Tôi gọi tập tản văn “Mùi nơi ký ức” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều như một áng khói lam chiều bình yên nơi góc bếp, mà ai đọc cũng sẽ thấy nỗi buồn đọng nơi đáy mắt khi tiếc thương cho một thủa làng quê với bao bữa ăn quê nhà chỉ còn là một thời quá vãng.

Năm cấp ba, tôi từng đọc quyển truyện thiếu nhi “Bí mật hồ cá thần” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được xuất bản năm 1998. Quyển sách được viết nhân cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 1996 – 1997 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ấn tượng bây giờ còn sót lại là quyển truyện mang không khí huyền hoặc và kì ảo, kể về hành trình của một ông già theo đuổi bắt một con cá thần. Nhưng đọc rồi mới thấy quyển sách đúng ra viết cho người lớn hơn là thiếu nhi.

Khi lang thang ở nhà sách, bắt gặp quyển “Mùi của ký ức”, cái tên Nguyễn Quang Thiều gợi lại trong tôi quyển sách cũ năm nào. Ấn tượng về quyển sách cũ không đủ sâu sắc để tôi quyết định mua, nhưng lời đề từ ở bìa sau quyển sách khiến tôi phải dừng lại để đọc:

Cuộc sống thật kỳ diệu, nó luôn mang đến cho con người những món quà bất ngờ, chúng ta chỉ cần cúi xuống mặt đất dưới chân mình là nhận ra.

Kèm theo đó là một trích đoạn về món gỏi cua của làng Chùa, một thứ gọi mà tác giả gọi là “món gỏi quyền uy nhất trong các món gỏi và trong mọi mâm cỗ”. Mỗi lần đứng trước một quyển sách được bọc giấy kính, không xem được lời giới thiệu, mục lục và nội dung bên trong, tôi thường phải tần ngần đắn đo một lúc lâu mới quyết định có nên mua quyển sách này hay không. Người ta vẫn thường bảo “Don’t judge a book by its cover”, nhưng trong trường hợp này đúng thật là chỉ đánh giá được qua cái bìa và quyết định bằng linh cảm.

Có thể nói “Mùi của ký ức” đúng là quyển sách tôi muốn đọc trong thời điểm này, đương cuối mùa tháng tư chuyển tiếp sang tháng năm với cái nắng oi ả ngày hạ, đôi khi thèm một bát canh chua để thấy chua ngọt dịu trong lòng. Quyển sách là tập hợp 19 tản văn ngắn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về những đặc sản ẩm thực của làng Chùa, quê của tác giả. Làng Chùa là tên gọi cũ của thôn Hoàng Dương), xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay đã sáp nhập vào Hà Nội). Trong suốt thời ấu thơ của tác giả, làng Chùa vẫn còn là ngôi làng điển hình và truyền thống của Bắc Bộ với những hình ảnh làng quê quen thuộc như cây gạo, gốc đa, những đầm ao gò bãi, bụi chuối chum tương vại cà sau nhà… cùng những người bà, người mẹ quê chân chất chốn quê nhà.

Những đứa trẻ lớn lên ở làng Chùa thủa ấy đều được người lớn dạy cho cách sinh tồn như mò cua, bắt cá, cấy lúa, trồng rau, chăn gà chăn vịt, tự chăm sóc bản thân và cả cách tuốt trứng chấy và bắt chấy rận.

Từ lúc lên năm, sáu tuổi, chúng tôi đã phải nấu ăn. Bởi thế, tất cả những món ăn của người làng Chùa tôi đều biết cách nấu như mổ lợn, mổ gà vịt, gói giò xào, nấu thịt đông, nấu canh cua canh cá, kho cá, nướng cá, làm tương, muối cà, đồ xôi, làm bánh…

Chum tương ở làng quê Bắc Bộ.

Dẫu là một người con của Nam Bộ, nhưng khi đọc những trang viết của Nguyễn Quang Thiều về đặc sản ẩm thực chốn làng quê Bắc Bộ, tôi vẫn thấy có một cảm giác gần gũi thân thương đến lạ thường. Dường như những đứa trẻ nào từng lớn lên ở làng quê và được các bà, các mẹ nuôi dưỡng, bao giờ tâm hồn cũng đau đáu và khắc khoải về chốn quê nhà. Và trong những hình ảnh về kí ức tuổi thơ, không thể thiếu được những bữa cơm nhà với đầy dư vị của hương đồng gió nội mà không thể kiếm tìm được ở chốn nao nơi thành phố sau này.

Trong “Mùi của ký ức”, bạn đọc sẽ có dịp cùng tác giả du hành trong tâm tưởng để đi qua những miền nhớ miền thương, ăn lại những món ngày xưa trong ký ức như bánh khúc, bánh đúc riêu cua, món cà dầm tương, gỏi cua, xáo chuối, trứng chưng tương…

Khi đọc văn của Nguyễn Quang Thiều, tôi thấy chất thơ trên từng câu chữ và cảm giác bình yên đến lạ:

Mỗi khi nhìn thấy những làn khói lam chiều bay ra từ một mái bếp, lan tỏa trong những vòm cây cho dù đó là nơi chốn nào, tôi đều thấy bà nội tôi và mẹ tôi từ khói hiện ra. Và trong mùi khói thân thuộc và da diết thoảng mùi cá nướng vỉ tre của mẹ.

Một người có thể khóc khi thấy những cánh đồng rau khúc hoang tàn, tôi nghĩ là một người có tâm hồn thiện lương và rất đẹp:

“Không có gì cho tôi khóc sớm nay ngoài cánh đồng rau khúc
Sương dâng hơi chõ xôi mùa cuối của bà tôi
Những con chuột đồng ướt át và run rẩy gọi tôi
Về xứ sở những lùm dứa dại
Tôi khóc những mùa rau khúc, tôi đã thiếp đi trên miếng bánh của mình
Tôi khóc em của tôi mười mấy năm nay vẫn còn ngơ ngác
Trước câu hỏi vì sao tôi ra đi ngày rau khúc chưa tàn
…”
(Nguyễn Quang Thiều, 02/1994)

Sau hơn nửa thập kỷ, làng Chùa của tác giả Nguyễn Quang Thiều chỉ còn là ngôi làng trong miền nhớ, những phẩm vật chốn làng quê cũng đã lần lượt theo các bà, các mẹ – những người giữ hồn ẩm thực đi xa. “Mùi của ký ức” của Nguyễn Quang Thiều như một nén hương thắp lên để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, và những người làng Chùa đã khuất.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

4 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Vân
Vân
4 năm trước

“Khắc khoải” trong tiêu đề có ý nghĩa gì vậy ạ? Do mình tra từ điển internet thì khắc khoải nghĩa là có tâm trạng bồn chồn lo lắng không yên, kéo dài một cách day dứt (theo tratu.soha.vn)

Bảo
Bảo
4 năm trước

Đoạn đầu từ “quá vãng” hình như không có nghĩa đấy Linh. Quá vãng = quá khứ + dĩ vãng, hai từ này đồng nghĩa

4
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx