Khi nói về nỗi nhớ, niềm u hoài về những điều của một thời quá vãng đã mất, không còn ở hiện tại trong tiếng Anh thì chọn từ gì để chuyển ngữ? Remember, miss, hay cả regret cũng không đủ sắc thái để diễn tả điều này.

Nostalgia /nɒˈstældʒə/ là một từ Latinh được dùng từ cuối thế kỷ 18, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là hoài niệm. Dù từ này có phiên bản tiếng Anh là nostalgy nhưng người bản xứ vẫn hay dùng nostalgia để đúng điệu chất hoài cổ của nó.

“Nostalgia is a sentimentality for the past, typically for a period or place with happy personal associations. Nostalgia is associated with a wistful yearning for the past, its personalities, and events, especially the “good old days” or a “warm childhood”.”

Năm 1688, Johannes Hofer – một bác sĩ người Thụy Sĩ đã tạo ra thuật ngữ “Nostalgia” từ 2 tiếng Hy Lạp nostos (trở về quê hương) và algos (nỗi đau, niềm khao khát) để mô tả một dấu hiệu bệnh lý về nỗi đau, niềm khao khát được trở về quê hương. Từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, căn bệnh này có những tên gọi khác nhau tùy theo từng quốc gia, như như ở Pháp thì là mal du pays (nhớ nhà, nỗi đau quê hương), ở Đức thì là heimweh (vết thương vì quê nhà) còn ở Tây Ban Nha thì là mal de corazón (nhói trong tim).

Một thực tế thú vị – có tới hơn 5.200 trường hợp tử trận được ghi nhận nguyên nhân đến từ “sự hoài niệm” (nostalgia) theo hồ sơ của Tổng cục Y tế Hoa Kỳ (U.S. Surgeon General). Nhiều người lính hao mòn vì nỗi nhớ nhà, vì thèm món bánh táo của mẹ trong suốt cuộc nội chiến Hoa Kỳ.

Năm 1787, Robert Hamilton (1749-1830) đã mô tả chi tiết một ca mắc bệnh này và được chữa trị rất hiệu quả:

“Năm 1781 khi làm việc trong các trại lính vùng Tinmouth phía Bắc nước Anh, tôi đã gặp một bệnh nhân, một anh lính trơn chỉ vừa gia nhập trung đoàn. Anh ta mới nhập ngũ được vài tháng, còn trẻ, đẹp trai và được huấn luyện cẩn thận, tuy nhiên vẻ mặt lại luôn thiểu não và quầng mắt thì luôn trũng sâu đầy vẻ đau khổ. Anh ta than phiền rằng mình đau nhức toàn thân, tuy nhiên lại chẳng có một vết đau nào cụ thể cả, thêm vào đó là những tiếng ù ù hay xuất hiện bên tai và những cơn nhức đầu chóng mặt luôn xảy ra. Vì chỉ có rất ít triệu chứng cho thấy anh ta mắc một loại sốt nào đó, nên tôi thực sự không chắc chắn về nguồn gốc ca bệnh này. Vài tuần trôi qua mà chỉ có rất ít tiến triển, ngoại trừ việc anh ta ngày càng gầy đi vì biếng ăn và thiếu vận động. Anh ta được tăng cường thuốc điều trị, kể cả rượu vang anh ta cũng được phép uống, nhưng có vẻ như mọi biện pháp đều vô hiệu.

Sau 3 tháng ở bệnh viện, anh ta ngày một héo mòn và trông chẳng khác gì một bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Một lần, như thường lệ, tôi hỏi y tá về bệnh nhân của mình, cô y tá đã đặc biệt chú ý tới việc anh ta có những ý niệm rất mạnh mẽ trong đầu về gia đình và bạn bè. Tất cả những gì anh ta nói đều là về chủ đề này. Triệu chứng này tôi chưa từng được nghe tới trước đó. Tôi bèn tới ngay chỗ anh ta và gợi ý về chủ đề này, lập tức anh ta rất sốt sắng tóm tắt nó, và tôi phát hiện ra rằng cái đề tài này đã ám ảnh anh ta rất lớn. Sau đó, anh ta thiết tha hỏi tôi rằng có thể giúp anh ta trở về nhà được không. Tôi đã phải chỉ ra cho anh ta thấy rằng anh ta đang gầy yếu thế nào và không thể chịu nổi một chuyến hành trình dài như vậy (anh ta là người xứ Wales), tôi hứa với anh ta rằng nếu anh ta chịu khó chữa bệnh, chỉ trong vòng 6 tuần anh ta sẽ được về nhà. Anh ta hồi sinh rất nhanh sau đó, cảm giác thèm ăn trở lại, và chỉ chưa đầy một tuần, những dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện.”

Các ca bệnh nostalgia được cho là có thể lây từ người này sang người khác, thường ít gặp hơn ở những đội quân đang chiến thắng và rất hay gặp ở những đội quân đang thất bại. Từ khoảng năm 1850, nostalgia không còn mang nghĩa là một căn bệnh mà thường chỉ được coi như một triệu chứng hoặc một dấu hiệu bệnh lý, một dạng của bệnh u uất tinh thần và có thể dẫn tới tự tử.

Mãi đến thế kỷ 20, nostalgia được dùng không chỉ còn với nghĩa hẹp là một biểu hiện bệnh lý, mà được coi như một cảm xúc có ở bất cứ người bình thường nào. Nostalgia thường được gắn với những ký ức về thời thơ ấu đáng yêu, một trò chơi hoặc một hoạt động nào đó, những điều này thường đi cùng với một người cụ thể, hoặc một kỉ vật cá nhân được trân trọng.

Rất nhiều người tin rằng, nhiều năm hoặc nhiều thập kỉ trước đó, mọi người tốt đẹp hơn chính họ của hiện tại, và tin rằng họ đã có một cuộc sống đầy đủ hơn trong quá khứ, dù rằng thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Niềm tin này rất tiêu biểu cho cái gọi là nostalgia, hay “những ngày xưa tươi đẹp”. Nhiều bộ phim, chương trình truyền hình và các sản phẩm văn hóa khác đã khai thác thành công chủ đề này.

Trong lớp Translation của cố Giáo sư Lê Tôn Hiến, chúng tôi được đọc một áng văn rất đẹp của thầy có tựa “Nostalgia”. Nhờ thầy mà tôi được hữu duyên biết đến một từ rất đẹp, nên chia sẻ cho quý bạn đọc xa gần thưởng lãm vẻ đẹp trong ngôn từ của thầy:

“Tôi không lý tưởng hóa tuổi ấu thơ, và cũng không như nhiều người thường mong được trẻ lại, nhưng tôi có một ước mơ, thật lạ kỳ và đôi khi rất thôi thúc. Tôi mơ được đi câu cá. Không phải câu cá để bắt cá hay tìm một tiêu khiển kỳ thú. Tôi nghĩ đến câu cá như một tiêu biểu cho một bầu khí đã mất, một nền văn minh không còn nữa.

Chính cái ý nghĩ có thể ngồi suốt ngày dưới lùm cây rợp mát bên bờ ao hoặc có thể tìm thấy một bờ ao yên tĩnh để mà ngồi thì dường như đã thuộc về thời gian trước chiến tranh, trước truyền hình, trước phi cơ phản lực, trước Hitler.

Có một thứ yên tĩnh và tươi mát ngay trong tên những con cá. Những người đặt tên cá trước đây hình như chưa từng nghe tiếng súng đại liên, chưa trải qua nỗi buồn phiền vì thất nghiệp, chưa bị ám ảnh về bệnh AIDS hay ung thư, không hằng ngày tìm kiếm thuốc nhức đầu hoặc đau bao tử.

Cá bây giờ dường như lớn hơn nhưng sần sùi về một chứng bệnh gì đó. Ao hồ đã cạn hết, dòng sông chảy qua thành phố thì chỉ có một màu đen, không ô nhiễm vì các hóa chất từ các nhà máy đổ ra thì cũng đầy rác rến, lon hộp và bao ni lông.

Vì vậy nên tôi nhớ. Nhớ một thời xuân xanh trong môi trường xanh.”

Nguồn tham khảo:
– Wikipedia
– humanbranding.ca

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.