Trung thu, mùa của Tết đoàn viên, mùa của trăng rằm tròn vành vạnh, mùa của những chiếc lồng đèn lung linh trong đêm, mùa của tiếng trống múa lân và bọn con nít nói cười rổn rảng nối đuôi nhau chơi rồng rắn lên mây, mùa của những chiếc bánh trung thu nướng vàng ươm đượm vị bên tách trà nóng vừa thổi vừa nhấm nháp. Nhắc đến trung thu là bao miền ký ức thơ ấu lại dạt dào ùa về, như một sớm ra đường thấy trời se lạnh đã biết mùa sang thu.
Mời quý bạn đọc thưởng lãm trích đoạn hôm nay:
“Trong một năm, không có mùa nào trăng lại sáng và đẹp như trăng thu. Từ thượng tuần tháng tám, nhìn lên cao, nhà thi sĩ thấy cả một bầu trời phẳng lì mà xanh ngắt, không có một đám mây làm vẩn đục làn ánh sáng mơ hồ của trăng tỏa ra khắp cả nội cỏ đồi cây, chân sim bóng đá, nhưng từ rằm trở đi thì ánh trăng mới thực lung linh kỳ ảo. Vợ chồng dắt nhau đi vào trong ánh trăng lúc ấy cảm thấy mình đi ở trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê ly thần thoại. Lắng tai nghe thật kỹ, đâu đây có cái gì rung động như cánh của những con bướm mới ra ràng.
Mà ở đâu đây có cái hương thơm gì dìu dịu thế? À, đấy là hương lúa ba giăng, mà tiếng rung động nhè nhẹ kia chính là tiếng ân tình nhỏ bé của những bông thóc thơm thơm ngã vào lòng nhau để tìm sự ấm áp trước ngọn gió vàng hiu hắt.
Mùa hồng lúc này đã rộ, bưởi cũng đã nhiều, nhưng thơm ngọt ngào mùi đất nước quê hương, đó có cái gì sánh được với cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc ngon lừ.
Đi trên những con đường nóng bỏng của trời tháng tám miền Nam bây giờ, tôi nhớ gì là nhớ đến những buổi sáng mùa thu mẹ mua cho một mẻ cốm giót ăn lót lòng buổi sáng trước khi đi học, rồi đến khi có vợ có con thì vợ biết tính chồng, thường dặn những người gánh cốm ở Vòng lên bán, thế nào cũng giữ cho những mẻ cốm thật ngon đem nén rồi đơm vào những cái đĩa con phượng để chồng ngồi nhẩn nha xắt ra từng miếng nhỏ, vừa ăn vừa nhấm nháp nước trà sen thơm ngát.”
(Trích đoạn sách “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng,
hồi ký viết năm 1972)