Ảnh: panyawat auitpol

Nói đến cái chết, trong tâm thức của phần lớn người Việt thì cái chết là điềm gở, là thứ gì đó xui rủi cần tránh đề cập như tránh tà. Mình còn nhớ mỗi lần mình nói gì đó liên quan tới rủi ro chết chóc, người lớn trong nhà sẽ giật bắn người lên và phản ứng với câu nói đó dữ dội, như thể mình vừa thốt ra một câu bùa chú bị nguyền rủa nào đó làm ai cũng kinh hồn táng đởm. Từ nhỏ đến lớn, ai trong chúng ta cũng từng trải qua ít nhất một cái đám ma nào đó của người thân, chứng kiến chiếc quan tài của người mất nằm trong nhà và khung cảnh tang gia thê lương. Bầu không khí ảm đạm trong đám ma hòa quyện cùng tiếng khóc lóc thảm thiết của người nhà, tiếng tụng kinh của các thầy chùa và tiếng kèn trống não nề có thể là trải nghiệm sang chấn tâm lý đầu tiên của một đứa trẻ. Tất cả những thứ ấy khắc ghi vào tâm khảm nó một điều rằng: Chết là thứ gì đó rất đáng sợ.

Đến tận khi trưởng thành, chúng ta vẫn không ngừng sợ hãi về cái chết. Một người đàn ông trung niên hơn 40 tuổi vẫn có thể sốc nặng khi nghe tin một người đồng nghiệp của anh ta chẳng may qua đời vì đột quỵ. Sự ra đi của một người từng quen biết cũng có thể làm ta chao đảo nhân sinh quan chứ chưa nói đến sự ra đi của những người thân thiết như người nhà. Nhiều người lao vào đời kiếm tiền không chỉ vì mưu cầu sự an toàn tài chính cho bản thân và gia đình, mà còn vì lo sợ cái viễn cảnh chết trong nghèo đói và khốn khó. Một cô bạn của mình còn thẳng thắn nói rằng: “Còn sống là còn phải tiêu tiền, thậm chí chết đi vẫn phải tiêu tiền”. Bởi lẽ theo bạn, ngay cả khi chúng ta chết đi, chuyện làm đám ma thôi cũng đã tốn kém không ít tiền bạc, nếu đến chết cũng không có tiền làm một cái đám ma cho đàng hoàng tử tế thì có nhắm mắt xuôi tay được không?

Ảnh: Soroush Alavi

Các quan niệm đối lập về cái chết

Đối với người thế gian, có một câu hỏi rất lớn mà từ hàng ngàn năm qua con người ta đã bắt đầu trăn trở: “Tôi sẽ đi về đâu sau khi chết?”.

Nếu bạn là một người vô thần, tức người theo chủ nghĩa khoa học và không có niềm tin vào thế giới tâm linh, chết đơn giản nghĩa là hết, là kết thúc, chứ không có đời sống nào khác ở kiếp sau. Theo quan điểm của người vô thần, họ chỉ có duy nhất một đời sống hiện hữu này và nếu chẳng may qua đời sớm thì xem như đời sống của ta cũng kết thúc ngay tại đó. Chính vì quan niệm này mà người vô thần thường tập trung vào việc tận hưởng niềm vui trần thế khi họ còn sống, cũng như chạy theo chủ nghĩa vật chất để kiếm thật nhiều tiền phục vụ cho mục đích tiêu xài cá nhân. Đồng thời, người vô thần cũng không quá xem trọng tòa án lương tâm theo kiểu làm điều xấu, điều ác thì kiếp sau sẽ bị quả báo, mà họ hành xử dựa trên cơ sở không lo ngại về sự trừng phạt mình phải chịu trong tương lai.

Còn nếu bạn là người hữu thần, tức người có niềm tin vào thế giới tâm linh, thì mỗi tôn giáo lại có một quan niệm khác nhau về cái chết. Ở đây mình chỉ điểm qua quan điểm của hai tôn giáo lớn nhất là Thiên Chúa giáo và Phật giáo.

Ảnh: Bryan Natanael

Truyền thống Thiên Chúa giáo tin vào cả Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước, khởi nguyên là Thánh Kinh của người Do Thái, họ không có quan niệm rõ ràng về đời sống sau khi chết mà nghĩ rằng người chết sẽ đi đến âm ty – nơi yên nghỉ cuối cùng, hoặc yên nghỉ cùng với tổ tiên, cha ông của họ. Tân ước, vốn được tạo lập bên trong Thiên Chúa giáo, chủ trương rằng có đời sống vĩnh cửu sau khi chết, và dựa vào niềm tin của một người vào Chúa Giê-su thì họ sẽ được lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Trong Thánh Kinh, Chúa Giê-su cũng đã từng giảng về điều này: “Linh hồn con người sẽ chịu xét xử về công việc của mình đã làm khi còn sống. Đến ngày tận thế, mọi xác chết đều được Thiên Chúa dùng quyền phép của Ngài mà cho sống lại để cùng chịu phán xét và chung số phận với linh hồn”.

Nói một cách dễ hiểu, Thiên Chúa giáo cho rằng có đời sống linh hồn sau khi chết. Linh hồn nào sống công chính và có niềm tin vào Chúa thì được lên thiên đàng và sống vĩnh hằng ở nước Chúa, nhưng linh hồn nào nhiều tội lỗi và bất tín với Chúa thì sẽ bị giáng xuống địa ngục vĩnh viễn. Truyền thống Công giáo sau này đã bổ sung thêm khái niệm gọi là chuộc tội để thanh tẩy tội lỗi của con người và giúp họ đến gần với thiên đàng hơn.

Ảnh: Julie Ricard

Truyền thống Phật giáo thì quan niệm rằng có sự tồn tại của đời sống linh hồn ở cõi sau. Một linh hồn sau khi chết đi thì sẽ tái sanh vào cõi giới tương ứng với nghiệp của họ, cứ thế luân hồi liên tục trong lục đạo luân hồi (cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh, cõi người, cõi thần, cõi trời) cho đến khi nào họ giác ngộ hay chứng đắc Niết Bàn. Tầng bậc tái sanh sẽ tùy thuộc vào sự vượt trội của thiện nghiệp hay ác nghiệp. Cho dù được sanh vào cõi trời nhưng đời sống ở đó cũng không vĩnh viễn mà khi nghiệp lành hết thì chư thiên vẫn phải tái sanh vào cõi khác. Theo Phật giáo, chỉ có con đường tu tập theo giáo pháp của đạo Phật thì ta mới có thể đạt tới quả vị giải thoát, chứng đắc Phật quả và không còn rơi vào con đường luân hồi sinh tử.

Có một quan điểm về sinh tử của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà mình khá tâm đắc:

Khi ta nhìn lên bầu trời và không thấy đám mây mà ta yêu quý đâu nữa, ta nghĩ rằng đám mây đó đã chết, nhưng sự thực là đám mây đó vẫn đang tiếp tục tồn tại nhưng dưới hình tướng là mưa hay những hình tướng khác mà thôi. Sinh và diệt chỉ là những hiện tượng mà ta nhìn thấy trên bề mặt. Nếu ta nhìn thật sâu thì không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự tiếp nối không ngừng. Khi ta tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt thì ta không còn lo sợ cái chết.

Đám mây sẽ không có đau buồn gì khi nó không còn mang hình tướng của đám mây tại vì nó biết rằng nó đã thành mưa, mà thành mưa thì nó vẫn tiếp tục đời sống phụng sự của nó. Và khi đám mưa không còn nữa thì mình lại thấy có dòng suối và dòng suối lại tiếp tục sứ mạng của cơn mưa. Và vì vậy cho nên không có cái gì chết, không có cái gì mất đi cả.

Tựu trung lại, mỗi tôn giáo lại có một quan điểm khác nhau về đời sống sau cái chết, và giữa các tông phái khác nhau trong mỗi tôn giáo cũng có những quan điểm dị biệt nhất định. Dù bạn là người vô thần hay hữu thần, bước vào rừng giáo lý của các tôn giáo cũng như bước vào một mê hồn trận dễ làm ta thấy mông lung và hoang mang. Ở góc độ cá nhân và những trải nghiệm thực tế của bản thân, mình nghiêng về quan điểm của đạo Phật hơn về việc có đời sống ở cõi sau, có thế giới linh hồn và sự tái sanh chứ chết không phải là hết. Qua nhiều cuốn sách về tiền kiếp với nhiều công trình nghiên cứu hoàn toàn có thực, quan điểm này càng được chứng minh rõ ràng hơn.

Ảnh: Alexander Grey

Sống tốt để được chết tốt

Có một điều lạ lùng mà mình quan sát được từ thực tế đời sống: Có những người vô thần tin rằng chết là hết, nhưng họ lại vô cùng lo sợ về việc không có đủ tiền để tổ chức một cái đám ma tử tế cho bản thân. Nếu chết là hết, là tan thành cát bụi thì chuyện có hay không có đám ma đâu khác gì? Ngược lại, có những người hữu thần tin vào đời sống cõi sau, vào thế giới linh hồn nhưng họ cũng sợ chết nốt và cũng có cùng mối lo về cái đám tang của bản thân. Con người ta khi sống thì đã sợ đủ thứ, đến khi chết thì vẫn còn bị nỗi sợ cái chết đeo bám tới cùng. Nhưng có một thứ đáng lo hơn mà con người ta lại không lo, đó là sống làm sao để được chết tốt thay vì nhận lãnh những cái chết xấu.

Vào ngày 18/6 vừa rồi, truyền thông thế giới nổi lên tin tức chiếc tàu lặn Titan chở theo 5 hành khách đi tham quan xác tàu Titanic đột ngột mất tích và không có tín hiệu liên lạc được. Người lái tàu lặn cũng là CEO của hãng tàu và các hành khách trên tàu đều là tỷ phú trong giới tài phiệt. Giá vé của chuyến tham quan kéo dài 8 ngày lên đến 250.000 USD/người (gần 5,9 tỷ đồng). Sau gần 5 ngày điều tra, đến ngày 22/6, Lực lượng Tuần duyên Mỹ thông báo rằng tàu lặn Titan đã bị ép nát và toàn bộ con tàu bị vỡ tung thành từng mảnh nhỏ. Lực ép này được các chuyên gia ước tính tương đương với việc bị nguyên khối tháp Eiffel nặng 7.300 tấn đè bẹp con tàu, khiến cả 5 người trên tàu gần như thiệt mạng ngay lập tức.

5 nạn nhân trong vụ tàu lặn Titan mất tích. Ảnh: Getty

Một trong những tin tức kỳ thú liên quan đến câu chuyện này là vợ của một hành khách trong số đó chính là hậu duệ của cặp đôi nổi tiếng từng qua đời trong nạn đắm tàu Titanic. Ông bà Straus vốn là hai trong số những người giàu có nhất có mặt trên con tàu Titanic năm xưa. Khi con tàu chìm dần ở Đại Tây Dương, họ đã nhường xuồng cứu hộ cho phụ nữ và trẻ em trước để rồi chết chìm cùng con tàu. Chuyện tình đẹp đẽ và đau lòng của họ đã được khắc họa trong bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron năm 1997. Trong phim có dựng lại cảnh một cặp vợ chồng lớn tuổi nằm cạnh nhau khi nước dâng lên xung quanh, đó chính là hình ảnh về ông bà Straus.

Khi nghe tin tức về tai nạn tàu lặn Titan này, một anh bạn của mình mới cảm thán rằng: “Người nghèo thì làm bán mạng để kiếm tiền. Người giàu thì làm kiếm tiền rồi bán mạng”. Trong cả hai câu chuyện đắm tàu ngày xưa lẫn ngày nay, những người chết đều là những người giàu có, sở hữu khối tài sản kếch xù trong tay. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền khổng lồ mà những người nghèo có làm lụng cả đời cũng không dành dụm nổi chỉ để mua một tấm vé tham quan bằng tàu lặn, nhưng ai ngờ đó cũng là vé đi tham quan cõi âm tào địa phủ. Đến cả khi chết, xác của họ cũng tan tành cả trăm ngàn mảnh nhỏ giữa biển cả – một cái chết không toàn thây.

Vụ đắm tàu Titanic. Ảnh: Getty

Từ xưa đến nay, sinh – lão – bệnh – tử vốn dĩ là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Con người sinh ra thì ai rồi cũng chết đi và không ai có thể biết trước mình sẽ sống trong bao lâu và sẽ chết như thế nào. Người chết tốt là người chết thuận tự nhiên theo đúng số mạng đã định, dù cho chết trẻ hay tuổi già, được chết trên giường bệnh hay ở nhà và được ra đi an lành. Ngược lại, người chết xấu là những người bị đột tử một cách bất ngờ, chết vì bệnh nan y, chết vì tai nạn thảm khốc hay chết vì bị sát hại, v.v. Như trường hợp 5 vị tỷ phú đi tàu lặn Titan kể trên, dù cho họ là những người giàu có ở trên đỉnh thành công, tiền bạc không thiếu để có thể tổ chức một cái đam tang rình rang đình đám cho bản thân, nhưng kết cục họ vẫn gặp một cái chết xấu, vừa chết không toàn thây mà lại vừa bị mất xác.

Nếu tin vào sự hiện hữu của thế giới linh hồn và đời sống cõi sau thì bản chất cuộc sống của chúng ta hiện tại cũng chỉ là một trong nhiều kiếp sống, có quá khứ kiếp và cũng có vị lai kiếp. Thân xác và hình hài của chúng ta hiện tại cũng chỉ là một lớp vỏ chứa đựng linh hồn. Khi ta chết đi thì thân xác sẽ nằm ở lại thế gian này, chỉ có linh hồn mới đi tiếp hành trình của nó. Bác sĩ Brian L. Weiss và cũng là một nhà thôi miên hồi quy tiền kiếp từng chia sẻ trong cuốn sách Một linh hồn, nhiều thể xác của ông:

Cuộc đời mãi mãi nối tiếp nhau, dù không gian, dù thời gian có đổi thay. Có thay đổi chăng chỉ là hình thức bên ngoài của một con người. Tuy nhiên tâm tư, tình cảm vẫn của con người đó, vẫn tồn tại theo nhiều kiếp mà người đó đầu thai trở lại. Nếu ta đã biết trước được như vậy thì tại sao ta lại lãng phí thời gian chạy theo những ảo ảnh cuộc đời mà không nhìn vào thực chất cuộc đời là sự bất diệt. Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ là phần thưởng hoặc sự trừng phạt của kiếp sau.

Vậy sao ta không cố gắng tạo ra nhiều phần thưởng cho kiếp sau? Nếu biết rõ những việc làm hôm nay sẽ là hình phạt ở kiếp sau, sao ta lại cứ mãi chìm đắm vào những việc làm tội lỗi đó. Là người không ai không bị mắc phải sai lầm, nhưng nếu ta can đảm thẩm định lại mỗi việc ta đã làm đúng sai thế nào, chắc chắn việc làm xấu xa của ta sẽ mỗi ngày một giảm bớt, và mỗi ngày ta sẽ cố gắng tạo thêm phần thưởng cho kiếp sau. Chúng ta không thể nào bù đắp hay chỉnh sửa những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng với sự nhận thức rõ về sự bất diệt của con người, chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo ra những kiếp sống tốt đẹp hơn ở tương lai.

Ảnh: Michel Catalisano

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một câu hát rất hay nói về sự vô thường của thế gian: “Tôi nay ở trọ trần gian – Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Với ông, chốn trần gian chỉ là chỗ trọ, con người ở trọ trần gian cũng như con chim đậu ở cành tre hay con cá ở trọ trong khe nước nguồn. Một khi hiểu rằng cuộc sống này vốn dĩ vô thường, thân xác này chỉ là tạm bợ và còn nhiều kiếp sống hiện hữu phía trước thì chúng ta sẽ bớt bám chấp vào thể xác khi ta chết đi. Lớp vỏ bọc này không quá quan trọng, dù cho bạn chết trong cô độc hay chết trong vòng tay người nhà thì cái thân xác hay cái đám ma cũng chỉ là hình thức thế gian. Cái quan trọng là phần linh hồn của bạn sẽ được đi tiếp vào cõi lành hay cõi dữ – tất cả đều phụ thuộc vào việc bạn sống tốt hay sống tệ.

Muốn được chết tốt, chết an lành thì điều kiện tiên quyết là bạn phải sống tốt. Còn một khi bạn đã sống tệ (sống gian, sống tham, sống ác) thì cái chết xấu là hệ quả kèm theo. Nhiều người dành cả cuộc đời chạy theo tiền tài, vật chất, danh tiếng, địa vị của thế gian mà đấu đá cạnh tranh với nhau và làm ra không biết bao nhiêu chuyện xấu. Nhìn vào danh sách các đại gia top đầu ở Việt Nam lâm vào cảnh tù tội trong mấy năm gần đây hay đời sống không hạnh phúc của gia đình họ, bạn sẽ thấy được một điều rằng tiền nhiều cũng chẳng để làm gì, chỉ để cuối cùng gia đình ly tán, đạo đức bại hoại và thân xác phải bị giam trong ngục tù thế gian.

Thay vì lo lắng chuyện làm sao kiếm đủ tiền để sống an nhàn và chết thảnh thơi – một điều bạn hoàn toàn không thể kiểm soát được (hãy ghi nhớ cái chết yểu của 5 vị tỷ phú trên tàu lặn Titan), hãy làm sao để sống cho thật tốt và là một người công chính để tạo hóa có thể an bài cho bạn một cái chết tốt, thuận tự nhiên.


Tài liệu tham khảo:
– “Liệu có sự sống sau khi chết?”, Làng Mai
– “Đời sống sau khi chết quan điểm của Thiên Chúa giáo và Phật giáo”, Alfred Bloom (Giáo sư danh dự Đại học Hawaii, Mỹ).

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

4 bình luận

  1. Con người ai cũng sợ chết nhưng mấy năm trước tớ đã nhận ra nguyên nhân của cái chết mới là thứ đáng sợ hơn cả, bởi ai mà chẳng phải chết. Chết như bà Gamri trong Hometown Cha Cha Cha, vừa kịp làm lại răng, vừa ăn được một bữa mực no nê, ngủ một giấc thảnh thơi rồi ra đi trong giấc ngủ. Cảnh phim ấy vừa buồn vừa thanh thản. Chắc phải tích phúc dữ lắm mới có được cái chết an lành đến vậy sao.
    Còn quan điểm “sau khi chết vẫn phải tiêu tiền” thì Lão Hạc là người chết có trách nhiệm nhất mà tớ biết. Ngoài để tiền cho thằng con đi cao su về, lão còn dành ra một khoản ma chay cho chính mình. Thế nên khi đọc tin có người nhảy lầu tự tử, rơi trúng vào người khác khiến họ tử vong, tớ đã khá bực mình, có thể nào chết có trách nhiệm một tí được không? Trong Đại dương đen, cũng có người bị trầm cảm tìm đến cái chết, cuối cùng lại không chết nữa vì đi mãi chưa tìm được chỗ chết phù hợp.
    “Muốn được chết tốt, chết an lành thì điều kiện tiên quyết là bạn phải sống tốt.” Cái này thì tớ không chắc Linh ạ. Tớ từng bị sang chấn tâm lý một thời gian vì cái chết thảm khốc của chị họ. Tớ là con cả, không có anh chị ruột nên chị là người tớ thân nhất lúc bé. Chị là người hiền lành, chịu thương chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ nhất mà tớ biết. Nhưng rồi cú điện thoại định mệnh đã cướp chị đi mãi mãi. Hôm đó gần đến giờ ăn cơm rồi có người gọi điện cho chị đi lấy bằng lái xe cho chồng, chị ấy đi rồi không về nữa, khi mất cũng chẳng kịp ăn bữa cơm chiều. Chị lấy chồng xa, về quê chồng chị dự tang lễ mới biết những năm qua chị sống khổ như thế. Lúc chị mất, hai đứa con thì còn nhỏ, chồng thì bị bắt tạm giam không về được, bố mẹ chồng thì già yếu, ông nằm liệt một chỗ, suốt bao năm qua một tay chị chăm sóc. Chị vất vả như thế nhưng lần nào về ngoại cũng chu toàn, tươm tất, chỉ có cái Tết cuối trước khi chị qua đời là chị không về vì năm ấy nhà chị khó khăn.
    Người lái xe tông vào chị, hai hôm sau cũng qua đời vì bị tai nạn trong lúc lái xe đi kiểm tra (có công an ngồi ở ghế phụ). Số phận con người thảm đến thế là cùng.
    Lúc ấy, tớ đã lục tung internet để xem sau khi chết người ta sẽ đi đâu, liệu chị có thanh thản mà rời đi được không. Tớ đã hoang mang không hiểu, sao người hiền lại chẳng gặp lành. Bạn tớ bảo có thể chị phải trả quả từ kiếp trước nhưng mà tớ không chấp nhận nổi. Một người hiền lành như chị, sao kiếp trước lại là người sống độc ác được. Cuối cùng, tớ đành chấp nhận rằng chỉ là không may thôi. Hàng ngày, hàng giờ, cũng có bao nhiêu người không may qua đời vì tai nạn, vì bệnh tật, vì nhiều lý do khác nhau và chẳng may chị mình là một trong số đó.
    Một đồng nghiệp cũ của tớ, ba tháng trước còn gặp ở đám cưới một người bạn chung. Vậy mà chỉ ba tháng sau, nghe tin chị bị ung thư phổi, tiên lượng xấu, gia đình khánh kiệt cả tài sản. Chị có ba đứa con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới 15 tháng tuổi. Chị là một cô gái yêu đời, luôn sống tích cực. Khi biết tin chị, hai đồng nghiệp khác đã lập group, kêu gọi anh em đồng nghiệp cũ quyên góp hỗ trợ chị một phần tiền chữa bệnh vì chi phí rất đắt đỏ. Mọi người nghe tin, người thì chuyển 5 triệu, người thì chuyển 3 triệu. Phải sống thế nào thì người ta mới sẵn sàng hỗ trợ như vậy chứ.
    Việc bảo một người chết xấu do ăn ở, nhưng rõ ràng kiếp này họ ăn ở tốt, thì lại bảo nghiệp từ kiếp trước, như kiểu tìm mọi cách đổ lỗi cho nạn nhân vậy. Như vụ cô gái giao gà ở Điện Biên, có bà gì đó ở chùa Ba Vàng còn làm bài diễn văn về nghiệp báo và xúc phạm người quá cố. Em ấy phải trả nghiệp, thế cái bọn hãm hại em thì trong sạch, vô tội à?
    Tớ từng chăm sóc người nhà ở viện K, chứng kiến bao mảnh đời khốn khổ. Có em bé vừa đẻ ra đã ung thư xương do di truyền, gia đình, họ hàng đã buông xuôi rồi, chỉ có mẹ em vẫn cố níu giữ hơi thở cho em, trong khi bố em, anh trai của em đều đã qua đời vì ung thư. Lúc tớ gặp em, chân em đã bắt đầu hoại tử, vừa mới thay băng xong máu lại thấm cả ra ngoài. Còn bé như thế thì đã kịp gây ra nghiệp gì cơ chứ?
    Đọc Điểm đến của cuộc đời, viết về những người cận tử, chủ yếu do bệnh hiểm nghèo. Thấy có những người sống thôi đã là một cực hình với họ, họ không muốn chết nhưng họ sống đau đớn quá, tiêm moocphin còn hơn cả cơm bữa, họ ước gì mình có thể đi sớm nhưng luật pháp nước nhà vẫn chưa cho an tử. Nên bảo họ phải trải nghiệp thì cũng tội cho họ quá. Chỉ là những kiếp người nhỏ nhoi thôi mà. Còn bao nhiêu kẻ tội phạm tàn ác thì vẫn sống nhởn nhơ.
    Cuối cùng, có cái đám ma to hay không, không quan trọng bằng việc người ta được chết một cách trang nghiêm.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Hi Nga,
      Khi Nga nhìn ở góc độ một kiếp sống thì sẽ cảm thấy khó hiểu vì sao có những người cả đời sống tốt mà lại chết xấu và cảm thấy bất công thay cho họ, đó cũng là điều dễ hiểu. Do dung lượng bài viết có giới hạn và có những khía cạnh sâu xa hơn về tâm linh mà mình không muốn đi sâu vào chi tiết nên mới không đề cập đến các trường hợp ngoại lệ, vì để nói cho tường tận vấn đề này thì phải viết cả series nhiều bài mới đủ. Có điều blog mình hướng tới đối tượng độc giả phổ quát và không đi sâu vào đề tài tâm linh nên mức độ chia sẻ của mình sẽ có giới hạn.

      Xưa giờ kẻ ác nhận quả báo và chết xấu là điều bình thường, còn người tốt mà chết xấu cũng không phải là điều gì lạ, chỉ là xác suất các trường hợp này xảy ra ít hơn. Thế giới vô hình có những định luật mà người thế gian không thể hiểu được, và chính vì không hiểu nên mới oán ách trời đất và trách ông Trời sao lại quá bất công. Nhân quả trong đời sống không phải là chuyện của một đời một kiếp mà là một chuỗi quan hệ kéo dài suốt nhiều kiếp. Con người không thể biết được tội lỗi của mình trong vô số quá khứ kiếp và bản thân kiếp này cũng chưa chắc đã sống tốt như vẻ bề ngoài họ thể hiện. Có những người tuy làm từ thiện, giúp đỡ người này người kia nhưng cái tâm họ chưa chắc đã thiện, như câu ông bà xưa hay nói “Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Những cái chúng ta thấy bên ngoài không phản ánh được tâm tánh hay đạo đức thật sự bên trong của một người. Chỉ có các vị thần linh trong thế giới siêu hình hay định luật nghiệp quả mới có thể phán xét công hay tội của một linh hồn mà thôi, nếu xét theo quan điểm hữu thần.

      Bệnh nan y hay những cái chết thảm khốc của người thế gian đôi khi là một bài học cho cả hai phía – người mất lẫn người ở lại. Thế gian này là một trường học lớn mà mỗi linh hồn xuống đây đều có bài học nghiệp của riêng mình. Có những người mà bài học của họ là đối diện với nỗi đau và sự mất mát từ cái chết rất sớm của người thân. Trong đời sống ai cũng sẽ có những khó khăn khổ sở và bất hạnh phải đối mặt, cái chính là họ có vượt qua được những nỗi đau đó và tiếp tục sống hay không, hay lựa chọn chết chìm trong nỗi đau đó cả đời thì cũng lãng phí hết cả một kiếp người.

      Thông điệp của bài viết này chỉ đơn giản là nhắn nhủ mọi người nên sống tốt nếu mong muốn được chết tốt, đó là điều kiện tiên quyết và cần thiết. Chứ đã sống xấu sống ác sống tệ thì đừng mơ tới viễn cảnh được chết an lành, vì cái quả báo tuy đến chậm nhưng một khi đã đến thì sẽ rất dữ dội. Đa số chúng ta chỉ thấy được cảnh người ác đang nhởn nhơ dương dương tự đắc chứ không ai đồng hành với họ tới cuối đời để thấy được kết cục cuộc đời họ về sau bi thảm thế nào (hãy nhìn kết cục của các đại gia một tay che trời ở VN gần đây mà xem). Lưới trời tuy thưa nhưng cọng lông cũng khó lọt, chỉ là người trần mắt thịt chưa đủ duyên để thấy mà thôi.

  2. Đã lâu rồi em mới tìm được một trang “cùng tần số” đến lạ. Khi ngoại em mất mọi người khóc đến ngất, em không khóc, em tin Ngoại em chỉ rũ bỏ lớp áo cũ để đi đến một nơi khác, bắt đầu một cuộc sống khác. Em thích đề tài này, nên có tìm hiểu và đọc khá nhiều sách. Với em thì cuộc đời vô thường, một kiếp người là một cơ hội học hỏi, phát triển bản thân, kết nối, yêu thương mọi người. Mọi việc xảy ra với mỗi người có thể khác nhau, nhưng em tin đó là “nhân quả tuần hoàn”, và là kết quả tốt nhất vũ trụ có thể mang đến để giúp mỗi người có thể hoàn thiện hơn. Thuận theo tự nhiên, sống chậm, không ngừng học hỏi theo tiếng gọi nội tâm. Cảm ơn anh, ghé blog anh em như tìm về một nơi “bình yên”, được sẻ chia, đồng cảm . Hy vọng một ngày không xa sẽ có cơ hội đọc sách do chính anh viết ^^.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Cái ngày anh ra sách chắc sẽ không có. Lý do là gì thì anh sẽ bật mí trong series “Đột Nhập Ngành Xuất Bản” ở tập nói về việc trở thành tác giả sách ^^. Anh vẫn viết đều trên blog, em có thể ghé blog đọc mỗi khi cần là được hihi.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.