Thoạt nhìn poster phim The Bad Kids (2020), mình liên tưởng ngay tới phim Parasite (Ký sinh trùng) của Hàn bởi concept chụp ảnh và tính chất u ám của phim. Bởi vậy nên ngay từ đầu khi biết tới phim mình đã quyết định… không xem, vì mình rất ngại xem những phim đi quá sâu vào góc khuất của đời sống xã hội như Parasite, càng xem chỉ càng thấy cuộc đời nghiệt ngã.

Nhưng được biết đây là một bộ phim “đại bạo” (nổi đình nổi đám) mùa hè 2020 này bên Trung, gây tranh cãi khá nhiều vì những tình tiết trong phim, cộng với các nhân vật chính của phim là ba đứa trẻ (lọt thỏm trong một poster đầy người lớn) càng khiến mình tò mò phải xem cho bằng được. Và The Bad Kids không làm mình thất vọng, càng xem càng bị cuốn vào mạch phim, tới lúc hết phim vẫn còn ám ảnh không thể dứt ra được y như Parasite.

The Bad Kids được chuyển thể từ tiểu thuyết “Đứa trẻ hư” của nhà văn Tử Kim Trần, thuộc dòng phim trinh thám/tâm lý xã hội do Vạn Niên Ảnh Nghiệp sản xuất với thời lượng 12 tập. Phim lấy bối cảnh xã hội Trung Quốc vào thập niên 90 trong tiết trời mùa hè đầy ảm đạm.

Lúc mới xem tập 1, mình không biết có đang xem nhầm phim được quay vào thập niên 90 không vì từ bối cảnh, phục trang tới màu phim đều được phục dựng lại theo lối điện ảnh thời bấy giờ. Phim chân thật tới nỗi mình phải đi search tên diễn viên để xác định đó là diễn viên của năm 2020 chứ không phải năm 1990 đóng. Một chi tiết nhỏ nhưng rất thú vị trong The Bad Kids là thời điểm này bộ phim truyền hình Hoàn Châu Cách Cách đang làm mưa làm gió, từ người lớn tới trẻ em nhà nhà đều hóng để xem trên vô tuyến truyền hình mỗi tối. Thật sự, phim đã đưa những người lớn ở thế hệ 9x đời đầu bọn mình quay về thời thơ ấu với bầu không khí một thời quá vãng của thập niên 90.

Thầy giáo Trương Đông Thăng

Chuyện phim bắt đầu khi thầy giáo toán học Trương Đông Thăng, vốn là người phương Bắc đi ở rể ở phương Nam. Anh bị bố mẹ vợ xem thường vì không có tiền đồ, ngay cả cô vợ cũng ngoại tình và đòi ly hôn. Cuộc sống hôn nhân bế tắc, ngay cả bố mẹ vợ không khuyên nhủ mà ngược lại còn bảo anh nên rời xa con gái họ dẫn tới. Trương Đông Thăng giả vờ mời bố mẹ vợ leo núi cùng mình để chụp ảnh cho họ, trong lúc hai người đang tạo dáng trên đỉnh núi thì anh cố tình đẩy họ ngã xuống vực.

Những tưởng hành vi của mình không bị ai phát hiện, ai ngờ cảnh Trương Đông Thăng đẩy bố mẹ vợ xuống vực vô tình lọt vào video của ba đứa trẻ cũng leo lên núi Lục Sơn chơi hôm ấy. Đó là cậu bé Chu Triều Dương cùng hai người bạn là Nghiêm Lương và Phổ Phổ.

Chu Triều Dương là một cậu học sinh cấp hai, hướng nội, không chơi với ai trong lớp mà chỉ tập trung vào việc học nên thành tích mỗi năm đều luôn đứng nhất toàn trường. Hoàn cảnh gia đình cậu khá đặc biệt khi bố mẹ đã ly dị, Triều Dương sống với mẹ còn bố thì đã lấy vợ khác là dì Vương Dao và cả hai có một đứa con gái là Chu Tinh Tinh 6 tuổi.

Cậu bé Chu Triều Dương

Nghiêm Lương là bạn học thời tiểu học của Triều Dương. Cậu sống với bố từ nhỏ nhưng người bố vì nghiện ngập đã bị bắt vào trại cai nghiện, sau biến chứng trở thành bệnh tâm thần mất trí nên cậu bé được cảnh sát Trần (người bắt bố Nghiêm Lương) gửi vào Phúc lợi viện.

Phổ Phổ là cô bé mồ côi sống tại Phúc lợi viện, tại đây cô bé quen biết và hay trò chuyện với Nghiêm Lương. Khi bố mẹ mất thì em trai cô bé là Hân Hân đã được một gia đình nhận nuôi nhưng không may bị bệnh nan y cần tiền chạy chữa. Vì muốn tìm cách cứu em trai của mình, Nghiêm Lương và Phổ Phổ đã cùng nhau chạy trốn khỏi Phúc lợi viện.

Nghiêm Lương và Phổ Phổ

Trong hoàn cảnh lưu lạc đầu đường xó chợ, Nghiêm Lương chợt nhớ tới cậu bạn học tiểu học năm nào là Chu Triều Dương nên mới tìm đến nhà cậu để tá túc mấy đêm. Thời điểm đó mẹ Triều Dương cũng bận việc tại cơ quan tới cuối tuần mới về nhà nên Triều Dương mới có thể cho Nghiêm Lương và Phổ Phổ ở lại. Trong mấy ngày ngắn ngủi, ba đứa trẻ cùng vui chơi và có những kỷ niệm đẹp với nhau, cho tới khi phát hiện đoạn video về tên sát thủ giết người trên núi Lục Sơn.

Vì cô bé Phổ Phổ cần tiền chữa bệnh cho em trai, ba đứa trẻ mới cùng nhau lên kế hoạch viết thư tống tiền thầy giáo Trương Đông Thăng để đòi số tiền 30 vạn. Mạch phim càng thêm cao trào khi Triều Dương vô tình ngộ sát cô em gái cùng cha khác mẹ Chu Tinh Tinh, khi làm cô bé tức giận trèo lên khung cửa sổ và bị trượt chân té xuống từ tầng năm cung thiếu nhi. Sự việc này khiến cho mối quan hệ giữa Triều Dương và mẹ với dì Vương Dao trở nên căng thẳng khi người dì luôn đặt nghi vấn Triều Dương chính là hung thủ giết chết con gái cô, dù cậu bé có bằng chứng ngoại phạm không liên quan.

Tuy gọi là phim truyền hình nhưng The Bad Kids đậm chất điện ảnh thông qua thủ pháp quay phim, âm nhạc, màu sắc lẫn mạch phim. Mỗi tập phim có thể ví von như một bộ phim điện ảnh độc lập, vì thường kết vào những pha gây cấn hú hồn người xem và làm khán giả không thể dừng lại được mà phải xem tiếp tập tiếp theo để biết diễn tiến câu chuyện xảy ra như thế nào. Ngoài màu sắc thì âm nhạc trong phim thật sự ma mị và ám ảnh ở những phân đoạn cao trào khiến người xem phải nổi cả da gà.

Đối với người lớn, họ cứ nghĩ trẻ con là những đứa trẻ thơ dại đang còn tuổi ăn tuổi học, chẳng biết gì cả nhưng trong thế giới của chúng cũng có nhiều góc khuất, âm mưu và thủ đoạn ghê gớm không khác gì người trưởng thành. Như Chu Triều Dương từ một cậu nhóc chăm ngoan, học giỏi, từ lúc nào bản chất đã bị biến tướng thành một Trương Đông Thăng thứ hai khi ngộ sát hết người này đến người khác và nói dối tỉnh bơ trước mặt người lớn như thể mình vô tội không biết gì. Diễn xuất của diễn viên nhí Vinh Tử Sam đóng vai Chu Triều Dương phải nói quá đỉnh và quá đạt.

Tính chất dark (u ám) trong phim là cái khiến người xem cảm thấy ám ảnh tới mức phải trăn trở theo từng số phận và hoàn cảnh của nhân vật, để đôi lúc họ tự bật ra câu hỏi: Tại sao cuộc sống lại khắc nghiệt đến thế? 

Trương Đông Thăng hay Chu Triều Dương tuy là hung thủ giết người (trực tiếp và gián tiếp), nhưng xét ở một khía cạnh khác thì cả hai lại chính là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội. Cả hai có khá nhiều điểm chung như đều yêu thích toán học, rất thông minh và cùng thần tượng nhà toán học, triết gia lỗi lạc René Descartes.

