Ảnh: Kevin Erdvig

Ai trong chúng ta cũng từng trải qua những nỗi đau buồn, mất mát hay tổn thương trong quá khứ, thật nhẹ lòng khi ta có thể kể hay viết ra câu chuyện của mình cho người khác nghe hay đọc. Có hẳn một khái niệm gọi là “nghệ thuật kể chuyện” (storytelling), từ thuở hồng hoang tổ tiên của chúng ta đã biết cách kể nên những câu chuyện truyền thuyết và thần thoại về sự hình thành trời đất và sự ra đời của loài người, cũng như những câu chuyện cổ tích dân gian được truyền lại suốt bao đời mà ông bà cha mẹ thường kể cho con cháu nghe. Trong cuộc sống hiện đại, kể chuyện được nâng lên thành một phương pháp, một kỹ thuật thường được tận dụng trong lĩnh vực truyền thông và marketing để kể câu chuyện về thương hiệu, để xây dựng thương hiệu cá nhân hay để thao túng truyền thông,…

Nhưng có bao giờ bạn nghĩ về việc: Nếu một người không thể kể một câu chuyện về nỗi buồn của mình thì sao? Không phải ai sinh ra cũng có trí thông minh cảm xúc để nhận diện được những cảm xúc nội tâm của chính mình – nhiều người trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng không thể diễn tả được trạng thái cảm xúc của họ như thế nào. Tương tự, không phải ai cũng có trí thông minh ngôn ngữ và khả năng dụng ngôn để biểu đạt những tâm tư hay suy nghĩ của họ ra ngoài – họ bị mắc kẹt trong những vấn đề cá nhân mà không thể nào diễn đạt được chúng. Và một khi bạn không thể kể câu chuyện của chính mình, câu chuyện của bạn sẽ kể lên chính bạn – nó sẽ biểu đạt con người bạn qua những hành động trong vô thức mà chính bạn cũng không thể hiểu vì sao mình lại hành xử như vậy.

Ảnh: Netflix

“Bất hòa” trong đời sống nội tâm

Gần đây Netflix có ra mắt một series phim rất hay có tên Beef (tựa tiếng Việt: Bất hòa) nói về đời sống của những người châu Á nhập cư trên đất Mỹ. Phim mở đầu bằng một cuộc đụng độ giữa hai người xa lạ trên đường – Amy Lau (Ali Wong đóng) và Danny Cho (Steven Yeun đóng), hai con người có hai cuộc đời hoàn toàn trái ngược nhau. Khi anh chàng Danny lùi xe ở bãi đậu xe của siêu thị thì bị xe của cô nàng Amy ngáng đường, cô thò tay ra ngoài cửa kính và giơ ngón tay giữa chọc tức anh chàng, thế là dẫn tới một màn rượt đuổi ngoạn mục của cả hai trên đường và cũng là khởi đầu cho những màn đấu đá giữa cả hai sau đó. Nếu như Amy là một bà mẹ sống trong một gia đình thượng lưu, có chồng là một nghệ thuật gia và gia đình chồng tri thức kiểu mẫu, thì Danny là một anh chàng độc thân sống trong một căn hộ bình dân với đứa em trai ăn bám, công việc thì bấp bênh và tương lai thì mờ mịt.

Hai nhân vật Amy và Danny. Ảnh: Netflix

Nếu so sánh hoàn cảnh sống giữa Amy và Danny, khán giả sẽ thấy cô sở hữu tất cả mọi thứ mà bất kỳ người nhập cư nào cũng khao khát – có nhà cửa, có gia đình giàu có, có công ty riêng và một sự nghiệp đang trên đà phát triển, cũng như có danh vọng và tên tuổi trong lĩnh vực mà cô đang làm, nhưng điều gì lại khiến cho người phụ nữ lúc nào cũng nhẹ nhàng, hòa nhã với chồng và con gái lại có thể nổi khùng nổi điên chơi trò rượt đuổi trên xa lộ với Danny và có những màn đáp trả không trượt phát nào để trả thù anh cho bằng được? Khán giả xem phim sẽ thấy Amy là một người hết sức kiên nhẫn và nhu mì khi nói chuyện với chồng, con gái hay mẹ chồng, cả với nhân viên hay những người bạn trong khu phố, dù nội tâm cô có thể cảm thấy khó chịu với hành động hay thái độ của đối phương.

Ảnh: Netflix

Có một sự thật là Amy đang mắc phải căn bệnh trầm cảm khá nặng, cô không cảm nhận được hạnh phúc và niềm vui sống trong chính căn nhà của mình. Mặc dù có tiếp nhận trị liệu từ chuyên gia tâm lý trị liệu cho cặp đôi, nhưng tình hình của Amy vẫn không mấy khả quan, bởi cô không thể kể được câu chuyện của mình cho chuyên gia tâm lý nghe. Sau những màn đấu đá mệt mỏi không khác nào “Tom & Jerry”, Amy và Danny cũng có dịp đụng độ nhau trong một bữa việc mà chồng Amy mời Danny đến tham dự, vì anh chồng không biết cả hai là kẻ thù không đội trời chung. Cuộc đối thoại giữa Amy và Danny lúc này là giữa hai kẻ đồng bệnh tương lân:

– Tôi chỉ muốn biết cô có vui vẻ với mọi thứ không. Mọi nỗ lực của cô đã được đền đáp rồi nhỉ? Vậy cô đã thỏa mãn chưa?
– Anh quan tâm làm gì?
– Tôi muốn biết tôi có thể làm được như cô không?
– Mọi thứ đều mờ nhòa dần đi. Không có gì là mãi mãi. Chúng ta chỉ là lũ rắn ăn đuôi thôi.

Cuộc tái ngộ giữa Amy và Danny. Ảnh: Netflix

Bản thân Danny là một người nhập cư xuất thân từ tầng lớp lao động và luôn phấn đấu hướng tới giấc mơ Mỹ để anh có thể đón cha mẹ già bên Hàn Quốc sang đây sinh sống, nên cuộc sống của Amy và những thành tựu mà cô đạt được ở hiện tại chính là những gì mà anh luôn khao khát. Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, dù cho đang đứng trên đỉnh vinh quang thì Amy vẫn không cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ, cô chỉ thấy như mình đang gặm nhấm nỗi đau của chính mình và cuộc sống đang mờ nhòa dần đi. Tất cả những thành tựu hào nhoáng bên ngoài không thể bù đắp được cho những vết thương lòng bên trong cô.

Đi đến những tập gần cuối phim, khán giả mới được hé lộ những góc khuất trong tính cách của Amy và hiểu được lý do vì sao đời sống nội tâm của cô lại có những bất hòa như vậy. Sinh ra trong một gia đình nhập cư có mẹ là người Việt, ba là người Trung Quốc, từ nhỏ Amy đã lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc khi cha mẹ thường xuyên cãi nhau và ban đầu cả hai đều không muốn cô ra đời. Năm lớp 12, Amy đã từng chứng kiến cảnh ba mình ngoại tình và dắt cô bồ nhí về nhà khi mẹ Amy đi vắng. Chính vì lẽ đó mà Amy luôn muốn trốn chạy thật xa khỏi gia đình, ngay cả lấy chồng cô cũng chọn lấy một người ở tiểu bang khác rất xa nhà, và luôn cố gắng làm một người vợ, người mẹ tốt để vun đắp hạnh phúc cho gia đình.

Ảnh: Netflix

Tới khi đời sống hôn nhân rạn vỡ, cô trở về thăm nhà và hỏi mẹ (nghệ sĩ Hồng Đào đóng) chuyện năm xưa cho ra lẽ:

– Mẹ, con lái xe đến tận đây để nói với mẹ một việc. Con không muốn làm mẹ buồn, nhưng năm 12 con đã từng thấy một việc và lẽ ra con nên…
– Chúa ơi. Amy, dừng lại nha con. Con muốn nói gì mẹ đều biết hết. Được chưa?
– Ý mẹ là sao? Bố mẹ biết hết về chuyện đó rồi à?
– Không. Cần gì phải nói? Và mẹ con mình cũng không cần.
– Đấy, vấn đề của nhà mình đấy mẹ. Chúng ta không bao giờ cởi mở về bất cứ chuyện gì. Và giờ…
– Amy, đủ rồi con!

Hóa ra từ bấy lâu nay, mẹ Amy luôn biết chuyện ba cô ngoại tình nhưng bà lựa chọn im lặng bỏ qua, chấp nhận mọi thứ và tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân đổ vỡ từ bên trong ấy. Trong văn hóa của gia đình Amy, khi giữa các thành viên có vấn đề với nhau, không bao giờ họ lựa chọn đối diện để thẳng thắn trò chuyện và thành thật với nhau, mà tất cả chỉ là một sự im lặng kéo dài từ năm này qua năm khác. Trải qua tuổi thơ trong môi trường đó, Amy mang trong mình một câu chuyện chưa bao giờ được kể. Và khi Amy không thể kể ra câu chuyện đó với nhà trị liệu tâm lý hay với chính bản thân mình, câu chuyện đó sẽ tự kể chính nó qua cuộc sống của cô.

Trong gia đình nhỏ của mình, dù cho Amy biết rằng chồng mình đang ngoại tình với nhân viên của cô, dù cho Amy khó chịu với bà mẹ chồng khó ở khó chiều luôn đòi hỏi đủ thứ, dù cho Amy phát bực với sự nhõng nhẽo của cô con gái, nhưng cô vẫn lựa chọn im lặng cho qua và bên ngoài vẫn tỏ ra vui vẻ hết mực. Để rồi khi bước ra khỏi ranh giới gia đình, đối diện với một người xa lạ như Danny, Amy có thể ba máu sáu cơn thổi bùng lên những bất hòa trong nội tâm của cô và trút hết lên anh qua những màn trả đũa một chín một mười. Không có lửa thì không thể có khói là vậy.

Ảnh: Netflix

Vài câu chuyện chưa bao giờ được kể

Ở góc độ phân tâm học, tuổi thơ thường để lại trong ta những dấu chỉ về cách hành xử một cách vô thức và bản năng ở tuổi trưởng thành. Nếu là một người tỉnh thức và thấu hiểu bản thân sâu sắc, bạn có thể lý giải được suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình một cách tỏ tường. Nhưng thực tế là phần lớn chúng ta đều không ở cấp độ đó, mà đa số chúng ta đều có những câu chuyện chưa bao giờ được kể bởi vì không có ai giúp ta tìm ra ngôn từ phù hợp. Ở Việt Nam, tư vấn và trị liệu tâm lý vẫn còn là một khái niệm rất xa lạ và tốn kém. Nói như nhà phân tâm học Stephen Grozs: “Khi chúng ta không thể tìm ra cách kể câu chuyện của mình, câu chuyện sẽ kể chúng ta – ta mơ về chúng, ta phát triển các triệu chứng hoặc ta thấy mình hành động theo những cách mà ta không thể hiểu”.

Những cảm xúc bị mắc kẹt và không được xử lý của bạn thời thơ ấu có xu hướng xuất hiện và tái xuất hiện trong suốt cuộc đời bạn ở tuổi trưởng thành. Câu chuyện cuộc đời mà bạn không thể kể ấy sẽ luôn đòi hỏi cất tiếng – chúng khăng khăng muốn được kể. Sau đây là một vài trường hợp trị liệu tâm lý điển hình mình tóm lược lại để quý vị độc giả hiểu sâu thêm về ý niệm này.

Ảnh: Reza Hasannia

1. Peter, 27 tuổi và là một kỹ sư kết cấu. Ba tháng trước khi điều trị tâm lý, anh từng trốn trong tủ một nhà thờ, cố gắng tự tử bằng cách uống nhiều loại ma túy và rạch cổ tay, cũng như dùng một con dao nhỏ đâm vào cổ, ngực và cánh tay mình. Một nhân viên vệ sinh đã phát hiện và sau đó anh được đưa đi điều trị tại bệnh viện tâm thần. Trong đời sống cá nhân, Peter có thói quen kết bạn rồi đột ngột cắt đứt liên lạc với họ. Khi đi làm, anh cũng lặng lẽ tập trung làm việc một thời gian rồi sau đó bất ngờ gây gổ với sếp và nghỉ việc. Điều này lặp đi lặp lại vài lần. Khi đang điều trị tâm lý giữa chừng, Peter đột nhiên dừng tới các buổi tham vấn, dù nhà trị liệu có viết thư liên hệ nhưng không nhận được hồi âm của anh.

Hai tháng sau, nhà trị liệu nhận được một lá thư từ vợ sắp cưới của Peter thông báo rằng anh đã tự vẫn. Gia đình đã hỏa thiêu và cô viết thư bày tỏ lòng biết ơn vì những nỗ lực giúp đỡ của nhà trị liệu. Sáu tháng sau, nhà trị liệu nhận được tin nhắn thoại từ Peter, anh ta nói rằng mình chưa chết và hỏi rằng có thể tới nói chuyện với nhà trị liệu được không. Sau đó, Peter xuất hiện trước mặt nhà trị liệu và tiết lộ rằng bức thư đó chỉ là hàng fake do anh tự viết. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia phát hiện ra rằng Peter rất thích thú với nỗi đau khổ mà anh gây ra cho người khác khi anh nghỉ chơi với bạn bè hay đột ngột nghỉ việc. Anh có đam mê trong việc làm người khác chấn động.

Câu chuyện chưa bao giờ được kể: Cha mẹ Peter ly hôn năm anh hai tuổi và mẹ anh tái hôn ngay sau đó với người mà bà ngoại tình. Ngay từ nhỏ, mẹ và cha dượng của anh hay uống rượu bét nhè và đã bạo hành anh. Đối với một đứa trẻ, bạo hành là một trải nghiệm quá sức chịu đựng, không thể kiểm soát và quá đáng sợ – những ảnh hưởng về mặt tinh thần của nó có thể kéo dài suốt đời. Khi trưởng thành, hành vi của Peter cho thấy rõ rằng anh không thể cho phép mình cảm thấy yếu đuối và phụ thuộc vào người khác. Câu chuyện của Peter được tóm gọn lại là: “Tôi là kẻ tấn công làm tổn thương người khác, chứ tôi không phải là đứa trẻ bị tổn thương”. Có thể thấy Peter bị ám ảnh bởi câu chuyện mà anh không thể kể về chính mình, và anh thể hiện mình theo cách làm tổn thương những mối quan hệ anh có trong đời.

Ảnh: Dave Herring

2. Mười tám năm trước, Abby yêu chàng trai tên là Patrick và muốn tiến tới hôn nhân với anh khi cả hai đang theo học y khoa. Tuy nhiên, cô là người Do Thái còn anh theo đạo Công giáo nên gia đình của Abby không ủng hộ cuộc hôn nhân này. Là một bác sĩ và cũng là người Do Thái, cha Abby hết sức khó chịu khi biết con gái mình yêu một anh chàng tóc vàng. Ông mắng nhiếc và đưa ra những lời phân biệt chủng tộc đầy miệt thị về Patrick, thậm chí ông còn tuyên bố nếu Abby kết hôn với cậu ta thì gia đình sẽ từ mặt cô. Ông nói ngày mà Abby kết hôn, ông sẽ xem như cô đã chết và để tang trong gia đình.

Đằng đẵng mười tám năm sau, lần đầu tiên Abby mới đưa hai cậu con trai của mình về thăm gia đình. Trước đó vài tháng, mẹ Abby gọi cho cô và bảo rằng bà với chồng sắp ly hôn. Mẹ Abby phát hiện ra chồng mình đang ngoại tình với Kathy, nhân viên lễ tân của ông. Cô ta đã làm việc cho cha Abby trong 25 năm và họ đã ngoại tình từ khi Abby tốt nghiệp trung học. Nhưng ngạc nhiên chưa, Kathy là người Công giáo và tóc cô ta màu vàng!

Câu chuyện chưa bao giờ được kể: Trong phân tâm học, cách xử sự của cha Abby được gọi là “phân tách” (splitting) – một chiến lược vô thức nhằm giúp ta ngó lơ những cảm giác không thể chịu đựng được bên trong mình. Thông thường, ai cũng muốn coi mình là người tốt và phóng chiếu những khía cạnh đáng xấu hổ của bản thân lên người khác. Khi cha Abby cắt đứt quan hệ với cô, ông đang cố gắng cắt bỏ những khía cạnh đáng ghét về mình. Điều này mang lại cho ông chút nhẹ nhõm theo kiểu “Tôi không xấu, bạn mới là kẻ xấu”. Thay vì nhận ra con quỷ trong mình, cha Abby phủ nhận nó và phóng chiếu nó lên Abby. Một khi xác định vấn đề nằm ở Abby, ông không thể nhận ra nó nằm trong chính mình mà vẫn tiếp tục ngoại tình với Kathy suốt mười mấy năm trời.

Ảnh: Melanie Wasser

3. Amanda là một phụ nữ độc thân 28 tuổi sống một mình trong một căn hộ ở New York. Trở về nhà sau một chuyến công tác dài tới London, khi đặt cặp xuống trước cửa và chuẩn bị vặn chìa vào ổ khóa, Amanda hết sức lo lắng và sợ hãi về viễn cảnh chỉ cần vặn ổ khóa thôi là nó sẽ kích hoạt một kíp nổ nào đó và toàn bộ căn hộ sẽ nổ tung, cánh cửa thổi bay bản lề và cô sẽ tan tành xác pháo. Có hôm về nhà, cô lại tưởng tượng rằng lũ khủng bố đã đột nhập vào căn hộ của mình và âm thầm gài bom để ám sát cô. Trong đời sống cá nhân, cô luôn thường trực nỗi sợ hãi có phần hoang tưởng và phi lý về chuyện có ai đó đang rắp tâm muốn hại cô, hay người khác luôn muốn phản bội, chế giễu hay lợi dụng cô.

Câu chuyện chưa bao giờ được kể: Ngay từ nhỏ, Amanda trải qua một tuổi thơ vô cùng yên bình trong vòng tay ấm áp yêu thương của gia đình. Lúc nào cô cũng là đứa trẻ nhận được sự quan tâm nhất nhà. Cô nhớ mãi cảm giác thân thuộc thuở bé mỗi lần đi học về, mẹ cô hoặc bà ngoại luôn có mặt ở đó, pha trà sẵn hay chuẩn bị một món ngon nào đó cho cô. Luôn có ai đó chờ đợi Amanda ở nhà. Đến khi trưởng thành và sống một mình quá lâu, Amanda chán ghét cảm giác trở về nhà sau một chuyến du lịch hay công tác dài ngày, bởi đó là những khoảnh khắc cô phải đối diện với sự cô độc.

Mỗi khi mở cửa, sẽ có hàng đống thư mấy tuần qua nằm trên thảm, tủ lạnh trống rỗng, trên bàn ăn trống không và không khí căn nhà thật lạnh lẽo. Viễn cảnh hoang tưởng rằng có ai đó muốn sát hại mình khiến cô cảm thấy bản thân bị thù ghét – nhưng không bị quên lãng. Bởi lẽ, cô luôn tồn tại trong tâm trí bọn khủng bố hay những người ghét cô. Chứng hoang tưởng như một tấm khiên che chắn Amanda khỏi bi kịch của sự cô độc và thờ ơ.

***

Những vết sẹo từ tuổi thơ của chúng ta sẽ luôn để lại những dư âm âm ỉ mãi cho đến tận lúc ta trưởng thành. Lần theo dấu vết của những bóng ma tâm lý, tìm kiếm và bóc tách vết sẹo của chính mình, chúng ta sẽ khám phá ra một cuộc đời mà ta chưa từng khám phá – bởi chính ta chưa bao giờ kể mình nghe.


*Tài liệu tham khảo:
“Cuộc đời soi tỏ”, Stephen Grozs
“Kế thừa cảm xúc”, Galit Atlas, PhD

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Nguyệt đọc từng chữ Linh viết trong bài này và thấy thật chấn động. Tuổi thơ để lại ảnh hưởng sâu sắc cho cuộc đời con người đến vậy ư, vậy là những người trưởng thành tưởng chừng là ổn nhưng sâu bên trong cũng không ổn cho lắm nhỉ.
    Năm 2020 có một sự kiện quan trọng mà Nguyệt được gặp một bạn chuyên về gỡ rối nói rằng cậu đã và đang bị sang chấn tâm lý vì tuổi thơ của mình, điều đó dẫn tới những suy nghĩ, hành vi tiêu cực của cậu, nhưng Nguyệt cũng không có cách nào giải quyết được.
    Bẵng đi một thời gian trò chuyện cùng một vài người, thì tự nhiên Nguyệt lại nhận ra hình như chúng ta đang tự bi kịch hóa cuộc đời mình thì phải, có chắc là bị sang chấn tâm lý không khi nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ cũng lớn lên y như mình đấy thôi, nhưng họ đâu có biểu hiện gì.
    Thực ra thì chúng ta giỏi che giấu lắm, đâu ai tự nhiên show toàn bộ con người mình là kẻ chịu nhiều tổn thương, kẻ bất thường, kẻ lập dị, kẻ cực đoan… cho người khác biết đâu. Chúng ta vẫn đè nén nó, và nghĩ rằng mọi thứ đang ổn, có thể một ngày nào đó nổ bùm một cái tan tành hoặc cũng có thể là không…

    • Chơn Linh Phản hồi

      Thực ra để kết luận một ai đó có bị sang chấn tâm lý hay không, không đơn giản chỉ là dựa trên những biểu hiện bên ngoài của người đó ở tuổi trưởng thành. Nếu chỉ qua một cuộc trò chuyện ngắn mà người bạn ấy kết luận Nguyệt bị sang chấn tâm lý vì tuổi thơ thì khá vội vàng. Trong lĩnh vực phân tâm học, quá trình trị liệu tâm lý cho một bệnh nhân thường mất rất nhiều buổi, kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm. Chuyên gia trị liệu sẽ đi từ vấn đề hiện tại và lần theo dấu vết để truy tìm về những manh mối trong quá khứ, đi tìm sự liên kết và giải mã những câu chuyện trong quá khứ của thân chủ, sau đó mới có thể kết luận vấn đề tâm lý của họ xuất phát từ đâu.

      So với cụm “sang chấn tâm lý”, mình thích dùng cụm “chấn thương tâm lý” vì nó nhẹ hơn. Con người ai cũng có những vết sẹo tâm lý, sự khác biệt chỉ là vết sẹo đó nhỏ hay lớn, đã lành chưa hay vẫn chưa lành. Khi nào cuộc sống hiện tại của một người trở nên khổ sở, mắc kẹt và đau đớn vì những câu chuyện trong quá khứ, ta mới nên xem là họ đang có bệnh về tâm lý, hay bị chấn thương tâm lý, và khi đó họ sẽ cần phải điều trị để chữa lành cho bản thân. Còn ở cấp độ nhẹ hơn, chúng ta chỉ nên tìm hiểu về quá khứ để thấu hiểu sâu sắc hơn về con người mình ở hiện tại thôi.

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.