
Gần đây một người bạn quen có chia sẻ với mình dự định nghỉ việc của bạn. Bạn muốn tìm một công việc khác vì công ty hiện tại phải đi làm cả thứ Bảy, một điều với bạn là khó chấp nhận vì bạn không còn nhiều thời gian dành cho bản thân sau giờ làm. Tuy nhiên, bạn lại đắn đo trước lựa chọn này vì thu nhập công ty hiện tại khá tốt, công việc cũng đang ổn định, nghỉ thì lại thấy tiếc và đi làm chỗ mới thì phải học cách thích nghi lại từ đầu. Chính vì sự đắn đo ấy mà bạn cứ dùng dằng phân vân mãi, chưa tự tin để đưa ra quyết định nghỉ việc.
Đối với mình, bạn khó đưa ra lựa chọn nghỉ việc cũng vì động lực sâu thẳm bên trong bạn chưa đủ lớn. Vậy đối với phần lớn chúng ta, thời điểm nào là thích hợp để chúng ta quyết định nghỉ việc và chuyển sang một công việc mới?
Không nên quá tin người
Một cô bạn của mình làm việc bên lĩnh vực xuất nhập khẩu của một công ty đa quốc gia nọ. Sau một thời gian cày cuốc, bạn cũng lên được vị trí Supervisor quản lý một team. Là người sống tình cảm, bạn rất quan tâm tới nhân viên và giữ mối quan hệ cực kỳ thân thiết với nhân viên như thường xuyên đi ăn, trò chuyện và chia sẻ về công việc mà không có khoảng cách. Tin tưởng nhân viên là thế, đến khi công việc gặp biến cố và team bạn tranh chấp với team khác, bạn bị nhân viên nói xấu sau lưng và đem những thông tin mật bạn chia sẻ đi đấu tố ngược lại bạn với cấp trên. Kết quả là, bạn thất vọng toàn tập với những người mình từng tin tưởng và quyết định nghỉ việc trong sự bức bối và khó chịu.
Những tưởng cú sốc đầu đời làm sếp này đã dạy cho bạn một bài học nhớ đời, nhưng không, sang tới công ty thứ hai thì bằng một cách vi diệu nào đó tình huống cũ một lần nữa lặp lại y chang. Bởi bạn vẫn giữ tâm thái và cách hành xử y như cũ, vũ trụ lại xoay vần cho bạn gặp một thử thách tương tự ở cấp độ cao hơn. Lần này vấn đề không đơn thuần chỉ là bị cấp dưới phản bội mà bạn còn bị ảnh hưởng tới danh dự khá nặng nề và cuối cùng phải nghỉ việc trong tai tiếng.
Sang tới công ty thứ ba, lúc này bạn đã thấm nhuần bài học xương máu sau trải nghiệm với hai môi trường làm việc trước. Ở phía bạn có một sự chuyển hóa mà mình nghe kể cũng thấy bất ngờ, bạn bắt đầu học cách giữ khoảng cách với nhân viên, thiết lập ranh giới giữa sếp và nhân viên. Cụ thể là, bạn sẽ ăn trưa một mình hoặc đi ăn bên ngoài chứ hạn chế tối đa việc ngồi ăn chung bàn với nhân viên, cũng như ít đi chơi hay tụ tập riêng bên ngoài với nhân viên. Trên hết, bạn cũng hạn chế việc chia sẻ những thông tin nội bộ từ cấp trên cho nhân viên để tránh vạ miệng và giữ sự an toàn cho bản thân. Nhờ thay đổi nhận thức và chuyển đổi tâm thế, bạn đã vượt qua được thử thách cũ ở chốn công sở và xem như đã học được bài học cần học, do đó tình huống cũ cũng không còn lặp lại. Nhưng đồng thời ở môi trường mới này, bạn bắt đầu đối diện với một bài học khác cao hơn…

Phải biết yêu thương bản thân
Có một bài học mà mình phải mất gần 10 năm trời mới học được, đó là bài về sự yêu thương bản thân. Ở môi trường đại học, mình từng tham gia vào một câu lạc bộ truyền thông và cống hiến suốt 4 năm trời ở đó, đi từ một thành viên bình thường lên đến vị trí trưởng ban rồi Chủ nhiệm câu lạc bộ quản lý hơn 30 người với các ban chức năng khác nhau. Trong suốt quãng thời gian ấy, trong danh sách ưu tiên của mình thì chuyện của CLB và của các thành viên trong CLB đều là ưu tiên hàng đầu.
Mình còn nhớ có lần mẹ mình từng nhập viện (một căn bệnh cũng không quá nặng), nhưng đó là lần đầu tiên mẹ mình từ quê vào nhập viện ở Sài Gòn. Trùng với thời điểm ấy thì CLB của mình đang tổ chức một chương trình từ thiện khá lớn cho trẻ em vùng cao ở một trường tiểu học tại Đắk Nông. Chương trình mất mấy tháng trời để chuẩn bị và cũng là lần đầu CLB mình tổ chức một chương trình lớn như vậy. Ở vai trò là host điều phối chương trình, mình không thể vắng mặt vào phút cuối vì sẽ làm mọi chuyện rối tung lên vì có những đầu việc chỉ có mình nắm và nếu mình vắng mặt thì cũng ảnh hưởng tinh thần rất lớn đối với mọi người trong đoàn. Cuối cùng mình lại lựa chọn ưu tiên CLB hơn mẹ mình, một lựa chọn mà sau này mình cảm thấy rất hối hận, dù cho sức khỏe mẹ mình sau đó đã hồi phục lại bình thường.
Gắn bó và trách nhiệm với CLB là như vậy, để rồi đến phút cuối cùng, vì một số mâu thuẫn nội bộ và không nhận được sự tôn trọng từ ban sáng lập CLB, mình lựa chọn từ chức khi đang đương nhiệm và là vị Chủ nhiệm đầu tiên trong lịch sử hơn 12 năm của CLB tự ý rời bỏ chức vụ khi chưa được duyệt thông qua. Sau đó, mình cũng đưa ra một lựa chọn khá cực đoan là cắt đứt quan hệ với hầu hết những thành viên trong CLB ấy.

Sau này đến khi đi làm ở công ty thứ hai, thử thách cũ mình chưa vượt qua được một lần nữa lại lặp lại theo một khuôn mẫu y hệt, nhưng với một cấp độ khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Giống như xuất phát điểm ở CLB thời đại học, trong suốt 5 năm ở công ty này, mình cũng đi từ một nhân viên bình thường lên đến vị trí Team Lead, Manager, Senior Manager và cuối cùng là Director, làm việc chỉ dưới quyền CEO và quản lý nhiều phòng ban với hàng chục nhân sự. Với tinh thần trách nhiệm và cái tâm làm nghề, mình cũng cống hiến hết sức mình cho công ty và góp phần vào nhiều thành công to lớn của công ty sau hơn 10 năm phát triển. Trong danh sách ưu tiên của mình, công việc và công ty luôn được xếp ưu tiên hàng đầu, tới mức mình đi làm cả năm mà hầu như không xài đến ngày phép.
Ở series Gap year – Một năm sống chậm, mình có chia sẻ chi tiết lý do vì sao mình nghỉ việc ở công ty này. Đến một ngày, bỗng nhiên mình chợt nhận ra công việc không phải là tất cả. Khi quá tập trung vào công việc, mình đã đánh rơi khá nhiều thứ khác trong cuộc sống, trong đó có sức khỏe của bản thân và những mối quan hệ cá nhân. Mình nghiệm ra một điều rằng, mình vốn không cần phải có trách nhiệm với cuộc sống của ai cả, dù đó là sếp hay nhân viên của mình, nên mình không cần phải quá lo lắng khi mình nghỉ việc thì nhân viên của mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Đôi khi, chính vì cái vòng kim cô trách nhiệm này, mình vì cuộc sống và tâm trạng của người khác mà chấp nhận hi sinh bản thân. Mỗi cá nhân trưởng thành rồi thì đều phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình, người ta đi làm cũng vì mưu sinh chứ chẳng ai đi làm vì ở đó mình là sếp của họ. Ai có duyên thì được làm với mình, được mình hỗ trợ giúp đỡ, còn hết duyên thì họ sẽ làm với người khác, cũng chưa biết vị sếp nào sẽ tốt hơn.
Bài học yêu thương bản thân chỉ là một bài học trong số combo bài học của mình ở công ty cũ, nhưng mình phải mất tới gần 10 năm ở hai môi trường khác nhau mới có thể học được. Đến công ty mới, mình bắt đầu thay đổi từ việc đơn giản là xài ngày phép xả láng và xem bản thân quan trọng hơn công ty. Nếu một ngày nào đó thấy mệt hay khó chịu trong người thì mình xin nghỉ, công việc thì để đó từ từ làm chứ cũng chẳng chết ai vì deadline vốn dĩ không gấp. Công việc chỉ là một phần của cuộc sống, và trong cuộc sống còn có những thứ khác quan trọng hơn công việc rất nhiều.

Hiểu về bài học nghiệp
Có thể hiểu đơn giản, bài học nghiệp là những nợ nghiệp hay cái nhân xấu bạn từng gieo trong tiền kiếp, đến lúc thuận duyên thì cái nhân đó sẽ nảy nở và trổ quả để bạn nhận lãnh lấy cái quả – quả xấu hay quả tốt tùy vào cách phản ứng và hành xử của bạn. Trong chính cái hoàn cảnh tạo tác nhân duyên đó, bạn sẽ học được cái bài học mà linh hồn của bạn cần học trong kiếp sống này. Có thể ví von trường đời cũng giống như một trường thi lớn mà mỗi linh hồn là một học sinh. Chúng ta phải học từ từ để lên lớp, muốn lên lớp phải có kiểm tra, thi cử và phải vượt qua được bài kiểm tra đó thì linh hồn của bạn mới có sự tiến hóa đi lên. Bài học sau sẽ khó hơn bài học trước, cũng như bài thi của lớp 10 thì sẽ khó hơn bài thi của lớp 6.
Ở trường học, nếu học sinh sinh viên mà thi rớt một môn học hay học phần thì nguyên tắc là phải học lại, thi lại, cho tới khi nào thi đậu thì mới xem như qua môn. Điều tương tự cũng xảy ra với linh hồn, nếu chúng ta không vượt qua được bài kiểm tra cuộc đời thì ta sẽ tiếp tục gặp lại nó trong một hoàn cảnh khác, với những khuôn mẫu gần như lặp lại. Một bài học có thể lặp đi lặp lại suốt một kiếp sống, thậm chí sang tới cả kiếp sau nếu như kiếp trước chúng ta vẫn chưa thi đậu. Trên lộ trình phát triển của linh hồn, chỉ khi học được những bài học cần thiết phải học để tiến hóa thì chúng ta mới có cơ hội học tiếp những bài cao hơn và khó hơn.

Gần đây mình có trò chuyện cùng một người em về định hướng sự nghiệp của em sắp tới. Em hiện đang là manager của một công ty lớn, có mức thu nhập rất cao, quyền hành chỉ dưới CEO và em được công ty tạo điều kiện để có thể tự do phát triển bất kỳ bộ phận nào nếu em có ý tưởng đổi mới sáng tạo. Sau 4 năm làm việc, em cảm thấy mình đã phát triển hết nấc ở công ty hiện tại, những gì cần làm và có thể cống hiến được cho công ty thì em đã làm. Khi công việc đi vào quỹ đạo mặc định, thu nhập ngày càng tăng và lương bổng không còn là vấn đề bận tâm, em bắt đầu trăn trở về con đường sự nghiệp tương lai và hướng tới những điều cao xa hơn như theo đuổi một công việc nào đó đem lại giá trị cho xã hội.
Trong buổi cafe với em, mình có nói với em một ý có tính chất tâm linh rằng, mỗi môi trường làm việc đều là một hoàn cảnh giả lập để thử thách và rèn giũa tâm tánh của linh hồn, theo một kịch bản rất công phu phức tạp mà ông trời đặt để cho chúng ta. Mỗi công việc sẽ dạy cho linh hồn một bài học hay sửa đổi một cái tính nết nào đó chưa được của bản thân để chúng ta ngày càng hoàn thiện mình hơn. Em công nhận điều mình nói, qua ví dụ thực chứng từ em là khi mới vào làm công ty hiện tại, tính của em rất hay cả nể và sợ mất lòng người khác, nhất là đối với cấp trên, đó cũng là tính cách mà em được gia đình giáo dục từ nhỏ. Suốt 4 năm làm việc ở công ty này, bài học lớn nhất em học được vượt qua thói cả nể đó để nói thẳng nói thật suy nghĩ của bản thân, mình muốn cái gì thì phải nói ra người khác mới biết được, chứ nói vòng nói vo nói giảm nói tránh thì đố ai biết được mình muốn gì.

Bản thân mình khi chuyển sang môi trường làm việc mới, mình cũng bắt đầu đối diện với thử thách mới liên quan đến tâm tính. Vốn dĩ mình là một người cực kỳ nguyên tắc và khó tính, những môi trường mình từng làm việc qua đều hết sức bài bản và chuyên nghiệp, điều tréo ngoe là công ty hiện tại hoàn toàn trái ngược với tiêu chuẩn này với những chuyện hết sức “bullshit jobs”. Chẳng hạn như thời buổi nào rồi mà đi làm vẫn phải chấm công bằng vân tay, muốn xin nghỉ phép phải in đơn ra và nộp cho HR cho trình ký qua mấy cửa, các thủ tục công việc khá nhiêu khê nhiều cửa nhiều dấu, và công ty cũng như các phòng ban không có một quy trình công việc nào được văn bản hóa để áp dụng, v.v. Nói chung là tổng hợp combo của một công ty truyền thống điển hình, khác với xu hướng 4.0 của nhiều start-up trẻ, ngặt một nỗi đây là công ty phù hợp nhất khi mình lựa chọn rẽ sang ngành mới.
Và chính trong một môi trường mình từng nghĩ mình không thể chịu được chứ đừng nói tới chuyện apply, đây lại là một hoàn cảnh thuận duyên để mình rèn giũa cái sự quá cứng nhắc và nguyên tắc của bản thân, để học cách chấp nhận những sự không hoàn hảo vốn dĩ luôn thường trực trong thực tế, cũng như học được tính bao dung từ sếp trực tiếp của mình khi chị có thể vui vẻ đón nhận được những thứ mà bình thường người ta khó chấp nhận.

Trở lại câu hỏi mình đặt ra ở đầu bài, cá nhân mình nghĩ chúng ta chỉ nên nghỉ việc khi cảm thấy bản thân đã học đủ những bài học cần học ở môi trường làm việc hiện tại và đã phát triển hết nấc ở công việc bạn đang làm, theo hướng bạn không còn không gian để phát triển và học hỏi lên nữa khi bạn có thể làm như chơi và xử lý mọi sự xảy đến trong công việc một cách nhẹ nhàng. Khi đó bạn nên chuyển việc để chuyển đổi sang công ty mới, cọ xát va chạm với những con người và môi trường mới để học tiếp những bài học mới của linh hồn. Khi mình đi làm, mình không bao giờ đặt mục tiêu theo kiểu sẽ gắn bó với công ty này 3 năm hay 5 năm, mà mục tiêu của mình là phát triển tới mức cao nhất trong vị trí công việc chuyên môn hiện tại – không phải về mặt cấp bậc hay chức vụ mà là những gì mình có thể học hỏi được ở công ty ấy.
Đa số những người trẻ hiện tại đều nhảy việc khá sớm khi chỉ làm việc được 1-2 năm, với mình thì 3 năm vẫn còn là khá ngắn ở một công ty. Nhiều người chỉ vì một chút bất mãn với sếp, với đồng nghiệp hay công ty là đã vội vàng nhảy việc, hoặc thấy nơi khác có thu nhập hấp dẫn hơn thì lập tức nhảy sang. Những cuộc chuyển đổi công việc chớp nhoáng như vậy thường không giúp ích gì cho việc rèn giũa tâm tánh và học bài học của linh hồn, bởi điều kiện môi trường còn chưa tạo tác để nhân duyên hội tụ và cái nhân cũ được trổ quả. Ví như trong trường hợp của mình, nếu mình nghỉ việc khi chỉ mới làm tại công ty 3 năm và mới lên vị trí Team Lead, ở giai đoạn ấy hoàn cảnh giả lập của mình vẫn chưa được thành hình để dẫn tới bài kiểm tra cuối kỳ. Việc này cũng tương như bạn đang theo học một khóa học mà nghỉ ngang nửa chừng thì không đủ điều kiện để thi cuối khóa, mà sang khóa sau bạn phải học lại từ đầu cho đến đúng lúc đúng thời điểm thì kỳ thi mới diễn ra.

Lầm tưởng về bài học nghiệp
Một cô bạn của mình làm PR tại một công ty nọ. Thu nhập, ý nghĩa công việc, môi trường làm việc – tất cả đều tốt, ngoại trừ chuyện sếp bạn có tính khí khá thất thường và nhiều khi vô lý hết sức chịu đựng. Trong hai năm bạn làm việc tại công ty này, mình đã nghe bạn kể kha khá chuyện về cái sự trời ơi đất hỡi của vị sếp này, tới nỗi nếu rảnh quỡn thì mình có thể tập hợp lại để viết thành một series “Những vị sếp hắc ám”.
Đỉnh điểm nhất gần đây là chuyện ngay tối thứ Sáu (công ty bạn không làm việc thứ Bảy), sếp nhắn cho bạn một cái brief công việc, yêu cầu viết một bài phản pháo lại lập luận của một vị chuyên gia nọ nhận định về tiền mã hóa (crypto) để gửi đăng báo (dưới danh nghĩa sếp bạn viết). Cái yêu cầu này cũng xuất phát từ tính sân si của sếp, chứ vốn dĩ công ty bạn nằm trong một nhóm ngành khác hoàn toàn không liên quan gì tới crypto, và dĩ nhiên là bạn cũng không có đủ chuyên môn lẫn hiểu biết về thị trường crypto để mà đi phản biện lại lời chuyên gia. Deadline là sáng mai phải có bài gửi cho sếp review. Đứng trước một cái brief hết sức vô lý tào lao như vậy, đã vậy còn bị bắt phải làm việc cuối tuần, ấy vậy mà bạn không ý kiến gì mà lại còn vui vẻ nhận job, xong thú nhận với mình bạn là “hoa hậu thân thiện” và “chúa thảo mai” chứ không muốn làm mất lòng sếp, trong khi trong lòng bạn thì đang nổi cơn tam bành.
Bởi bạn cũng là một người theo hệ tâm linh nên mình mới nhắc bạn cần xem lại bài học nghiệp của công ty hiện tại là gì. Sau một hồi suy nghĩ, bạn cho rằng đó là sự kiên nhẫn trước những điều khó có thể kiên nhẫn. Quen biết bạn lâu năm, mình biết bạn có thừa kiên nhẫn khi có thể làm được nhiều job cùng lúc, hay vừa đi làm vừa học văn bằng 2 và còn học thêm ngoại ngữ khác, nên kiên nhẫn không phải là bài mà bạn cần học thêm nữa. Có một điểm tuy người trong cuộc không thấy nhưng người ngoài cuộc như mình lại thấy rất rõ, một phần cũng bởi vì mình từng trải qua bài học tương tự bạn trước đây và đã qua bài, đó là học cách buông bỏ bản ngã và thể diện của bản thân xuống. Cô bạn mình vì muốn xây dựng hình tượng nhân viên chăm chỉ cầu tiến trong mắt sếp mà sẵn sàng chịu thiệt (như làm task ngoài chuyên môn và làm việc cả cuối tuần) để bảo vệ hình tượng mặt mũi của bản thân. Xét ở góc độ linh hồn, đó là cách làm hoàn toàn sai và đi ngược lại với chiều hướng tiến hóa của linh hồn.

Để nhìn ra được bài học nghiệp chốn công sở, bạn phải nhận ra được mô thức rằng: Có những việc lẽ ra mình phải làm và nên làm nhưng cuối cùng mình lại không làm, để rồi mình cứ bị mắc kẹt vào tình huống đó liên tục và từ sâu thẳm trong linh hồn bạn luôn cảm thấy bức bối, khó chịu về điều ấy. Như cô bạn mình, lẽ ra bạn phải biết nói lời từ chối với những điều không phù hợp và không thỏa đáng vì quyền lợi của bản thân, chứ không phải thỏa hiệp theo những yêu cầu vô lý của sếp. Cái brief công việc trên không phải lần đầu mà là hệ quả của rất nhiều lần thỏa hiệp trước của bạn. Kết quả là bạn cứ bị mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được của cảnh huống đó. Và đó cũng là bài học nghiệp của bạn ở công ty hiện tại.
Sau khi trò chuyện với mình và nhận ra vấn đề của bản thân, bạn vẫn gửi bài cho sếp theo yêu cầu (sau khi vật vã cả buổi tối thứ Sáu để viết và phải nhờ một người quen có chuyên môn review lại), nhưng sau đó tắt hết thông báo và chuyển sang chế độ “không làm phiền” trên app công ty. Suốt hai ngày cuối tuần đó, sếp bạn thực tế cũng chẳng nhắn tin hay gọi điện gì, chứng tỏ công việc này căn bản không hề gấp và cũng không quá quan trọng. Sau đó mình được nghe kể lại, cuối cùng bài viết ấy sếp bạn cũng gác lại không đăng và khiến bạn chưng hửng tới ngỡ ngàng bật ngửa.