Tất cả các cuộc chiến đều vô nghĩa. Trong hàng ngàn năm, con người chọn hủy hoại lẫn nhau như một cách để giải quyết những khác biệt giữa họ. Và khi không xóa sổ được kẻ thù, chúng ta đầu tư nhiều thời gian và sự chú tâm hơn để làm điều đó trong lần chạm trán tiếp theo. (Trích đoạn sách)

Nhắc đến tác giả Malcolm Gladwell, hẳn những bạn nào mê đọc sách đều biết qua những cuốn nổi tiếng của bác này như Điểm bùng phát, Những kẻ xuất chúng, Trong chớp mắt,… với những quy luật điển hình được nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều cuốn sách khác. Cuốn nào của bác Malcolm cũng ngồn ngộn kiến thức và đầy những khám phá mới lạ về những quy luật tâm lý xã hội.

Nhưng nhắc tới đề tài chiến tranh, một tác giả như Malcolm Gladwell cũng viết sách về chiến tranh ư? Nghe thật lạ lẫm, nhưng ít ai biết thủa thiếu thời tác giả từng sinh trưởng ở một nơi mà dấu tích chiến tranh hiện diện khắp nơi, với những câu chuyện mà cha ông và người nhà đã trải qua thời Thế chiến II cũng như những mẩu tin tức ông thường nghe ngày bé trên đài đều xoay quanh chủ đề chiến tranh. Suốt thời trưởng thành, bằng một cách vô thức ông đã đọc qua và tích lũy rất nhiều sách về chiến tranh như một nỗi ám ảnh đeo mang theo thời thơ ấu, để rồi khi tìm được câu chuyện mà mình muốn kể, cuốn sách The Bomber Mafia – Giấc mơ, cám dỗ và đêm dài nhất Thế chiến II đã được ra đời.

Cá nhân mình trước giờ vốn không đam mê đề tài chiến tranh, nhất là chiến tranh thế giới, thứ mình quan tâm về mảng đề tài này có lẽ là những câu chuyện thời hậu chiến và nỗi đau mà những người sống sót sau chiến tranh phải gánh chịu. Bởi vậy nên mình chỉ dám biên tập 2 để hỗ trợ phía sau cho người em đam mê đề tài này hơn mình. Khi Saigon Books mua bản quyền cuốn sách này, đây vốn dĩ cũng là một lựa chọn mạo hiểm vì chiến tranh là một đề tài khó kinh doanh và cũng thử thách người dịch rất nhiều, dù cho tác giả là một người đã quá nổi tiếng.

Câu chuyện tìm người dịch cho cuốn The Bomber Mafia này cũng rất thú vị, khi từ một post sếp mình đăng tuyển công khai tìm người dịch nào quan tâm tới đề tài này, có đến hàng chục người tham gia và cuối cùng Saigon Books tuyển chọn được một cặp người dịch song kiếm hợp bích cũng độc đáo không kém – anh Nguyễn Bình Thành và anh Thới Ngọc Tuấn Quốc, một người là bác sĩ bệnh viện Từ Dũ và một người là giáo viên vật lý trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM. Trong thời gian hai anh dịch cuốn này cũng là lúc Sài Gòn đang giãn cách xã hội, và anh Bình Thành phải vừa tham gia chống dịch tại bệnh viện dã chiến vừa dịch sách như tiến độ đã hẹn với Saigon Books. Nghe thấy thương và nể phục vô cùng.

Tác giả Malcolm Gladwell. Ảnh: wired.com

Thoạt nghe The Bomber Mafia thì độc giả dễ tưởng cuốn sách sẽ khô khan lắm về chuyện không chiến, nhưng với biệt tài kể chuyện, tài phỏng vấn (bác Malcolm xuất thân là nhà báo) và kho dữ liệu đồ sộ tích trữ bao lâu nay, tác giả Malcolm Gladwell đã viết nên một câu chuyện hấp dẫn, gay cấn về chiến tranh y như một bộ phim điện ảnh xoay quanh hạt nhân câu chuyện là hai vị tướng Haywood Hansell và Curtis Lemay – những người từng xem nhau là đối thủ ở đảo Guam. Một người bị thuyên chuyển về nhà, một người ở lại với kết quả sẽ dẫn đến đêm đen tối nhất của Thế chiến II.

Đọc The Bomber Mafia mình mới biết hóa ra đầu thời Thế chiến II, không có chuyện máy bay ngắm mục tiêu ném bom ở đâu là trúng đó, mà không có gì lạ nếu một máy bay ném bom nhắm trượt mục tiêu hoặc thả hết số bom thừa trên đường bay về. Trong một trận chiến, nhiều khi không chiến chỉ đơn giản là thả bom ngẫu hứng và thả cho hết bom và mục tiêu thì trật be bét, dẫn tới những cuộc tàn phá các khu dân cư hết sức tàn nhẫn. Nhờ một thiên tài người Hà Lan với chiếc máy ngắm ném bom tự chế của ông mà các oanh tạc cơ sau này mới có thể ngắm mục tiêu chính xác hơn.

Trong quan điểm không chiến thời kỳ đầu, giới quân sự gọi hoa mỹ những gì họ làm là cách “ném bom tinh thần”, tức ném bom với mục đích phá hủy nhà cửa, các thành phố và giảm dân số của kẻ thù xuống đến mức tuyệt vọng. Và thường họ chỉ thả bom hàng loạt vào ban đêm. Trong khi đó, quan điểm của nhóm Bomber Mafia thì lại mang tính nhân văn và “điên rồ” hơn, khi họ lựa chọn ném bom vào ban ngày và nhắm đến những mục tiêu quá khó để đánh trúng, mà chủ yếu là những cơ sở sản xuất đầu não để làm tê liệt nguồn cung cho chiến tranh và vô hiệu hóa đối thủ.

Dù trong hoàn cảnh chiến tranh mưa bom bão đạn ì xèo như thế, trong sách vẫn có những đoạn hết sức dễ thương hài hước:

Một trong những chị gái của tôi về nhà và quét dọn các mảnh kính vỡ trước nhà, vì tất cả cửa sổ đều bị thổi bay. Chị ấy lại quét chúng ra lề đường. Chị cả của tôi bước ra – đang giữa cuộc không kích nên ngoài đường vẫn chưa an toàn. Và giữa họ đã nổ ra một cuộc cãi vã om sòm vì chị tôi đã đi đôi giày cao gót xịn nhất của chị cả, thứ rất khó kiếm được vào những ngày đó, giống như tất lụa vậy… Bom đạn rơi khắp nơi, còn hai chị tôi đang cãi nhau về một đôi giày trong khi đang quét những mảnh kính vỡ.

Trong thời buổi loạn lạc chiến tranh Nga-Ukraina đang căng thẳng trên chính trường thế giới như thế này thì có lẽ chúng ta cũng cần bắt đầu tìm hiểu về chiến tranh để làm quen với một kiểu “bình thường mới” của thế giới trong những ngày tháng sắp tới.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx