Một tập tản văn mỏng do tác giả tự in và tự phát hành, nhưng chỉ trong vòng 3 tháng đã bán được gần 10.000 bán và đang tái bản tới lần thứ tư (ở thời điểm tháng 10/2024). Đó là quyển sách “Hơi thở trong bàn tay” của tác giả Thái Hạo, một người từng là thầy giáo dạy Văn, sau đó “nghỉ hưu non” về quê sống ẩn dật và cũng là một nhà phản biện xã hội có tiếng trên Facebook.

Mình ấn tượng với bút pháp sắc sảo của anh Thái Hạo và có theo dõi anh một thời gian, những tưởng anh chỉ chuyên viết bình luận xã hội nhưng không ngờ anh cũng viết thơ và tản văn. Điều đặc biệt nằm ở chỗ những tản văn anh viết như thơ, từ hồn cốt của một người tha thiết yêu tiếng Việt và muốn gìn giữ sự trong sáng lẫn vẻ đẹp mộc mạc nguyên bản của tiếng Việt.

Thực sự thì đọc tập tản văn của anh, mình như được tưới mát dưới cơn mưa bóng mây và đón một ngọn gió mát lành vào tâm hồn của một người trưởng thành có phần già cỗi. Những mẩu chuyện anh viết chỉ là những chuyện cỏn con về góc sân, con cóc, tiếng gà, con ngõ và những chuyện quẩn quanh trong một ngôi làng nông thôn Bắc bộ, nhưng lại đượm mùi khói bếp và làm ấm lòng những người lữ khách xa quê.

Mời quý bạn đọc thưởng lãm trích đoạn hôm nay:

“Làng quê vắng, đôi khi tưởng như lạc vào một làng sơ tán. Không thấy ai, không một tiếng người. Giật mình vì một tiếng chích chòe bao năm xa vắng.

Lúa đang thì con gái, xanh mải miết trước hiên nhà vắng. Không biết họ đã đi đâu trong những ngày xuân này. Cửa nhà chẳng đóng, vài con chó nằm trên hiên gạch, gác mõm nhìn ra khoảng sân trống trước mặt, thấy bóng người lạ trên đường thì thả một tiếng sủa vu vơ cho đỡ nhớ, làm bộ dữ dằn mà ánh mắt hiền khô. Lại nằm xuống dõi nhìn bóng khách khuất dần sau những rặng xanh.

Những ngôi làng im lặng như một mảng mây xanh, bồng bềnh trôi trong trời thẳm.

Đàn bò đã ăn no, lên giữa đê nằm nhai bóng, không buồn ghé mắt ngó một chiếc xe bình bịch bên tai. Cứ nằm như thế, mặc kệ thằng người len qua, nghe chừng tội nghiệp kẻ lang thang đầu sông cuối bãi.

Tháng Ba, hoa xoan vỡ trắng, mưa bụi đã về cuối trời quên. Những cánh hoa thay mình làm mưa, níu một âm giai vào lòng cổ độ.”

(Trích đoạn tản văn “Tháng Ba” trong sách “Hơi thở trong bàn tay”, Thái Hạo,
Nhà xuất bản Đà Nẵng)

Một trích đoạn trên Facebook của tác giả Thái Hạo lý giải về câu cuối của bài tản văn:

Trước tiên, xin nói về cả cái đoạn có chứa cái “câu” trên: “Tháng Ba, hoa xoan vỡ trắng, mưa bụi đã về cuối trời quên. Những cánh hoa thay mình làm mưa, níu một âm giai vào lòng cổ độ”. Tôi không viết “nở trắng” mà viết “vỡ trắng” vì cảm thấy hoa như căng tức và đột ngột bung ra như vỡ tung trong trời rộng. Không phải một bông mà là hàng vạn, hàng triệu, cả một trời hoa. Nở thì thường, không có gì mới mẻ cả, phải “vỡ” mới diễn tả hết được cái sức nén và sức sống bên trong; phải “vỡ” mới thấy hết được cái đột ngột, bất ngờ và sự chuyển đổi kỳ diệu của thiên nhiên trời đất.

Tháng Ba, lúc hoa xoan “vỡ trắng” nghĩa là đã cuối Xuân, cũng là khi mưa bụi đã dần hết. Mưa bụi hết thì thường, nhưng mưa bụi như một người quen đang đi về một chân trời khác, như cuộc di trú của một bầy chim hay sự di trú của mùa màng, đó mới là cái nhìn mang tính “sinh thái”, con người và vạn vật bình đẳng, tất cả đều có linh hồn, dõi nhìn nhau trong tiễn biệt.

Khi mưa bụi đã “về cuối trời quên” thì xuất hiện những cơn mưa bụi khác, là hoa xoan. Lúc này hoa xoan trắng trời, nở trong mênh mang. Mưa bụi đã rời chốn cũ đi xa, hoa xoan không níu lại được, đành tự biến mình thành mưa, cho nên mới có cái ý “những cánh hoa thay mình làm mưa”, là vậy.

Trong cái nhìn của tác giả, cơn-mưa-hoa kia không còn là một quá trình sinh học của cây cối, mà là sự tiếc nuối, là lòng muốn níu giữ cái khí xuân, tiết xuân và mưa xuân của trời đất nơi một loài cây tưởng chừng như vô tri. Cái “tâm trạng” ấy của loài xoan không khác gì tâm trạng con người trước những biến thiên dâu bể, trước những đổi thay, phai tàn. Nó muốn giữ những cơn mưa ở lại, giữ cái se lạnh, giữ mùa Xuân… Và tôi gọi “nỗi lòng” ấy của xoan là “níu một âm giai vào lòng cổ độ”.

Cổ độ là bến xưa/ bến cũ. Đây vốn là một từ khá quen thuộc trong thơ xưa, ví dụ Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều có câu “Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ”. Còn “âm giai”, những ai chơi ghi ta thì đều quen thuộc với từ “gam”, nó chính là một thuật ngữ trong âm nhạc phương Tây, chỉ một loại “giọng” được tạo nên từ sự kết hợp của một số nốt nhạc nhất định. Bấm mỗi “gam” khác nhau sẽ cho ra một “giọng” tương ứng. Tóm lại, chữ “âm giai” tôi dùng là để nói về một thanh âm mà ở đây hiểu theo nghĩa bóng là “tiếng lòng” – tiếng lòng của một loài cây đang tha thiết níu gọi những cơn mưa bụi đang lặng lẽ rời đi vào cuối Xuân.

“Níu một âm giai vào lòng cổ độ” là tiếng gọi của cây xoan, hoa xoan, hay cũng chính là tiếng gọi của vạn vật trước những đổi thay của đất trời – gọi bằng sự bung nở và màu sắc. “Lòng cổ độ” là lòng thương nhớ bến xưa hay là lòng nay đã thành bến xưa? Thú thực, tôi cũng không xác quyết được. Cái cõi lòng ấy đang vang lên những thanh âm của sự tiếc nuối như một lời chia biệt giữa bao la trời đất.

Hoa xoan vỡ trắng, đây là thời khắc giao mùa, Xuân còn một bước nữa để sang Hè; là cái giây phút giao thoa giữa cũ và mới, giữa còn và mất, giữa nhớ và quên… Và trong cái phút chia ly ấy, hoa xoan và mọi tạo vật trên đời như đang tha thiết gọi, “vỡ” ra trong im lặng một “âm giai” của màu sắc, của hương thơm.

Tôi nhớ câu thơ của Xuân Quỳnh, “Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc”. Tôi lại nhớ câu thơ của Thanh Tâm Tuyền, “Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”. Cái “lòng” cái “nhớ” ấy, dù là lúc chưa chia xa nhưng đã khởi lên tiếc nuối như đã “nghìn thu cách biệt”. Nó chính là một biểu hiện “lòng cổ độ” trong cách tôi đã dùng cho câu văn của mình.

Thực ra, tôi viết những dòng diễn giải trên đây chỉ để… cho vui. “Tác giả đã chết”. Sau khi tác phẩm chào đời thì đối với nó, anh ta cũng chỉ còn là một độc giả bình thường như bao độc giả khác. Anh ta không còn quyền năng gì nữa. Nhưng là một độc giả, thì tất nhiên anh ta có quyền nói về một tác phẩm chứ, phải không? Và đừng ai lấy những “giải thích” của tôi, để coi là cái hiểu duy nhất đúng.

Ai cũng có quyền hiểu và cảm theo cách của mình, và nó bình đẳng với tác giả. Thậm chí, bạn chưa cần hiểu thế nào là “âm giai”, là “cổ độ”, nhưng nếu cái âm hưởng Hán – Việt và không khí xưa cũ ấy mà chúng có thể gợi lên, đã làm dậy trong lòng mình một chút mơ hồ khói sương bảng lảng nào đó, thì như thế, cũng là ta đang đọc văn, thưởng văn rồi. Chẻ sợi tóc làm tư không phải khi nào cũng tốt.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx