Hỏi: Mình từng nghe có người nói chỉ có tên gọi dân tộc Việt Nam, người Việt Nam chứ không có tiếng Việt Nam mà phải dùng là tiếng Việt. Tương tự, không có tiếng Trung Quốc mà chỉ có tiếng Trung hoặc tiếng Hoa. Vậy đối với các thứ Anh, Pháp, Đức, Ả rập thì sao? Tên gọi ngôn ngữ trùng lắp với tên nước có phải là sai hay chỉ là những trường hợp riêng biệt?
Đáp:
Dân tộc Việt Nam hay người Việt Nam nhằm chỉ những công dân sinh sống hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2000, Việt Nam có 54 dân tộc anh em chia thành 8 nhóm ngôn ngữ chính: Việt – Mường, Tày – Thái, Môn – Khmer, Mông – Dao, Kdai, Nam Đảo, Hán, Tạng. Trong đó, người Kinh chiếm tới gần 86% dân số Việt Nam (số liệu năm 2009). Mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có tiếng nói và ngôn ngữ riêng biệt (chia theo 8 nhóm ngôn ngữ trên) nên chúng ta tránh dùng tiếng Việt Nam mà chỉ gọi chung là tiếng Việt.
Tương tự, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) cũng có tới 56 dân tộc. Trong đó, người Hán chiếm số lượng đông nhất là gần 92%. Và trong số 56 dân tộc của Trung Quốc thì chỉ có 3 dân tộc dùng chung tiếng Hán theo hệ ngôn ngữ Hán – Tạng, các dân tộc khác sử dụng hệ ngôn ngữ riêng. Ở tiếng Hán (còn gọi tiếng Hoa hay tiếng Trung) lai phân biệt ra thành tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông) và tiếng Quảng Đông. Tiếng Quan Thoại thì sử dụng nhiều ở khu vực Trung Quốc đại lục còn tiếng Quảng Đông được sử dụng tại tỉnh Quảng Đông, đặc khu Hồng Kông, Ma Cao.
Đối với các thứ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ả rập v.v. đều là cách dịch lại từ English, French, German, Arabic theo ngữ nghĩa tiếng Việt, ý chỉ tiếng nói của quốc gia đó.
Như vậy, gọi tên một ngôn ngữ trùng lắp với tên quốc gia không hẳn là đúng nhưng cũng không sai. Không hẳn là đúng vì cách gọi tên ngôn ngữ riêng biệt như vậy sẽ tạo sự phân biệt, chia rẽ giữa các dân tộc với nhau trong một quốc gia. Không sai vì mỗi quốc gia, từ châu Á đến châu Âu đều có nhiều dân tộc, tộc người sinh sống và dân tộc chiếm số đông sẽ đại diện cho hình ảnh quốc gia đó, bao hàm cả ngôn ngữ.