Trương Đông Thăng là một người chồng rất tốt, hết mực yêu thương vợ, nhưng vì tính chất nghề nghiệp là thầy giáo nên bị bố mẹ vợ xem thường, bản thân cô vợ là bác sĩ cũng xem thường anh và đi ngoại tình với người khác. Rất nhiều lần trong phim, khán giả thấy Đông Thăng quan tâm lo lắng và chăm sóc cho vợ thật lòng, nhưng đáp trả lại anh chỉ là sự thờ ơ đến hờ hững nên mới dẫn tới sự phẫn uất tột cùng của anh để đi đến quyết định sát hại bố mẹ vợ lẫn chính người vợ của mình.

Chu Triều Dương là một đứa bé có hoàn cảnh đáng thương, sống trong sự cô độc ngay trong chính gia đình của mình. Mẹ cậu bé thì có tình nhân riêng, chỉ quan tâm tới công việc và một tuần chỉ về nhà vài ngày để chăm sóc cậu, đa phần thời gian còn lại Triều Dương phải tự chăm sóc bản thân mình. Cha cậu bé thì từ lâu đã quên mất sự tồn tại của cậu mà dành hết tình thương cho cô vợ trẻ cùng cô con gái Chu Tinh Tinh, để đứa em gái 6 tuổi này nhiều lần ức hiếp bằng lời nói lẫn hành động với cậu anh trai của mình. Bao nhiêu ẩn uất, bực bội, khó chịu ấy Triều Dương luôn phải kìm nén trong lòng mà ngoài mặt vẫn tỏ ra vui vẻ để làm hài lòng người lớn.

Ở The Bad Kids, trong một hoàn cảnh có vấn đề, bốn nhân vật Trương Đông Thăng, Chu Triều Dương, Nghiêm Lương và Phổ Phổ từ mối quan hệ thù địch dần dần trở nên đồng cảm với nhau lúc nào không hay biết, vì giữa cả bốn đều có chung câu chuyện và điểm chung là những góc khuất bí mật không muốn cho ai biết. Cả Trương Đông Thăng lẫn Chu Triều Dương đều khao khát được sống một cuộc đời bình yên, bỏ qua quá khứ mà làm lại từ đầu. Nhưng thực tế cuộc sống quá đỗi khắc nghiệt liệu có cho họ hoàn thành tâm nguyện đó? Mời quý vị xem phim để hạ hồi phân giải.

Trong sự u ám trải dài xuyên suốt The Bad Kids, tình bạn trong sáng giữa Chu Triều Dương, Nghiêm Lương và Phổ Phổ như mấy viên bi ve trong trẻo khiến người xem đôi khi thấy chạnh lòng mà rơi nước mắt. Vì bạn bè, những đứa trẻ có thể bất chấp làm những điều mình không dám làm lẫn không muốn làm để giúp đỡ khi bạn mình cần. Chính cái ngày Triều Dương mở cửa và đồng ý cho Nghiêm Lương và Phổ Phổ tá túc lại cũng là ngày mà cuộc đời cậu bé mở ra một chương đầy u ám phía trước.

Bên cạnh những phân đoạn cao trào, kịch tính, kinh dị trong The Bad Kids thì vẫn có những quãng lặng rất đẹp của ba đứa trẻ. Đó là nơi góc nhà của Triều Dương khi ba đứa trẻ leo lên mái nhà ngồi chơi. Đó là chiếc thuyền bỏ hoang ngoài bến tàu mà cả ba nằm ngắm nhìn trời trăng sóng nước. Rồi cả những phi vụ ba đứa phối hợp cùng nhau hợp cạ một cách tài tình và đầy sự lém lỉnh.

Xem đến cuối phim, khi đoạn credit chạy lên là hình ảnh thuở nhỏ của các diễn viên tham gia trong phim mang đậm không khí thập niên 1990, khán giả có phần nào lặng đi vì cái kết hết sức ám ảnh và day dứt mãi không nguôi vì tình người, chuyện đời.

Để kết lại bài review, xin mượn một lời bình luận rất hay trên Weibo: “Những người may mắn được chữa lành cả cuộc đời nhờ tuổi thơ của mình, trong khi những người không may thì phải dành cả cuộc đời để chữa lành thời thơ ấu của họ.”

 

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx