Lâu lắm rồi mình mới tới rạp chiếu phim để xem một bộ phim hoạt hình, kể từ khi trưởng thành và không còn sưu tầm những VCD, DVD hoạt hình như ngày bé. Có lẽ lăng kính trưởng thành của một người lớn khiến cho mình khó cảm nhận được sự ngây thơ, hồn nhiên của thế giới đầy màu sắc nhiệm mầu trong phim hoạt hình như ngày trước. Nhưng Robot hoang dã (The Wild Robot) là một ngoại lệ, bởi bộ phim đã thu hút mình ngay từ cái nhìn đầu tiên ở poster và cấu tứ của phim – một chú robot hiện đại bị lạc vào miền hoang dã. Những hình ảnh và thước phim về thiên nhiên luôn níu kéo mình lại, như thể được gặp lại cố nhân, như thể tìm lại được thứ gì đó sâu thẳm đã mất.
Khi thấy chiếc logo quen thuộc của hãng DreamWorks hiện lên trên màn hình, tim mình như dừng lại một nhịp với hình ảnh chú bé ngồi câu ước mơ trên vầng trăng khuyết. Mỗi hãng phim hoạt hình lớn như Disney hay Pixar đều có logo và thước phim intro đặc trưng là các nhân vật thương hiệu của hãng, mà với DreamWorks đó là Shrek, là chú mèo đi hia Puss. Bộ phim hoạt hình “gần nhất” mình xem của DreamWorks là Kung Fu Panda ra mắt năm 2008, tính đến hiện tại đã… 16 năm trôi qua. Một con số mà thử tính nhẩm thôi đã giật mình, không ngờ thời gian vun vút thoi đưa như thế. Xem lại danh sách phim DreamWorks từng sản xuất, cả một tuổi thơ như trôi qua trước mắt mình với những Chicken Run, Madagascar, Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit, Over the Hedge,…
Bộ phim Robot hoang dã được xây dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Peter Brown, và được Chris Sanders biên kịch và đạo diễn. Sanders biết đến cuốn sách này thông qua con gái ông và nhiều năm sau đó mới cơ hội được chuyển thể nó lên màn ảnh rộng. Có một điểm thú vị là bộ phim sử dụng phong cách vẽ tay kết hợp với đồ họa 3D, lấy cảm hứng từ các bộ phim Disney kinh điển và từ các tác phẩm nổi tiếng của vị đạo diễn Hayao Miyazaki của Studio Ghibli, nên phần đồ họa phải nói cực kỳ mãn nhãn.
Robot bị lạc, ngỗng con xấu xí và con cáo triết lý
Robot hoang dã mở đầu bằng sự kiện một kiện hàng chứa chú robot đa năng ROZZUM bị trôi dạt vào hoang đảo sau một cơn bão. Một chú hải ly tọc mạch vô tình kích hoạt nút nguồn và khởi động robot ROZZUM có mã số 7134, tên thân mật là Rozz. Robot ROZZUM vốn được thiết kế với rất nhiều tính năng phục vụ đời sống con người như dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, làm vườn, thanh toán trực tuyến, v.v. Mỗi khi kích hoạt thì Rozz sẽ tìm đối tượng chủ thể gần nhất để tiếp nhận nhiệm vụ và cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Có điều Rozz bị lạc trên đảo hoang không có một bóng người và trong chương trình cài đặt không có ngôn ngữ loài vật nên Rozz cũng không thể giao tiếp với “cư dân” trên đảo. Nhưng chuyện gì khó đã có AI lo, với công nghệ học máy, Rozz có thể tự đào tạo cho chính mình học hết ngôn ngữ của các loài vật trên đảo để trò chuyện với chúng.
Trong một lần bị ngã từ trên cao xuống, Rozz đè bẹp dí một chú ngỗng trời mẹ và những quả trứng nằm trong ổ. May mắn sao, một quả trứng vẫn còn nguyên vẹn được Rozz đem về bảo quản, nhưng lại bị chú cáo ranh ma Fink năm lần bảy lượt chôm chỉa để tính xơi tái. Màn rượt đuổi ngoạn mục giữa Rozz và Fink làm bén duyên tình bạn giữa cả hai, và sau đó là sự ra đời của chú ngỗng con Brightbill (bản lồng tiếng dịch là Mỏ Sáng). Như một bản năng tự nhiên, khi một chú ngỗng con chui ra từ vỏ trứng, nó sẽ xem con vật nào nó nhìn thấy đầu tiên là mẹ. Với Brightbill, robot Rozz chính là mẹ của nó – “người” mà cả khu rừng xem là yêu quái và luôn tránh xa tám thước. Để nuôi dạy một chú ngỗng con nên thành ngỗng trời thì cần có một chuyên gia am hiểu về loài ngỗng, mà chú cáo Fink chính là cố vấn đồng hành cùng Rozz trong hành trình nuôi dạy Brightbill.
Quyển tiểu thuyết Robot hoang dã được nhà văn Peter Brown viết năm 2016. Theo phỏng đoán của mình, có lẽ tác giả khai thác chất liệu từ một số nhân vật có sức ảnh hưởng tới đại chúng. Ví như robot Rozz làm chúng ta liên tưởng tới chú robot WALL·E nổi tiếng của hãng phim Pixar (năm 2008), cũng là một chú robot cô độc còn sót lại trên Trái Đất ở thế kỷ 22. Cái tứ lạc vào hoang đảo lại gợi nhớ đến câu chuyện nổi tiếng Robinson Crusoe trên đảo hoang của nhà văn Daniel Defoe. Tình tiết robot Rozz nhặt được quả trứng và ấp nở ra một chút ngỗng con nhắc chúng ta nhớ về câu chuyện cổ tích kinh điển “Vịt con xấu xí” của nhà văn Andersen. Trong phim, Brightbill cũng bị xem là chú ngỗng xấu xí vì thấp bé nhỏ con hơn so với bạn bè cùng lứa và có đôi cánh bị cụt, đã vậy lại không biết bơi lẫn biết bay nên cậu luôn bị đồng loại kỳ thị.
Và cuối cùng là chú cáo ranh mãnh Fink hay nói triết lý gợi nhớ về nhân vật chú cáo trong truyện “Hoàng tử bé” của nhà văn Pháp Saint-Exupéry. Trong “Hoàng tử bé”, chú cáo là một con vật hoang dã chuyên rình bắt gà của con người. Cáo ta là kẻ thù của loài người nhưng lại kết giao và trở thành bạn của Hoàng tử bé, bởi cậu có trái tim thuần khiết và có thể thuần hóa cáo. Chú cáo Fink trong Robot hoang dã cũng có bản năng hoang dã là chuyên săn bắt ngỗng trời, nhưng nhờ sự thuần khiết tới ngây ngô của robot Rozz mà đã cảm hóa được cáo ta để bất đắc dĩ trở thành người cùng nuôi dạy ngỗng con Brightbill. Con cáo trong “Hoàng tử bé” hay nói chuyện rất triết lý, thì chú cáo Fink trong phim cũng thốt ra nhiều câu triết lý làm ta phải giật mình.
Lúc bé người ta thiếu thốn cái gì thì khi trưởng thành sẽ luôn nghĩ về cái đó.
Mẹ sẽ là cánh chim đưa con bay thật xa
Trong chương trình của robot Rozz, nhiệm vụ được thiết lập cho Brightbill là dạy chú học bơi, học bay và nhập đàn chim di trú trước mùa đông. Lần đầu tiên học cách làm mẹ, Rozz chẳng biết làm mẹ là như thế nào. Cô chuột đã sinh mấy lứa mới chia sẻ rằng, có ai sinh ra mà đã biết cách làm mẹ đâu, cô cứ làm đi rồi sẽ có kinh nghiệm mà thôi. Quả thực chẳng có cuốn sách hay khóa học nào có thể dạy chúng ta trở thành bậc phụ huynh tiêu chuẩn, mà mỗi người sẽ có cách nuôi dạy con khác nhau. Dân gian cũng có câu “Sinh con rồi mới sinh cha”, phải đến khi cha mẹ sinh đứa bé ra và nuôi nấng nó nên người, họ mới đang học cách trở thành bậc cha mẹ thực thụ. Rozz vốn dĩ là một con robot, trong chương trình của “cô” không có thiết lập nào để trở thành một người mẹ, chính vì vậy mà cô nuôi nấng Brightbill theo ngôn ngữ lập trình của một con robot chứ không giống một mẹ ngỗng bình thường.
Ở đây mình tạm gọi Rozz là “cô” cho dễ xưng hô, chứ bản chất robot vốn không có giới tính. Nhưng ở bản phim tiếng Anh lẫn bản lồng tiếng Việt, mình nghĩ đạo diễn cũng rất tinh tế khi chọn giọng lồng tiếng nữ cho nhân vật robot Rozz này để diễn tả đúng vai diễn người mẹ bất đắc dĩ mà cô phải đảm trách. Như bất kỳ phụ huynh nào khác, Rozz phải đối mặt với thời khắc Brightbill dậy thì và trở nên nổi loạn. Brightbill không còn là chú ngỗng con dễ thương luôn lẽo đẽo đi sau lưng mẹ và phụ giúp mẹ những việc nhỏ nhặt trong nhà, bắt chước theo những lời mẹ nói và những gì mẹ làm. Khi bị đồng loại chế giễu vì sự khác biệt của mình và xua đuổi cậu vì sống chung với bà mẹ yêu quái và chú cáo – thiên địch của loài ngỗng, Brightbill tức giận và làm tổn thương Rozz với những lời hằn học trách móc.
Brightbill không hề biết rằng vì cứu mình mà mẹ đã bị thương và mất một phần chân. Đứa bé ngoan ngoãn ngày nào luôn quan tâm đến mẹ giờ trở nên vô tâm đến lạnh lùng. Nhưng giống như bao bậc cha mẹ khác, Rozz không kể lể công ơn dưỡng dục của mình với con cái, cô chỉ biết lặng lẽ nép về phía sau để cho con có không gian riêng của mình. Có những bậc sinh thành luôn sẵn sàng hy sinh vì con cái, nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược. Những đứa con ở tuổi nổi loạn sẽ không bao giờ hiểu được khó khăn vất vả và khổ tâm của cha mẹ, mà chỉ đến khi trưởng thành, trở thành cha mẹ và có những đứa con của riêng mình, chúng mới thấu cảm được sự hy sinh của cha mẹ lớn đến nhường nào.
Chi tiết Brightbill nổi loạn trong phim làm mình nhớ đến một chia sẻ của diễn viên hài Lâm Vỹ Dạ trong một chương trình truyền hình khi nói về con trai của cô: “Bánh Mì từng là một bạn rất là hoạt bát, rất là năng động. Nhưng mà không biết tại sao sau thời gian dậy thì, Bánh Mì như một người hoàn toàn khác. Mình có khoảng cách với con rất là lớn. Điều đó làm mình cảm thấy hoảng sợ”. Trong chương trình “Nhà mình có nhau”, cô cũng từng chia sẻ mình có cảm giác giống như đã mất đi đứa con bé bỏng dễ thương ngày nào. Đó cũng chính là cảm giác mà những bậc cha mẹ có con trong độ tuổi dậy thì nào cũng phải trải qua.
Dù cho bao nhiêu năm trôi qua, cấu tứ câu chuyện “Vịt con xấu xí” không bao giờ lỗi thời. Đây cũng là một trong những câu chuyện mình yêu thích nhất và để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất trong kho tàng cổ tích của Andersen. Trong thế kỷ 21, những chú ngỗng con hay vịt con xấu xí chính là những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình đặc biệt, có thể là được nuôi dạy bởi hai ông bố hay hai bà mẹ đồng tính, hay khác biệt về chủng tộc và màu da đối với những đứa trẻ khác trong cộng đồng. Dù ở phương Đông truyền thống hay phương Tây văn minh, những đứa trẻ ấy luôn phải đối mặt với sự chế giễu, trêu chọc và bắt nạt từ bạn bè vì sự khác biệt của mình. Nhưng mấy ai biết được sau cái lốt vịt con xấu xí đó liệu có phải là thiên nga giữa bầy vịt hay không?
Chú ngỗng Brightbill trong phim sau nhiều thử thách cũng đã chứng minh được năng lực thực sự của mình với bầy đàn. Nhưng để Brightbill khai phá được những năng lực đó, phần lớn đều là nhờ một tay mẹ Rozz nâng đỡ và động viên cậu không ngừng. Trong phim, mình cực kỳ thích chi tiết Rozz lót đá xây đường dài tít tắp làm đại lộ để Brightbill tập bay – một hình ảnh ẩn dụ cực kỳ đắt giá. Khác với những chú ngỗng bình thường khi trưởng thành có thể tự lấy đà bay trên đôi chân của mình, Brightbill của mẹ Rozz tập bay nhờ những bước chân lấy đà của người mẹ robot. Khi xem phân cảnh này, trong đầu mình cứ vang lên câu hát: “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài trên ngực”. Đối với Brightbill, Rozz vừa là cha, mà cũng vừa là mẹ. Và mẹ Rozz chính là cánh chim đưa Brightbill bay thật xa.
Tình thương gắn kết muôn loài
Ngoài câu chuyện cảm động về tình mẹ con giữa cô robot Rozz và chú ngỗng trời Brightbill không chung giống loài, Robot hoang dã còn truyền tải một thông điệp ý nghĩa khác về tình thương. Từ “love” trong tiếng Anh hay được dịch là “tình yêu”, nhưng “love” còn có nghĩa rộng hơn là tình thương, bởi nó không chỉ bao hàm tình yêu nam nữ, tình yêu trong gia đình giữa cha mẹ với con cái, mà còn là tình thương giữa muôn loài với nhau. Trong phim, Rozz sinh tồn trong một khu rừng hoang dã trên hoang đảo, nơi các sinh vật tồn tại theo quy luật sinh trưởng của tự nhiên – thú ăn thịt sẽ săn lùng thú ăn cỏ. Trong mắt muôn thú, Rozz là một con yêu quái đáng sợ mà ai cũng tránh xa. Cả nhà cô bị xem là giống loài dị biệt trong khu rừng.
Nhưng chính cô robot bị muôn loài xem là yêu quái đó lại là người dang rộng vòng tay chở che chúng trong mùa bão tuyết. Mình cực thích một câu nói của Rozz trong phim:
Đôi khi để sinh tồn, chúng ta phải vượt qua những gì mình đã được lập trình.
Bản năng được lập trình của mọi sinh vật là tuân theo quy luật tự nhiên kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, khó có thể chung sống hòa bình được với nhau. Bản năng của một con robot giúp việc như Rozz là phụ giúp con người làm việc nhà. Vốn dĩ Rozz không được lập trình để trở thành một người mẹ, cũng như không được lập trình để học cách yêu thương và bày tỏ tình thương. Nhưng nhờ quá trình nuôi dạy Brightbill và sống chung với muôn thú, Rozz đã tự lập trình lại chính mình để sống “thú” hơn, đó là điều mà không chú robot ROZZUM nào khác có thể học hỏi được, giống như Rozz.
Như mọi bộ phim đều có nút thắt cao trào, trận chiến kinh thiên động địa cuối phim dường như đẩy mọi cao trào lên đến đỉnh điểm khi Rozz bị đơn vị chủ quản bắt đem về nhà máy để phục hồi và sửa chữa. Mọi ký ức của Rozz về Brightbill và cuộc sống trên hoang đảo có thể bị xóa sạch hoàn toàn. Đó cũng chính là lúc muôn loài kề vai sát cánh với nhau để bảo vệ Rozz.
– Bạn được lệnh phải trở về nhà.
– Tôi đã về nhà rồi. Và tôi là một robot hoang dã.
Câu chuyện và cái kết của phim khép lại hết sức xuất sắc. Giờ mình đã hiểu vì sao Robot hoang dã nhận được cơn mưa lời khen từ các nhà phê bình lẫn khán giả trên khắp thế giới. Ai ai cũng đều kỳ vọng đây sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar năm tới và mình cũng vậy. Một trong những điểm mình thích nhất ở những bộ phim hoạt hình xuất sắc là tuy nó kể những câu chuyện dành cho trẻ nít, nhưng lại chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn và sâu sắc dành cho người lớn. Nó giống như một dạng “cổ tích dành cho người lớn”. Bộ phim nào không đạt tiêu chí này thì chỉ đơn giản là một bộ phim hoạt hình thiếu nhi.
Khi bộ phim đi tới hồi kết, mình nghe thấy tiếng khóc nức nở của mấy bé gái ngồi trong rạp. Đa số khán giả xem phim là phụ huynh dẫn theo con nhỏ. Có mấy bé trai cũng ngồi sụt sịt khóc. Quả thực phim có những phân cảnh rất cảm động và chạm đến tâm can người xem, nhất là với những ai đã là cha mẹ hay những người con từng trải qua tuổi nổi loạn. Trái tim của một người trưởng thành như mình, có lẽ đã chai sạn vì quá nhiều tổn thương nên không dễ gì rơi lệ trước những điều làm thổn thức trẻ nhỏ. Nhưng có vài khoảnh khắc đắt giá trong phim đã làm cho tim mình mềm đi nhiều chút. Phim đang công chiếu ở các rạp vào tháng 10/2024, mọi người hãy nên ra rạp xem để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên choáng ngợp trên màn ảnh rộng.