Ảnh: Unsplash

Trào lưu sống tối giản ở Việt Nam bắt đầu rộ lên từ khoảng năm 2017 với cuốn sách Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản của Chi Nguyễn – The Present Writer, theo sau đó là cuốn Lối sống tối giản của người Nhật của Sasaki Fumio xuất bản năm 2018 và bộ phim tài liệu Dọn nhà cùng Marie Kondo lên sóng Netflix cùng năm, tạo nên một hiện tượng khi rất nhiều người ủng hộ và bắt đầu học theo phong cách sống mới này, cũng như tạo tiền đề cho những người dẫn đầu trào lưu này trở nên nổi tiếng khắp Việt Nam.

Chủ nghĩa tối giản (minimalism) là một phong trào nghệ thuật ở phương Tây từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khoảng đầu thập niên 1960. Ban đầu khuynh hướng này chỉ thể hiện trong nghệ thuật thị giác và âm nhạc, sau đó nó dần trở nên phổ biến như một triết lý và cách sống. Tương đồng về mặt văn hóa, Danshari hay sống tối giản cũng là một phong cách sống được ưa chuộng ở Nhật Bản bắt nguồn từ thời kỳ Edo, khi người Nhật bị giới hạn bởi các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang của cải vật chất cũng như đặc trưng địa lý của quốc gia này là thường xuyên xảy ra động đất nên người Nhật buộc phải tối giản đồ đạc, nội thất trong nhà. Dần dà, Danshari trở thành lối sống và là biểu tượng trong phong cách sinh hoạt của người Nhật.

Cốt lõi của lối sống tối giản là ngừng chạy theo những nhu cầu vật chất phù phiếm mà hiểu rằng vừa đủ mới là tốt, sống đơn giản vẫn có thể làm ta hạnh phúc và đủ đầy. Vứt bỏ bớt đồ đạc không cần thiết chỉ là bước đầu tiên trên hành trình sống tối giản, sau đó chúng ta còn có thể áp dụng triết lý này trong việc tối giản nhu cầu, tối giản thông tin, tối giản mối quan hệ,… Việc tập trung vào những điều thật sự quan trọng trong đời sống sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và hạnh phúc hơn.

Ảnh: Unsplash

Nhập nhằng giữa tối giản và tối ưu

Để một lối sống trở nên thịnh hành, vai trò của những người dẫn đầu xu hướng hay influencer rất quan trọng. Bởi lẽ nếu không có những người làm gương (role model) đủ sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng thì sẽ không nhiều người biết và thực hành theo phong cách sống đó. Ngoài triết lý sống tối giản (đại diện cho người Nhật), có thể kể đến một vài triết lý sống khác như triết lý Lagom (vừa đủ) của người Thụy Điển, triết lý Hygge (hạnh phúc từ những điều nhỏ bé) của người Đan Mạch, hay triết lý Sisu (vượt qua tất cả) của người Phần Lan,… Bạn có thể từng nghe qua hoặc chưa biết tới những triết lý sống này, sở dĩ chúng không thịnh hành hay quá rầm rộ ở Việt Nam là vì có rất ít influencer nào dẫn đầu về phong cách sống ấy.

Bản thân mình cũng từng follow một số influencer dẫn đầu về lối sống tối giản ở Việt Nam, nhưng theo dõi hành trình của họ qua một thời gian đủ dài, mình nhận ra có khá nhiều điểm mâu thuẫn trong phong cách sống của họ mà dễ làm số đông người theo dõi họ hiểu nhầm rằng sống tối giản là phải như thế. Nếu như cốt lõi của chủ nghĩa tối giản là đơn giản hóa cuộc sống và nhu cầu của bạn tới mức tối thiểu, thì nhìn vào cuộc sống của các influencer này, bạn sẽ thấy họ không khác gì một “siêu nhân” multitask (đa nhiệm).

Đơn cử như một bạn influencer A nọ về lối sống tối giản, sau một thời gian viết blog bạn bắt đầu lấn sân sang làm YouTube và podcast, đến đây thì chuyện vẫn chưa có gì để nói vì đó chỉ là một hướng phát triển social media đa kênh. Sau đó vì khối lượng công việc trên social phải xử lý quá nhiều nên bạn tuyển hẳn một trợ lý cá nhân để hỗ trợ bạn trả lời fan, giải quyết công việc và làm việc với truyền thông. Một thời gian sau mình lại thấy bạn lập hẳn một fanpage tiếng Anh, mở kênh YouTube và làm cả podcast tiếng Anh để mở rộng đối tượng là những người nói tiếng Anh trên toàn cầu chứ không đơn thuần là những người Việt Nam nữa. Và đây chỉ mới là một khía cạnh trong cuộc sống social của bạn chứ chưa kể đến những multitask khác trong công việc và gia đình.

Một bạn influencer B khác, chỉ cần nhìn vào Google Calendar của bạn là nhiều người sẽ thấy choáng vì lịch trình cá nhân của bạn hết sức dày đặc với thời khóa biểu kín mít từ sáng đến chiều, ngay cả cuối tuần. Từng khung giờ một đều được lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động học tập, làm việc và phát triển bản thân. Ngoài Google Calendar, bạn còn dùng một số ứng dụng điện thoại để theo dõi hiệu suất của mình mỗi ngày, từ việc tập thể dục cho tới tập thiền, học ngoại ngữ, học đàn, v.v. Lối sống của bạn có thể nói là điển hình cho hiệu suất tối ưu mà bạn sẽ tìm thấy trong nhiều quyển sách phát triển bản thân, khi một cá nhân tận dụng tối đa thời gian và tiềm lực của họ để thúc đẩy bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn chính mình gấp nhiều lần. Và sự kỷ luật của bạn khiến cho nhiều người phải thán phục và trầm trồ ngưỡng mộ vì đó là cái ngưỡng mà những người bình thường phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được.

Nhìn vào cuộc sống của hai influencer kể trên, có một điểm chung mình thấy rằng khởi điểm của họ là định hình cho bản thân một phong cách sống tối giản, nhưng trên hành trình đó họ cũng đồng thời thực hành lối sống tối ưu hiệu suất và năng suất của bản thân. Từ đó hai điểm này giao thoa và có phần nhập nhằng mâu thuẫn với nhau, bởi sống tối giản hướng tới việc buông bỏ bớt và đơn giản hóa cuộc sống của bạn lại, nhưng sống tối ưu lại hướng tới việc bám chấp vào rất nhiều thứ như lịch trình, ứng dụng, kế hoạch, hiệu suất, v.v. và những thứ này lại đang làm cho cuộc sống của bạn trở nên phức tạp hơn. Ở góc độ cá nhân, với mình một cuộc sống như vậy là quá phức tạp chứ không thật sự tối giản theo đúng nghĩa của nó.

Ảnh: Unsplash

Nguyên tắc niềm vui và nguyên tắc thành quả

Lúc trước mình từng đọc một bài chia sẻ của một anh tác giả nọ khá nổi tiếng, đại ý anh nói rằng để xuất bản được ngần ấy cuốn sách trong mấy năm bên cạnh khối lượng công việc khổng lồ khác anh đảm nhiệm thì anh tận dụng thời gian viết lách mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đi tàu xe hay máy bay thì anh vẫn có thể mở laptop lên sáng tác được suốt chuyến đi thay vì nằm ngủ như nhiều người. Lối sống của anh cũng là phong cách sống tập trung vào hiệu suất điển hình.

Hồi trước mình rất ngưỡng mộ những người sống tối ưu như vậy bởi bản thân mình cũng là một người hướng tới hiệu suất và thành quả. Từ hồi sinh viên mình đã đọc khá nhiều sách self-help về chủ đề productivity, ở cái thời smartphone còn chưa thịnh hành thì mình đã biết cách đặt to-do list, bucket list hay lên kế hoạch học tập và phát triển bản thân. Đến khi đi làm ở một công ty đào tạo và xuất bản chuyên về mảng kỹ năng sống thì phải nói suốt quãng thời gian 5 năm mình được nạp vào rất nhiều kiến thức và kỹ năng để sống sao cho hiệu suất và hiệu quả, bởi ngay cả các sếp của mình hay các trainer, các bạn coach trong công ty cũng đều là ví dụ điển hình cho lối sống tối ưu này. Nhìn lại hành trình của bản thân, có thể nói mình đã dành gần cả chục năm từ thời sinh viên cho tới quãng ra trường đi làm để sống và thực hành theo phong cách sống này.

Chỉ mới khoảng vài năm trước đây thôi, mỗi dịp nghỉ lễ hay nghỉ Tết dài ngày thì mình còn lên hẳn một danh sách những việc cần làm. Ngay cả những ngày cuối tuần thì mình cũng có to-do list chứ không bao giờ để cho bản thân rảnh rỗi, bởi rảnh rỗi đồng nghĩa với việc mình cảm thấy bản thân đang lãng phí thời gian và tụt lại phía sau. Nhưng từ thời điểm nào thì mình lại thay đổi hoàn toàn tư duy này?

Cơ duyên chuyển hóa xảy đến khi mình đọc được cuốn sách của nhà tâm lý học Chris Skellett, trong đó có phân biệt nguyên tắc niềm vui và nguyên tắc thành quả:

  • Người theo nguyên tắc niềm vui có xu hướng tìm kiếm những lựa chọn mang lại niềm vui cho họ trong cuộc sống. Phong cách của họ là quyết định ưu tiên cho cái phù hợp với họ nhất và cách sử dụng thời gian mang lại cảm giác vui vẻ nhất.
  • Người theo nguyên tắc thành quả có xu hướng nhìn nhận cuộc sống là một núi công việc, nghĩa vụ và thử thách phải hoàn thành. Phong cách của họ là tập trung vào những việc cần làm và khao khát cảm giác hài lòng khi đạt được thành quả.

Ví dụ trong công việc, người theo nguyên tắc thành quả chỉ tập trung vào việc giải quyết nhiệm vụ, chinh phục thử thách và có được cảm giác chiến thắng khi đạt được mục tiêu, trong khi người theo nguyên tắc niềm vui sẽ coi trọng việc được làm những gì mình thích, thích những gì mình làm và tận hưởng quá trình đó. Hay trong một chuyến đi chơi với bạn bè, người theo nguyên tắc niềm vui chỉ đơn giản là muốn bạn bè có dịp bên nhau để chia sẻ và gần gũi với nhau, trong khi người theo nguyên tắc thành quả sẽ muốn cả bọn cùng nhau làm một việc gì đó có ý nghĩa hơn.

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Chris Skellett, hạnh phúc trọn vẹn thật sự là khi chúng ta biết cân bằng giữa cảm giác vui vẻ, tận hưởng trong hiện tại và cảm giác hài lòng khi đạt được những thành quả đã đề ra, thay vì thiên lệch về một trong hai nguyên tắc. Khi hiểu được điểm này, bản thân mình đã có giây phút “giác ngộ” khi nhận ra trước giờ mình đã sống quá nguyên tắc, quá cứng nhắc và quá kỷ luật với bản thân mà bỏ quên mất những niềm vui đang hiện diện trong cuộc sống và trong những việc mình làm. Từ khoảnh khắc đó, mình giảm bớt lại các mục tiêu phải thực hiện mà có những quãng thời gian dành cho bản thân để tận hưởng niềm vui và cân bằng lại phương trình cuộc sống. Ví như có những ngày nghỉ thật sự chỉ là ngày nghỉ trọn vẹn thay vì phải bận tâm giải quyết to-do list.

Ảnh: Unsplash

Tập trung vào điều quan trọng nhất ở hiện tại

Có lần một người bạn hỏi mình rằng mình có đang dùng app nào để theo dõi các hoạt động mình làm mỗi ngày không, do bạn đang tập ngồi thiền nhưng bữa tập bữa bỏ vì có những buổi tối thức khuya quá nên sáng không dậy sớm được. Mình trả lời bạn rằng mình không có thói quen dùng app trên điện thoại để theo dõi như vậy và cũng không khuyến khích bạn dùng để tránh việc phụ thuộc vào một phương tiện công nghệ. Bởi lẽ khi bạn thực hiện một hoạt động là bạn muốn có quãng thời gian yên tĩnh để hoàn toàn tập trung vào hoạt động đó, nhưng khi mở điện thoại lên để truy cập vào app thì đồng thời bạn sẽ thấy email mới, tin nhắn từ Facebook, Zalo hay SMS, rồi thông báo từ một số ứng dụng khác (ở đây là mình đã tắt hết noti của các ứng dụng không quan trọng), thì khi đó tâm trí rất dễ bị xao nhãng và đi lang thang.

Sống tối giản theo mình là bạn nên tận dụng những nguồn lực đơn giản sẵn có, có thể thủ công hay truyền thống một chút, ví dụ như dùng một quyển sổ tay để đánh dấu hoạt động, hoặc ở một cấp độ cao hơn là bạn có thể duy trì được thói quen đó mỗi ngày mà không cần phải đánh dấu. Ví như việc ngồi thiền, giả sử mục tiêu của bạn là thực hành ngồi thiền mỗi ngày, nếu buổi sáng bạn ngủ quên không thể ngồi thiền được thì có thể chuyển sang buổi tối sau khi tắm rửa hay trước khi đi ngủ, thời gian nào cũng được miễn là bạn phải làm nó mỗi ngày thì mới tạo được thói quen mới. Nếu mục tiêu ngồi thiền 60 phút là quá nhiều và quá khó thực hiện, hãy giảm xuống còn 15 phút, rồi tăng dần lên 30 phút, 45 phút rồi mới 60 phút, hoặc chỉ dừng ở mức 30 phút nếu bạn thấy như vậy là đã đủ. Điều cốt lõi là bạn phải hiểu lý do tại sao mình muốn ngồi thiền, bởi nếu không có một động lực đủ sâu thì việc đặt ra mục tiêu cũng phí hoài vô ích.

Nhìn vào cuộc sống của những người theo đuổi lối sống tối ưu và hiệu suất, mình thấy họ có quá nhiều mục tiêu phải theo đuổi trong thời điểm hiện tại, ví như vừa học tiếng Anh lại vừa học tiếng Nhật, tiếng Hàn rồi cả tiếng Trung – đó chỉ mới là ở một khía cạnh học ngoại ngữ, bên cạnh hàng tá mục tiêu khác trong công việc, học tập và cuộc sống. Có đôi lúc mình tự hỏi: Vậy thì điều gì là quan trọng nhất đối với họ ở hiện tại?

Có một quan điểm về việc theo đuổi mục tiêu rất thú vị mình từng đọc được trong quyển sách của một nhà văn nọ. Chị kể rằng ở mỗi giai đoạn hay mỗi thời điểm trong cuộc đời, chị chỉ đặt ra vài mục tiêu quan trọng nhất đối với bản thân. Sau đó chị sẽ dành ra một quãng thời gian đủ dài để thực hiện từng mục tiêu một, ít nhất là 1 tháng, có khi 3 tháng, hay 6 tháng liên tục. Chẳng hạn chị muốn học tiếng Trung thì chỉ sẽ dành ra khoảng 6 tháng để học vài khóa tiếng Trung và học ngày học đêm cho tới khi thông thạo 4 kỹ năng nghe nói đọc viết ở mức độ nền tảng, khi có cái nền tảng rồi chị có thể học tiếp lên hay tự học mà không cần đến trung tâm nữa. Trong quãng thời gian 6 tháng ấy, sự tập trung lớn nhất của chị chỉ dành cho việc học tiếng Trung, chứ không phải chia nhỏ thời gian rảnh ra nhiều phần để thực hiện song song với các mục tiêu khác.

Cá nhân mình thấy quan điểm của chị rất hay và phù hợp với lối sống tối giản, khi bạn chỉ tập trung vào điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của bạn ở thời điểm hiện tại. Những người đa nhiệm hay những người theo nguyên tắc thành quả thường đặt ra rất nhiều mục tiêu trong đời sống của họ, tuy nhiên trong số đó có những mục tiêu gọi là chỉ để thỏa mãn khao khát chinh phục nhiệm vụ và tìm kiếm cảm giác hài lòng khi đạt thành quả, khi học được một cái gì đó mới chứ không thật sự quá quan trọng và cần thiết đối với cuộc đời họ ở hiện tại.

Chung quy thì sống tối giản hay sống tối ưu là một lựa chọn, mỗi cá nhân sẽ có những lựa chọn khác nhau ở những thời điểm khác nhau và cũng không ai cấm họ đã sống tối giản thì không được sống tối ưu. Ở bài viết này, mình chỉ đưa ra một góc nhìn để phân biệt rõ hơn lối sống tối giản và lối sống tối ưu để nhiều bạn không nhầm lẫn cách một số influencer đang thực hành là sống tối giản (vì thực sự nó không hề tối giản). Bản thân mình cũng không phủ nhận lối sống tối ưu, vì nhờ nó mà mình mới tích lũy được ngần ấy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống để trở thành phiên bản của mình như hiện tại. Nhưng đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, khi bạn đã biết và hiểu đủ nhiều, bạn sẽ cần buông bỏ nhiều thứ không còn quan trọng với bạn để tập trung vào điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Như vậy, tỉnh thức cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tối giản?

    • Chơn Linh Phản hồi

      Theo mình sống tỉnh thức hay sống trong chánh niệm là một triết lý sống khác của nhà Phật, có thể song hành chứ không nằm trong lối sống/chủ nghĩa tối giản. Nó theo kiểu A đi với B chứ A không thuộc B 🙂

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.