Có những ngày mệt mỏi và mất năng lượng, cả thế giới bên trong như một mớ hỗn độn xáo động không ngừng. Khi ấy, một ấm trà nóng như một liều thuốc tiên có thể làm dịu đi mọi xáo trộn nội tại, và làm tan đi từng lớp mệt mỏi đang ngự trị trong lòng. Và tâm lại trở về bình lặng như một chén trà.

Nói chuyện uống trà, mình không theo trường phái trà đạo, xem chuyện uống trà như một nghi lễ với nhiều bước kiểu cách, mà trà với mình đơn giản chỉ là trà – một thức uống có tác dụng an dưỡng tinh thần. Mình bắt đầu tập uống trà từ khi còn rất bé, độ những năm tiểu học khi về quê ngoại, mỗi sáng sớm tầm 4-5 giờ sáng ông ngoại đã dậy nhóm lửa ở bếp củi sau nhà để nấu ấm nước sôi pha trà. Những bận như vậy, trời tờ mờ sáng, sương vẫn còn hơi lạnh, mình hay ra bếp lửa ngồi hơ tay cho ấm, và canh ấm nước khi nào sôi.

Trà ông ngoại hay uống là loại trà mạn khô, được dì Tư gói lại thành từng gói nhỏ trong tờ giấy báo bán ngoài quán đầu ngõ. Thứ trà mà khi pha với nước sẽ ra màu vàng sẫm, đậm đặc, uống vào là tỉnh ngủ hẳn. Cái ấm pha trà cũng là một cái ấm bằng sứ, khi pha xong sẽ được ủ trong một cái bình giữ ấm trà bằng trái dừa, cũng là loại dừa khô ngoại tự làm để ủ được trà ấm cho cả buổi sáng. Và rồi ông ngoại ngồi đó, rê một điếu thuốc lá, loại thuốc được cuốn bằng giấy với mớ lá thuốc và hút, thi thoảng ông dừng lại để chiêu một ngụm trà. Ông ngoại bắt đầu mỗi buổi sáng bằng một nghi thức như thế mỗi ngày.

Từ những bận dậy sớm đó, mình cũng tập tành uống trà cùng ông ngoại, ban đầu uống vào vị đắng chát rất khó uống, vì con nít chỉ quen uống nước ngọt, ăn chè chứ có bao giờ uống trà đắng như vậy đâu. Ông ngoại chỉ cười khà khà, bảo uống quen thì sẽ không thấy đắng, từ từ sẽ thấy vị ngọt của trà. Và đúng là như thế thật, trà chỉ đắng khi mới uống, nhưng khi lắng lại là cái ngọt hậu dư ba nơi đầu lưỡi. Đó cũng là lý do khiến mình bắt đầu thích vị của trà, và cả triết lý nhân sinh trong một chén trà – đắng trước ngọt sau, qua cơn bĩ cực thì mới đến hồi thái lai.

Trà của ông ngoại pha, có hương vị quê nhà
Mái đầu đã bạc trắng, thưởng thức phải lặng im
(Jay Chou’s song)

Trà mạn thì chỉ thích hợp uống buổi sáng cho tỉnh táo tinh thần, ai không quen uống buổi tối thì dễ mất ngủ vì trong trà cũng có caffeine như cà phê. Ai uống quen cà phê như cơm bữa thì uống trà đậm cũng không thấy mất ngủ, còn ai không quen uống cả hai loại thì uống trà pha đậm quá sẽ thấy ngay triệu chứng tim đập nhanh, tăng huyết áp, người khó chịu bủn rủn. Như mình không quen uống cà phê, nên mỗi khi uống cà phê đậm quá cũng gặp mấy triệu chứng này.

Nhưng trà cũng có nhiều loại, ngoài trà mạn (trà khô) thì còn có trà tươi hay trà hương. Trà tươi là cách uống trà cổ xưa nhất của người Việt khi dùng lá trà tươi vò nhẹ và cho vào nồi nấu. Một nồi trà có thể uống được mấy ngày, ai muốn dịu nhẹ thì pha thêm với nước để uống. Trà hương thì bao gồm hai loại, một loại là trà khoa được ướp hương hoa sen, hoa nhài,… nhưng bản chất vẫn là lá trà sấy khô mang theo hương của các loài hoa; loại còn lại là trà hoa thật sự, dùng các loại hoa như hoa nhài, hoa cúc, hoa hồng, hoa đào, hoa dâm bụt, hoa đậu biếc, hoa hòe,… sấy khô dùng để hãm với nước để uống.

Khác với loại trà khô thông thường, trà hoa mang một phong vị hoàn toàn khác hẳn, dịu nhẹ, thơm hương nguyên bản của hoa và dễ uống hơn cho bất cứ ai mới tập tành thưởng trà. Trong vô số loại trà hoa kể trên mình đã thử thì ấn tượng nhất là vị trà hoa nhài và hoa hòe bởi hương rất nhẹ nhàng, thanh tao, không quá nồng như trà hoa cúc, cũng không quá chua như trà hoa đào, hoa dâm bụt, hay không nhạt nhẽo như trà hoa hồng, và không khó uống như trà hoa đậu biếc. Các loại trà hoa này bây giờ đều bán khá phổ biến ở các đại siêu thị như Co.opXtra hay Emart, Lottemart.

Gần đây có 2 loại trà mình uống rất mê, tới nỗi bị nghiện nên review nhẹ cho những ai mê trà:

1. Trà ngũ cốc (Cereals Tea)

Hộp trà ngũ cốc này mình phát hiện khi đi Co.opXtra gần nhà, điểm qua thành phần thấy chất lượng quá nên phải mua một hộp về uống thử. Nguyên liệu bao gồm các loại nghe tên thấy đã mê: Gạo lứt đỏ, gạo lứt đen, đỗ đen xanh lòng, đậu đỏ, hoa nhài, hoa hòe, thảo quyết minh, lá sen mà theo nhà sản xuất là được trồng ở đồng quê xứ Nghệ.

Công dụng: Giúp ngủ ngon, giảm mệt mỏi, căng thẳng. Cấp ẩm cho da, giúp da sáng, hết mụn, căng mịn, chống lão hóa. Thải độc tố cơ thể, tăng cường hiệu quả trao đổi chất, thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ thừa. Điều hòa huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim mạch, viêm khớp, hỗ trợ tiêu hóa, mát gan. Giảm thiểu nguy cơ bệnh tiểu đường, ung thư, nhất là đối với những người hay sử dụng rượu, bia.

Trước giờ chỉ có vụ uống riêng từng loại trà như trà hoa nhài hay hoa hòe, hay uống trà đậu (nước đậu luộc) hoặc trà gạo lứt, nay gặp thể loại trà ông nội “kính thưa các loại ngũ cốc” thì cũng thật bái phục đơn vị sản xuất có thể nghĩ ra ý tưởng này. Và vị thì chỉ bình luận 4 chữ: “Trên cả tuyệt vời!”

Tuy trộn hỗn hợp nhiều loại ngũ cốc nhưng uống không bị kiểu tạp nham tả pí lù mà mùi vị rất hài hòa, cực thơm và dễ chịu, vừa thoang thoảng hoa nhài mà lại nghe mùi gạo lứt, rồi pha chút mùi đậu đen đậu đỏ, rồi vị ngọt dịu của cỏ ngọt và lá sen. Hộp trà 450g này uống cả tháng liền tù tì vẫn chưa hết.

Link đặt mua tại đây.

2. Trà lá dung

Cây dung là một vị thuốc Nam quý, được dùng trong y học cổ truyền, thường mọc ở miền núi phía Bắc Việt Nam và được tìm thấy nhiều nhất ở một số xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Công dụng: Lá dung có vị chua ngọt, dân gian thường dùng pha uống giúp tiêu cơm, hỗ trợ điều trị đau bụng và tiêu chảy. Hỗ trợ điều trị bệnh đại tràng, tá tràng, đau dạ dày và giúp tiêu hóa. Uống giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, tiêu độc, tiêu mỡ, hạ huyết áp. Dùng để gội đầu, làm cho tóc mượt và không bị nấm da đầu. Làm đẹp da và tốt cho phụ nữ.

Bịch trà lá dung sấy khô 200g ở hình trên bự tổ chảng mà giá chưa đến 30.000đ. Nói thật là giá có gấp ba lần thì với mình vẫn hoàn toàn xứng đáng. Bởi cảm giác đầu tiên khi unbox bịch trà là mùi hương quá xuất sắc, không phải thơm kiểu nồng nàn mà thơm theo kiểu vị thuốc Nam truyền thống. Trong tự nhiên, không chỉ cành lá mà hoa của cây dung còn được các loài ong, bướm mê mẩn thì hỏi sao con người còn không mê. Mua bịch trà lá dung về tắm bồn có khi bước ra đường ong bướm còn bu lại như Hàm Hương, Tiểu Yến Tử năm nào.

Một điểm khác mình rất thích là trà lá dung không chứa caffein nên không làm cồn ruột và không gây say, nên có thể dùng thoải mái buổi tối mà không sợ mất ngủ. Đây thực sự là một sản phẩm quá ư là chất lượng để dùng hãm trà chill chill lúc buổi đêm hay cho cả gia đình cùng uống giải nhiệt ngày hè nóng bực hoặc làm ấm lòng ngày đông lạnh giá.

Vị của trà cũng như vị lá, chua chỉ là chua nhẹ nhưng ngọt thì ngọt dịu dàng, vừa uống mà vừa thưởng lãm mùi thơm của lá dung thì cứ như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh thưởng trà cùng chúng tiên.

Link đặt mua tại đây.

2 loại trà trên do công ty Tili sản xuất, một doanh nghiệp cũng còn non trẻ trên thị trường kinh doanh nên ai thích các loại trà, thực phẩm dưỡng sinh nên ủng hộ. Vì hộp trà ngũ cốc đầu tiên mình mua ở Co.opXtra, sau đó hết ghé lại mua thì mới biết họ đã ngưng nhập loại này về, có lẽ bán không chạy nên sau đó mình phải đặt hàng trực tiếp nơi sản xuất.

***

Có người yêu thích trà, cũng có kẻ si mê trà, gặp được chút trà ngon thì tâm tình vui sướng hân hoan; bỏ lỡ một vị trà ngon thì tâm tình cũng giống như ngày mưa buồn gió thổi. Người yêu trà, uống trà, cũng sẽ là tự mình chung tình cùng trà, cũng là một đời theo đuổi, kiếm tìm trà. (Lượm trên mạng)

Dù ông ngoại đã mất mười mấy năm trước, sau đó mình vẫn giữ thói quen uống trà như một nghi thức mỗi ngày để tưởng nhớ ông ngoại, và để an lòng của một người hướng nội giữa thế giới còn lắm những xô bồ này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải