, có khi giống như một chiếc chăn ấm cuộn quanh mình trong một buổi sớm mùa đông. Là một người yêu tiếng Việt, mong muốn giữ gìn vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt, mình hy vọng rằng những áng văn mình chọn lọc, giới thiệu có thể giúp bạn đọc xa gần có thêm tình yêu với tiếng Việt.

Nếu bạn cũng từng đọc được những áng văn đẹp như thế, bạn có thể góp một tay với mình bằng cách giới thiệu hoặc gửi nội dung cho mình qua email oliver.linhnguyen@gmail.com để mình chia sẻ cho mọi người cùng đọc. Xin cảm ơn.

***

Để khai trương dự án này, mình xin giới thiệu đến quý bạn đọc áng văn đẹp đầu tiên được trích từ truyện ngắn “Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu” của Nguyễn Khải, một nhà văn quen thuộc với các bạn học sinh trung học phổ thông với tác phẩm “Một người Hà Nội”. Thời cấp ba, có một câu văn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải mình hay trích dẫn mỗi khi viết về đề tài hạnh phúc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh”.

Mời quý bạn đọc cùng thưởng lãm trích đoạn ngày hôm nay:

“Trời nắng hanh, thứ nắng của mùa rét, quánh đượm như có mùi thơm và vị ngọt của mật. Trong bóng râm của mái hiên lối cửa ngách lên chánh điện, một con chó có bộ lông xù màu vàng bẩn nằm kê mõm lên hai chân trước, nửa ngủ nửa thức rình đuổi bầy chim sẻ xuống mổ thóc nếp phơi ở một góc sân.

Đã nhiều năm sư già phải tu ở một miền đất chỉ có hai mùa mưa và nắng nên mỗi dịp cuối năm lại nôn nao nhớ đến cái rét hanh se, nhớ màn sương mù, nhớ cả những ngày mưa dầm, thục bàn chân trong bùn lạnh gánh rau ra chợ bán. Nhớ cả gắp rau su hào mềm ngọt kho tương, khoanh củ cải bổ tư luộc lên màu trắng như ngọc, cái mâm gỗ tróc sơn, cái bát ăn cơm men vàng nứt rạn. Nhớ bụi thanh trà ở một mé ao, nhớ cụm hoa mộc ở điện thờ đức ông, cái bể cao một đầu một với hứng nước mưa mùa hạ, tiếng gà gáy giữa trưa, tiếng chuông thu không mênh mang lúc chiều tối.

Đã dăm năm nay nhà sư về tu ở chùa cũ mà niềm vui được trở lại đất tổ vẫn chưa phai. Những người quen biết cũ hầu như không còn ai nhưng chùa cũ vẫn còn, vườn xưa vẫn còn, bụi thanh trà, cụm hoa mộc, cây muỗm sau chùa vẫn còn. Một thời rất bình yên vẫn chưa mất hết mọi dấu hết.”

(“Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu”, Nguyễn Khải, viết năm 1993) 

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx