
Sau ấn chứng (dấu hiệu siêu hình) ở buổi lễ điểm đạo, trong quá trình công phu trì chú, từ từ mình được trải nghiệm nhiều ấn chứng thú vị khác để cảm nhận rõ ràng hơn về sự hiện hữu của thế giới siêu hình.
Trải nghiệm đầu tiên và rõ rệt nhất là thần lực gia trì. Mình bắt đầu được chư vị siêu hình dạy các động tác kiết ấn theo các ấn quyết tượng trưng cho các cung cõi của thần Phật trong siêu hình, ví dụ như ấn Liên Hoa, ấn Chuẩn Đề, ấn Kim Cang,… Kế đến là những động tác lễ lạy rất đẹp mắt mà mình chưa thấy trước đây bao giờ. Rồi sau đó là những động tác mát-xa, bấm huyệt để tự khai thông những huyệt đạo trên cơ thể. Nhưng dạng thần lực ấn tượng nhất với mình là những bài thần quyền.
Có thể bạn đã từng nghe qua về môn phái “võ bùa” hay Thất Sơn Thần Quyền trong dân gian ở vùng Bảy Núi (An Giang) và một số tỉnh miền Trung. Ngoài học quyền cước thông thường, những đệ tử chân truyền sẽ được sư phụ truyền lại môn thần quyền bằng cách cho làm lễ trước bàn thờ Tổ, uống bùa và trao câu thần chú để tập võ.
Chỉ cần đọc câu chú đó lên là toàn thân họ được chuyển động di chuyển, đánh đấm, nhào lộn rất điêu luyện không biết mệt, thậm chí có những trường hợp đột nhiên có sức mạnh lạ thường mà nhiều người biết võ khác không địch lại được.
Cá nhân mình không biết gì về thần quyền trước đó, nhưng trong một lần giỡn chơi với mấy đứa em và bày trò đánh nhau, trong đầu mình chợt nghĩ tới từ “hạc quyền” (do mới xem bộ phim Kung Fu Panda đang chiếu ở thời điểm đó), thế là tự nhiên mình được chuyển thần lực múa võ với động tác hai tay co lên, đập cánh tấn công rồi đứng một chân như hạc quyền trong phim.
Sau đó, mình chỉ cần niệm long quyền, hổ quyền, xà quyền,… thì cơ thể tự nhiên chuyển sang các thế võ tương ứng. Khi mình niệm túy quyền, thần lực còn chuyển động tác đi lảo đảo và đánh ra các thế võ của một người say rượu dù cho mình chưa bao giờ học võ.

Dĩ nhiên các động tác đánh võ của mình chỉ mang tính chất biểu diễn chứ không có lực và không có tính chất đối kháng như dân học võ thực thụ. Sau này học đạo mình mới biết đó là ngành võ Phật bên cạnh ngành văn Phật (học về lý đạo và quy luật siêu hình). Khi được điểm đạo và học bộ môn khoa học siêu hình, tùy theo năng khiếu và sự ưa thích của mỗi người mà chư vị độ (vị thầy siêu hình) của họ sẽ dạy cho rất nhiều bộ môn khác nhau: thập bát ban võ nghệ, các động tác thể dục thẩm mỹ, các bài khiêu vũ Tây phương lẫn Đông phương, các bài múa cổ trang, các động tác yoga, v.v.
Có vài bạn khi chứng kiến hiện tượng thần lực gia trì như vậy thì có phần e sợ và lo rằng mình bị nhập hay “ông lên bà xuống”, nhưng thực sự người trải nghiệm hoàn toàn tỉnh táo 100% và khi muốn dừng lại, chỉ cần khấn trong tâm xin nghỉ là thần lực sẽ ngưng liền. Về sau, khi mình có cơ duyên đi học thần quyền thực sự thì nền tảng căn bản nhất của người học võ vẫn phải là tập đứng tấn và rèn luyện các bài quyền cơ bản, cũng như phải tự lực học các động tác nhào lộn, tấn công và phòng thủ chứ không phải lúc nào cũng ỷ lại vào thần quyền.
Ngoài thần lực gia trì, mình còn được trải nghiệm nhiều ấn chứng khác trong quá trình trì chú như được mở nhãn cho thấy linh ảnh, cảnh giới siêu hình, được mở nhĩ để nghe thấy tiếng nhạc và âm thanh trong siêu hình, được xuất hồn, được thấy tiền kiếp, có những giấc mơ báo điềm báo mộng, v.v.
Có một điều mình thường nhắc đi nhắc lại vì đây là thành kiến của khá nhiều người tu: Thần thông hay ấn chứng không phải là cứu cánh (mục đích cuối cùng) của người tu học, mà đó chỉ là phần thưởng có tính chất khích lệ trên đường tu. Bởi lẽ, tu học là một con đường rất dài và không hề dễ dàng, nên những trải nghiệm về huyền bí là giúp cho người tu tăng thêm đức tin vào đạo để có động lực tu học lên cao. Giống như học sinh đi học chăm chỉ thì được thầy cô khen thưởng vậy.

Có bạn thắc mắc vì sao tu tập phải trì chú, mà không phải là ngồi thiền, niệm Phật, đọc kinh hay cầu nguyện? Bạn cảm thấy bạn hợp với bộ môn thiền hơn, còn trì chú và đếm số biến chú sao thấy phức tạp quá. Mỗi phương pháp tu tập của mỗi tôn giáo, pháp môn sẽ có một hình thức công phu khác nhau. Công phu được hiểu đơn giản là công sức và thời gian mà bạn dành ra cho đạo. Hình thức thì có rất nhiều nhưng nội dung thì chỉ có một, đó là: Hướng tâm về đạo, về đấng tối cao mà mình tin tưởng để cầu xin sự hộ trì che chở cho đời này và đời sau.
Người được điểm đạo thì sẽ có một vị thần linh trợ độ. Việc trì chú hằng ngày là để chứng minh mình luôn hướng tâm về đạo chứ không phải không cần làm gì hết mà Thánh Thần phải trợ độ cho mình. Ở đâu có chuyện dễ ăn như vậy? Con người phải tu hành, hằng ngày có trì chú, cầu nguyện hướng tâm về bề trên thì mới được hiểu đúng về thần linh và sẽ được thần linh soi sáng nâng đỡ trên đường đời.
Và có học theo đúng giáo trình của nhà trường thì từ từ mới có ngày lên lớp, tốt nghiệp ra trường, tâm linh mới tiến triển và mới có trí, có phước đúng nghĩa.
Đọc tiếp Tập 5: Trở về tiền kiếp – Linh căn trong giếng nước
Đã đọc. Cảm ơn em chia sẻ.